TẬP HAI MƯƠI MỐT
Xin chào các vị đồng tu, xin chào mọi người!
Hôm qua, chúng ta đã giảng giải đơn giản về chữ “Hiếu”. Hàm nghĩa của chữ này sâu rộng vô hạn. Đây là pháp môn đại tổng trì của tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới, cũng tức là nói ngang khắp mười phương, dọc cùng ba mé đều bao gồm ở trong chữ này. Phật pháp được xây dựng bắt đầu từ hiếu và kết thúc cũng vẫn là hiếu. Chư Phật Bồ Tát dạy người chẳng qua là tận hiếu, hành hiếu mà thôi.
Điều đầu tiên trong “Tịnh Nghiệp Tam Phước” dạy chúng ta là “hiếu dưỡng phụ mẫu”. Chúng ta muốn hành hiếu, tận hiếu phải thực hiện từ hiếu dưỡng phụ mẫu, sau đó mở rộng đến hiếu dưỡng tất cả chúng sanh. Trong “Kinh Bồ Tát Giới”, Thế Tôn nói với chúng ta rất rõ ràng là “tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta”. Đây là mở rộng hiếu dưỡng phụ mẫu đến hư không pháp giới, vậy mới có thể tận hiếu. Ai có thể tận hiếu một cách rất viên mãn vậy? Quả vị Như Lai mới thật sự làm được viên mãn, Bồ Tát Đẳng Giác vẫn chưa đạt đến cứu cánh viên mãn. Từ đó cho thấy, học Phật chính là học chữ “hiếu”, chính là học chữ “trung” này. Phật pháp không có gì khác, chỉ là “trung hiếu” mà thôi.
Ân đức của cha mẹ đối với chúng ta quá lớn, mạng sống này có được từ cha mẹ, cho nên hiếu dưỡng phụ mẫu là đạo lý muôn đời. Đây mới được xem là làm người. Tu học từ trên cơ sở này mới có thể thành Bồ Tát, thành Phật. Chúng ta hiếu dưỡng phụ mẫu là dùng tâm hiếu để dưỡng phụ mẫu. Nhà Nho nói rất hay, chúng ta phải “dưỡng thân mạng của cha mẹ”, phải chăm lo đời sống vật chất cho cha mẹ; phải biết “dưỡng tâm của cha mẹ”, phải làm cho tâm trạng cha mẹ vui vẻ, không có lo lắng, không có phiền não. Muốn vậy thì chúng ta phải thuận, nếu như không thuận thì cha mẹ sẽ sinh phiền não, sẽ có lo lắng. Cho nên chữ “hiếu” trong thực tiễn thật không dễ dàng. Nếu như không có tâm chân thành (chúng ta thường nói là “tâm chí thiện”, “tâm thuần hiếu”, “tâm thuần kính”) thì chữ “hiếu” này sẽ rất khó thực hiện. Nói tóm lại là chúng ta phải dùng chân tâm. Ngoài ra còn phải biết “dưỡng chí của cha mẹ”. Chí của cha mẹ là gì vậy? Là sự kỳ vọng về bạn. Chí của cha mẹ, chí nhỏ là hy vọng bạn thăng quan phát tài. Người có tầm nhìn tương đối xa, người xưa gọi là “mong con trai thành rồng, con gái thành phụng”, dùng cách nói hiện nay để nói là hy vọng bạn có thể hơn người bình thường, làm rạng rỡ tổ tông, khiến tổ tông, gia tộc đều lấy bạn làm vinh dự. Đây là sự kỳ vọng của bậc làm cha mẹ thông thường đối với con cái vào thời xưa. Nếu như cha mẹ giác ngộ thì sự kỳ vọng của họ về bạn là hy vọng bạn làm Bồ Tát, làm Phật, đạt đến cứu cánh viên mãn thật sự.
Chúng ta có thể khiến cha mẹ không thất vọng hay không? Làm Bồ Tát, làm Phật, bất kể thân phận gì, bất kể ngành nghề như thế nào đều có thể làm được. Nói làm Phật, không nhất định là chỉ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Tướng mà cư sĩ Duy Ma hiện là tướng Phật tại gia, còn tướng mà Hòa thượng Phong Can, Hàn Sơn Thập Đắc hiện là hình tướng của người làm công quả rất bình thường. Quan sát tỉ mỉ họ, quả thật là hạnh Bồ Tát, quả thật là tướng Phật. Bồ Tát Quan Thế Âm có 32 ứng thân, 32 loại tướng Phật, 32 loại hạnh Bồ Tát. Cho nên bất kỳ thân phận gì, bất kỳ ngành nghề nào đều có thể làm Bồ Tát, đều có thể làm Phật.
Làm Bồ Tát, làm Phật có gì khác với phàm phu vậy? Tôi nghĩ đồng tu chúng ta đều rất hiểu rõ, đều rất sáng tỏ. Mỗi ngày chúng ta đang đọc tụng Kinh điển Đại thừa, mỗi ngày đang nghiên cứu thảo luận nên có ấn tượng tương đối sâu sắc. Phật Bồ Tát không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, các Ngài chỉ có một tâm chân thành, tâm thuần thiện; thuần tâm yêu thương người, yêu thương tất cả chúng sanh; thuần tâm vì tất cả chúng sanh phục vụ, không có một niệm vì bản thân; niệm niệm nghĩ đến sự ổn định của xã hội, Thế Giới hòa bình, tất cả chúng sanh hạnh phúc chân thật; khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều tương ưng một cách viên mãn với “ngũ giới, thập thiện” mà Phật pháp đã nói. Cho nên thập thiện nghiệp đạo, chúng ta nhất định không được coi thường, xem lướt qua. Viên mãn của thập thiện nghiệp đạo là đại đạo hiếu viên mãn, Phật đạo viên mãn.
Chúng ta đã từng thấy qua biết bao nhiêu tượng Phật, tranh Phật vẽ màu. Trên đỉnh Phật có vầng tròn sáng, trên vầng tròn sáng có viết ba chữ “Án A Hồng”, phần lớn là viết bằng chữ Phạn, cũng có khi viết bằng Hoa văn. Quí vị nhìn thấy là biết đọc. Ý nghĩa của ba chữ này chính là “Thân Ngữ Ý”, là thập thiện nghiệp đạo viên mãn. Án là “thân nghiệp”, A là “khẩu nghiệp”, Hồng là “ý nghiệp”. Ba chữ này là biểu thị cho ba nghiệp thanh tịnh. Trong thập thiện nghiệp đạo nói với chúng ta thân ba, khẩu bốn, ý ba, bạn có làm được thật sự thanh tịnh viên mãn hay chưa? Chư Phật Bồ Tát tu chính là tu ba chữ này, học cũng là học ba sự việc này, viên mãn vẫn là viên mãn ba sự việc này. Năm xưa, khi tôi mới bắt đầu tiếp xúc Phật pháp, rất may mắn gặp được Đại Sư Chương Gia, tôi xin thầy viết tặng cho tôi mấy chữ thư pháp. Thầy đã viết cho tôi ba chữ “Án A Hồng” trên một tờ giấy (do dời nhà quá nhiều lần nên thất lạc mất rồi). Thầy viết bằng chữ Tạng tặng cho tôi, thầy đã giải thích tường tận cho tôi hiểu ý nghĩa của ba chữ này. Chúng ta phải biết học Phật là học cái gì. Nếu như khởi tâm động niệm, lời nói việc làm hoàn toàn trái ngược lại với điều này thì chúng ta không phải đang học Phật, mà là đang tạo nghiệp. Chúng ta cần phải hiểu rõ, cần phải sáng tỏ.
Tôi thường hay khuyên mọi người, muốn làm người tốt, muốn học Phật cho giống, trước tiên phải đem ý nghĩ tự tư tự lợi xả cho thật sạch sẽ, niệm niệm vì chúng sanh, vì Phật pháp trụ lâu ở thế gian thì chúng ta công phu sẽ đắc lực. Phật ở trong Kinh điển nói rất rõ ràng, rất minh bạch, pháp vận của Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn còn chín ngàn năm nữa. Hiện nay bên ngoài rất nhiều lời tiên tri nói đã đến ngày tận thế rồi, nhưng tôi không tin. Tại sao tôi không tin vậy? Tôi tin lời của Phật. Tai nạn chắc chắn là có. Tại sao vậy? Do tâm người bất thiện, nghiệp chung chiêu cảm, đương nhiên là không thể tránh khỏi. Nhưng nếu tâm người có thể quay đầu, có thể hướng thiện thì tai nạn này sẽ giảm nhẹ, thời gian của tai nạn cũng tự nhiên rút ngắn.
Tôi thấy Trung Quốc là một vùng sáng sủa. Tôi thấy từ chỗ nào vậy? Người niệm Phật nhiều. Nghe nói hiện nay ở Trung Quốc người niệm “A Di Đà Phật”, người học Kinh Vô Lượng Thọ vượt hơn 100 triệu người. Người niệm Phật nhiều như vậy thì thật hy hữu. Trong mười người, nếu có một người niệm Phật thì chín người kia sẽ được thơm lây. Ở Singapore, Đông Nam Á hiện nay, phong khí niệm Phật rất thịnh. Phàm là nơi có chánh pháp trụ thì chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần phù hộ. Đây là đạo lý nhất định, cái gọi là “người cùng tâm ấy, tâm cùng lý ấy”. Chúng ta có thiện tâm, tâm học Phật là tâm chí thiện, nhưng mà phải học cho giống. Học không giống thì đó là giả, không phải thật. Muốn thật sự có thể học giống thì phải buông xả được. Tôi lần đầu tiên gặp Đại Sư Chương Gia, hướng về thầy thỉnh giáo. Thầy dạy tôi sáu chữ: “Nhìn cho thấu, buông cho trót”. Tôi đời này gần 50 năm chính là học sáu chữ này, nhưng mới học giống có chút xíu.
Chúng ta thử xem, hành nghi cả đời của những đại đức trước đây như Lão hòa thượng Hư Vân, Ấn Quang Đại Sư cũng chính là sáu chữ này, thật sự thấy rõ, buông bỏ. Cả đời của Ấn Tổ và Lão hòa thượng Hư Vân không có đạo tràng của riêng mình, cũng không có đồ chúng. Tín đồ của các Ngài rất nhiều, nhưng chỉ là khuyên mọi người niệm Phật, tu hành mà thôi, ngoài điều đó ra, ở trong tâm không nhiễm mảy bụi. Không giống hiện nay, có một số pháp sư lưu lại họ tên, địa chỉ, điện thoại của tín đồ, còn muốn thêm vào hình ảnh, vì sợ quên mất tín đồ, bạn nói xem, phiền phức biết bao! Chúng ta thử xem, những bậc đại đức trước đây, tín đồ không đến tìm họ, họ đã quên rất sạch sẽ, tuyệt đối không để ở trong tâm, cho nên tôi nói họ không có tín đồ. Tâm địa của họ thật sự thanh tịnh, không nhiễm mảy bụi, họ không có phiền não, không có lo lắng, không có tưởng nhớ, trong tâm tràn đầy trí tuệ, từ bi. Đây là điều chúng ta cần nên học, đây là chân học Phật. Có nhiều người chân chánh học Phật thì người thế gian này sẽ có phước, Phật pháp mới có thể trụ lâu ở thế gian. Các đồng tu nhất định phải phát tâm.
Bất kể là tại gia hay xuất gia, bạn nhất định phải nhớ kỹ, người xuất gia thì làm nên tấm gương tốt cho người xuất gia (tấm gương tốt nhất của người xuất gia là Phật Thích Ca Mâu Ni); tại gia thì phải làm tấm gương tốt cho người tại gia (tấm gương tốt của người tại gia là cư sĩ Duy Ma), vậy mới gọi là học Phật chân chánh. Nếu chúng ta nói Thế Tôn và trưởng giả Duy Ma cách chúng ta quá xa, vậy thì chúng ta tìm đời gần đây. Đời gần đây quý vị cũng có thể tìm thấy, người xuất gia nên học Pháp sư Ấn Quang, học Lão hòa thượng Hư Vân thì chắc chắn không sai, các Ngài là hình ảnh của Phật xuất gia. Lão cư sĩ Giang Vị Nông là tấm gương tốt cho người tại gia học Phật. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam ở Đài Trung cũng là tấm gương tốt, thật sự học rất giống cư sĩ Duy Ma, niệm niệm vì Phật pháp, niệm niệm vì chúng sanh, không vì bản thân.
Chúng ta học Phật, Phật dạy cho chúng ta rất nhiều phương pháp, không những chúng ta có căn cứ lý luận ở trên Kinh điển, mà chúng ta còn phải tìm một tấm gương tốt, tìm một khuôn mẫu, dựa vào khuôn mẫu này để trau dồi bản thân thì đời này chúng ta mới không đến nỗi luống qua, mới thật sự học đạt được thành tích, chắc chắn Vãng Sanh bất thoái thành Phật. Thế gian này, không những là thế pháp, mà ngay cả Phật pháp cũng phải buông xả cho thật sạch sẽ, không nhiễm mảy bụi thì chúng ta mới có thành tựu. Nếu còn một mảy may dính nhiễm thì đó là chướng ngại lớn nhất của chúng ta, không những Phật pháp không thể thành tựu, mà trong thế pháp cũng tạo tội nghiệp vô lượng vô biên. Ở trong đây, nhân quả trùng trùng, “Cảm Ứng Thiên” nói quá nhiều, quá nhiều rồi, chúng ta không thể không biết, không thể không lưu ý.
Về phần hiếu hạnh, tiểu tiết quá nhiều, nói mãi không hết. Thế nhưng chúng ta cũng cần nêu ra một cương lĩnh. Chúng ta phụng sự cha mẹ như thế nào, đối xử anh em ra sao, làm sao để hòa mục tôn giáo, hòa mục chủng tộc, làm sao có thể mang lại ổn định hòa bình cho xã hội, cho chúng sanh? Những việc này đều không thể rời khỏi chữ “hiếu”, đều là thuộc về hiếu hạnh.
Phần trước chúng ta đem “thể của hiếu” giới thiệu qua rồi.“Thể của hiếu” chính là một niệm tự tánh viên mãn. “Tướng của hiếu” chính là thế xuất thế gian đại thánh đại hiền. Phạm vi của chữ “hiếu” là hư không pháp giới, tất cả đều chứa ở trong đó.“Hạnh của hiếu”, nhà Nho gọi là “chỉ ư chí thiện”, trong Phật pháp chính là Phật hạnh, Bồ Tát hạnh, làm sao thực tiễn vào trong đời sống chúng ta? Chúng ta học tập như thế nào? Hôm qua tôi cũng đã đưa ra một chút cương lĩnh. Phật dạy chúng ta thực tiễn từ “hiếu thân, tôn sư”.
“Dưỡng thân của cha mẹ”.
Biết hiếu dưỡng cha mẹ là phải chăm sóc cha mẹ tỉ mỉ. Cha mẹ tuổi tác cao rồi, chăm sóc cha mẹ là giống như chăm sóc con thơ vậy, phải cẩn thận, phải tỉ mỉ, ăn uống sinh hoạt đều phải lưu ý. Trong “Lễ Ký”, chúng ta đọc thấy những lời giáo huấn về dưỡng lão rất nhiều, nhất là phương diện ăn uống, phải lựa chọn thực phẩm mà sinh lý họ cần. Điều này nhất định phải biết. Mỗi người tình trạng sức khỏe cơ thể không giống nhau, nên chất dinh dưỡng cần thiết cũng hoàn toàn khác nhau, nhưng có một nguyên tắc chung là phải dễ tiêu hóa, dễ hấp thu. Hiện nay tiến bộ hơn nhiều so với trước đây, cho nên việc kiểm tra sức khỏe tương đối thuận tiện. Sau khi kiểm tra xong thì sẽ biết họ thiếu những chất gì, cần những chất dinh dưỡng nào, ăn uống phối hợp ra làm sao. Đây là dưỡng thân của cha mẹ.
“Dưỡng tâm của cha mẹ”.
Cha mẹ đối với con cháu, đối với bạn bè thân thích không có chuyện không yêu thương, không có chuyện không quan tâm, luôn luôn hy vọng con cái, hy vọng bạn bè thân thích đều có thể sống đời sống thật tốt, sự nghiệp đều hơn người bình thường. Người tuổi càng cao thì càng từ bi, bởi vì bản thân họ hiểu rõ tương lai không còn nhiều nữa, mình đời này đã trải qua rồi, cho nên sự kỳ vọng của họ đều gởi gắm vào thế hệ con cháu tuổi trẻ, tâm địa chân thành từ bi. Chúng ta thường nói “lão bà tâm thiết”, lão bà là bà cụ già, tâm của họ thật sự lương thiện. Dù cho đời sống trước đây làm việc sai trái, vào lúc này đều biết sám hối rồi, cũng đều biết quay đầu. Tuổi trẻ rất khó, đến lúc tuổi về chiều dễ quay đầu. Người tuổi về chiều nghe pháp tu hành thành tựu, chúng ta nhìn thấy không ít. Thời gian tiếp xúc Phật pháp của họ không dài, niệm Phật thời gian rất ngắn, nhưng Vãng Sanh tướng lành hy hữu. Những đạo lý này chúng ta hiểu rõ.
Từ xưa đến nay, chúng ta nhìn thấy người trên 60 tuổi tu hành thành tựu rất nhiều. Tu hành thật sự có thành tựu, đây là đại hiếu. Chúng ta biết được đạo lý này rồi, làm thế nào giúp những người tu hành này, ý nghĩa này đã khác rồi. Cho nên phải biết tâm của cha mẹ, biết được sự hy vọng của cha mẹ, không nên phụ lòng cha mẹ, không nên phụ lòng thầy cô. Sự kỳ vọng của thầy cô đối với học sinh không khác gì với sự kỳ vọng của cha mẹ đối với con cái. Cho nên lễ xưa Trung Quốc, lòng biết ơn của học trò đối với thầy cô và đối với cha mẹ không có khác biệt, chỉ khác là trong lễ tang đối với cha mẹ có trang phục hiếu, đối với thầy không có trang phục hiếu. Ngoài điểm này ra, không tìm thấy điểm nào khác nữa. Người cả đời có thể sống trong Thế Giới biết ơn, đây là đích thực có giá trị, có ý nghĩa, thật sự hiểu rõ đạo lý này.
Thời đại thiếu niên đi học trong nhà trường, cha mẹ, thầy cô đều hy vọng bạn có biểu hiện thành tích thật rốt. Bạn học không được tốt thì cha mẹ lo lắng, đó chính là bất hiếu; phẩm hạnh không tốt, cha mẹ cũng lo lắng. Người con hiếu là từng giây, từng phút phải khiến tâm trạng của cha mẹ vui vẻ, hay nói cách khác, phải làm mọi thứ để khiến cho cha mẹ vui. Giữa bạn học với nhau không thể chung sống hòa mục là bất hiếu; không nghe lời thầy cô chỉ dạy là bất hiếu. Chúng ta có làm được hay không? Tuổi thơ của chúng ta đã qua rồi, thử nghĩ xem mấy người làm được? Bạn không làm được, không thể trách bạn. Tại sao vậy? Phật pháp là nói lý, hợp tình, hợp lý, hợp pháp. Khi bạn còn nhỏ không có người dạy, bạn làm sao biết được? Không có người dạy mà biết thì bạn là Phật Bồ Tát tái lai, bạn không phải người phàm. Không có người chỉ dạy bạn, sau khi trưởng thành, bạn đã thành gia thất thì gia đình phải hòa mục. Gia đình bất hòa thì tâm của cha mẹ lo. Anh em bất hòa, chị em dâu bất hòa, có cái nào không khiến cha mẹ lo lắng đâu? Cha mẹ đối với con cháu, những sự lo lắng đó, lo suốt đời, lâm chung còn vướng ở trong tâm, ai có thể hiểu được? Đến khi bản thân bạn về già, có lẽ bạn sẽ cảm ngộ được.
Bước vào xã hội, con người ở thế gian nhất định có đủ thứ việc, chúng ta phải có một ngành nghề chính đáng, công việc chính đáng, vì xã hội phục vụ, vì chúng sanh phục vụ. Đối với công việc của bạn, ngành nghề mà bạn làm, có thật sự tận tâm tận lực làm hay chưa? Chưa có tận tâm tận lực là bất hiếu, là có lỗi với cha mẹ, có lỗi với thầy cô. Từ đó cho thấy, hiếu hạnh cũng là tràn đầy vũ trụ, cũng là khắp hư không pháp giới. Không những tâm hiếu là viên mãn, mà hiếu hạnh cũng là viên mãn.
Chúng ta xem thấy ở trong Kinh Phật, chư Phật Bồ Tát đối với hư không pháp giới tất cả chúng sanh, cảm ứng đạo giao. Chúng ta đọc qua Bồ Tát Quan Thế Âm, cái gọi là “ngàn nơi cầu nguyện, ứng ngàn nơi”. Đó là gì vậy? Hiếu hạnh, tận hiếu mà thôi. Chúng ta học Phật, nếu như ngay cả những đạo lý cơ bản này đều không hiểu thì Kinh Phật là đọc suông rồi. Làm học trò của Phật, không có gì khác, Phật dạy cho chúng ta đạo hiếu, dạy cho chúng ta tận hiếu mà thôi. Những gì mà chư Phật Bồ Tát thị hiện cũng chính là mỗi một việc như vậy. Người biết được đạo hiếu, người hành hiếu, tận hiếu thì niệm niệm phổ độ chúng sanh, mỗi hạnh đều làm nên tấm gương tốt cho người thế gian. Cho nên chúng ta đối với chư Phật Bồ Tát, tổ sư nhiều đời, phải thể hội thật kỹ hành nghi trụ thế của các Ngài, học tập theo các Ngài.
Khi viện trưởng Hàn Vãng Sanh, tôi đã nói chuyện với bà hơn hai giờ cuối cùng. Bà hy vọng người xuất gia có thể làm nên tấm gương tốt của người xuất gia, người tại gia có thể làm nên tấm gương tốt của người tại gia, đạo tràng có thể làm nên tấm gương tốt trong tất cả đạo tràng. Đây là tận hiếu, đây là hành hiếu, đây là tâm Phật, là hạnh Bồ Tát.
Hiện nay đồng tu ở rất nhiều nơi thường hay viết thư cho tôi, điện thoại, gởi thư điện tử cho tôi, những văn kiện thư tín này phần lớn tôi đều không xem được. Tôi biết tất cả đều hướng về Đạo Tràng ở Singapore này, đều hy vọng đến nơi đây để tham học, nhất là nghe thấy Singapore tích cực chuẩn bị xây dựng thôn Di Đà. Mọi người đều biết, Singapore diện tích quá nhỏ, dân số đông đúc. Hiện nay di dân đến Singapore khó khăn hơn nhiều so với trước đây. Đến Singapore để tham học thì được, đến Singapore để ở lâu thì không dễ dàng. Chúng tôi hoan nghênh, Cư Sĩ Lâm hoan nghênh, cư sĩ Lý Mộc Nguyên cũng hoan nghênh, nhưng mà chính phủ, pháp luật của Singapore không cho phép. Vì thế, người thật sự phát tâm Bồ Đề, người hành hiếu, tận hiếu nên đem mô hình này của Singapore mang về nước. Các bạn xây đạo tràng nhất định là hơn hẳn Singapore. Tại sao vậy? Người xưa thường nói: “Đến sau nhưng về trước”. Đây là đạo lý nhất định. Tôi dựa theo mô hình này của bạn để xây dựng đạo tràng mới. Sở trường của bạn, chúng tôi thảy đều học hết; khuyết điểm của bạn, chúng tôi thảy đều cải tiến. Cho nên, đạo tràng xây sau thì nhất định hơn đạo tràng cũ trước đây. Đây là đạo lý nhất định. Cho nên chúng ta phải tìm những người con hiếu. Cổ nhân thường nói: “Cầu trung thần ở cửa con hiếu”. Các bạn biết, hai chữ “trung thần” là nghĩa gì vậy? “Thần” là nhân viên làm việc. “Trung”, phần trước đã giảng qua với quí vị rồi, đem chữ “hiếu” này thực hiện trong đời sống, thực hiện trong công việc, thực hiện vào trong đối nhân xử thế tiếp vật gọi là “trung”. Có thể hành trung đạo, có thể hành trung dung, loại người này làm việc đáng tin cậy nhất. Họ có thể tận tâm tận lực, không có lệch tâm, không có tư tâm, ở trong tâm chí công vô tư, đó gọi là trung. Cho nên, hai chữ “trung hiếu” làm được rồi thì chính là Phật đạo viên mãn, người này chính là Bồ Tát, chính là Phật Đà.
Ngày nay ở Singapore, cư sĩ Lý Mộc Nguyên là một tấm gương tốt. Ông là một người rất bình thường, không có quá trình học tập gì cao, cũng không có Kinh nghiệm gì hay. Thời gian tôi với ông gặp nhau, cả người ông bệnh tật, ung thư nghiêm trọng. Thầy thuốc tuyên bố mạng sống của ông nhiều nhất chỉ còn ba đến sáu tháng. Ông học Phật, là Phật giáo đồ, thầy thuốc nói với ông như vậy, ông tin. Ông buông xả vạn duyên, toàn tâm toàn lực hiến dâng cho Phật giáo, vì Phật giáo làm công quả, tận tâm tận lực, một xu cũng không lấy, vậy là cảm ứng đạo giao, bệnh của ông đã khỏi rồi. Thầy thuốc gọi đây là kỳ tích. Điều này chúng tôi ở phần trước đã nói với quí vị là “thừa nguyện tái lai”. Quá khứ, đem cái thân mà nghiệp lực cảm thọ này, ông có thể phát đại nguyện: “Vì Phật pháp, vì chúng sanh, tận tâm tận lực phục vụ”. Nghiệp chướng tiêu rồi, nguyện lực thành tựu. Đây chính là thừa nguyện tái lai, chắc chắn Vãng Sanh Tịnh Độ, một mảy may nghi hoặc cũng không có. Ông có thể làm được, tại sao chúng ta không thể làm được?
Phàm phu thành Phật chỉ trong khoảng một niệm, ý nghĩ bạn chuyển qua được chính là Phật Bồ Tát. Thân tâm Thế Giới tất cả buông xả. Buông xả cái gì? Buông xả tham sân si, buông xả thị phi nhân ngã, buông xả thành bại, buông xả phan duyên, buông xả đố kỵ, buông xả ta, người. Tôi thường hay nói với các vị, buông xả thị dục (thị hiếu của bạn, dục vọng của bạn), buông xả tham ái, buông xả ngang ngược, buông xả ân oán, tất cả đều buông xả; dùng tâm thanh tịnh, tâm chân thành, tâm đại từ bi vì Phật pháp, vì xã hội, vì tất cả chúng sanh phục vụ. Sự chuyển biến này là siêu phàm nhập thánh.
Bất kể bạn là thân phận gì, bạn làm ở ngành nghề nào, bạn ở trong một loại cương vị công tác nào, đó cũng đều vì chúng sanh phục vụ, vì xã hội phục vụ. Chúng tôi xuất gia, đây cũng là một ngành nghề. Trong xã hội, chúng tôi cùng gánh vác một chức trách, chức trách này chúng ta phải nhận thức rõ ràng, đó là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Cho nên chúng tôi nhận thức rằng, Phật Thích Ca Mâu Ni là thầy dẫn đường giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa, hòa hợp tôn giáo, đoàn kết chủng tộc khác nhau, văn hóa khác nhau. Tối hôm qua, chúng tôi tham quan Ba cáp y giáo, họ cũng cùng lý tưởng này, nhưng mà Phật pháp ở trên lý luận, ở trên sự hành trì, ở trên sự giảng dạy thì thiết thực hơn, xuất sắc hơn so với họ.
Trước đây tiên sinh Phương Đông Mỹ từng nói, trong “Kinh Hoa Nghiêm” có triết lý cứu cánh viên mãn chân thật. Triết học thế xuất thế gian mà ông cả đời đã đọc, đã học, không có cái gì có thể sánh bằng “Triết học Hoa Nghiêm”, vì lý luận viên mãn, phương pháp chu đáo tường tận, phía sau còn kèm thêm biểu diễn. Thiện Tài Đồng Tử 53 tham là biểu diễn, làm ra cho chúng ta thấy, để chúng ta học tập. Ông thường nói: “Kinh Hoa Nghiêm là khái luận triết học hay nhất của thế gian”. Có thể nói, cuối đời ông hoàn toàn học tập “Hoa Nghiêm”; ở trong nhà trường, mở “Triết học Hoa Nghiêm”, giới thiệu “Hoa Nghiêm”.
Thân phận của chúng tôi hiện nay thị hiện là đệ tử Phật xuất gia. Nếu như ngay cả những đạo lý này còn không biết, không nhớ kỹ lời giáo huấn của Phật, không thể cố gắng nỗ lực phụng hành thì đây là đại bất trung bất hiếu, vậy còn có thành tựu gì? Bất trung bất hiếu, quí vị phải nhớ kỹ, lời tôi nói hơi khó nghe, cũng không khách sáo, tiền đồ của người bất trung bất hiếu là ba đường ác, không có phần ở ba đường thiện. Bạn đừng cho rằng niệm mấy câu Phật hiệu này là có thể Vãng Sanh, đâu có dễ dàng như vậy! Người tận trung tận hiếu niệm Phật chắc chắn được Vãng Sanh, mới có thể được chư Phật hộ niệm, long thiên ủng hộ. Hy vọng chúng ta cùng nhau khích lệ, cố gắng nỗ lực mà tu học.
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây.
A Di Đà Phật!
Discussion about this post