TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH KHOA CHÚ 2018 (giảng lần thứ 5)
TẬP 4
Tịnh Không lão Pháp sư chủ giảng.
Giảng ngày: 28 tháng 1 năm 2018
Giảng tại: Chùa Cực Lạc, thành phố Đài Nam, Đài Loan.
Dịch giả: Thích Thiện Trang.
Diễn đọc: Phật tử Thiện Quang.
Kính chào quý vị Pháp sư, quý vị đồng học, mời quý vị an tọa. Mời mở bản kinh trang 138, hàng thứ hai đếm từ dưới lên:
Chúng ta đọc qua văn kinh một lần. 三、本經持名念佛法門,圓滿直捷,方便究竟。一超直入,最極圓頓,以彌陀一乘願海,六字洪名之究竟果覺,作我眾生之因心,以果為因,因果同時,從果起修,即修即果,心作心是,不可思議。 “Tam, bổn kinh trì danh niệm Phật pháp môn, viên mãn trực tiệp, phương tiện cứu cánh. Nhất siêu trực nhập, tối cực viên đốn, dĩ Di Đà nguyện Hải. Lục tự hồng danh chi cứu cánh quả giác, tác ngã chúng sanh chi nhân tâm, dĩ quả vi nhân, nhân quả đồng thời, tùng quả khởi tu, tức tu tức quả, tâm tác tâm thị, bất khả tư nghì. ”(Thứ ba, pháp môn của kinh này là trì danh niệm Phật, là pháp môn viên mãn nhanh chóng thẳng tắp, phương tiện rốt ráo. Nhất siêu trực nhập, tối cực viên đốn, lấy nhất thừa nguyện hải của đức Di Đà, và sáu chữ hồng danh của quả giác cứu cánh, làm chỗ nương tựa cho tâm của chúng sanh chúng ta, lấy quả làm nhân, nhân quả đồng thời, từ quả khởi tu, ngay khi tu cũng chính là quả, dụng tâm được như vậy, thì không thể nghĩ bàn).
Niệm Lão có hội kinh, có chú giải, phía trước Ngài đã đem bản hội tập bộc lộ ra rồi, nói rõ pháp môn của bộ đại kinh này, chính là trì danh niệm Phật là pháp môn nổi tiếng trong nhà Phật. Pháp môn này thù thắng, những câu tiếp theo là nói rõ ràng ra, thứ nhất là pháp môn viên mãn nhanh chóng thẳng tắp. Viên mãn rất khó tưởng tượng, tại sao vậy? Vì viên mãn không có khiếm khuyết, một chút khiếm khuyết cũng đều không có, mãn là đầy đủ, đáp ứng đầy đủ sự mong cầu của tất cả chúng sanh khắp biến pháp giới hư không giới. Nhanh chóng thẳng tắp, và thỏa đáng. Viên mãn nhanh chóng thẳng tắp là viên mãn chứng được quả vị Phật. Có phải là thật hay không? Là thật, một chút cũng không giả. Cả đời Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh nói pháp 49 năm, trong tất cả kinh Ngài đã thuyết, thì bộ kinh này là viên mãn nhất, thẳng tắp nhất, phương tiện nhất, rốt ráo nhất.
Trong chú giải Kinh Vô Lượng Thọ của Cư sĩ Bành Tế Thanh, mà Ngài Hoàng Niệm Tổ trích dẫn ra tại đây.《無量壽經》乃淨宗之總綱。我國清代彭紹升居士讚曰“Vô Lượng Thọ Kinh nãi Tịnh-tông chi tổng cương. Ngã quốc Thanh đại Bành Thiệu Thăng Cư sĩ tán viết”(Kinh Vô Lượng Thọ là cương lĩnh chung của Tịnh-tông. Cư sĩ Bành Thiệu Thăng đời nhà Thanh khen rằng). Cư sĩ Bành Tế Thanh có thành tựu vô cùng thù thắng, hoàn cảnh gia đình của Ngài tốt, không cần phải đi làm, Ngài đem tất cả thời gian dùng cho việc học Phật, thành tựu Phật pháp của Ngài không thua gì chư vị Tổ sư Đại đức. Ngài có chú giải cho Kinh Vô Lượng Thọ, trong chú giải ấy khen rằng, lời khen ngợi này rất hay, 無量壽經者,如來稱性之圓教,眾生本具之化儀“Vô Lượng Thọ Kinh giả, Như Lai xứng tánh chi viên giáo, chúng sanh bổn cụ chi hóa nghi”(Kinh Vô Lượng Thọ là, viên giáo xứng tánh của Như Lai, là cách thức hóa độ chúng sanh trở về bản tánh vốn sẵn có). Hai câu nói này rất quan trọng! Xứng tánh, tức là từ Tự-tánh lưu xuất ra, viên giáo, viên là viên mãn, giáo là giảng dạy. Vậy thì dễ dàng hiểu rõ rồi.
Đại sư Đạo Ẩn người Nhật Bản tán thán bộ kinh này: 如來興世之正說,奇特最勝之妙典;一乘究竟之極說,速疾圓融之金言;十方稱讚之誠言,時機純熟之真教也。“Như Lai hưng thế chi chánh thuyết, kỳ đặc tối thắng chi diệu điển; nhất thừa cứu cánh chi cực thuyết, tốc tật viên dung chi kim ngôn; thập phương tán thán chi thành ngôn, thời cơ thuần thục chi chân giáo dã”(là chánh thuyết xuất thế của đức Như Lai, là kỳ lạ đặc biệt tối thắng của diệu điển; lời giảng đến tột cùng của pháp cứu cánh nhất thừa, là lời vàng nhanh chóng chứng viên dung; lời khen ngợi chân thật của mười phương Như Lai, là chân giáo của chúng sanh khi thời tiết cơ duyên đã chín muồi vậy) . Mấy câu nói này rất quan trọng. Đối với những lời nói của mấy câu vừa rồi, chúng ta hãy quay lại mà xem xét chính mình, có tương ưng cùng với những lời ấy không? Nếu như tâm hạnh của chúng ta tương ưng với chữ chữ câu câu của những lời nói ấy, vậy thì có thể nói: đời này chúng ta nhất định vãng sanh thành Phật.
Yêu cầu của vào cửa Phật pháp là nhìn thấu, buông xuống. Nhìn thấu là đối với những thật tướng phải hoàn toàn thông đạt rõ ràng, thì sau đó mới thật sự buông xuống được. Vì sao mà không buông xuống được? Vì không nhìn thấu. Cho rằng tất cả pháp của thế gian này là thật, nên khởi lên tham luyến rất nặng đối với thế gian pháp. Dù đã học kinh điển Đại-thừa, nhưng nếu không nhìn thấu, thì khẳng định vẫn là không buông xuống. Hay nói cách khác, dù tu được tốt, nhưng biến thành phước báo của thế gian; tu hành không tốt, vẫn không ra khỏi tam đồ, thật vô cùng đáng tiếc. Trình độ lý giải của chúng ta đối với bộ kinh này, chính là ở một câu nhìn thấu này, chúng ta lý giải được bao nhiêu, thì đoạn văn kinh này nói được rất hay.
Như Lai hưng thế tức là Như Lai xuất hiện ở thế gian, Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện ở địa cầu này, vào hơn hai ngàn năm trước, đó là chánh thuyết của lần đến thế gian này. Phật đến thế gian này, thị hiện tám tướng thành đạo, sau khi thành đạo, thì giảng kinh dạy học, phổ độ chúng sanh, đó gọi là Phật sự. Phật sự, Phật đến thế gian này để làm những việc cần làm của Ngài, Ngài thị hiện tám tướng thành đạo, rộng độ tất cả chúng sanh đã chín muồi, đó gọi là Phật sự.
Kỳ lạ đặc biệt tối thắng của diệu điển, đây là chỉ cho Kinh Vô Lượng Thọ, cũng bao gồm cả Kinh Quán Vô Lượng Thọ và Kinh A Di Đà, đó là Tịnh-độ tam kinh. Ba kinh này đều là kỳ lạ đặc biệt tối thắng của diệu điển. Học hết cả ba kinh, thì tốt; nếu không có thời gian, không có điều kiện thuận lợi, thì chọn một kinh nào trong ba kinh ấy học đều tốt cả. Mục tiêu cuối cùng của ba bộ kinh này đều là Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, nhưng phổ biến nhất là Kinh A Di Đà. Là cứu cánh ngay trong cứu cánh, là phương tiện ngay trong phương tiện, nói như thế nào? Ba bộ kinh này, mà đem so sánh với tất cả kinh của Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng, bất kể là bộ kinh nào, thì ba kinh này đều là xứng tánh cực đàm.
Ba kinh này là chân giáo của thời cơ chín muồi. Chính trong chú giải này đã khen ngợi, là cực thuyết của cứu cánh Nhất-thừa. Nhất-thừa tức là Phật-thừa, Nhị-thừa là gồm Thanh-văn và Bồ-tát, Tam-thừa là gồm Thanh-văn, Duyên-giác và Bồ-tát. Tịnh-độ là pháp Nhất-thừa. Bộ kinh điển dạy quý vị trực tiếp thành Phật thì gọi là Nhất-thừa-giáo. Nhất-thừa-giáo chỉ có ba bộ kinh, đã vừa mới nói, đều siêu vượt cả Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Pháp Hoa. Hai bộ kinh này cũng là Nhất-thừa, nhưng không thù thắng như vậy, vì dung lượng quá lớn, nghĩa lý lại rất sâu, hàng sơ học không thể học được. Còn ba bộ kinh Tịnh-tông này quá thù thắng, không cần phải là căn cơ đặc biệt, mà chỉ cần thật tin nguyện thiết, thì người người đều có thể thành tựu. Nên nói là nhanh chóng chứng viên dung. Là lời vàng, là chân ngôn. Chân ngôn thì không thể sửa đổi, cho nên xưng là lời vàng vậy.
Mười phương khen ngợi, là chư Phật mười phương, gồm quá khứ, hiện tại và vị lai, mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai, không có vị Phật nào là không tán thán. Khen ngợi của quý Ngài, mục đích là gì? Mục đích là giúp chúng ta, hàng hậu học chúng ta nghe được khen ngợi thì trong tâm hoan hỷ, sanh khởi tâm chân thành cung kính, mà tiếp nhận bộ đại kinh này, dụng ý của quý Ngài là tại chỗ ấy.
Thời cơ chín muồi, câu này vô cùng quan trọng. Thời cơ chín muồi khó, thời cơ chúng ta đã chín muồi chưa? 84 ngàn pháp môn, ba tạng mười hai bộ kinh điển, bất cứ là pháp môn nào, bất kể là kinh điển nào, đối với chúng ta mà nói đều là vô cùng chưa thành thạo, khoảng cách còn rất xa rất xa, tu học rất là khó khăn. Ba bộ kinh này: Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Kinh A Di Đà, là ba bộ kinh rất đặc biệt, rất thù thắng. Vì sao vậy? Bởi chỉ cần chúng ta tin tưởng, tin lời giáo huấn của Phật ở trong kinh điển, chữ chữ câu câu của Phật thuyết đều là chân ngôn, không có câu nào là lừa dối chúng ta, mà là chân ngôn. Chúng ta phải biết, phải cảm ơn Phật. Đầy đủ tín, tiếp theo là nguyện, tức tôi nguyện sanh Tịnh-độ, tôi mong muốn đến Thế Giới Cực Lạc thân gần A Di Đà Phật, theo lời của Đại sư Ngẫu Ích nói với chúng ta, thì điều kiện vãng sanh Thế Giới Cực Lạc của quý vị như vậy là thành tựu rồi. Như vậy gọi là thời cơ chín muồi, quyết định quý vị vãng sanh. Chỉ cần một niệm sau cùng lúc lâm chung là A Di Đà Phật, cầu sanh Tịnh-độ, thì Phật liền đến tiếp dẫn quý vị, dìu dắt quý vị đi đến Thế Giới Cực Lạc. Đây là lời thật, không phải là giả, mà là lời thành thật.
Ngày nay chúng ta đã gặp được rồi, mà sự gặp được này lại là viên mãn thù thắng, đây là đặc biệt chỉ cho bản hội tập của Lão Cư sĩ Hạ Liên Cư, hiếm có ngay trong hiếm có, thù thắng nhất ở trong thù thắng, đây là chân giáo. Nếu như chúng ta có thể tiếp nhận được mấy câu giáo huấn này, đối với những lời giáo huấn này của Cư sĩ Bành Tế Thanh, mà một chút hoài nghi cũng đều không có, như vậy thì có thể nói thời cơ của quý vị đã chín muồi rồi, cơ duyên của quý vị đã thành thục rồi. Nói được hay!
Tiếp theo là lời của cậu ngài Hoàng Niệm Tổ, tức là lời tán thán đối với bộ kinh này của Lão Cư sĩ Mai Quang Hy. Đây cũng là một vị Đại đức trong nhà Phật chúng ta vào những năm đầu Dân Quốc, mọi người biết Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam ở Đài Trung, thầy của Ngài Lý Bỉnh Nam là Mai Quang Hy, cũng là cậu của Lão Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ. Gia học Ngài thù thắng, được sự hun đúc Phật pháp từ nhỏ, thành tựu cả đời thù thắng, tông môn giáo hạ, hiển mật viên dung. Ở thế gian hiện nay, khó tìm được người như vậy nữa. Tính ra chúng tôi cũng có duyên phận với Ngài, đã gặp mặt mấy lần, gặp được giáo huấn của Ngài. Đó là vị lão nhân, tông môn giáo hạ, hiển mật viên dung, là đại thiện tri thức của Phật môn. Tính ra tôi còn rất may mắn, được quen biết Ngài ở tại nước Mỹ, lúc Ngài đã lớn tuổi. Sau đó, mỗi năm tôi đều muốn đến Bắc Kinh mấy lần, là để thân gần với Niệm Lão. Ngài giúp tôi tăng trưởng tín tâm, đối với hàng hậu học như tôi mà nói, Ngài thương yêu che chở vô cùng chu đáo, hiếm có khó gặp.
Ngài cũng khen ngợi bản hội tập này, bản hội tập của ngài Hạ Liên Cư, Lão Cư sĩ tán thán, quý ngài cũng là đồng tham, bạn cũ với nhau. Ngài Mai Quang Hy nói, bộ kinh này là 如來稱性之極談“Như Lai xứng tánh chi cực đàm” (cực đàm xứng tánh của Như Lai). Chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa của câu nói này. Xứng tánh là từ Tự-tánh, từ Chân-như Tự-tánh mà lưu lộ ra, cực đàm tức là lời thật, một tơ hào hư dối cũng đều không có, toàn là lời thật. Nên xưng là 一乘了義,萬善總門“nhất thừa liễu nghĩa, vạn thiện tổng môn”(nhất thừa liễu nghĩa, tổng pháp môn của vạn thiện), quý vị thấy, như vậy thì chúng ta có muốn học tập không? Đó là nhất thừa liễu nghĩa.
眾生本具之化儀“chúng sanh bổn cụ chi hóa nghi”( là cách thức hóa độ chúng sanh trở về bản tánh vốn sẵn có), câu nói này rất quan trọng. 儀Nghi (cách thức) tức là phương pháp, bản tánh của tất cả chúng sanh vốn đầy đủ. Trên kinh Đại-thừa nói, tất cả chúng sanh vốn đã là Phật, đây tức là cách thức hóa độ chúng sanh trở về bản tánh vốn sẵn có, cách thức của giáo hóa, ngày nay chúng ta gọi là phương pháp dạy học, quy củ của dạy học, Tự-tánh chúng sanh vốn đã đầy đủ, chỉ vì chúng ta đã mê mất Tự-tánh, khiến Tự-tánh vốn đầy đủ đã bị ngăn che rồi.
Nhất-thừa liễu nghĩa, phía trước đã nói qua rồi, đây là pháp Nhất-thừa. Nhất-thừa là pháp thành Phật, Nhị-thừa là Thanh-văn và Bồ-tát, Tam-thừa là Bồ-tát, Bích-chi-Phật và A-la-hán, đây là pháp Nhất-thừa, là liễu nghĩa ở trong pháp Nhất-thừa.
Tổng pháp môn của vạn thiện, chúng ta muốn học pháp Nhất-thừa, chúng ta muốn tu vạn thiện, thì tu học ở đâu? Là ở tại sáu chữ: Nam Mô A Di Đà Phật. Thì vô cùng đơn giản, thẳng tắp trực tiếp, là đã đi đường thẳng, không đi đường vòng, là tổng pháp môn của vạn thiện. Chúng ta liền hiểu rõ rồi, tu pháp môn nào là vạn thiện? Đó là niệm A Di Đà Phật. Tu pháp môn nào là Nhất-thừa liễu nghĩa? Đó là tín nguyện trì danh, là bốn chữ này.
Lại nói, 淨土群經百數十部之綱要“Tịnh-độ quần kinh bách số thập bộ chi cương yếu”(Là chủ chốt của hơn một trăm mấy chục bộ kinh Tịnh-độ), bộ kinh này là chủ chốt của hơn một trăm mấy chục bộ kinh Tịnh-độ, tên các bộ kinh đó đều có ở trong bộ chú giải này. Phần sau bộ chú giải này có, Niệm lão đã làm phần mục lục tham khảo của chú giải, gần 200 bộ kinh luận, là hơn 190, gần 200 bộ kinh sách. Đọc bộ chú giải này của Ngài, thì cũng như đem sự khen ngợi đối với Tịnh-độ tông, tâm đắc tu học của Tổ sư Đại đức báo cáo ra rồi. Từ nội dung của hơn 190 bộ sách Ngài đã trích vào trong bộ chú giải này. Cũng giống như vua Đường Thái Tông làm thành bộ Quần Thư Trị Yếu vậy, mục đích của vua là trị quốc, bình thiên hạ, còn mục đích của chúng ta là siêu thoát lục đạo luân hồi, siêu vượt mười pháp giới, đến Thế Giới Cực Lạc để làm Phật, làm Bồ-tát. Quá thù thắng rồi, là chỉ quy của một đại tạng giáo, quy là trở về trước, trở về nhà. Còn nhất đại tạng giáo thì hiện nay nói là Đại-tạng-kinh, tổng kết Đại-tạng-kinh lại, thì có hay không một bộ kinh có thể đại biểu cho toàn bộ Đại-tạng-kinh? Có, chính là bộ kinh này, bộ kinh này có thể đại biểu cho toàn bộ Đại-tạng-kinh.
諸賢所以盛讚此經“chư hiền sở dĩ thịnh tán thử kinh”(sở dĩ quý bậc hiền đức cực kỳ khen ngợi kinh này), tại sao mọi người đều tán thán bộ kinh này? 蓋以本經持名念佛法門,圓滿直捷“cái dĩ bổn kinh trì danh niệm Phật pháp môn, viên mãn trực tiệp”(bởi vì pháp môn của kinh này là trì danh niệm Phật là viên mãn thẳng tắp nhanh chóng), không đi lòng vòng, 方便究竟,一超直入,最極圓頓“phương tiện cứu cánh, nhất siêu trực nhập, tối cực viên đốn”(là phương tiện cứu cánh, nhất siêu trực nhập, tối cực viên đốn), viên là viên mãn, đốn là nhanh chóng vượt trội, bộ kinh này đầy đủ rồi. 以彌陀一乘願海,六字洪名之究竟果覺“dĩ Di Đà Nhất-thừa nguyện hải, lục tự hồng danh chi cứu cánh quả giác”(lấy biển nguyện Nhất-thừa của đức Di Đà và sáu chữ hồng danh của quả giác cứu cánh). Phần sau này đem nói ra, vì nói ra thì chúng ta mới có niềm tin. Chúng ta chưa có hiểu rõ ràng, nhưng sau khi nghe lời nói của Tổ sư Đại đức, thì hiểu rõ ràng rồi, nghĩa lý quá sâu, chúng ta không thể lý giải, nên tín nguyện có thiếu khuyết, không thể đầy đủ. Mai lão từ bi, vì chúng ta mà nói ra, bộ kinh này là thù thắng đến cứu cánh, chính ở tại mấy câu nói này. Là lấy biển nguyện Nhất-thừa của A Di Đà Phật, 48 nguyện, Nam Mô A Di Đà Phật, 48 nguyện cộng thêm một câu Phật hiệu này, cứu cánh quả giác, quả giác tức là thành Phật. Trong thành Phật cũng có có đẳng cấp, tầng bậc không giống nhau. Bổn nguyện cộng với một câu Phật hiệu này, thì cứu cánh viên mãn rồi. Nên Tổ sư Đại đức tán thán đến tột cùng đối với bộ kinh này, đó chính là cực kỳ khen ngợi kinh này, cũng chính là khen ngợi pháp môn trì danh niệm Phật.
圓滿直捷,方便究竟,一超直入,最極圓頓,以彌陀一乘願海,六字洪名的究竟果覺,作我眾生之因心“phương tiện cứu cánh, nhất siêu trực nhập, tối cực viên đốn, dĩ Di Đà Nhất-thừa nguyện hải, lục tự hồng danh chi cứu cánh quả giác, tác ngã chúng sanh chi nhân tâm”(là phương tiện cứu cánh, nhất siêu trực nhập, tối cực viên đốn, lấy biển nguyện Nhất-thừa của đức Di Đà và sáu chữ hồng danh của quả giác cứu cánh làm chỗ nương tựa cho tâm của chúng sanh chúng ta). Ngày nay chúng ta tu thế nào? Là niệm Phật. Niệm A Di Đà Phật, quả giác cứu cánh, quả giác cứu cánh tức là một câu A Di Đà Phật. A Di Đà Phật tức là quả giác cứu cánh của A Di Đà Phật, làm chỗ nương tựa tâm, nhân địa tâm của chúng ta. 以果為因,因果同時,從果起修,即修即果,心作心是,不可思議“dĩ quả vi nhân, nhân quả đồng thời, tùng quả khởi tu, tức tu tức quả, tâm tác tâm thị, bất khả tư nghì”( Lấy quả làm nhân, nhân quả đồng thời; từ quả khởi tu, nên tu cũng chính là quả. Tâm làm được như tâm ấy, thì không thể nghĩ bàn), tâm này là Phật, tâm này làm Phật. Cần ghi nhớ kỹ mấy câu này, thì chúng ta sẽ không bị thoái tâm, sẽ không giải đãi lười biếng, bất kể đời này ra sao đều phải cầu sanh Tịnh-độ. Vì chỉ có cầu sanh Tịnh-độ, thì sự học Phật của chúng ta mới đạt đến viên mãn cứu cánh. Hay nói cách khác, chúng ta vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, thì đạt đến cứu cánh viên mãn của Phật quả, đó là sự thật, không phải là giả. Tâm này làm Phật, tâm này là Phật, tu nhân tương đương với chứng quả, chứng quả đồng thời với tu nhân.
Đoạn tiếp theo, trong sách Di Đà Yếu Giải của Đại sư Ngẫu Ích, hai quyển sách này là bảo điển của Tịnh-tông, Yếu Giải là do Đại sư Ngẫu Ích viết, còn Sớ Sao là tác phẩm của Đại sư Liên Trì, sách Yếu Giải của ngài Ngẫu Ích, và sách Sớ Sao của ngài Liên Trì, là chú giải quan trọng nhất của Kinh A Di Đà. Trong sách Yếu Giải nói, 一聲阿彌陀佛“nhất thanh A Di Đà Phật”(một tiếng A Di Đà Phật ), tức là Thích Ca Mâu Ni Phật, 釋迦本師於五濁惡世所得之阿耨多羅三藐三菩提法“Thích Ca bổn sư ư ngũ trược ác thế sở đắc chi A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-Bồ-đề pháp”( chính là pháp để đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-Bồ-đề của đức Bổn Sư Thích Ca trong đời ác Ngũ Trược). Lời này chưa có người nói qua, chỉ Đại sư Ngẫu Ích nói ra thôi.
Bốn chữ A Di Đà Phật, cộng thêm Nam Mô, thành sáu chữ, ý nghĩa của Nam Mô là cung kính, lễ bái. Một tiếng A Di Đà Phật, không nhiều, đây là gì? Đây là Thích Ca Mâu Ni Phật ở thế gian này, trên quả địa cầu chúng ta, lúc hơn 2500 năm trước, đắc được pháp A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-Bồ-đề. Chín chữ này là dịch âm, là dịch âm của Phạn văn, A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-Bồ-đề là Phạn văn. Dịch thành ý nghĩa Trung Hoa, thì A-nậu-đa-la dịch thành Vô-thượng, 阿“A”(A), chữ A của địa phương ấy, dịch thành ý nghĩa Trung Hoa là vô, 耨多羅“nậu-đa-la”( nậu-đa-la), dịch là thượng, thành Vô-thượng, còn Tam-miệu Tam-Bồ-đề, thì三菩提“Tam-Bồ-đề”(Tam-Bồ-đề) là Chánh-giác, còn三藐“Tam-miệu”(Tam-miệu) là Chánh-đẳng, chúng ta dịch thành pháp của Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác là thành Phật, đây là xưng hô đối với Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật đã thành Phật, Ngài chứng được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-Bồ-đề pháp. Hiện tại đem A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-Bồ-đề pháp của Ngài đã chứng được truyền thọ cho tất cả chúng sanh trong đời trược ác, ngũ trược, tức chỉ cho chúng sanh trên địa cầu chúng ta, vô cùng quý hóa! Rất khó được như thế! Chúng ta có duyên gặp được rồi, hy vọng chúng ta có được một chút trí huệ, không bị mê hoặc, đem cơ duyên này nắm cho thật vững, nắm cho thật chắc.
Hiện nay đời loạn, loạn đến tận cùng, nơi nào trên thế giới này an toàn? Tìm không được nơi an toàn. Sống ở thế gian này rất đáng thương, rất bi thảm, chính mình phải nhận thức rõ ràng. Nhận thức rõ ràng rồi, thì chúng ta mới buông xả thế giới này, chúng ta vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc. Những dạng động loạn như trên địa cầu này, ở Thế Giới Tây Phương Cực Lạc không có, ở nơi ấy, A Di Đà Phật ở tại đó giáo hóa chúng sanh. A Di Đà Phật vô lượng thọ, tất cả người vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc, mỗi người cũng đều vô lượng thọ, có thời gian dài như vậy, để bảo đảm quý vị một đời viên mãn thành Phật ở Thế Giới Cực Lạc. Nên phải nắm cho chắc, cơ hội hiếm có khó gặp này. Phật pháp khó được nghe, mà chúng ta lại nghe được Tịnh-độ, nghe được Kinh Vô Lượng Thọ, nghe được A Di Đà Phật, đầy đủ cả. Tất cả pháp mà Thích Ca Mâu Ni Phật đã thuyết trong 49 năm, cũng không vượt hơn pháp môn này, nay Ngài trao chuyển toàn bộ cho chúng ta, chúng ta phải tiếp nhận tất cả, như vậy thì đúng rồi.
Chúng ta xem hàng cuối cùng bên dưới. Lại nói, 舉此體“cử thử thể”(lấy thể này), tức là Pháp-giới-thể, A Di Đà Phật, và sát-độ của mười phương chư Phật, đều từ Pháp-giới-thể mà hiện ra. Lại nói, 舉此體(指法界體)作彌陀身土“cử thử thể (chỉ Pháp-giới-thể) tác Di Đà thân độ”(lấy thể này, tức chỉ cho Pháp-giới-thể làm thân và quốc độ của đức Di Đà), thân của A Di Đà Phật là Pháp-giới-thân, còn Thế Giới Cực Lạc là Pháp-tánh-độ. 亦即舉此體作彌陀名號“diệc tức cử thử thể tác Di Đà danh hiệu”(cũng tức là lấy thể này làm thành danh hiệu Di Đà ). Lại nói cho quý vị gần gũi một chút, thể này quá lớn rồi, chúng ta không dò xét được biên giới, Tổ sư Đại đức từ bi, Đại sư Ngẫu Ích từ bi, danh hiệu chính là, danh hiệu của A Di Đà Phật vậy. 是故彌陀名號即眾生本覺理性“cố Di Đà danh hiệu tức chúng sanh bổn giác lý tánh”(nên danh hiệu Di Đà tức là bổn giác lý tánh của chúng sanh). Bổn giác của chánh sanh từ đâu đến? Là Tự-tánh vốn tự đầy đủ, danh hiệu Di Đà tức là bổn giác lý tánh của chúng sanh, chính là lý thể. Chúng ta niệm một câu Nam Mô A Di Đà Phật này, chính là niệm lý thể của Tự-tánh chính chúng ta. Rất hay! 可見此經正是如來稱性極談“khả kiến thử kinh chánh thị Như Lai xứng tánh cực đàm”(có thể thấy kinh này chính là lời giảng xứng tánh đến tột cùng của Như Lai). Bộ kinh này, Như Lai, Thích Ca Như Lai, Di Đà Như Lai, tất cả mười phương ba đời Như Lai, đều giảng xứng tánh đến tột cùng. Chúng ta phải tin tưởng, không nên nghi ngờ.
Chúng ta lật qua trang để xem, Yếu Giải của Đại sư Ngẫu Ích, Niệm Lão đem những văn chữ này đều chép vào đây. 彌陀要解曰:一聲阿彌陀佛,即是釋迦本師於五濁惡世所得之阿耨多羅三藐三菩提法。 “Di Đà Yếu Giải viết: nhất thanh A Di Đà Phật, tức thị Thích Ca Bổn sư ư ngũ trược ác thế sở đắc chi A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-Bồ-đề pháp”(Sách Di Đà Yếu Giải chép: một tiếng A Di Đà Phật, chính là pháp để đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-Bồ-đề của đức Bổn Sư Thích Ca trong đời ác ngũ trược). Một tiếng A Di Đà Phật này, chính là pháp để đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-Bồ-đề của đức Bổn Sư Thích Ca trong đời ác ngũ trược. Ý nghĩa của câu nói này là gì? Đức Thích Ca đã thành Phật rồi, Ngài làm sao để thành Phật? Là niệm Phật hiệu A Di Đà Phật để thành Phật. Ngày nay chúng ta tu, là cùng một pháp môn tu với Thích Ca Mâu Ni Phật, Ngài đem sở học của Ngài truyền trao cho chúng ta, nên chúng ta cần nỗ lực nghiêm túc niệm tốt câu Phật hiệu này.
Cách niệm thế nào? Tin thật có Thế Giới Cực Lạc, không phải là giả. Thật sự tin, không được có tơ hào hoài nghi, rằng Thế Giới Cực Lạc có A Di Đà Phật. Từng li từng tí của Thế Giới Cực Lạc, xác xác thực thực, là được miêu tả trong văn kinh và chú giải Kinh Vô Lượng Thọ. Đời này chúng ta đã gặp được rồi, đây là một ngày hiếm có khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay, nên không thể coi thường, xem thường bỏ lỡ thì cơ hội của quý vị sẽ mất đi, nên phải nghiêm túc, nắm cho thật chắc. Chúng ta tin tưởng, không hoài nghi, chúng ta niệm Phật không thoái chuyển, nhất tâm nhất ý mà niệm. Lần đến thế gian này, chúng ta được thân người, đã nghe được Phật pháp, chủ yếu là làm gì? Chính là cầu sanh Thế Giới Cực Lạc. Không nên quyết định đợi đến đời sau, thời gian còn dài, không vội. Tôi đến Thế Giới Cực Lạc trước, tôi hy vọng đến Thế Giới Cực Lạc sớm một chút. Quyển kinh này là bảo chứng thư của vãng sanh Thế Giới Cực Lạc, chỉ cần quý vị y giáo phụng hành, thì không có một ai là không vãng sanh, không có người nào là bỏ lỡ cả, tất cả đều thành tựu.
Đây là諸佛所行境界,唯佛與佛能究盡,非九界自力所能信解“chư Phật sở hành cảnh giới, duy Phật dữ Phật năng cứu tận, phi cửu giới tự lực sở năng tín giải”( cảnh giới sở hành của chư Phật, chỉ Phật với Phật mới có thể hiểu cùng tận được, còn cửu giới chúng sanh dùng sức chính mình chẳng có thể tin hiểu được). Đây là lời thật, câu câu đều là lời thật. Chúng sanh của chín pháp giới, dựa vào chính mình thì không thể lý giải được, không thể tin tưởng được. Vậy chúng ta làm sao có thể tin tưởng? Chúng ta làm sao có thể lý giải? Chúng ta dựa vào Phật lực gia trì. Nếu không phải là sự gia trì của oai thần Phật Bồ-tát, và Tổ sư Đại đức đem sở kiến, sở văn, công đức của sở tu, viết thành văn chữ, truyền đến ngày nay, chúng ta xem thấy được rồi, thật quá khó được, quá hy hữu, quá may mắn rồi! Nên nhất định không được lơ là, không được bỏ lỡ, chúng ta có thể tin, có thể hiểu, chúng ta có thể niệm câu Phật hiệu này, hy vọng công phu niệm Phật của mọi người chúng ta, trong cả sáu thời không gián đoạn, suốt 24 giờ không ngừng dứt. Khi mới bắt đầu tập, ban đêm đi ngủ, thì quên mất, khi thức dậy, thì tiếp tục niệm, khi dưỡng thành thói quen rồi, thì trong mộng cũng niệm Phật. Có người như vậy không? Có, trong sách Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, và sách Vãng Sanh Truyện có ghi lại. Niệm thành thục rồi, nên trong mộng cũng niệm Phật, có đạo lý hạng người như vậy mà không vãng sanh ư? Chắc chắc vãng sanh.
Tôi đã gặp được bộ kinh này, bộ chú giải này. Lão sư trao cho tôi, tôi gặp được rồi, thì tôi liền đem Kinh Hoa Nghiêm buông xả. Trước đó tôi đang giảng Kinh Hoa Nghiêm, đại khái đã giảng được một phần tư, vẫn chưa đến một nữa, thì gặp được bộ kinh này, liền thay đổi. Vì sao vậy? Bởi Kinh Hoa Nghiêm quá lớn, không nắm chắc, còn bộ kinh này ngắn, phân lượng ít, có thể nắm chắc. Việc mà không nắm chắc thì không nên làm, không nên mạo hiểm. Có thể nắm chắc, an toàn ổn định, đó là chúng ta niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, thì đúng rồi.
Cho nên, 可見此經“khả kiến thử kinh”(có thể thấy kinh này), thật thật tại tại là大悲慈父如來世尊稱性極談,諸佛秘藏,和盤托出“Đại bi từ phụ Như Lai Thế Tôn xứng tánh cực đàm, chư Phật bí tạng, hòa bàn thác xuất”( lời giảng xứng tánh đến tột cùng của đấng đại từ bi phụ Như Lai Thế Tôn, là đem phơi bày ra hết kho tàng bí mật của chư Phật). Câu này nói được hay, nói được quá hay rồi! 且此念佛法門“thả thử niệm Phật pháp môn”(vả lại pháp môn niệm Phật này), chính là cách thức hóa độ chúng sanh trở về Bản-tánh vốn sẵn có. Một câu Phật hiệu này, như sách Yếu Giải nói, chính là Bổn-giác lý tánh của chúng sanh, lời này bình thường đều không thể nghe được, mà chúng ta gặp được rồi thì niệm qua nhiều lần, không nên để quên, vì những lời ấy thường đang dẫn đường cho chúng ta, là phương hướng của Thế Giới Cực Lạc, là ngọn đèn soi đường của Thế Giới Cực Lạc, mang chúng ta đến với ánh sáng.
Thời gian hôm nay đã hết rồi, chúng ta học tập đến đây thôi.
( Hết tập 4)
Nguyện đem công đức này
Trang nghiêm Phật Tịnh-độ
Trên đền bốn ơn nặng
Dưới cứu khổ tam đồ
Nếu có ai thấy nghe
Đều phát tâm Bồ-đề
Hết một báo thân này
Đồng sanh nước Cực Lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Discussion about this post