Trì giới là giữ phép, giữ qui củ. Nếu không tuân thủ pháp độ, không tuân thủ qui củ thì không chỉ Phật pháp mà thế gian pháp, bạn muốn thành công cũng khó, chân thật gọi là “bất y qui củ bất thành phương viên”. Chúng ta muốn vẽ một vòng tròn thì phải dùng compa, muốn vẽ một hình vuông thì phải dùng thước cuộn, y qui củ mới có thể vẽ thành vòng tròn, không bị sai. Việc nhỏ của thế gian cũng đều phải tuân thủ theo qui củ thì bạn mới có thành tựu, huống hồ đại pháp xuất thế gian. Do đây có thể biết, người hiện tại học Phật, xuất gia, tại gia tứ chúng đồng tu rất nỗ lực, rất phấn đấu, chuyên cần học Phật pháp, dũng mãnh tinh tấn, ngủ nghỉ đều không đủ, phấn đấu như vậy nhưng tại sao không nhận được hiệu quả? Do không đúng pháp. Không đúng pháp chính là không hiểu được qui củ, cho nên tuy phấn đấu mà vẫn không nhận được hiệu quả, không nắm được trọng điểm. Đây là nhân tố rất quan trọng. Nếu chúng ta không tiêu trừ nhân tố này, vẫn cứ tiếp tục như vậy thì mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, thậm chí đến cả đời vẫn không có thành tựu, như vậy thì thật đáng tiếc! Kỳ thật, lý luận và phương pháp đều ở ngay trong đó, tuy chúng ta mỗi ngày đọc tụng, nghiên cứu, thậm chí giảng giải nhưng chưa thể hội, chưa khế nhập. Chẳng hạn như “hàm cộng tuân tu Phổ Hiền Đại sĩ Chi đức”, chúng ta đã làm hay chưa? “Cụ túc vô lượng hạnh nguyện”, chúng ta có cụ túc hay không? Không cần phải nói làm đầy đủ, mà có thể làm được một phần hay hai phần thì có lợi ích rồi. Nếu như nói không có chút hạnh nguyện nào thì Phật pháp của bạn không có gốc, không có nền tảng. Phía trước tôi đã nói qua với các vị, tam phước, lục hòa là căn bản. Chúng ta không tu học từ căn bản, cho nên tam học, lục độ Bồ Tát vạn hạnh thảy đều trống không, khởi tâm động niệm vẫn cứ là tâm luân hồi, mỗi ngày tạo tác vẫn là nghiệp luân hồi, như vậy thì chúng ta làm sao có thể siêu thoát luân hồi? Không những bạn không thể siêu thoát luân hồi mà ngay đến cầu vãng sanh cũng có chướng ngại, cũng đều không đạt được. Như Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam cuối đời đã nói: “Trong một vạn người niệm Phật, chân thật vãng sanh chỉ có ba đến năm người mà thôi”. Pháp môn này người xưa nói “vạn người tu vạn người đi”, nhưng vì sao một vạn người chỉ có ba đến năm người vãng sanh? Vì tu không đúng pháp, không giữ qui củ, tùy tiện, vậy thì không cách nào. Tùy tiện chính là thả theo phiền não tập khí của chính mình, tùy theo phiền não tập khí của chính mình mà lưu chuyển, nên việc tu học của chúng ta rất khó thành tựu.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Trích Kinh Vô Lượng Thọ Lần 10, năm 1998, tập 13- HT. Tịnh Không chủ giảng
Discussion about this post