Kinh văn: “Thần túc trang nghiêm cố, hằng lệnh thân tâm, khinh an khoái lạc”.
Câu này là nói chúng ta đem thập thiện nghiệp thực tiễn vào “Tứ như ý túc”. Tứ như ý túc cũng gọi là “Tứ thần túc”. Chúng ta quan sát tỉ mỉ từ hai danh xưng “Thần” và “Như ý”, nó còn có tên khác là “Buông xả”. Trung Quốc vào thời xưa, các quan cao quyền quý cầm trên tay là cái “Như ý”, so với Phật nói môn này thì ý nghĩa hoàn toàn tương đồng.
Làm thế nào mới có thể như ý? Cái đầu của “Như ý” là xoay trở lại, “Quay đầu như ý”, nhà Phật chúng ta nói “Quay đầu là bờ”, quay đầu là như ý rồi. Bất kể bạn ở trong xã hội có địa vị cao như thế nào, có quyền thế lớn như thế nào, có của cải nhiều thế nào, bạn phải biết quay đầu. Quay đầu là như ý, trong nhà Phật nói là “thấy rõ, buông xả”. “Tứ niệm xứ” là thấy rõ. “Tứ thần túc” là buông xả. Túc là đầy đủ, thật sự đạt đến cứu cánh viên mãn. Trong đây có bốn điều Phật dạy chúng ta học.
Thứ nhất là “Dục”.
Dục là “dục vọng”. Con người chúng ta có đủ thứ mong cầu, đủ thứ ngưỡng mộ, đây là cái mà tất cả chúng sanh đều có. Nếu như bạn không thể đem những thứ này buông xả, thì bạn sẽ không có cách gì thoát khỏi lục đạo luân hồi. Sau khi buông xả rồi bạn liền được đại tự tại. Đạo lý này rất sâu, rất rộng. Buông xả dục vọng của chúng ta. Ngày nay quan niệm của người bình thường cho rằng, thế gian này không ngừng đang tiến bộ là do sức mạnh của dục vọng thúc đẩy. Dục vọng đang thúc đẩy thế giới này, khiến thế giới này mỗi ngày đang tiến bộ. Tiến bộ đến cuối cùng thì như thế nào? Thế giới hủy diệt, cùng đi vào chỗ chết. Cho nên bạn thử nghĩ, Phật dạy chúng ta buông xả, dạy chúng ta quay đầu là có đạo lý hay không? Con người cả đời dốc sức theo đuổi dục vọng, con người này thật đáng thương, cả đời không được nghỉ ngơi. Họ có thể đạt được những hưởng thụ đó, cái hưởng thụ đó nếu thật sự bình tĩnh mà tư duy thì lợi bất cập hại; bạn đã trả cái giá quá đắc, thân tâm bạn có áp lực quá lớn. Đây là sai lầm.
Chúng ta nêu ra một ví dụ đơn giản nhất, dùng người Mỹ so sánh với người Trung Quốc. Người Mỹ đời sống vật chất quả thật tốt hơn quá nhiều so với người Trung Quốc. Họ có môi trường sống rất thoải mái, ra khỏi cửa đều có xe hơi để đi, mỗi một gia đình đều có sân vườn, đều có hoa viên, sinh hoạt ở trong nhà thảy đều có thiết bị điện khí hóa. Người Trung Quốc chúng ta nhìn thấy rất ngưỡng mộ, “đời sống của người ta là tốt, chúng ta không bằng họ”. Hình như là năm tám mươi mấy, tôi lần đầu tiên cùng Viện trưởng Hàn về nước, đến Đại Liên, bà con phụ lão hỏi đến đời sống ở Mỹ (thời đó chúng tôi sống ở Mỹ), ai nấy đều hiện ra ánh mắt ngưỡng mộ. Thế nhưng tôi đã “dội cho họ một gáo nước lạnh”, tôi nói: “Đời sống của người Mỹ không bằng bà con”. Họ vô cùng kinh ngạc, hỏi: “Tại sao vậy? Chúng ta đi ra ngoài bằng xe đạp, ở nhà cửa thì dột nát, bất kể ở phương diện nào cũng không thể bằng người Mỹ”. Tôi nói: “Xin hỏi các vị, trong các vị có người nào là người sống trong cảnh mắc nợ không?” .Vào lúc đó có mặt khoảng chừng vài ba chục người, mọi người đôi bên nhìn nhau một lát, một người cũng không có. “Ồ, tuyệt vời! Đời sống của người Mỹ thảy đều là nợ trước, trả sau. Các bạn không có mắc nợ, họ mắc nợ. Từ lúc ra đời đã mắc nợ, đến chết cũng trả không hết”, tôi nói. Người học Phật chúng ta biết, đời sau vẫn trả nợ. Bạn thử xem áp lực tinh thần của họ lớn cỡ nào, mỗi ngày đều phải dốc sức làm việc. Tại sao phải làm việc? Vì phải trả nợ. Mua nhà, mua xe, dụng cụ gia đình đều là đi vay ngân hàng. Ngân hàng cho bạn mượn tiền, công ty bảo hiểm cho mượn, toàn là tiền đi vay mà có, do đó mỗi tháng phải trả. Vì vậy bạn không nên thấy sự đãi ngộ của người Mỹ cũng rất khá, thông thường một tháng có thể thu nhập đại khái khoảng 3.000 Đô. Chúng ta nghe thấy vậy cho rằng “vậy là thật tuyệt vời”. Nhưng thu nhập phổ thông nộp thuế hết một phần ba, trả nợ hết một phần ba, đôi khi còn phải nhiều hơn một chút. Thu nhập 3.000 đô nhưng trên thực tế có thể dùng đại khái chỉ có 700 – 800 Đô-la. Nếu như công việc không còn nữa thì bạn cái gì cũng tiêu hết. Tại sao vậy? Ngân hàng đến đòi nợ, công ty bảo hiểm đến đòi nợ, phát mại nhà của bạn, phát mại xe của bạn, phát mại thiết bị điện, đồ dùng trong nhà bạn để trả nợ, cho nên khi việc làm không còn nữa thì chẳng còn gì cả. Họ sống đời sống như vậy, còn chúng ta tuy sống vất vả một chút nhưng không mắc nợ. Mỗi ngày sau khi tan sở, tôi nhìn thấy mấy người ở ngay cửa nhà mình (họ không có sân) bày một cái bàn nhỏ, ngồi ăn đậu phộng, uống rượu lâu năm, thong dong tự tại. Loại tâm trạng hưởng thụ này, người nước ngoài không có.
Bạn phải biết, hạnh phúc thật sự là buông xả dục vọng. Phật Thích Ca Mâu Ni dạy chúng ta như thế nào vậy? Những điều Phật nói với chúng ta, bản thân Ngài thật sự làm được rồi, Ngài không phải chỉ nói mà không làm. Ngài có thể sống đời sống sung túc, Ngài xuất thân là vương tử, có thể kế thừa vương vị, việc gì phải xuất gia? Lại việc gì phải mỗi ngày ăn một bữa, ba y một bát, tối ngủ gốc cây, tại sao sống đời sống này? Đó là nói cho chúng ta biết, đời sống này là đời sống hạnh phúc nhất, mỹ mãn nhất, vui sướng nhất, vì trong tâm không có một mảy may gánh nặng, thân cũng không có một tí gánh nặng nào, tâm địa thanh tịnh, toàn thân thanh thản, một mảy may căng thẳng cũng không có. Đây gọi là “thần túc”, là “như ý”. Như ý thì có thể sinh thần thông, cho nên gọi là “như ý thông”.
Sao gọi là “thần thông”? Thật ra mà nói, thần thông là bản năng của chúng ta. Bản năng của chúng ta tại sao không thể hiện tiền vậy? Bởi vì tâm quá căng thẳng, thân quá căng thẳng rồi. Những thứ này vừa căng thẳng thì trí tuệ, đức năng vốn có của chúng ta thảy đều không lộ ra được. Nếu như trong tâm không có việc gì, thân tâm thoải mái thì trí tuệ, đức năng của bạn liền hiện tiền. Cho nên, thần thông không phải là cái có được từ bên ngoài, mà nó vốn đầy đủ trong tự tánh.
Trong kinh Đại thừa thường nói, tâm tánh của chúng ta với tâm tánh của chư Phật Như Lai không hai không khác. Tâm tánh vốn đầy đủ vô lượng trí tuệ, vô lượng đức năng, không phải đến từ bên ngoài. Con người hà tất phải tham cầu những dục vọng này, mỗi ngày tăng trưởng tham sân si để phải trả giá quá đắt như vậy? Bạn hưởng thụ được gì? Mỗi ngày trời vừa sáng là ra đi làm việc, đến tối mới trở về, thử hỏi xem, bạn hưởng thụ cái gì? Ở cái nhà lớn như vậy, cái sân lớn như vậy thì phải sửa sang, mà sửa sang thì phải có thời gian. Một tuần, người Mỹ làm việc năm ngày, có hai ngày nghỉ là thứ bảy và chủ nhật. Ngày nghỉ họ làm gì vậy? Ngày nghỉ là để sửa sang môi trường, chỉnh lý nhà cửa, không được nghỉ ngơi. Ở nhà càng lớn thì càng vất vả, không thuê nổi nhân công. Nước Mỹ thuê nhân công là tính bằng giờ, một giờ là bao nhiêu tiền? Nhân công tương đối tốt thì một giờ là mười đô la; nhân công kém một chút, không có kỹ thuật gì, thì một giờ chí ít cũng là năm đô la. Họ làm việc cho bạn tám giờ thì bạn phải trả 40 đô la đến 80 đô la. Cho nên, phần lớn người Trung Quốc ở nước Mỹ không thuê nhân công, đều là tự bản thân mình làm. Những ngày nghỉ là ngày mệt nhất, tội gì phải khổ như vậy? Tôi nhìn qua lắc đầu, tôi tuyệt đối không làm cái việc ngu ngốc này. Một người có một căn phòng là đủ rồi, quét dọn lau chùi rất dễ dàng, mười mấy phút là dọn sạch sẽ. Cho nên tôi nói đó không phải là người ở nhà, mà là nhà ở người, người là nô lệ của nhà. Đây là do không nghĩ ra, không thấy rõ, không buông xả mới làm loại việc ngu ngốc này. Sự sống qua rồi cũng không biết tại sao nó đến, sống không biết sống như thế nào. Bạn nghĩ xem, thật đáng thương biết bao, đáng buồn biết bao!
Phật dạy chúng ta phải cầu điều gì vậy? Chúng ta phải cầu giác ngộ, đây là sự thật. Chư Phật Bồ Tát ở trong mỗi niệm đều cầu giác ngộ, cầu sáng tỏ chân tướng vũ trụ nhân sinh; tuyệt đối không cầu danh vọng lợi dưỡng, tuyệt đối không cầu sự hưởng thụ ngũ dục lục trần, đời sống luôn luôn ở mức thấp nhất. Đời sống ở mức thấp nhất, thật không ngờ là đời sống hạnh phúc nhất, mỹ mãn nhất, cứu cánh nhất của đời người. Đạo lý này không có người biết, ngày nay nói ra cũng không có người tin. Nhưng mà nếu tư duy thật sâu, bình tĩnh mà quan sát, bạn có thể nhìn thấy. Thế gian tất cả mọi thứ đều là phiền toái, đến cuối cùng bạn nghĩ và nhận ra, ngay cả cái thân thể này cũng là sự phiền toái. Vật ngoài thân càng nhiều, gánh nặng của bạn càng nặng, cuộc sống của bạn càng vất vả. Những điều mà Phật Bồ Tát, tổ sư thị hiện, thử nghĩ thật kỹ, bình tĩnh mà quan sát, chúng ta sẽ giác ngộ, sẽ hiểu rõ thôi. Mọi thứ đều phải buông xả, nhất tâm chỉ cầu chánh giác; cả đời vì người khác không vì bản thân, đây là người vui sướng nhất.
Tiên hiền Trung Quốc thường nói: “Giúp người là gốc của niềm vui”. Khi học tiểu học, thầy cô thường hay nói với chúng tôi như vậy. Hiện nay chúng tôi tự mình thể hội được rồi, giúp đỡ người là niềm vui chân thật. Bản thân ham muốn tất cả danh lợi, hưởng thụ ngũ dục lục trần, đó là đau khổ đích thực. Khổ – lạc không có tiêu chuẩn nhất định. Cái gì là khổ thật sự? Cái gì là lạc thật sự? Người hiểu được không nhiều. Thật sự hiểu được, thông đạt sáng tỏ, mới có thể thể hội được tinh nghĩa trong kinh Phật thường hay nói: “Lìa khổ, được vui”..
Chúng ta hiện tại đang tu học Phật pháp, có rất nhiều thứ cần thiết chúng ta vẫn phải sưu tập để làm tham khảo, còn đời sống vật chất thì chúng ta nhất định phải thỏa mãn, vì giáo hóa chúng sanh có rất nhiều phương tiện huyền xảo không thể không biết. Phật dạy chúng ta “tứ nhiếp pháp”, ở phần trước tôi đã giảng rồi. Tứ nhiếp pháp là nguyên lý, nguyên tắc tiếp dẫn chúng sanh, cho nên Phật pháp là vô cùng linh hoạt. Ngày nay tuy chúng ta có một số thọ dụng hoặc là vật chất, hoặc là về mặt tinh thần, trên hình tướng thì có nhưng trong tâm lý không được có. Có trên hình tướng là để làm gì vậy? Là tiếp dẫn chúng sanh. Nếu như người học Phật chúng ta ngày nay ai nấy đều giống như Phật Thích Ca Mâu Ni, mỗi ngày đi ra ngoài khất thực, không có gì cả, thì thế gian không có người nào dám học Phật, vừa nhìn thấy, “Học Phật nguy quá! Anh xem, đáng thương đến mức như vậy đấy, hằng ngày ra đường ăn xin. Thôi, không nên học Phật nữa”. Cho nên vì tiếp dẫn chúng sanh, chúng ta cũng phải làm đẹp mẫu mã của mình, để chúng sanh thế gian nhìn thấy mà sanh tâm hoan hỷ. Nhưng mẫu mã này, bản thân bạn không được phép bị mẫu mã làm mê mờ, vậy là hỏng rồi. Bản thân phải giác ngộ, cái mẫu mã bề ngoài này là để cho người khác xem, tuyệt đối không phải tự thọ dụng. Bản thân tâm địa thanh tịnh, chẳng có gì cả, thân tâm thế gian tất cả buông xả, bạn mới được như ý, vậy mới gọi là “thần túc”.
Trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử là tấm gương tốt giáo hóa chúng sanh, đặc biệt là tiếp dẫn chúng sanh thời đại Mạt Pháp. Thời Mạt Pháp so với thời kỳ Chánh Pháp, hoàn cảnh xã hội không giống nhau. Xã hội trước đây là bảo thủ, người thế gian đối với đời sống cần cù, không ai không tán thán, không ai không hoan hỷ. Hiện nay quan niệm giá trị quan của người thế gian này hoàn toàn tương phản, đời sống của bạn rất nghèo hèn thì không có người coi trọng bạn. Phật pháp là “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”, nhất định phải quán sát căn cơ. Thời đại đó cần phải dùng phương pháp gì để giáo hóa chúng sanh, còn thời đại hiện nay cần phải dùng phương pháp gì giáo hóa chúng sanh, chúng ta phải biết rõ. Người trước đây ưa đọc sách thì tặng sách, đó thật sự là tâm hoan hỷ, như nhận được của báu. Hiện nay tặng họ sách, họ không cần nữa. Tại sao vậy? Họ không muốn xem. Hiện nay bạn tặng tivi, họ cần, họ rất hoan hỷ, vậy chúng ta làm thế nào biến Phật pháp thành tivi tặng cho họ. Phải biết được khế cơ, khế lý. Phật thường nói: “Khế cơ, không khế lý là ma thuyết; khế lý không khế cơ là lời nói dối, nói ba hoa, nói suông”, cho nên nhất định phải khế lý khế cơ. Chúng ta học tập điều này như thế nào thì cần phải biết.
Ngày nay, điều trước mắt chúng ta mong cầu là thế giới hòa bình, mong cầu xã hội ổn định, đây là điều kiện đầu tiên. Nếu như thế giới này không hòa bình, xã hội không ổn định thì không thể bàn đến điều gì nữa, ai còn tâm tư đến học đạo? Mục tiêu này nhất định phải dạy học mới có thể đạt được. Nền giáo dục thánh hiền hiện nay mọi người đều quên sạch. Không những quên sạch, khi nhắc đến đều phản đối, cho rằng đây là những thứ cổ xưa, chúng ta là người hiện đại, cái thứ đó cần phải vứt bỏ. Sự hiểu biết sai lầm như vậy đã bén rễ trong con mắt của tất cả đại chúng rồi. Bạn thử nghĩ, việc này khó cỡ nào!
Ngày nay nếu chúng ta muốn giúp đỡ chúng sanh, thì trước tiên phải bắt đầu làm từ bản thân. Chúng ta nói hằng ngày, nói mà không làm thì vô ích, ai tin? Nói được thì phải làm được. Phật nói với chúng ta bố thí, chúng ta thật sự thí xả. Phật dạy chúng ta trì giới, chúng ta thật sự tuân thủ. Phật dạy chúng ta nhẫn nhục, chúng ta phải nhẫn mọi thứ. Phật dạy chúng ta làm như thế nào, chúng ta rất nghiêm túc nỗ lực làm theo, học một điều thì làm một điều, làm được rồi mới nói với người ta, người ta mới có thể tin.
Sức của bản thân chúng ta vô cùng yếu ớt, nghiệp lực của chúng sanh lớn như vậy, chúng ta làm sao có thể chuyển lại được? Không chuyển lại được cũng phải chuyển. Chuyển được phần nào hay phần đó, nhất định không nản lòng, nhất định không được từ bỏ. Chúng ta không thể ảnh hưởng người khác là do tâm của chúng ta không thành, hạnh của chúng ta không đủ tốt. Thật sự là chân tâm thành ý, như lý như pháp mà tu học, làm tốt hết sức. Tại sao phải làm như vậy? Quyết không phải vì mình, mà vì chúng sanh. Đây là tiền phương tiện tiếp dẫn chúng sanh. Cho nên nhất định phải “ly dục”, sau đó mới thành tựu dục vọng ở trong tánh đức. Cái dục vọng đó là tự tại mỹ mãn. Đây là chỗ phàm phu thông thường rất khó lý giải.
Cho nên ‘Tứ thần túc” xếp ở điều thứ ba, xếp sau đoạn ác tu thiện, bạn mới thật sự phát hiện ra giá trị quan phàm phu không giống với thánh nhân. Giá trị quan của thánh nhân là chân thật, giá trị quan của phàm phu là hư vọng. Nếu như bản thân không có cách gì làm được đoạn ác tu thiện, thì Phật nói với bạn, bạn cũng không có cách gì thể hội được. Nhất định phải thông qua đoạn ác tu thiện, bạn mới có thể thể hội được, Phật Bồ Tát tại sao tự tại, tạo sao các Ngài mỹ mãn.
************************************
Kinh văn: “Thần túc trang nghiêm cố, hằng lệnh thân tâm, khinh an khoái lạc”.
“Tứ thần túc”, hôm qua đã giảng với quí vị điều thứ nhất, đó là “Dục”, còn điều thứ hai là “Niệm”, thứ ba là “Tấn”, thứ tư là “Tuệ”. Những danh từ này ở trong kinh luận dùng rất phổ biến, chỗ ứng dụng của nó không giống nhau nên ý nghĩa cũng khác nhau. Ở chỗ này nói “thần túc”, thần túc cũng gọi là “tư duy”, cũng gọi là “như ý”. Tương đối dễ dàng lý giải thì “như ý” là dễ hiểu, chúng ta gọi là “vừa lòng như ý”. Dục vọng có thể vừa lòng như ý, ý nghĩa phần trước đã nói rồi, hôm nay giới thiệu với quí vị điều thứ hai.
Thứ hai là “Niệm”.
“Niệm”, trong chú giải của kinh luận gọi là “Nhất tâm chánh trụ”, đây là “Niệm như ý túc”. Từ cách nói này, người niệm Phật chúng ta lập tức liền có thể thể hội được, trong kinh A Di Đà gọi là “Nhất tâm bất loạn”. Nhất tâm bất loạn, niệm đã như ý rồi, niệm đã tự tại rồi. “Nhất tâm” là chân tâm, quả thật đây mới có thể được gọi là “Chánh trụ”. (34:00
Trong bộ kinh Kim Cang, Tu Bồ Đề hướng về Thế Tôn thỉnh giáo là tâm phải an trụ vào đâu?. Vấn đề trung tâm là ở chỗ này, tâm của chúng ta phải an trụ ở chỗ nào? An trụ không đúng chỗ thì bạn sẽ bất như ý, sẽ không tự tại, đó gọi là “tà trụ”, không gọi là “chánh trụ”. Chánh trụ là nhất tâm, chính là trong kinh A Di Đà gọi là “Nhất tâm bất loạn”, “Tâm không điên đảo”, đây là chánh trụ. Chúng ta phải làm thế nào khế nhập cảnh giới này? Pháp môn Tịnh Tông tuyệt diệu, một câu “A Di Đà Phật” chân thật niệm, bạn liền có thể khế nhập cảnh giới này. Quí vị phải nhớ kỹ là “Chân thật niệm”, mấu chốt là ở chân thật. Chúng ta niệm Phật đã rất lâu rồi cũng không đạt được nhất tâm chánh trụ, đây là nguyên nhân gì vậy? Chúng ta không chân thật. Sao gọi là không chân thật? Trong niệm Phật có nghi hoặc, đây chính là không chân thật. Trong niệm Phật có xen tạp, còn có gián đoạn là càng không chân thật, cho nên đã tu lâu như vậy mà công phu không đắc lực.
Bồ Tát Đại Thế Chí trong “Viên Thông chương” dạy chúng ta niệm Phật, cương lĩnh là tám chữ: “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương tục”. “Đô nhiếp lục căn” là nhất tâm, “Tịnh niệm tương tục” là chánh trụ. Cái “trụ” đó là “Phật trụ”, Bồ Tát cũng là trụ ở “Phật trụ”. Thông thường chúng ta nói Bồ Tát trụ lục độ, Thanh Văn trụ tứ đế, Duyên Giác trụ mười hai nhân duyên. “Trụ” này là nói giữ tâm, là giữ cái tâm gì. Thiên nhân trụ thập thiện, tứ vô lượng tâm, từ bi hỷ xả. Chúng sanh trong tam đồ trụ ở trong tham sân si. Khởi tâm động niệm đều là tham sân si, đây là chúng sanh tam đồ. Nếu như chúng ta khởi tâm động niệm cũng rơi vào tự tư tự lợi, rơi vào tham sân si mạn, hằng ngày tạo thị phi nhân ngã, bản thân chúng ta nhất định phải hiểu rõ tiền đồ của mình là ba đường ác, con đường bạn đi là đường địa ngục, đường súc sanh, đường ngạ quỷ.
Thế gian này rất ngắn ngủi tạm bợ, thời gian 100 năm như vừa khảy móng tay là hết rồi. Bạn đi về đâu vậy? Đi về đường ác. Ai bảo bạn đi về đường ác? Là bạn tự làm tự chịu, không có bất kỳ người nào can thiệp đến, cũng không có bất kỳ người nào có thể đi theo bạn. Bạn làm Phật hay bạn xuống địa ngục, hoàn toàn là việc của bản thân bạn, không người nào thể giúp được, không người nào có thể chướng ngại được, Phật Bồ Tát đối với bạn cũng bất lực. Điều này bạn nhất định phải biết.
Sự từ bi, sự gia trì của Phật Bồ Tát đối với chúng sanh là dạy học, chỉ dạy chúng ta. Chúng ta có thể tiếp nhận dạy học, có thể lĩnh ngộ, có thể sửa chữa lỗi lầm, “quay đầu là bờ”. Quay đầu từ đâu vậy? Từ lục đạo quay đầu, từ thập pháp giới quay đầu, chúng ta hướng về nhất chân pháp giới, đây gọi là quay đầu là bờ. Lục đạo, thập pháp giới là gì vậy? Là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Quay đầu chính là chúng ta phải đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xả sạch, phải xả sạch lục đạo.
Nghiệp nhân quan trọng nhất của lục đạo chính là “Kiến tư phiền não”. Kiến tư phiền não tạo thành lục đạo luân hồi. “Kiến hoặc” quy nạp thành năm loại lớn là Thân kiến, Biên kiến, Kiến Thủ kiến, Giới Thủ kiến và Tà kiến. Đây là năm loại cách nghĩ sai lầm. “Tư hoặc” là tham, sân, si, mạn, nghi, năm loại lớn. Bạn đem kiến tư phiền não, tổng cộng mười loại lớn này, thảy đều buông xả, thảy đều xả sạch rồi, quay đầu từ chỗ này. Đây vừa quay đầu chính là thập thiện nghiệp đạo. Cho nên, nếu như đối với “Kiến tư phiền não” không thể lý giải, những danh tướng này rất phức tạp chi li, rất khó hiểu, bạn chỉ cần nhớ kỹ cái đơn giản nhất là “Thập thiện nghiệp”.
Mặt trái của thập thiện nghiệp là thập ác nghiệp.
Từ sát, đạo, dâm quay đầu lại là không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục.
Từ vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu quay đầu, chúng ta suốt đời không nói vọng ngữ, không lừa mình dối người; không ác khẩu; không lưỡng thiệt; không ỷ ngữ là bạn đã thật sự quay đầu rồi. “Quay đầu” là làm Phật Bồ Tát, không làm phàm phu nữa. Chúng ta phải đi làm Phật, làm Bồ Tát.
Từ tham sân si quay đầu trở lại là không tham, không sân, không si. Không những không tham tất cả pháp thế gian, mà pháp xuất thế gian cũng không tham, thì niệm của bạn làm sao mà không thanh tịnh được? Vào lúc này mới là “Nhất tâm chánh trụ”. Đối xử với tất cả chúng sanh là giống như với chư Phật Bồ Tát vậy, bản thân nhất định là “Nhất tâm chánh trụ”.
Giáo hóa chúng sanh, họ là chủng tánh Bồ Tát thì dùng “lục độ” dạy họ; họ là chủng tánh Thanh Văn thì dùng “tứ đế” dạy họ; họ là chủng tánh thiên nhân thì dùng “Thập thiện, tứ vô lượng tâm” dạy họ. Đây là phương tiện giáo hóa chúng sanh. Có chướng ngại với nhất tâm chánh trụ của mình hay không? Hoàn toàn không có chướng ngại. Như vậy mới thành tựu vô lượng vô biên công đức chân thật.
Tâm của chúng ta rốt cuộc an trụ ở đâu vậy? Trong kinh Kim Cang, Phật dạy mọi người: “Nên không chỗ trụ mà sinh tâm ấy”. Không chỗ trụ chính là chánh trụ. “Không chỗ trụ” là không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, điều này khó, đây không phải việc mà phàm phu có thể làm được. Phàm phu chúng ta không làm được thì phải thế nào? Phật vì chúng ta nói tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, đây là phương tiện. Quý vị nên biết, tất cả Phật pháp toàn là pháp phương tiện, pháp chân thật không nói ra được, pháp có thể nói ra được toàn là pháp phương tiện. Cho nên, trong kinh Phật nói cho chúng ta biết, “Pháp còn phải xả, huống chi phi pháp”. Pháp mà Phật có thể nói ra, Phật có thể biểu hiện ra toàn là pháp phương tiện. Người thông minh thì từ trong phương tiện ngộ nhập chân thật. Đây chính là chân đế dạy học của Phật. Từ phương tiện ngộ nhập chân thật; không có phương tiện, đối với chúng ta mà nói, chúng ta sẽ không biết bắt đầu từ đâu. Cho nên pháp phương tiện phải dùng nhưng không được chấp trước. Trong kinh có nêu ví dụ rất hay, giống như qua sông, chúng ta phải dùng thuyền (thuyền là pháp phương tiện), sau khi qua sông rồi thì không cần thuyền nữa. Còn có thể vác thuyền lên bờ sao? Phật pháp là giống như thuyền vậy, chúng ta có thể dùng nó, nhưng không được chấp trước nó. Chấp trước nó là sai, là bạn bị nó hại rồi. Vậy mới nói “Pháp còn phải xả, huống chi phi pháp”. Nhất định để tâm địa thật sạch sẽ, không nhiễm mảy bụi.
Thiền tông đại sư Lục Tổ Huệ Năng nói rất hay: “Xưa nay không một vật”. “Xưa nay không một vật” chính là trong kinh Kim Cang gọi là “Nên không chỗ trụ”; “mà sinh tâm ấy” tức là sinh tâm độ hóa chúng sanh. “Vô trụ” với “sinh tâm” là một, không phải hai. Chúng ta ngày nay rất khó khăn, chúng ta sinh tâm thì không thể vô trụ được; sinh tâm liền có trụ, nếu vô trụ thì không thể sinh tâm được, cứ luôn ở hai bên không hợp long được. Đây là phàm phu. Chư Phật Bồ Tát sinh tâm với vô trụ là một, không phải hai.
“Sinh tâm chính là vô trụ, vô trụ chính là sinh tâm”. Mọi người cứ dần dần từ trong đây mà thể hội, sau đó bạn mới có thể lĩnh hội một chút tư tưởng của Viên giáo, nghĩa thú của Viên giáo. “Không – Có” là đồng thời, trong giáo lý đại thừa thường nói “pháp môn không hai”. Cho nên, Âu Dương Cánh Vô nói: “Phật pháp không phải tôn giáo, cũng không phải triết học. Phật pháp chính là Phật pháp”. Thế gian bất kỳ pháp nào cũng không thể sánh bằng, nguyên nhân gì vậy? Pháp thế gian là sinh ra từ trong ý thức, còn Phật pháp là lưu xuất ra từ trong chân tánh, khác nhau ở chỗ này.
Chúng ta làm thế nào có thể khế nhập cảnh giới? Phải dùng nhất tâm. Khởi một ý nghĩ chính là hai tâm. Nhưng ở chỗ này phải nhớ kỹ, người bình thường chúng ta khởi niệm là vọng tưởng, không khởi niệm là vô minh, đều không phải nhất tâm. Phàm phu không phải rơi vào bên vọng tưởng thì rơi vào bên vô minh. Chân tâm rốt cuộc là ra làm sao? Trong Phật pháp Đại thừa có một danh tướng gọi là “tịch mà thường chiếu, chiếu mà thường tịch”, tịch – chiếu đồng thời”. “Tịch” chính là vô trụ, “chiếu” chính là sinh tâm.
“Tịch mà thường chiếu, chiếu mà thường tịch” chính là “Vô trụ sinh tâm, sinh tâm vô trụ”.
Chúng ta giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn phải tận tâm tận lực, cố gắng nỗ lực mà làm. Trong khi làm và sau khi làm tâm địa thanh tịnh, không nhiễm mảy bụi. Đây là cảnh giới của “tịch – chiếu viên dung”, phàm phu không làm được cảnh giới này. Phàm phu khi làm những việc tốt giúp đỡ chúng sanh, cảm thấy mình đã làm rất nhiều việc tốt, công đức rất lớn, kể công, niệm niệm không quên. Bạn đã dính tướng thì tâm của bạn liền không thanh tịnh. Làm với Không Làm là một, không phải hai, tuyệt đối không dính tướng, không có chấp trước. Không những không có chấp trước, mà ngay cả phân biệt, vọng tưởng cũng không có, vậy mới gọi là “Nhất tâm chánh trụ”, niệm của bạn liền tự tại, niệm liền như ý. Trong bốn điều của “tứ thần túc” thì “Dục và Niệm” là quan trọng nhất. Phần trước là nói “Dục”, kế đến là nói “Niệm”, hai điều này là quan trọng nhất, nhất là “Niệm”.
Thật sự mà nói, chúng ta vô cùng may mắn, trong vô lượng pháp môn chúng ta gặp được pháp môn Tịnh Độ. Pháp môn này thuận tiện, chỉ dùng một câu Phật hiệu, bảo chúng ta đem tâm hằng trụ trong câu Phật hiệu. Vậy là có niệm hay không? Là có niệm. Dùng một niệm này để dừng tất cả vọng niệm. Bất kể làm việc gì, ở trong tâm chỉ có A Di Đà Phật. Ví dụ nói chúng ta tu lục độ, lục độ thực tiễn vào trong đời sống, trong tâm ta là A Di Đà Phật; chúng ta học tứ nhiếp pháp, đối nhân xử thế tiếp vật, trong tâm cũng là A Di Đà Phật; chúng ta đoạn thập ác, tu thập thiện, trong tâm vẫn là A Di Đà Phật. Tất cả mọi tu học thảy đều quy về một câu “A Di Đà Phật”. Trong tâm chỉ có một câu A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật ra, không khởi niệm thứ hai nào khác thì người này gọi là người niệm Phật, người này chắc chắn vãng sanh, không những vãng sanh mà còn sanh ở phẩm vị cao, chắc chắn không sanh Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Những pháp môn khác không tìm thấy sự tiện lợi như vậy. Tu học pháp môn khác không có dễ dàng thành tựu như vậy, còn pháp môn này dễ dàng. Niệm niệm nắm chắc A Di Đà Phật. A Di Đà Phật chính là mạng căn của chúng ta. Chỉ có A Di Đà Phật là chân thật, quan trọng hơn hết thảy mọi thứ, mọi thứ khác đều là hư vọng, vậy mới gọi là “chân thật niệm Phật”.
Chúng ta nhất tâm là trụ ở trong “A Di Đà Phật”, không có phân biệt, không có chấp trước, không có gián đoạn. Trong đời sống thường ngày, nương theo lời chỉ dạy của kinh điển, ngày nay chúng ta quy nạp thành năm môn học, trong đời sống thường ngày, chúng ta nhất định không làm trái ngược năm môn này.
Môn học thứ nhất là “Tịnh nghiệp tam phước”.
Môn học thứ hai là “Lục hòa kính”. Chúng ta phải thật làm. Người khác bất hòa với ta, ta phải hòa với họ. Mỗi người đi theo con đường của riêng mình. Họ bất hòa với ta, họ phải đi lục đạo; nếu ta hòa với họ thì ta đi về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta mỗi người đi theo con đường của riêng mình. Ta có thể giúp họ thì ta giúp họ hết lòng; nếu thật sự không giúp được thì cũng không thể bị họ làm liên lụy. Họ đọa tam đồ, ta không được đi theo họ. Cho nên bản thân bạn cần phải biết, họ dốc sức chui vào tam đồ, có kéo lại cũng không kéo được, thôi thì không kéo họ, để họ đi đi. Đây không phải không từ bi, vì nếu không để họ đi thì chính mình sẽ bị họ kéo đi mất, cho nên vào lúc này nhất định phải buông tay. Đợi đến khi nào họ quay đầu rồi hãy đi độ họ. Giúp đỡ một người tuyệt đối không phải ở một đời một kiếp, mà đời đời kiếp kiếp. Đến khi nào họ muốn quay đầu, đến lúc đó bạn đi giúp họ, vì cơ duyên đã chín mùi. Khi họ không muốn quay đầu thì chư Phật Bồ Tát cũng không giúp được. Đạo lý này chúng ta nhất định phải biết. Đây cũng là điều mà trong kinh Phật thường hay nói, trước tiên độ bản thân; bản thân chưa được độ mà muốn độ người khác là việc không thể.
Môn học thứ ba là “Tam học Giới – Định – Tuệ”. Tam học, mấy câu nói trong kinh Vô Lượng Thọ là vô cùng cụ thể, “Khéo bảo vệ tam nghiệp” là Giới học, “Quán pháp như hóa” là Tuệ học, “Tam muội thường tịch” là Định học. Lời khai thị này vô cùng tuyệt vời.
Môn học thứ tư là “Lục Ba-la-mật”.
Môn học cuối cùng là “Mười nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền”.
Chúng ta sống, làm việc, đối nhân xử thế tiếp vật phải tuân thủ năm môn học này. Đây là Bồ Tát đạo, người khác không đi thì ta đi. Ta biết đây là đường lớn của Bồ Tát, chúng ta phải đem tâm trụ vào con đường này. Đây là lợi tha. Một câu “A Di Đà Phật” này là tự lợi. Tự lợi với lợi tha là đồng thời. Tự lợi chính là lợi tha, lợi tha chính là tự lợi. Niệm niệm không bỏ “A Di Đà Phật”.
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây thôi.
A Di Đà Phật!
PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH (tập 56)
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: năm 2001
Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền
Discussion about this post