Trích A Di Đà Kinh Sớ Sao
Giảng giải: Pháp Sư Tịnh Không
Từ Đại Kinh, chúng ta thấy người trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Thanh hư chi thân, vô cực chi thể, thân thể ấy trong sạch đến tột bậc, cần gì phải tắm rửa nữa?
Chẳng cần.
Đơn giản là trên thân chẳng nhiễm mảy trần, còn phải tắm rửa chi nữa?
Trong cõi này, trời nóng, chúng ta chảy mồ hôi, phải tắm rửa. Tây Phương Cực Lạc Thế Giới chắc chắn chẳng chảy mồ hôi.
Tắm rửa ở bên ấy là hưởng thụ niềm vui, giống như chúng ta chơi đùa trong cõi này, là vui vẻ, là sung sướng, nhưng nó có công đức, công đức ở chỗ nào?
Có thể gột trừ phiền não trong tâm tánh.
Như chúng ta hiện thời là đới nghiệp Vãng Sanh, đến bên kia, thân thanh tịnh, chẳng còn phải bàn cãi chi nữa.
Chúng ta chưa đoạn Kiến Tư phiền não, Trần Sa phiền não cũng chẳng đoạn, Vô Minh phiền não cũng chưa đoạn, đáng ngạc nhiên là sang bên kia, gột rửa một lần, phiền não nhẹ hơn một chút. Lại tắm rửa lần nữa, lại nhẹ hơn một chút.
Vì thế, tắm rửa trong ao bảy báu của Tây Phương Cực Lạc Thế Giới thật sự là để đoạn phiền não, xác thực là có thể đạt được thân tâm thanh tịnh, phiền não nhẹ nhàng, trí huệ tăng trưởng, có những điều tốt đẹp ấy, đó là Tấn nghiệp tăng tấn đạo nghiệp.
Sao: Đại Bổn vân:
Ký giai dục dĩ, hoặc các tọa ư liên hoa chi thượng.
Sao: Kinh Đại Bổn chép:
Đã tắm xong, hoặc là ai nấy đều ngồi trên hoa sen.
Mọi người tắm rửa trong ao bảy báu xong, trở lại chỗ ngồi của chính mình, ngồi trên hoa sen.
Sao: Hựu vân:
Hữu tại địa giảng Kinh giả, tụng Kinh giả, tự thuyết Kinh giả, thọ Kinh giả, thính Kinh giả, niệm Kinh giả, tư đạo giả, tọa Thiền nhất tâm giả, Kinh hành giả.
Sao: Lại nói:
Trên mặt đất, có người giảng Kinh, tụng Kinh, tự nói Kinh, truyền dạy Kinh, nghe Kinh, niệm Kinh, suy nghĩ về đạo, tọa Thiền nhất tâm, Kinh hành.
Có thể thấy cuộc sống của họ vô cùng thanh thản, nhàn nhã, hết sức tự tại. Nay chúng ta gọi Giảng Kinh là nghiên cứu thảo luận, đó là một loại. Loại khác là đại Bồ Tát giảng cho các tiểu Bồ Tát nghe, đây là hữu tình thuyết pháp. Trong phần trước Kinh nói đến chuyện nước bên ấy thuyết pháp, đó là vô tình thuyết pháp.
Giống như chúng ta đến bên đó, đới nghiệp Vãng Sanh, những thứ chúng ta muốn học quá nhiều, A Di Đà Phật giảng cho chúng ta, đôi khi chúng ta cảm thấy Phật là thầy, gặp Phật thì phải giữ quy củ, có câu hỏi bèn e ngại cũng chẳng dám hỏi, luôn cảm thấy thầy quá oai nghiêm, chẳng dám thân cận, chỉ đành tìm bạn học.
Quán Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát là bạn học, tìm các Ngài dễ nói chuyện hơn. Kinh gọi những vị đại Bồ Tát ấy là Chư thượng thiện nhân.
Thượng thiện:
Kinh nói rõ ràng, Đẳng Giác Bồ Tát được gọi là Thượng thiện. Trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, các vị Đẳng Giác Bồ Tát như Quán Âm, Thế Chí vô lượng vô biên, những vị ấy đều là Bổ Xứ Bồ Tát, đều là Hậu Bổ Phật. Các Ngài hết sức ưa thích giáo học, nên những vị ấy thường giảng Kinh. Nói thật ra, Quán Âm Bồ Tát trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới không phải là một vị.
Từ Đại Kinh, chúng ta thấy dưới mỗi gốc cây báu đều có hóa thân của Tây Phương Tam Thánh. Vì thế, trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, Tây Phương Tam Thánh hóa thân khắp chốn, bất luận ở chỗ nào, quý vị muốn thấy, các Ngài đều ở trước mặt, chẳng thể nào không thấy. Cảnh giới ấy vô cùng chẳng thể nghĩ bàn.
Tụng Kinh giả người tụng Kinh, quá nửa là riêng biệt, một mình quý vị tụng Kinh tại đó. Tự thuyết Kinh giả người tự nói Kinh, một số ít người, vài người, dăm ba người nghiên cứu thảo luận. Thọ Kinh giả, Thọ là truyền dạy.
Thính Kinh giả, niệm Kinh giả:
Niệm Kinh và tụng Kinh rất tương tự, nhưng trên thực tế, hoàn toàn khác nhau. Tụng Kinh là niệm Kinh Văn, nhìn vào Kinh bổn để niệm cũng được, hoặc chẳng cần Kinh bổn, đọc thuộc lòng. Niệm thì khác, niệm là nghĩ tới những công đức của Phật, Bồ Tát đã được nói trong Kinh, đó là Ức niệm. Nghĩ tới những lý luận, sự tu hành và các thứ công đức trang nghiêm phổ độ chúng sanh, nghĩ nhớ những chuyện ấy thì gọi là Niệm.
Tư đạo giả, tọa Thiền nhất tâm giả, Kinh hành giả:
Ở đây, Tư trong tư đạo không phải là tư duy, chỉ mượn dùng chữ này để nói cho tiện. Trong thế gian này, chúng tôi giảng cho quý vị điều gì, quý vị chẳng hiểu rõ, quý vị bèn tự nhủ ta suy nghĩ kỹ càng liền hiểu rõ.
Sự suy nghĩ ấy là ý thức. Người trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới đã lìa tâm ý thức nên Tư của họ chẳng giống với Tư suy tư của chúng ta ở nơi đây. Tư của họ rất giống với Tham cứu như thường nói trong thế gian, nhà Thiền gọi Tư là Tham Thiền, chẳng thể gọi là Tư Thiền.
Tham là gì?
Chẳng dùng đến tâm ý thức là Tham. Tâm ý thức là gì?
Nói đơn giản, Thức là phân biệt, Ý là chấp trước, Tâm là hàm tàng, chúng ta còn gọi chuyện này là lưu lại ấn tượng. Nói cách khác, chẳng phân biệt, không chấp trước, không lưu lại ấn tượng, đó là Tham. Trong Kinh Phật còn có một thuật ngữ là Tư duy tu cũng có cùng ý nghĩa này. Vì thế, chúng phải hiểu hàm ý của nó.
Dùng phương pháp này mới có thể kiến đạo, đạo là gì?
Là Chân Như bản tánh, nhà Thiền nói Minh tâm kiến tánh, Tư đạo là minh tâm kiến tánh.
Tọa Thiền, Thiền có nghĩa là Ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng động tâm, đó là Thiền.
Chư vị phải ghi nhớ, tọa Thiền thật sự ở mức độ cao chẳng nhất định phải ngồi tại đó, vì sao?
Đi, đứng, ngồi, nằm đều là Thiền, đều là Tọa Thiền. Tọa có nghĩa là Bất động, ngồi ở nơi ấy mà tâm chẳng động, tâm quý vị chẳng động bèn gọi là Tọa. Quý vị đi đường, trong tâm chẳng động, vẫn gọi là Tọa. Bởi lẽ, Tọa chẳng phải là thân bất động, mà là tâm bất động. Tâm bất động mới thật sự là Tọa. Chúng ta ngồi ở nơi đây, trong tâm suy tưởng loạn cào cào.
Không được.
Chẳng gọi là Thiền.
Đối với ý nghĩa của từ ngữ Tọa Thiền ở chỗ này, chúng tôi nghĩ nhất định phải hiểu theo hình thức, tức là người ấy thật sự đả tọa tĩnh tọa. Đó chẳng phải là Tọa Thiền hiểu theo ý nghĩa tâm bất động là tọa Thiền vì chữ Tư đạo như đã nói trong câu Kinh Văn trước đó mới là tọa Thiền chân chánh.
Tọa Thiền ở đây có thể là người ấy ngồi nơi đó, tức là tọa Thiền hiểu theo hình thức, có người ngồi dưới cội cây, bên bờ ao, hoặc trên hoa sen. Hữu nhất tâm là có người đang tu nhất tâm.
Kinh hành là nhiễu Phật, khi chúng ta niệm Phật, đi nhiễu Phật, nói thông tục là Tản bộ.
Vì sao gọi tản bộ là Kinh hành?
Vì người ấy vừa tản bộ, vừa niệm Kinh, hoặc niệm Phật, hoặc niệm chú, thảy đều gọi là Kinh hành. Những điều vừa nói trên đây đều ở trên mặt đất. Tiếp theo đây là nói đến hư không.
Sao: Hữu tại hư không trung giảng Kinh giả, nãi chí tọa Thiền, Kinh hành giả.
Sao: Có người giảng Kinh, cho đến tọa Thiền, Kinh hành trên hư không.
Trên hư không cũng rất trang nghiêm. Trên hư không có lâu các, cũng có rất nhiều Bồ Tát ở trên không trung, giống như những vị đang tu tập trên mặt đất. Đây là nói các Ngài thật sự tự tại, muốn ở chỗ nào bèn ở chỗ đó.
Sao: Các tùy kỳ chất nhi hữu sở đắc.
Sao: Mỗi vị đều tùy theo tánh chất của mình mà có sở đắc.
Câu này là nói tổng quát. Nói cách khác, quý vị mỗi ngày đều có tiến bộ, mỗi ngày đều có chứng đắc. Dưới đây là nêu thí dụ.
Sao: Vị đắc Tứ Quả giả, nhân đắc Tứ Quả.
Sao: Người chưa đắc Tứ Quả do đó bèn đắc Tứ Quả.
Tứ Quả là nói tới Tiểu Thừa. Bên ấy chẳng có Tiểu Thừa, đây là tỷ dụ. Thí dụ như chúng ta chưa đoạn Kiến Tư phiền não, tu hành bên đó, chẳng bao lâu bèn đoạn Kiến Hoặc. Đoạn được Kiến Hoặc sẽ bằng với Sơ Quả.
Tư Hoặc đã đoạn, Tư Hoặc đã đoạn thì nếu đoạn ba phẩm đầu của Tư Hoặc sẽ bằng với Nhị Quả. Lại đoạn sáu phẩm Tư Hoặc nữa, sẽ bằng với Tam Quả. Đoạn sạch mọi Tư Hoặc sẽ bằng với Tứ Quả. Ở đây là nói tới đoạn hoặc chứng Chân, mượn dùng những danh từ trong các Thế Giới phương khác.
Tây Phương Cực Lạc Thế Giới chẳng có những danh từ ấy, trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới chẳng nghe những danh từ đó, vì sao?
Tây Phương Cực Lạc Thế Giới là một Thế Giới bình đẳng. Người trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới đông dường ấy mà chẳng có tên họ. Nhà cửa và cung điện nhiều ngần ấy, nhưng chẳng có số nhà hay tên đường.
Quý vị nghe xong, cảm thấy phiền phức quá, tìm một người quen biết sẽ tìm ở chỗ nào?
Nói thật ra, cảnh giới ấy thật sự chẳng thể nghĩ bàn.
Nếu quý vị muốn tìm một người quen biết, sẽ giống như máy computer, trong tâm vừa động niệm, người ấy đang ở đâu quý vị biết liền ngay lập tức, chắc chắn chẳng tìm trật.
Do vậy, Tây Phương Cực Lạc Thế Giới chẳng có phân biệt.
Quý vị có tên tuổi, chẳng phải là có phân biệt ư?
Có đường, có số nhà, đều là có phân biệt, đều là có chấp trước. Thế Giới ấy chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, trong Đại Kinh đã nói chuyện này rất tỉ mỉ. Hy vọng quý vị có thể đọc Ngũ Kinh Độc Bổn nhiều lượt, đến Tây Phương Cực Lạc Thế Giới quý vị bèn hiểu rõ. Người ta hỏi, quý vị cũng có thể trả lời được.
Quý vị xem càng nhuần nhuyễn càng tốt, tín tâm quyết định kiên cố. Quý vị có thể tin tưởng, chắc chắn Vãng Sanh trong một đời này, chẳng có mảy may hoài nghi nào. Do vậy, dùng danh từ trong các Thế Giới ở phương khác để nói, vì Tây Phương Cực Lạc Thế Giới chẳng có những danh từ ấy.
Sao: Vị đắc bất thoái chuyển địa Bồ Tát, đắc bất thoái chuyển.
Sao: Bồ Tát chưa đạt địa vị Bất Thoái Chuyển liền đắc Bất Thoái Chuyển.
Bất Thoái Chuyển Địa Bồ Tát là nói tới các địa vị Bồ Tát từ Bát Địa trở lên. Do các Thế Giới phương khác thường nói Bất Thoái Chuyển là Bát Địa Bồ Tát. Bát Địa Bồ Tát được gọi là Bất Động Địa, thật sự bất thoái.
Đây là nói những người chưa đạt đến trình độ Bát Địa, bèn chứng đắc Bát Địa. Vì thế, ta biết người và trời trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới tiến bộ hằng ngày, chẳng lui sụt, đó gọi là Viên chứng Tam Bất Thoái.
Sao: Thị thủy bất đản dĩ khả dục vi công, hựu năng lợi ích ư ký dục chi hậu dã.
Sao: Nước ấy không chỉ có công năng tắm gội, mà còn có thể lợi ích sau khi tắm.
Trong Thế Giới này, nước của chúng ta là do nghiệp báo của chúng ta tạo ra, hiện thời, chúng ta sống trên địa cầu đều là nghiệp báo. Trong ba mươi năm gần đây nhất, đối với sự hưởng thụ vật chất và khoa học kỹ thuật chúng ta càng mê sâu hơn, do đã mê nên tạo nghiệp. Tạo nghiệp thì trong tương lai nhất định phải hứng chịu quả báo.
Hiện thời đã có những nhà khoa học phát hiện quả báo ấy sắp chín muồi, nên lo lắng, nhưng lo lắng cũng vô dụng.
Mấy hôm trước, TV và radio có nói:
Hiện thời có những khoa học gia phát hiện tầng xú dưỡng khí ozone trên bầu trời Bắc Cực bị thủng.
Nam Cực đã xuất hiện vấn đề, nay thì Bắc Cực lại nẩy sanh vấn đề. Vấn đề ấy vừa xuất hiện, địa cầu phải gặp nạn. Trong ba bốn mươi năm gần đây nhất, những sản phẩm hóa học do chúng ta sử dụng nẩy sanh tác dụng phụ. Sau khi tầng ozone bị thủng, tia tử ngoại từ mặt trời vốn rất mạnh, do chẳng có gì ngăn che, băng ở hai địa cực sẽ tan chảy, nước biển dâng lên, rất nhiều nơi hiện thời là đất liền sẽ trở thành đáy biển.
Dân cư trên Thế Giới ngày càng nhiều, đất đai ngày càng ít, rắc rối to.
Hiện thời vẫn là truy cầu hưởng thụ vật chất không ngừng.
Các nhà khoa học đã nói rất hay, vật chất tích tập trên địa cầu vài tỷ năm bị thế hệ hiện thời xài hết sạch trong vài chục năm.
Nói thế hệ chúng ta trong hiện thời có phước báo hơn cổ nhân, tôi chẳng biết phước ở chỗ nào?
Quý vị hãy suy nghĩ kỹ, thế hệ hiện thời chẳng có phước báo như người thuở trước.
Nếu quý vị nói bốn mươi năm qua có tiến bộ, sự tiến bộ ấy chẳng thật.
Người tuổi cao còn có thể nhớ lúc nhỏ, vẫn còn hoài niệm tuổi ấu thơ. Văn minh vật chất thuở bé chẳng phát triển bằng hiện thời, nhưng thuở ấy tình người rất nồng đậm. Thời ấy đúng là cuộc sống của con người, là sự hưởng thụ trong cuộc đời.
Con người hiện thời là máy móc, cơ khí, con người hiện thời chẳng phải là người.
Đáng thương quá.
Giá trị và ý nghĩa của con người chẳng còn nữa.
Quan hệ cư xử giữa người và người là gì?
Lợi hại.
Chẳng giống như xưa kia.
Trước kia, giữa người và người đích xác là đạo nghĩa. Đạo nghĩa phát xuất từ tự nhiên, xuất hiện từ trong tâm, chẳng phải do con người miễn cưỡng tạo ra. Hiện thời, những điều ấy hoàn toàn chẳng còn nữa.
Tình nghĩa giữa cha con cũng chẳng còn nữa, con cái hiếu thuận với cha là do cha còn để lại tài sản chẳng ít, nên chẳng thể không hiếu thuận một phen.
Nếu cha mẹ chẳng có của cải để lại, con cái bèn chẳng ngó ngàng tới.
Khác hẳn.
Vì lẽ đó, xã hội hiện tại hoàn toàn điên đảo, xác thực là gần mấp mé bờ vực băng hoại.
Người Tây Phương tiên đoán Thế Giới tận thế vào năm 1999, tôi thấy phát triển kiểu này sợ rằng lời tiên đoán ấy chẳng sai cho lắm. Trong quá khứ, tôi nghĩ có thể là chiến tranh nguyên tử. Hiện thời tôi nghĩ nếu nhằm thời kỳ Băng Hà thì thôi rồi, toàn thể địa cầu bị hủy diệt, rất có thể xảy ra.
Nếu tầng ozone ở hai cực hoàn toàn chẳng còn, băng hà lập tức xảy ra. Nếu băng ở hai cực đều tan thì thành phố Đài Bắc chẳng còn nữa, thành phố Đài Bắc chìm xuống đáy biển.
Sợ rằng Đài Loan chỉ còn chót núi A Lý nhô lên một chút, trừ núi ấy ra, sợ rằng tất cả mọi thứ đều chẳng còn nữa.
Bình nguyên đồng bằng và thành thị e rằng chẳng còn nữa, đó là một vấn đề lớn. Nhiều năm dường ấy đã tạo nghiệp nặng nề ngần ấy, ai có năng lực bù đắp?
Vấn đề này nghiêm trọng lắm.
Khi tạo nghiệp, chẳng biết hậu quả nghiêm trọng, nay ta đã thấy hậu quả rồi.
Mọi người chúng ta coi như còn may mắn, vì sao?
Tìm được một con đường. Coi như tối thiểu là năm 1999 là tận thế thì hãy còn mười năm, mười năm thì còn kịp, chắc chắn chẳng có vấn đề. Chúng ta tu học Pháp môn này quyết định thành công. Thế Giới này tận thế thì chúng ta có thể về Tây Phương Cực Lạc Thế Giới.
Nếu quý vị chẳng gặp nhân duyên này, chẳng hiểu đường nẻo này, đúng là khó lắm.
Quyết định phải nương cậy con đường này, nó không chỉ là sanh lộ, mà còn là con đường để đạt tới sự sống đời đời. Vì lẽ đó, đối với Thế Giới hiện thời, nếu quý vị suy nghĩ cặn kẽ, lắng lòng suy nghĩ, sẽ thấy chẳng có gì đáng để lưu luyến. Chẳng như trong quá khứ, thời đại quá khứ đích xác là còn có rất nhiều thứ đáng để lưu luyến, nay chẳng còn nữa. Chúng ta phải thật sự giác ngộ, phải triệt để giác ngộ.
Đây là nói tới nghiệp báo của chúng ta. Nước nghiệp báo thì hết mức là chỉ có thể gột rửa bụi đất dơ bẩn trên thân thể chúng ta, chỉ có năng lực ấy, chẳng có lợi ích to lớn. Nước trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới là nước tám công đức.
Nước tám công đức do đâu mà có ?
Sanh từ trí huệ trong tâm tánh của A Di Đà Phật, đó là nước trí huệ.
Vì thế, chúng ta tắm gội trong ao bảy báu, có thể Khai thần duyệt thể sảng khoái tinh thần, thân thể vui sướng, đoạn Hoặc, chứng Chân, đạt được lợi ích to lớn.
Sao: Dĩ thượng tam chủng thù thắng, giai nhiếp bảo trì đức thủy trung cố.
Sao: Ba thứ thù thắng trên đây đều bao gồm trong nước công đức trong ao báu.
Nước tám công đức trong ao bảy báu.
Sao: Hựu Hậu Xuất Kinh Kệ vân.
Sao: Lại nữa Hậu Xuất Kinh Kệ có nói.
Tức là Hậu Xuất A Di Đà Phật Kệ, nay chúng tôi cũng đưa bản này vào trong Tịnh Độ Ngũ Kinh Độc Bổn.
Sao: Đản hữu hà thủy lưu, âm hưởng như thuyết Kinh, thị dã.
Sao: Chỉ có nước sông chảy, vang tiếng như nói Kinh, chính là nói về công đức của nước trong cõi Cực Lạc vậy.
Tán thán nước trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới có thể thuyết pháp, có thể tẩy trừ phiền não của chúng ta.
Đoạn sau đây là Xứng Lý:
Sớ: Xứng Lý, tắc tự tánh uông dương xung dung, thị bảo trì nghĩa. Tự tánh tất bị nhất thiết công đức, thị đức thủy nghĩa.
Sớ: Xứng Lý thì tự tánh sâu xa, mênh mông, bình ổn là ý nghĩa của ao báu. Tự tánh ắt trọn đủ hết thảy công đức là ý nghĩa của nước công đức.
Đoạn này thường được gọi là Tiêu quy tự tánh. Đây là chỗ thù thắng khôn sánh trong bộ sách chú giải do Liên Trì Đại Sư trước tác, câu nào cũng đều tiêu quy tự tánh. Chúng ta đọc lời giải thích của Đại Sư, tức là những phần văn tự giải thích lời Kinh, nếu chính mình có thể lãnh hội sâu xa thì sẽ đạt được những sự thọ dụng giống hệt như vậy.
Có nghĩa là ao báu và nước công đức toàn là từ tự tánh biến hiện, nên nó có công đức to lớn như vậy. Chúng ta thấy tất cả hết thảy vật chất trong thế gian này, thấy nước là do nghiệp báo của chúng ta biến hiện, còn cõi kia là từ tự tánh biến hiện. Vì vậy, nói theo căn bản thì chẳng giống nhau.
Hiểu rõ đạo lý này, chúng ta tu hành nhất định phải dùng chân tâm, chân tâm tiếp cận bổn tánh, tức là dùng sự thành thật. Chân thành thực tại bèn có thể tiếp cận bổn tánh.
Chúng ta thấy những vị đại Bồ Tát ấy xứng tánh khởi tu, toàn tu tại tánh, điều này dường như đã huyền diệu lại còn huyền diệu cao vời chẳng thể thấu suốt được, chúng ta chẳng có cách nào thực hiện. Thật ra, nếu quý vị thật sự hiểu rõ thì ai nấy đều có thể tu.
Nay sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần từ sáng đến tối sinh sống, xử sự, đãi người, tiếp vật, chúng ta chỉ dùng chân tâm, thành tâm, đó là xứng tánh khởi tu, chẳng dối gạt chính mình, chẳng lừa bịp người khác. Phật, Bồ Tát dụng tâm chân thành, chúng ta cũng sử dụng tâm chân thành, chẳng khác gì Phật, Bồ Tát.
Thế nhưng, Chân là gì?
Thành là gì?
Phải hiểu rõ điều này.
Hiện thời, quý vị luôn nghe nói:
Ta luôn dùng chân tâm đối đãi người khác, khoe chính mình đối đãi kẻ khác bằng chân tâm, hoặc Ta thành tâm, thành ý. Thật ra, kẻ ấy chẳng chân, mà cũng chẳng thành.
Kẻ ấy chẳng hiểu hai chữ Chân Thành phải giảng như thế nào, đã hiểu sai be bét rồi.
Trong bút ký đọc sách, Tăng Quốc Phiên đã định nghĩa chữ Thành. Định nghĩa rất hay, rất đơn giản, mà cũng rất dễ hiểu.
Cụ nói:
Một niệm chẳng sanh bèn gọi là Thành. Niệm ấy là vọng niệm. Trong tâm sạch làu chẳng có vọng niệm, tâm ấy là thành tâm, thành tâm là chân tâm. Do vậy, trong chân tâm chẳng có vọng tưởng, chẳng có tạp niệm.
Hễ quý vị có vọng tưởng, có tạp niệm, tâm ấy chẳng chân, chẳng thành.
Quý vị biết dùng chân tâm, dùng thành tâm, tức là quý vị đã phát Bồ Đề tâm.
Vậy thì quý vị là Bồ Tát, chẳng cần phải thọ Bồ Tát giới.
Thọ Bồ Tát giới chưa chắc là Bồ Tát.
Nếu quý vị dùng chân tâm đối xử với người khác, quý vị là Bồ Tát thật sự, chẳng giả.
Vì sao?
Đã phát Bồ Đề tâm.
Thọ Bồ Tát giới mà vẫn dùng hư tình giả ý để đối đãi người khác, đó là Bồ Tát gì vậy?
Nói khó nghe thì vị Bồ Tát ấy lừa dối Phật.
Nói thật ra, đó là tự gạt mình, chứ làm sao có thể lừa Phật được.
Chẳng thể lừa Phật, mà là tự gạt mình.
Lầm lẫn to tát quá đỗi.
Phải dùng cái tâm chân thành.
Tâm chân thành chẳng phải là ta vừa phát liền dấy lên, chẳng đơn giản như vậy đâu nhé.
Nho gia nói Thành ý, chánh tâm giống như Bồ Đề tâm trong nhà Phật, chẳng sai khác.
Nhưng Nho gia tu thành ý chánh tâm từ chỗ nào?
Từ Cách vật trí tri, quý vị thấy vẫn là thực hiện công phu ấy. Nhà Phật gọi Cách vật là Đoạn Phiền Não Chướng, gọi Trí tri là phá Sở Tri Chướng.
Quý vị có hai thứ chướng tồn tại thì tâm quý vị làm sao có thể chân được?
Làm sao có thể thành?
Quý vị có nhị chướng thì tâm quý vị là mê, chẳng giác.
Chân tâm là giác tâm. Do vậy, quý vị muốn sử dụng chân tâm, nhất định phải trừ nhị chướng. Trước hết là đoạn Phiền Não Chướng, tham, sân, si, mạn, nghi, chớ nên có những thứ ấy, chẳng thể có Thân Kiến, Biên Kiến, Kiến Thủ, Giới Thủ, Tà Kiến.
Nói tới những điều ấy, chúng ta lại cảm thấy mông lung, chẳng có kỳ vọng gì.
Đúng là chẳng có hy vọng, tuyệt đối chẳng phải là chúng ta có thể đoạn được ngay trong một đời này.
Sở Tri Chướng chẳng cần nói tới, chứ đối với Phiền Não Chướng thì chúng ta chẳng có cách nào, chẳng đoạn được, Bồ Đề tâm còn có hy vọng gì nữa?
Nhưng trong Pháp môn Tịnh Độ của chúng ta, vẫn còn lưu lại một tia hy vọng.
Nói thật thà, tu các Pháp môn khác, nói chẳng khách sáo thì đúng là chẳng có hy vọng gì, bất cứ một Pháp môn nào cũng đều chẳng có hy vọng cho quý vị.
Chỉ riêng Tịnh Độ là đới nghiệp Vãng Sanh, tức là chẳng đoạn phiền não. Chẳng đoạn phiền não thì chẳng có Bồ Đề tâm thật sự, nhưng chúng ta có Tương Tự Bồ Đề tâm, từ tương tự sẽ tự nhiên biến thành chân thật. Nếu biến hóa nhanh một chút, sẽ biến được trong đời này.
Nếu biến chậm, không gấp gì, đến Tây Phương Cực Lạc Thế Giới sẽ biến.
Hễ Vãng Sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới bèn biến đổi, tu học bất cứ một Pháp môn nào đều chẳng thể nhanh chóng, đơn giản, dễ dàng bằng.
Vì thế, chúng ta phải bồi dưỡng lòng chân thành, dùng phương pháp gì?
Dùng đọc tụng, dùng niệm Phật.
Cổ nhân dạy chúng ta:
Thuyết thiểu nhất cú thoại, đa niệm nhất thanh Phật. Ít nói một câu chuyện, niệm nhiều một câu Phật, những thứ gì chẳng cần phải nghĩ tới bèn gắng hết sức đừng nghĩ. Những thứ gì chẳng bắt buộc phải nói bèn tận hết sức chẳng nói, dành thời gian niệm Phật.
Nếu quý vị nghĩ, hãy nghĩ tới y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, nghĩ những điều ấy, nghĩ tới công đức của A Di Đà Phật từ lúc phát tâm tu hành đã kiến lập Tây Phương Cực Lạc Thế Giới hòng phổ độ hết thảy chúng sanh thành Phật, nghĩ chuyện ấy.
Quý vị nghĩ chuyện này là thật, nghĩ những điều khác là giả, vì sao?
Nói nghĩ điều này là thật là vì quý vị nghĩ đến những thứ có thể đạt được trong tương lai. Quý vị nghĩ tới những thứ khác, trong tương lai thảy đều chẳng đạt được. Chẳng đạt được thì là giả. Có thể đạt được thì là thật. Nếu chúng ta có thể phân biệt thật giả, những thứ khác như tà chánh, đúng sai, lợi hại, đều chẳng cần bàn tới, chúng ta chỉ bàn về thật giả.
Phải nhận lấy thật, đừng nhận giả, cuộc đời này của chúng ta hết sức có giá trị, hết sức có ý nghĩa, đời này chẳng luống uổng.
Đời đời kiếp kiếp từ quá khứ vô thỉ kiếp đến nay đều luống uổng, đời này nhân duyên tốt đẹp, duyên trọn đủ. Nhân duyên thù thắng như vậy mà nếu chúng ta chẳng thể nắm vững, quả thật quá đáng tiếc.
Nếu quý vị nói đời sau lại gặp gỡ duyên này, rất khó khăn.
Hiện tại khoa học kỹ thuật rất phát triển, chúng ta in Kinh sách rất nhiều lại rẻ, phổ biến lưu thông trên cả Thế Giới, trong tương lai há lẽ còn chẳng được gặp gỡ ư?
Nếu băng ở hai địa cực tan hết, dẫu chúng ta in các thứ nhiều đến mấy vẫn uổng công, đều chẳng còn nữa.
Chỉ đành đợi tới sau khi Di Lặc Bồ Tát xuất hiện nói Kinh thì trên Thế Giới này mới có ba Kinh hoặc năm Kinh Tịnh Độ lưu thông, chẳng phải là chuyện dễ dàng.
Vì thế, nhất định phải nắm vững hiện tại, đừng nghĩ tới tương lai, tương lai chẳng đáng trông cậy.
Di Lặc Bồ Tát đến thành Phật trong thế gian này, khi đó, quý vị có vừa khéo được làm thân người hay không?
Nếu khi đó, quý vị chẳng ở trong nhân đạo, chẳng phải là Phật Di Lặc thành Phật mà quý vị vẫn xôi hỏng bỏng không hay sao?
Dẫu quý vị được sanh làm thân người trong nhân đạo, nhưng quý vị có ở rất gần Di Lặc Bồ Tát hay không?
Quý vị có thể gặp Ngài hay không?
Quý vị hãy nghĩ thuở Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện tại Ấn Độ, ngay cả người Ấn Độ cũng có nhiều kẻ chẳng có duyên phận, chẳng thể thấy Phật, cùng ở trong một thành, mà chưa chắc có thể trông thấy, thật sự khó lắm.
Vì thế, quý vị hãy suy nghĩ, cơ duyên gặp gỡ khó có lắm.
Không nắm vững cơ duyên, đi làm chuyện khác, như thế là lầm lẫn to lớn quá đỗi.
Sao: Uông dương xung dung giả, uông, thâm mạo.
Sao: Uông dương xung dung, Uông là dáng vẻ sâu thẳm.
Bốn chữ này là hình dung từ, Uông là sâu, sâu thẳm.
Sao: Tự tánh thâm huyền vô tận, như trì để cố.
Sao: Tự tánh sâu mầu, vô tận, như đáy ao.
Hễ nói tới Lý, nói đến tâm tánh, chính là như Kinh Hoa Nghiêm nói biểu pháp. Biểu pháp là mỗi pháp đều nhằm biểu hiện của Tánh Đức chúng ta. Ở đây cũng chẳng ra ngoài lệ ấy, nói tới Tánh Đức. Tánh Đức theo chiều dọc cùng tột ba đời, quá khứ vô thỉ, tương lai vô chung, sâu mầu giống như đáy ao bảy báu.
Sao: Dương, quảng mạo.
Sao: Dương là dáng vẻ rộng lớn.
Dương là nói về rộng, rộng lớn.
Sao: Tự tánh quảng viễn vô tế, như trì lượng cố.
Sao: Tự tánh rộng xa không ngằn mé, như dung lượng của ao.
Ao trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới rất lớn.
Quảng viễn vô tế:
Theo chiều ngang trọn khắp pháp giới, theo chiều dọc tột cùng ba đời, theo chiều ngang trọn khắp mười phương, đó là tự tánh của chúng ta. Hết thảy các pháp trong tam giới mười phương đều là vật được biến hiện bởi tự tánh. Tự tánh biến hiện bất cứ vật thể nào thì nó vẫn giống như tự tánh, điều này rất tuyệt vời, tuyệt diệu chẳng thể diễn tả được.
Nhỏ như một vi trần, vi trần là tự tánh, trong vi trần hiển thị tướng viên mãn lưu xuất từ tự tánh. Chúng ta chẳng có cách nào lý giải điều này, hoàn toàn là cảnh giới Hoa Nghiêm, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại.
Toàn thể tự tánh nhìn từ chỗ nào?
Từ trong một vi trần.
Một vi trần và toàn thể tự tánh là chẳng hai, chẳng khác.
Chúng ta nói một vi trần rất nhỏ, tự tánh rất lớn. Nói thật ra, có thấy vi trần và tự tánh sai khác như vậy là vì quý vị có phân biệt lớn nhỏ, là do quý vị có tâm phân biệt, chấp trước. Quý vị đã mê nên trong tự tánh mới nói có lớn hay nhỏ. Đã ngộ tự tánh thì trong tự tánh chẳng có lớn hay nhỏ. Vì chẳng có lớn nhỏ, nên theo chiều ngang trọn khắp mười phương, theo chiều dọc tột cùng ba đời, có thể bỏ vào giới tử.
Giới tử là hạt cải, nó nhỏ bé mà tự tánh có thể đi vào trong ấy.
Hạt cải có phóng to hay không?
Chẳng có.
Tự tánh có rút nhỏ hay không?
Cũng chẳng có. Nó có thể nhét vào được là vì nó chẳng có lớn hay nhỏ. Nếu có lớn nhỏ thì lớn chẳng vào được nhỏ.
Chẳng có lớn nhỏ. Chẳng có vuông tròn, mà cũng chẳng có dài hay ngắn.
Có thể thấy chúng ta hiện thời chẳng thể kiến tánh, là do phân biệt, chấp trước chướng ngại bản thân chúng ta, mê mất tự tánh. Tự tánh rộng xa không ngằn mé, giống như dung lượng của cái ao.
Sao: Xung dung giả, trung hòa mạo.
Sao: Xung dung là dáng vẻ hòa hoãn.
Dáng vẻ hòa hoãn.
Sao: Tự tánh phi chân, phi tục, thuần túy chí thiện, như trì thuần dĩ bảo thành cố.
Sao: Tự tánh không phải chân, không phải tục, thuần túy chí thiện, như ao thuần dùng chất bảo tạo thành.
Nói tới tự tánh, nhà Thiền thường nói là Hướng thượng nhất trước đạt tới hướng thượng.
Hướng thượng nhất trước là như thế nào?
Ngôn ngữ dứt bặt, tâm hành xứ diệt, chẳng có cách nào nói được, ngôn ngữ chẳng thể diễn tả được, mà chúng ta cũng chẳng thể tư duy, tưởng tượng hòng tiếp xúc được.
Nhưng nếu quý vị lìa khỏi ngôn ngữ, lìa khỏi tư duy, tưởng tượng, những thứ ấy sẽ hiện thành, ở ngay trước mặt, sáu căn sẽ cảm nhận rõ ràng, rành rẽ, minh bạch, nên nhà Thiền nói:
Như người uống nước, lạnh, nóng tự biết, chẳng thể nói được.
Ở đây, Đại Sư dạy chúng ta:
Chẳng phải chân, chẳng phải tục, vì sao?
Vì chân tục là hai pháp, Lục Tổ bảo Hai pháp chẳng phải là Phật Pháp. Ta tư duy, tư duy và không tư duy là hai pháp, ngôn thuyết và vô ngôn thuyết là hai pháp. Nói chung, dùng hai pháp chắc chắn chẳng có cách nào có thể thấu hiểu. Lìa khỏi hai pháp, tự tánh ở ngay trước mặt. Ta rời khỏi ngôn thuyết, tư duy.
Được chớ.
Dễ dàng.
Vậy thì chẳng nói năng, chẳng tư duy, lìa như thế nào?
Ta lìa ngôn thuyết, chẳng phải là không có ngôn thuyết. Không có ngôn thuyết cũng phải lìa, hai bên đều phải lìa.
Lìa một bên, chấp vào một bên khác, chẳng được.
Phàm phu chấp trước bên Có. Hàng Tiểu Thừa lìa Có, nhưng chấp trước bên Không. Vì thế, hàng Tiểu Thừa chẳng thấy tánh. A La Hán và Bích Chi Phật đều chẳng thể kiến tánh, nguyên nhân là do chấp trước Không, vẫn là sai lầm. Bồ Tát đối với hai bên Có và Không đều chẳng chấp trước, đó là Trung Đạo.
Do vậy, tu hành gọi là Trung Quán, cảnh giới là Trung Đế, ở đây gọi là Trung Hòa. Chẳng phải chân, chẳng phải tục, thuần túy chí thiện đó là xa lìa nhị biên. Thiện ở đây chẳng phải là thiện trong thiện ác, thiện trong thiện ác là nhị biên, ác là một bên, thiện là một bên.
Nhị biên đều rời khỏi chính là chân thiện. Hói thật ra, chẳng thể diễn tả được.
Bất đắc dĩ dùng chữ này, hy vọng từ ngôn thuyết quý vị sẽ tự mình thấu hiểu, đúng là Ý tại ngôn ngoại.
Có thể hiểu ý ở ngoài lời, người ấy có trí huệ, thật sự có ngộ xứ. Nếu quý vị rớt vào ngôn ngữ, sẽ rất phiền phức, những gì quý vị sở đắc là ngôn ngữ, văn tự, đạt được sáu trần. Quý vị nghe thanh trần, mắt thấy sắc trần, những thứ quý vị đạt được là sáu trần.
Nếu quý vị hiểu ý ở ngoài lời, sẽ chẳng đạt được sáu trần, mà là sáu tánh, tai nghe là Văn Tánh tánh Nghe, mắt thấy Sắc Tánh, đó là minh tâm kiến tánh. Nói đơn giản, phải hiểu ý ở ngoài lời, đây là chỗ khó khăn trong Phật Pháp, quyết định đừng nên chết cứng trong ngôn ngữ, văn tự.
***
Discussion about this post