Trưa hôm qua tôi từ Úc châu trở về. Hôm kia ở Toowoomba bắt đầu khóa tu Phật thất. Lần này mọi người phát tâm khởi tu mười Phật thất, cũng chính là bảy mươi ngày, hai mươi bốn giờ chấp trì danh hiệu không gián đoạn. Đây là một nhân duyên rất hy hữu. Tôi đến bên đó để chủ trì khai mạc lễ “Sái Tịnh”, khích lệ các đồng tu phải cố gắng niệm Phật.
Hiện nay mọi người đều biết thế gian có tai nạn, tai nạn chắc chắn là có. Chúng ta từ trong Phật pháp học được rất nhiều đạo lý, căn cứ vào những đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật. Phật nói nguyên lý, nguyên tắc cho chúng ta là: “Tâm sanh thì các pháp sanh, tâm diệt thì các pháp diệt”; “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Những lời khai thị này, các đồng học đều nghe rất quen, nhưng mà nghĩa lý ở trong đây rất sâu xa, rất không dễ dàng thể hội được. Nếu như thật sự thể hội được, thật sự sáng tỏ chân tướng sự thật thì tất cả vấn đề của thế xuất thế gian, đều có thể giải quyết dễ dàng.
Phật Bồ Tát thị hiện ở thế gian, việc giúp đỡ chúng sanh phá mê khai ngộ là vấn đề chủ yếu, những việc khác đều là thứ yếu. Tại sao vậy? Bởi vì chúng sanh đã mê mất tự tánh, cho nên mới chiêu cảm đến khổ nạn vô tận. Nếu một khi giác ngộ rồi, đó thật sự là giống như trong bạch y thần chú gọi là “tất cả tai ương hóa thành bụi”. Đây là sự thật. Cho nên Phật pháp dạy học, ở trong tông chỉ ban bố thông thường là hai câu nói: “Phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui”. Lìa khổ được vui là nói từ trên quả. Phá mê khai ngộ là nói từ trên nhân. Chúng ta học Phật, nhất định phải lấy Phật làm mẫu mực, lấy Tổ sư đại đức làm điển hình. Học Phật phải giống một vị Phật, học Bồ Tát phải giống Bồ Tát, điểm này là quan trọng hơn cả. Có không ít đồng tu đến nói với tôi: “Thưa pháp sư! Khó quá, không dễ dàng làm được”. Nhưng mà Tổ sư đại đức nói với chúng ta, sự việc này nói khó mà không khó, nói dễ mà không dễ. Lời này nói đúng trọng tâm, nói rất hay. Tại sao nói không khó? Đây không phải cầu người, việc cầu người thì rất khó, việc này cầu ở chính mình, cho nên nói khó mà không khó. Tại sao nói dễ mà không dễ? Tập khí phiền não của mình không thể khắc phục, đó là không dễ dàng rồi. Cho nên nhất định phải đem tập khí phiền não của mình khắc phục hết.
Tứ hoằng thệ nguyện dạy chúng ta nguyên tắc cương lĩnh tu hành, thứ nhất là phải phát tâm “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, tâm niệm này là chánh giác, là tâm giác ngộ chân chánh. Thế nhưng câu nói này phải giảng như thế nào? Rất nhiều người còn mơ hồ chung chung, không hiểu nghĩa của nó. Câu nói này dùng cách nói hiện nay để nói, chính là quên mình vì người, vì tất cả chúng sanh phục vụ, đây chính là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Chúng ta ngày nay nói với người thông thường là hy sinh lợi ích của mình, tác thành lợi ích của tất cả chúng sanh. Đây chính là ý nghĩa của câu nói này.
Cái khó xả nhất của chúng ta ngày nay là “lợi ích của mình”. Bạn không chịu xả, không chịu từ bỏ thì bạn sao có thể giúp đỡ chúng sanh được? Chư Phật Bồ Tát, Tổ sư đại đức, chúng ta quan sát thật kỹ, người nào cũng có thể quên mình vì người, điều kiện đời sống vật chất giảm xuống đến mức thấp nhất, không thể thấp hơn nữa; đời sống tinh thần của họ vô cùng phong phú, niềm vui của đời sống tinh thần không có ai biết được, quả thật đúng là pháp hỷ sung mãn, hết sức từ bi, dừng ở nơi chí thiện. Phàm phu bình thường chúng ta đâu có biết. Đây là điều chúng ta phải rõ ràng, phải sáng tỏ.
Chúng ta thử xem thật kỹ, thanh thiếu niên xã hội hiện đại nghĩ điều gì, họ xem gì, nghe gì và nói gì? Sau đó trong tâm chúng ta đã đoán ra rồi, Thế Tôn ở trong kinh nói: “Thời kỳ Mạt Pháp, tà sư thuyết pháp như Hằng hà sa”, điều đó chúng ta nhìn thấy rồi. Truyền hình, điện ảnh mà họ xem, chúng tôi rất ít tiếp xúc. Hôm qua tôi ở trên máy bay, trên máy bay thiết kế mỗi một vị trí ngồi là có một cái ti-vi nhỏ, có mười mấy kênh. Chúng tôi ngồi trên máy bay không mở cái ti-vi này. Vì sao vậy? Ánh sáng của ti-vi này cách mắt quá gần, chắc chắn không tốt đối với sức khỏe. Nhưng mà chúng tôi nhìn thấy thanh niên ngồi dãy phía trước mở lên xem, tiết mục ở trong đó là bạo lực, rất khủng khiếp, vô cùng không lành mạnh. Hàng ngày họ xem những thứ này, nghe những thứ âm nhạc quằn quại, hỗn độn này, chúng tôi không cách gì tiếp nhận. Họ sống ở trong đây trở thành thói quen rồi. Bạn phải nghĩ đến não của họ bị tổn thương, không chỉ hàng ngày bị sóng điện quấy nhiễu, mà còn bị nội dung phim ảnh kích thích, đến suốt đời sau này tâm trạng sẽ trở nên căng thẳng, không ổn định, nghĩ ngợi lung tung, thường xuyên sợ hãi, thế nên nhất định họ sẽ làm việc sai. Những tiết mục này sẽ hại chết người, so với những tiết mục truyền hình điện ảnh của nửa thế kỷ trước thì hoàn toàn khác. Càng về trước nữa thì những tiết mục giải trí này càng chất phác, nó dạy người làm thiện. Tiết mục hiện nay không phải dạy người làm thiện, mà đang xúi giục người khởi phiền não, xúi giục người suy nghĩ lệch lạc, xúi giục người làm ác, bạn nói điều này nguy hiểm cỡ nào? Hôm qua tôi ở trên máy bay đã nhìn sơ qua, tôi cảm thấy thế kỷ sau chúng sanh khó độ. Người trẻ tuổi các bạn, tương lai sau này lớp người này là đối tượng độ chúng sanh của các bạn, vậy các bạn thử nghĩ, các bạn phải làm thế nào để có thể giúp họ quay đầu? Đây là bài học vô cùng nghiêm túc đã bày ngay trước mắt, hơn nữa vô cùng cấp bách. Do đó “chánh kỷ hóa nhân” là quan trọng hơn hết. Hay nói cách khác, bản thân bạn bất chánh mà bạn muốn dạy họ thì tuyệt đối không thể được. Họ ngày nay là vô cùng bất chánh, bạn phải dùng thuần chánh trên cả vô cùng đó, mới có thể cảm hóa được họ. Cho nên bản thân chúng ta bất chánh thì nhất định không thể dạy người. Nếu bản thân bạn không đứng vững trong dòng thác lũ của thời đại lớn này thì bạn nhất định bị cuốn trôi, bạn sẽ bị kéo xuống biển. Người bị kéo xuống biển quá nhiều, quá nhiều rồi. Đối với sóng to gió lớn này, nhất định phải có định tuệ chân thật. Vậy thì chúng ta bắt đầu tu từ đâu vậy? Vẫn là một câu nói xưa, bắt đầu chuyển từ trên ý niệm, không nên vì bản thân nữa, không có mình. Trong “Kinh Kim Cang” nói rất hay: “Không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả”. Thật sự có thể làm được “không bốn tướng”, lìa bốn tướng thì chúng ta mới có thể chánh được, “tâm chánh, thân chánh, hạnh chánh”. Nếu không thể xa lìa bốn tướng thì khó. Làm sao để có thể lìa bốn tướng? Chuyển đổi ý nghĩ trở lại, tất cả vì chúng sanh, ta đến thế gian này để phục vụ tất cả chúng sanh, sống để phục vụ tất cả chúng sanh, mà chết cũng để phục vụ tất cả chúng sanh, quyết định không phải vì mình mà đến. Cách chuyển đổi này thì bạn đã chuyển nghiệp lực thành nguyện lực, nhà Phật nói là “thừa nguyện tái lai”, ý nghĩ vừa chuyển liền thừa nguyện tái lai. Hạng mục mà chúng ta phục vụ đối với tất cả chúng sanh là gì? Phải nhớ kỹ, giúp đỡ tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ. Đây là hạng mục phục vụ duy nhất của chúng ta, còn những hạng mục phục vụ khác thì thế gian có rất nhiều người đã và đang làm rồi, chúng ta không cần phải nhiều chuyện nữa. Thân phận của chúng ta là đệ tử xuất gia của Thế Tôn, người xuất gia chỉ đơn thuần làm một sự việc này.
Phật Thích Ca Mâu Ni 49 năm giảng kinh thuyết pháp giáo hóa chúng sanh, đây là tấm gương tốt nhất của chúng ta. Bất kể người nào làm sự nghiệp từ thiện xã hội, giúp đỡ chúng sanh giải quyết khó khăn, chúng ta đều hoan hỷ tán thán, tùy hỷ công đức. Thành tựu việc tốt của người, không thành tựu việc ác của người. Ý nghĩ vừa chuyển thì công phu “giải-hành” của chúng ta liền đắc lực. Nếu không thể chuyển được ý nghĩ thì không nên nói công phu ở trên cửa hành đắc lực, nói thực ra, trên cửa giải cũng không dễ dàng. Nguyên nhân này là gì? Tâm Phật với tâm phàm phu khác nhau. Chúng ta dùng tâm phàm phu để học Phật là sai hoàn toàn. Cần phải đem tâm lý chuyển đổi trở lại, từ bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chung sống giữa người với người phải bình tĩnh khách quan, không nên có thành kiến, lắng nghe ý kiến của người khác nhiều hơn. Ý kiến của người khác có chỗ sai lầm thì phân tích kỹ cho họ, để họ sáng tỏ. Cho nên phải chuyển ý nghĩ này trở lại, quyết định không phải vì bản thân; vì người khác mà trộn lẫn một chút ý nghĩ tự tư tự lợi ở bên trong là bạn không đã thuần rồi, trong sữa “đề hồ” có xen lẫn chút độc dược, vậy là không thể giải quyết được vấn đề. Thuần là thiện ý, thuần là tâm thương yêu, thuần là tâm hạnh vì chúng sanh phục vụ thì bạn mới có thể cảm động trời đất quỷ thần, cảm động các chủng tộc khác nhau, cả những người chưa từng được giáo hóa, thậm chí cả những loài rắn độc, thú dữ. Những thí dụ này trước đây rất nhiều. Tại sao người khác làm được, chúng ta không thể làm được? Vì chúng ta tu dưỡng chưa đủ, ý nghĩ thật sự chưa chuyển trở lại, vẫn không phải thuần chánh thật sự. Cho nên không có năng lực cảm hóa người khác.
Bạn ngày nay ở trong đoàn thể nhỏ này, ở trong đồng học đoàn thể nhỏ có mười mấy, hai mươi người, ai phát tâm thật sự học Phật Bồ Tát, cảm động đồng học của bạn, để mỗi một đồng học nhìn thấy tâm hạnh của bạn, đều có thể hồi tâm chuyển ý. Mọi người đều học Phật Bồ Tát, đều có thể vì tất cả chúng sanh phục vụ thì xã hội được cứu, chúng sanh được cứu. Nghiệp chướng có thể diệt, tai nạn có thể hóa giải, đều ở trong khoảng một niệm. Cho nên chúng ta nhất định phải cố gắng nỗ lực.
Hôm qua chúng tôi đi viếng thăm Đạo giáo. Tôi đặc biệt kiến nghị với hội trưởng của họ là nhất định phải giảng kinh thuyết pháp, phải phát tâm giáo hóa chúng sanh. “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” là một môn học bắt buộc của Đạo giáo. Chúng ta mỗi ngày đang giảng, rất nghiêm túc nỗ lực học tập, nhưng họ thì lơ là rồi. Hôm qua tôi cũng nhìn thấy họ viết một cuốn sổ tay nhỏ “Giáo Nghĩa Giáo Lý Đạo Giáo”. Ở trong cuốn sổ tay nhỏ này, phần lớn là giới thiệu mấy câu nói quan trọng ở trong “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử. Những nghĩa lý này rất sâu, người hiện nay có thể thể hội được không nhiều. Phật pháp coi trọng khế cơ, khế lý. Trên lý nói rất hay, nhưng mà những lý luận này không có cách gì thực hiện được, đây chính là không khế cơ. Tôi nói với họ, Nho – Thích – Đạo ở Trung Quốc là tam giáo, mấy ngàn năm nay đều phối hợp mật thiết, hướng dẫn quảng đại quần chúng xã hội đoạn ác tu thiện. Ấn Quang Đại Sư không chỉ là đại đức một đời của nhà Phật, mà còn là Tổ sư đời thứ mười ba của Tịnh Độ tông chúng ta. Chính bản thân Ngài cả đời không tiếc sức lực, dốc sức đề xướng “Cảm Ứng Thiên”, “Âm Chất Văn”, hai tác phẩm này đều là của Đạo giáo, còn “Liễu Phàm Tứ Huấn” được xem là của Nho Giáo. Từ đó cho thấy, người giác ngộ chân chánh thì nhất định không có thành kiến, không hề cho rằng đây là tác phẩm của Đạo giáo. Nếu hỏi “tại sao chúng ta phải tuyên dương, tại sao chúng ta phải học tập?”, vậy là có thành kiến phe phái, đó là mê chứ không giác. Sau khi giác rồi là giống như Phật pháp nói, pháp ấn mà chư Phật ấn định chính là chí thiện viên mãn. Pháp ấn của chư Phật là gì vậy? Đó là bốn câu kệ:
“Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo”.
Pháp ấn của Phật chỉ có mười hai chữ. Chúng ta thử xem, những giáo trình này ở trong Đạo giáo có phù hợp với mười hai chữ này hay không? “Cảm Ứng Thiên”, “Âm Chất Văn” quả thật đúng là phù hợp với “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý”, vậy đây chính là Phật giáo, có gì khác biệt đâu? Chúng ta cần phải nên học tập, cần phải nên tôn trọng, xem nó không khác gì Kinh Phật, càng huống chi trong Kinh Đại thừa nói cho chúng ta biết, cần dùng thân gì độ được thì Phật liền thị hiện thân ấy. Cần dùng thân đạo trưởng mà độ được, thì chư Phật Như Lai liền hiện thân đạo trưởng để thuyết pháp. Bạn có thể nói ở trong Đạo giáo, trong những trưởng giả kia không có Phật Bồ Tát ở trong đó sao? Cho nên Phật giáo, chúng ta dùng cách nói hiện tại để nói, quả thực đúng là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa, làm viên mãn nhất, chân thật nhất. Nếu chúng ta có thể thể hội được, có thể hiểu rõ thì mới biết học Phật bắt đầu học từ đâu.
Chúng ta xem “Cảm Ứng Thiên”, câu thứ hai mươi hai: “Căng cô tuất quả, kính lão hoài ấu”. Tám chữ này là dạy chúng ta hành nhân, tận trung, suy bụng ta ra bụng người, hiện nay gọi là sự nghiệp phúc lợi xã hội. “Cô, quả” đều là nói cảnh ngộ bất hạnh nhất của nhân gian. Đàn ông vợ chết rồi thì gọi là “cô”. Đàn bà chồng chết rồi thì gọi là “quả”. Người đã mất đi bạn đời, nhất là người già, tuổi tác cao, đây là cảnh mà đời người không thể tránh khỏi, chắc chắn sẽ gặp phải. Chỉ có số ít người là suốt đời sống trong hạnh phúc mỹ mãn, do trong đời quá khứ tu tốt. Số người góa vợ, góa chồng ở thế gian này thì quá nhiều, quá nhiều rồi. Hiện nay mỗi quốc gia khu vực trên thế giới, khuyến khích nhân sĩ trong giới tôn giáo dùng tâm thương yêu từ bi để giúp đỡ những người bất hạnh này. Ở Singapore, chúng ta cũng nhìn thấy, hầu như mỗi tôn giáo đều làm viện dưỡng lão, đều làm cô nhi viện, thâu nhận những người bất hạnh này trong xã hội. Giao thừa năm ngoái, chúng tôi đón Tết vô cùng hoan hỷ, chúng tôi nghĩ đến những người bất hạnh này trong xã hội, cho nên đã mời họ đến đón Tết cùng với chúng tôi, qua một đêm giao thừa thật ấm cúng. Chúng tôi mời toàn thể nhân sĩ của từng tôn giáo, họ làm những viện dưỡng lão và viện cô nhi này, trừ những người bị bệnh không thể đến được, hoặc giả đi lại không thuận tiện không có cách gì đến được thì chúng tôi phái người chuyên trách tặng quà cho họ. Người có thể đến tham gia, chúng tôi đều vô cùng hoan nghênh. Buổi dạ tiệc ấm áp năm ngoái, chúng tôi đã mời 3.800 người khách này. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên nghĩ rất chu đáo, mỗi một người già, mỗi một cô nhi, chúng tôi phát một thiệp mời chính thức. Sự việc này giống như là việc nhỏ, nhưng ý nghĩa rất lớn. Chúng ta thử nghĩ, cô nhi sống ở trong cô nhi viện, người già sống ở viện dưỡng lão, có lẽ từ trước đến giờ cũng không có người nào chính thức đến mời họ ăn cơm, cho nên tấm thiệp mời này đến với họ là ấm áp vô cùng, là một kỷ niệm tốt đẹp ở trong cuộc đời của họ. Chúng tôi không phải phát một tờ thiệp mời đến đoàn thể của họ, mà mỗi người đều được phát, đây là tâm thương yêu. Mỗi một viện dưỡng lão, mỗi một viện cô nhi, chúng tôi đã tặng rất nhiều quà, nhu yếu phẩm trong đời sống thường ngày, cúng dường đại chúng. Chúng tôi cũng quyên góp một khoản tiền để tặng cho mỗi một đoàn thể, biểu thị sự quan tâm, chăm sóc của chúng tôi đối với họ. Có người đến hỏi tôi: “Thưa pháp sư! Tại sao thầy đem những số cúng dường quyên hiến của tín đồ Phật giáo để tặng cho tôn giáo khác?”. Người nói câu này, người có những quan niệm này là tâm lượng quá nhỏ rồi, không phải là đệ tử Phật, đệ tử Phật không phải như vậy, Phật là đối xử như nhau, cũng không phải đệ tử của Bồ Tát, của Tổ sư. Bồ Tát, Tổ sư dạy chúng ta học “Cảm Ứng Thiên”, dạy chúng ta học “Âm Chất Văn”. Đây chẳng phải là của ngoại giáo, tôn giáo khác sao? Có thể thấy, chư Phật Bồ Tát, Tổ sư đại đức hoàn toàn không có phân biệt, không có chấp trước. Hư không pháp giới tất cả chúng sanh đối xử như nhau, đâu có sự phân biệt này? Có thể thấy tâm lượng chúng ta quá nhỏ rồi. Chúng ta học Phật không có thành tựu, niệm Phật không thể được nhất tâm, đừng nói nhất tâm không thể đạt được, mà công phu thành khối cũng không thể đạt được; tham thiền không thể nhập định; học giáo không thể viên dung, thông suốt; học Mật không thể tương ưng, nguyên nhân ở chỗ nào vậy? Do phân biệt, chấp trước quá nặng, chúng ta dụng tâm sai rồi, vẫn cứ dùng tâm luân hồi. Dùng tâm luân hồi để học Phật pháp thì Phật pháp cũng biến thành pháp luân hồi. “Cảnh chuyển theo tâm”, Phật pháp cũng là cảnh giới, vậy thử xem tâm của bạn là tâm gì? Cho nên bản thân chúng ta sai rồi. Đạo lý lớn nói với họ, họ không thể nghe hiểu, cho nên tôi phải nói với họ những đạo lý đơn giản dễ hiểu.
Trong xã hội những người già và trẻ em cô đơn này, người học Phật chúng ta có cần chăm sóc họ không? Cần chăm sóc. Chúng ta có cần làm viện dưỡng lão và viện cô nhi không? Cần! Cần, nhưng tại sao không đi làm? Tâm có thừa mà sức không đủ, điều kiện chúng ta vẫn không đủ. Người khác làm với chúng ta làm có gì khác nhau chứ? Điểm này chúng ta phải biết, người khác làm chính là chúng ta làm vậy. Chúng ta tặng tiền, tặng một ít quà, đồ dùng đời sống thường ngày, chẳng phải đạo lý muôn đời, là lẽ đương nhiên, còn có lời gì để nói nữa không? Việc họ làm chính là việc chúng ta làm, ta và người không hai. Thậm chí trong Phật pháp nói đến “sanh Phật không hai”, chúng sanh và chư Phật không hai. Chúng ta ngày nay hỏng là hỏng ở chỗ phân biệt chấp trước. Phân biệt chấp trước khiến chúng ta đọa lạc trong lục đạo, trầm luân trong tam đồ. Đời đời kiếp kiếp cũng đã từng gặp được Phật pháp, cũng đã từng gieo một chút thiện căn, nhưng mà không có cách gì xuất ly lục đạo. Nguyên nhân ở chỗ nào vậy? Phân biệt chấp trước quá nặng, tâm lượng quá nhỏ, khởi tâm động niệm đều vì bản thân, tự tư tự lợi, cái gì cũng là vì bản thân, vì gia đình của mình, vì đoàn thể của mình, vì tôn giáo của mình. Vậy thì hỏng rồi, ý niệm này là hư vọng không thật. Phật dạy chúng ta là phải dùng chân tâm, dùng thành ý. “Thành” nghĩa là gì vậy? Tiên sinh Tăng Quốc Phiên thời tiền Thanh, ông viết ở trong bút ký đọc sách rằng: “Một niệm không sanh thì gọi là thành”. Từ đó cho thấy, khởi tâm động niệm là bất thành, phải một niệm không sanh thì mới là chân thành. Chân thành khởi tác dụng, nhà Nho gọi là “chánh tâm”, ở trong Phật pháp gọi là “thâm tâm, tâm đại bi”. “Thâm tâm, tâm đại bi” chính là “trung” của trung hiếu mà phần trước chúng ta đã nói. Đó là sự ứng dụng của chân thành, là khởi dụng của chân thành.
Trung nghĩa là gì vậy? Không có một mảy may tà lệch. Có một niệm tự tư là tâm của bạn lệch rồi, tâm của bạn tà rồi. Niệm niệm nghĩ vì tất cả chúng sanh, không hề có mảy may nghĩ vì bản thân thì cái tâm này gọi là tâm trung. Tận trung báo quốc đó là tâm gì vậy? Niệm niệm nghĩ vì quốc gia, niệm niệm nghĩ vì dân, dứt khoát không có một niệm nghĩ vì mình thì gọi là tận trung báo quốc. Khởi tâm động niệm đem lợi ích của mình đặt lên vị trí hàng đầu, đó là tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi. Làm sao có thể thoát khỏi luân hồi lục đạo? Chúng ta phải học Phật, phải học Bồ Tát. Bắt đầu học từ đâu vậy? Điều này tự mình phải rõ ràng, phải sáng tỏ. Cho nên ý nghĩa của tám chữ này rất hay, để chúng ta thường xuyên nghĩ đến thế gian này còn có biết bao người rất đáng thương, người cần chăm sóc cấp bách. Cho nên chúng ta nhìn thấy viện dưỡng lão, người già về hưu (trong xã hội Singapore thường gọi là nhân sĩ vui tuổi già), cô nhi. Những người dấn thân vào công tác phúc lợi xã hội này, chúng ta bội phần tôn kính, lễ kính, tán thán. Họ thật sự thực hiện, thật sự đang làm theo lời giáo huấn của Phật Bồ Tát, cổ thánh tiên hiền. Chúng ta cần phải tùy duyên tùy phận, tận tâm tận lực đến hiệp trợ họ, giúp đỡ họ, sao có thể có phân biệt, có chấp trước? Xã hội mới có thể được an ổn, thế giới mới có hòa bình. Đây là “bố thí vô úy” mà trong Phật pháp đã nói. Chỉ có bố thí vô úy mới có quả báo khỏe mạnh trường thọ. Phật nói với chúng ta bát khổ; sinh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc, ngũ ấm xí thạnh. Tám loại khổ này trên thực tế đều có thể tránh được, đều có thể chuyển nó được. Người thông minh, người có trí tuệ thì biết quả ắt có nhân, gieo nhân thiện chắc chắn được quả thiện. Chúng ta khởi tâm động niệm đều vì bản thân, cho nên nhân tạo tác là nhân bất thiện, mới có tám loại khổ này. Nếu như có thể niệm niệm vì xã hội, niệm niệm vì chúng sanh thì tám loại khổ này tự nhiên được tiêu trừ rồi. “Lìa khổ được vui” là một câu nói chân thật, quyết không phải nói suông. Chung quy là ở cá nhân giác ngộ, thật sự quay đầu, nghiêm túc nỗ lực đi làm. Hai câu nói này ý nghĩa rất rộng.
Hôm nay thời gian đã hết, hẹn ngày mai chúng tôi tiếp tục báo cáo với quí vị. A Di Đà Phật!
Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (tập 29)
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Năm 1999
Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Discussion about this post