Kinh văn: “Tứ nhiếp trang nghiêm cố, thường cần nhiếp hóa, nhất thiết chúng sanh”.
Điều này tuy phía trước đã giảng qua một lần, nhưng ý nghĩa vẫn chưa thể nói rõ ra được, bởi vì tứ nhiếp pháp đối với pháp thế xuất thế gian đều vô cùng quan trọng, chúng ta dùng nhiều thời gian một chút để nghiên cứu thảo luận thì sẽ có lợi ích.
Tứ nhiếp là nói quan hệ giữa người với người. Mối quan hệ này nếu như có thể xử lý tốt thì vấn đề gì cũng đều giải quyết được, còn nếu xử lý không tốt thì không những là tạo nên rất nhiều, rất nhiều khó khăn mà chắc chắn sẽ dẫn đến rất nhiều tai họa. Thiên tai nhân họa phát sinh ra từ chỗ nào vậy? Sau khi thật sự hiểu rõ rồi chúng ta mới biết được, tứ nhiếp pháp có thể tiêu trừ tất cả tai họa, cho nên điều này chúng ta không thể không xem trọng. Phật ở chỗ này chỉ dạy chúng ta, có thể đem thập thiện nghiệp đạo áp dụng vào trong tứ nhiếp pháp thì có thể tiêu trừ rất nhiều thiên tai nhân họa của thế gian.
Trong “tứ nhiếp”, điều đầu tiên là bố thí, hôm qua cũng đã nói qua với quí vị rồi. Hôm nay chúng ta từ trong giáo nghĩa của Phật giáo thâm nhập sâu hơn một nấc để thể hội nó. Phật ở trong kinh điển dạy Bồ Tát, trong bố thí lại có bốn loại biến thí, danh từ Phật học gọi là “Tứ tất đàn”.
“Tứ” là chữ số.
“Tất” nghĩa là phổ biến.
“Đàn” là đàn-na, bố thí.
Bốn loại tất bố thí, hay nói cách khác, hoàn toàn dùng tâm chân thành, dùng tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi để tu bốn loại bố thí này. Đây là nói thâm nhập, thấu triệt.
Loại thứ nhất là “Thế Giới Tất Đàn”.
“Thế giới”, hai chữ này giảng như thế nào vậy?
“Thế” là nói thời gian.
“Giới” là nói không gian.
Nếu dùng cách nói thông thường của chúng ta ngày nay chính là vũ trụ, còn trong Phật pháp gọi là tận hư không khắp pháp giới. Bạn xem, Phật dạy Bồ Tát cái tâm lượng đó bao lớn. Bạn có thể đem tâm lượng mở ra viên mãn, thật sự là “tâm bao thái hư, lượng chu sa giới”. Bạn tu loại bố thí này, lợi ích mà bạn được là hoan hỷ, nhà Phật nói là “thường sinh tâm hoan hỷ”.
Tâm hoan hỷ được sinh ra từ đâu vậy?
Thông thường ở trong kinh luận chúng ta thường hay nhìn thấy là “Pháp hỷ sung mãn”. Cái sung mãn này là sung mãn vũ trụ, sung mãn hư không pháp giới. Tận hư không khắp pháp giới một mảng an lành là hiệu quả thành tựu của bố thí như thế này, chúng ta phải học tập. Hiệu quả này ở trong Phật giáo hóa chúng sanh chính là phổ biến tiếp dẫn chúng sanh, kinh Phật thường nói: “Phổ độ chúng sanh”. Bạn không có tâm lượng này thì sao có thể giúp đỡ chúng sanh? Không những không độ nổi chúng sanh, mà độ mình còn không độ xong. Bạn không có tâm lượng này, bạn mỗi ngày từng giây từng phút thường sinh phiền não, bạn làm sao có thể thường sinh hoan hỷ được? Chúng ta phải suy nghĩ, làm thế nào đem thập thiện nghiệp áp dụng vào Thế Giới Tất Đàn.
Loại thứ hai là “Vi Nhân Tất Đàn”.
Loại này ở trong bố thí có một đối tượng riêng biệt, không phải vì bản thân, mà vì người khác.
“Nhân” ở chỗ này nghĩa rộng là chúng sanh. Ở trong mười pháp giới, nếu như vì người là chỉ có một pháp giới này, còn chín pháp giới khác bị sót mất rồi. Cho nên chúng ta hiểu được ý của Phật, thật sự là nêu một, chúng ta liền biết mười. Niệm niệm vì mười pháp giới, tất cả chúng sanh hữu tình. Nói chúng sanh hữu tình, nhất định cũng bao hàm cả chúng sanh vô tình, thì cái tâm bố thí và hành vi bố thí này của chúng ta mới có thể đạt đến cứu cánh viên mãn, lợi ích mà chúng ta đạt được là sinh thiện. Niệm niệm vì người, không vì bản thân là sanh thiện, là thuần thiện; vì bản thân sẽ sanh ác chứ không phải sanh thiện. Vì người mới sanh thiện, vì chúng sanh liền sanh thiện. Ngay như Phật ở phần trước bản kinh khai thị cho chúng ta, bảo chúng ta “ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quan sát thiện pháp”. Phật chỉ dạy chúng ta như vậy, chúng ta phải làm sao tu thành thì tứ nhiếp pháp thành tựu rồi.
Loại thứ ba là “Đối Trị Tất Đàn”.
Bốn điều này càng lúc càng tinh tế. Điều thứ nhất là nói tâm lượng của bạn, niệm niệm là hư không pháp giới tất cả chúng sanh, mở rộng tâm lượng. Điều thứ hai là niệm niệm vì tất cả chúng sanh, không vì bản thân. Điếu thứ ba là dạy chúng ta đối với tất cả chúng sanh, toàn tâm toàn lực giúp đỡ họ; giúp đỡ tất cả chúng sanh chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ.
Trước tiên giúp đỡ họ chuyển ác thành thiện. Làm thế nào giúp họ đây? Là tự mình làm nên tấm gương cho họ thấy. Không làm nên tấm gương cho họ thấy thì không có tác dụng. Cho nên, giáo học của cổ thánh tiên hiền đều là làm nên tấm gương cho người ta thấy. Trước đây người làm cha mẹ hiểu được, biết được đạo lý này, cho nên cha mẹ ở trước mặt con cái, cử chỉ nói năng đều không được trái lễ. Tại sao vậy? Đây là giáo dục gia đình, làm cho con cái xem, con cái từ nhỏ đã xem thấy, đã nghe được. Đây là bậc làm cha mẹ chịu trách nhiệm, là bậc làm cha mẹ thật sự yêu thương con cái. Tuyệt đối không để con cái có một ấn tượng không tốt. Người trước đây hiểu được, người hiện nay không biết. Hiện nay có rất nhiều người, thậm chí một số đồng tu chúng ta thường hay nói đến con cái không nghe lời, họ cũng chẳng hề thử nghĩ tại sao con cái không nghe lời. Dứt khoát không được trách con cái. Tuổi của chúng còn nhỏ, chưa biết gì, chúng chỉ biết bắt chước; người lớn biểu hiện như thế nào, chúng sẽ học theo. Từ đó cho thấy, con cái không nghe lời, học trò không nghe lời, trách nhiệm thuộc về ai? Là do chính bản thân cha mẹ chưa làm tốt, bản thân thầy giáo chưa làm tốt. Xoay trở lại mà soi xét thì nguyên nhân đã tìm thấy rồi. Nhà Nho gọi là “Phụ bất phụ, tắc tử bất tử”, bạn làm cha mẹ không giống hình ảnh của người làm cha mẹ, thì con cái bạn đương nhiên sẽ không giống hình ảnh của người làm con cái.
Bốn câu phía trước trong “Tam Tự kinh” là quan trọng, đó là tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc của nền giáo dục cổ thánh tiên hiền: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện. Tánh tương cận, tập tương viễn”. Chúng ta nói chỗ cạn nhất, không cần nói quá sâu. Nói chỗ thiển cận nhất là trẻ con sinh ra đều là lương thiện, đều là người tốt, vì sao chúng thay đổi vậy? “Tánh tương cận, tập tương viễn”. “Tập” là cái mà chúng học được. Trẻ con mở mắt ra là chúng đã biết nhìn, cái ấn tượng đó sâu sắc. Bạn cho chúng xem những gì?Cái ấn tượng đầu tiên sớm nhất gần như là giống như bản tánh vậy. Hiện nay có mấy người hiểu được đạo lý này? Cho nên thành tựu của một con người, cái gốc của họ là ở giáo dục gia đình, còn giáo dục của thầy giáo là giúp họ hoàn thành. Cho nên cha mẹ tôn kính sư trưởng, làm nên hình ảnh tôn kính sư trưởng để con cái thấy. Con cái xem thấy cha mẹ đối với thầy cô tôn trọng như vậy, nên chúng có tín tâm với thầy cô, tiếp nhận sự chỉ dạy của thầy cô. Cho nên trong bố thí, “bố thí đoạn ác tu thiện, bố thí phá mê khai ngộ”, hai điều này là nòng cốt. Trên thực tế, “Đối Trị Tất Đàn” được lợi ích là “phá ác”. Phía trước, “vi nhân” là sanh thiện, “phá ác” chính là không cho phép mảy may bất thiện xen tạp, khiến thiện của chúng ta có thể đạt đến chân thuần.
Loại thứ tư của tứ tất đàn là “Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn”.
Đây là mục tiêu cuối cùng của bố thí. Đệ nhất nghĩa là gì vậy? Đệ nhất nghĩa là nhập lý, khế nhập, chúng ta ngày nay gọi là chân lý. Chân lý, danh từ này rất trừu tượng, chúng ta nói cách khác là thông đạt, hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Bố thí như vậy mới thật sự đạt đến viên mãn. Phật ở trong kinh nói với chúng ta những đạo lý này, chúng ta không thể không nghiêm túc nỗ lực mà học tập. Tại sao vậy? Vì trong tất cả pháp thế gian, bạn không học được. Đây là bố thí, điều đầu tiên của tứ nhiếp tương ưng với tứ tất thì bố thí Ba La Mật mới viên mãn.
Thứ hai, ái ngữ
Trong tứ nhiếp, điều thứ hai là “ái ngữ”. “Ái ngữ”, danh từ này chúng ta nhất định phải nhận thức rõ ràng. Ái ngữ không phải là lời nói dễ nghe, không phải nói những lời đường mật, có thể khiển trách họ, có thể là la hét, mắng chửi họ, dạy dỗ họ, nhưng là lời nói yêu thương họ thật sự. Đánh họ, mắng họ là thật sự yêu thương họ, vì nếu không yêu thương họ thì mặc kệ họ rồi. Cho nên mọi người không nên cho rằng cái “ái ngữ” này nhất định phải là lời thật dễ nghe, vậy là hiểu sai rồi, bạn từ sáng đến tối tiếp xúc với người ta, nói lời đường mật gạt người ta. Phải yêu thương thật sự!
Nhiếp thọ của ái ngữ cũng phải lấy trí tuệ làm cơ sở, quyết không phải tình cảm. Lấy trí tuệ làm cơ sở, bạn mới có thể quan sát căn cơ. Bạn giúp đỡ người khác, khuyên bảo người khác, dùng phương pháp gì khuyên bảo, khuyên bảo vào lúc nào, khuyên bảo họ đến một mức độ nào thì họ có thể tiếp nhận, bạn đều có thể hiểu rõ thì bạn mới đích thực có thể giúp đỡ họ. Nếu họ không thể tiếp nhận, khởi phản kháng là chúng ta sai lầm rồi, cách làm của chúng ta là sai lầm. Phật Bồ Tát độ chúng sanh không vội vã nhất thời, mà rất có tâm nhẫn nại; đời này họ không thể quay đầu thì đợi đời sau; đời sau không thể quay đầu thì đợi đời sau nữa. Đây là điểm mà chúng ta phải học Phật Bồ Tát. Nếu như cơ duyên chín muồi, nhất định phải nắm lấy, quyết không bỏ lỡ, cho nên chúng ta tán thán Phật Bồ Tát thuyết pháp “như hải triều âm”. Hải triều tức là đến giờ nhất định thì thủy triều dâng, đến giờ nhất định thì thủy triều xuống, lấy ý nghĩa này. Các Ngài nắm bắt thời tiết nhân duyên vô cùng tốt. Khi cần nên nói mà không nói là bỏ lỡ thời cơ rồi; khi không nên nói mà nói là phản tác dụng, không đạt được hiệu quả. Cho nên, đây là dùng trí tuệ để quan sát căn cơ. Từ đó cho thấy, giao thiệp với tất cả chúng sanh, nhiếp thọ tất cả chúng sanh, đại căn đại bản của nó là từ bi chân thành, ở trong đây không xen tạp mảy may ác ý. Tâm thương yêu thuần thiện chân thành, yêu thương tất cả chúng sanh thì tâm này chính là tâm Phật, tâm này chính là chân tâm của mình, chính là bản tánh của mình.
Chúng ta ngày nay đối với một số người không có loại tâm thương yêu này là vì đã mê mất tự tánh. Vì vậy nên biết đây là tánh đức, bạn có thể khế nhập cảnh giới này thì tánh đức của bạn tự nhiên hiển lộ, không thêm mảy may miễn cưỡng. Bạn bảo tôi phải học, cái thứ này không học được, nhất định khế nhập cảnh giới thì tự nhiên sẽ hiển lộ ngay, Phật trong kinh thường nói là “Pháp vốn như vậy”. Chúng ta dùng loại tâm thái này, dùng loại hành vi này để đối nhân xử thế tiếp vật thì ở đâu mà chẳng hoan nghênh? Giúp đỡ người ta chân thành viên mãn, người ta sao có thể không tiếp nhận? Họ không hoan nghênh, không thể tiếp nhận mà còn bài xích, đây chính là người bị mê mất tự tánh, mê quá sâu, quá lâu rồi, trong Phật pháp gọi là nghiệp chướng quá nặng. Nghiệp chướng mê hoặc có thể hóa giải. Phương pháp hóa giải chính là dạy học, chúng ta dùng phương pháp dạy học để hóa giải. Bạn xem, chư Phật Bồ Tát, cổ thánh tiên hiền, hành nghi cả đời của các Ngài biểu lộ ra từ bi vô tận, ý thương yêu vĩnh hằng, yêu thương tất cả chúng sanh từng li từng tí. Đây là điểm mà chúng ta cần phải nên thể hội, cần phải nên học tập.
***********
Kinh văn: “Tứ nhiếp trang nghiêm cố, thường cần nhiếp hóa, nhất thiết chúng sanh”.
Điều này đối với pháp thế xuất thế gian cũng là khai thị cực kỳ quan trọng, cho nên chúng ta đặc biệt giới thiệu thật cặn kẽ.
“Tứ nhiếp” chính là bốn nguyên tắc trong giao thiệp giữa người với người, giữa người với tất cả sự vật. Ở trong người, sự vật, điều quan trọng nhất là giao thiệp giữa người với người. Nếu như làm tốt sự việc này thì người này chính là Phật Bồ Tát. Giao thiệp giữa người với người không làm tốt thì đây là phàm phu. Cho nên ở trong đây bao hàm trí tuệ vô tận, đức năng vô tận. Bốn điều này là bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Hai điều phía trước đã nói qua rồi. Hôm nay chúng ta giảng tiếp điều thứ ba là lợi hành.
Thứ ba, lợi hành
“Hành” là đời sống hành vi của chúng ta, “lợi” là lợi ích. Từ khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều phải hướng đến lợi ích xã hội, lợi ích quần chúng, lợi ích tất cả chúng sanh. Hay nói cách khác, phàm là hành vi, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm không có lợi ích, Bồ Tát dứt khoát không làm. Ở chỗ này chúng ta nhất định phải nhận thức rõ ràng, tự tha là một, không phải hai, đây là chân tướng sự thật. Chân tướng này chúng sanh sáu cõi không biết. Trong khái niệm của chúng sanh sáu cõi, tự tha là hai, không phải một, đây là đã mê mất tự tánh. Pháp giới bốn thánh tuy biết chân tướng sự thật này nhưng chưa có thân chứng. Hay nói cách khác, nói về mặt lý luận thì không có vấn đề, họ có thể tiếp nhận, họ có thể tin, nhưng ở trên sự họ chưa chứng được. Nhất định phải đến nhất chân pháp giới thì sự việc này mới chứng thật. Qua đó cho thấy, phàm phu sáu cõi mê quá sâu. Chúng ta không thể thân chứng cảnh giới này, nên nhất định phải tin lời nói của Phật.
Chúng ta học Phật, điều kiện đầu tiên chính là đối với thầy (Phật Đà là thầy của chúng ta) phải có tín tâm kiên định, dứt khoát không được có nghi hoặc thì chúng ta mới có thể có được lợi ích từ giáo huấn của Phật Đà. Nếu như đối với thầy có nghi hoặc thì lợi ích mà chúng ta có được sẽ phải giảm bớt. Xem độ sâu rộng trong niệm nghi của bạn; nghi của bạn rất sâu, rất rộng thì bạn hoàn toàn không thể được lợi ích; nghi của bạn tương đối cạn, phạm vi tương đối nhỏ, bạn có thể được lợi ích cục bộ. Chỉ có hoàn toàn không có mảy may hoài nghi đối với ngôn giáo của Phật Đà, y giáo phụng hành một trăm phần trăm thì chúng ta mới có thể có được lợi ích viên mãn của Phật pháp.
Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo là pháp luân căn bản của Phật pháp, là giáo học nền tảng. Ở trong bộ kinh này không có Đại-Tiểu thừa, không có Tông-Môn-Giáo-Hạ, cũng không có Hiển-Mật, hay nói cách khác, đó là môn học chung. Chỉ cần bạn học Phật, bất kể bạn tu học tông phái nào cũng đều phải cắm gốc từ bộ kinh điển này, cho nên nó là giáo học căn bản. Nền tảng của học tập chính là thập thiện nghiệp đạo. Bộ kinh này kinh văn không dài, nửa phần trước Thế Tôn vì chúng ta nói rõ tỉ mỉ lợi ích công đức thù thắng của tu thập thiện nghiệp; nửa phần sau là khai thị cho chúng ta, thập thiện nghiệp làm thế nào thực tiễn vào trong đời sống, công việc, đối nhân xử thế, tiếp vật, tu hành. Từ đó cho thấy, bộ kinh này không thể không học thuộc. Không những phải học thuộc mà phải học thuộc cho thật nhuyễn. Khi sáu căn tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài, khởi tâm động niệm đều phải nghĩ đến lời giáo huấn của Phật đối với chúng ta, như vậy mới gọi là tu hành.
Những điều mà trong bộ kinh này nói, chính là điều thứ nhất trong tịnh nghiệp tam phước của kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Điều thứ nhất của tam phước là “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Chúng tôi ở trong các buổi giảng trước đây đã nói rất nhiều. Hiếu thân tôn sư, bồi dưỡng tâm từ bi đều phải áp dụng vào thập thiện nghiệp. Nếu như không có thập thiện nghiệp thì ba câu phía trước đều là rỗng không. Đầy đủ thập thiện nghiệp đạo thì hiếu thân tôn sư, từ tâm bất sát thành hiện thực, ba câu phía trước đều làm được rồi. Đây là mười phương ba đời tất cả chư Phật từ sơ phát tâm đến tu hành chứng quả, từng sát-na đều không được xa rời. Xa rời bộ kinh này là xa rời Phật pháp. Từ đó cho thấy tầm quan trọng của bộ kinh này.
Thập thiện nghiệp đạo thực tiễn vào trong lợi hành của tứ nhiếp pháp, chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều không sát sanh. Nghĩa rộng của không sát sanh là nhất định không được phép tổn hại một chúng sanh nào, cho dù là muỗi, kiến, chúng ta cũng không được phép tổn hại. Chúng ta xem chúng cũng giống như người vậy. Chúng đi ra là để kiếm ăn, chúng không có tội chết. Chúng ta không thể bởi vì ghét nó mà tùy tiện giết hại nó, không được phép! Muỗi, kiến, chúng ta còn không nhẫn tâm tổn hại chúng thì sao có thể khởi tâm động niệm tổn hại người được? Phật ở trong kinh chỉ dạy chúng ta, nơi Bồ Tát cư trú khiến tất cả chúng sanh sinh tâm hoan hỷ, đây là lợi hành. Từ đó cho thấy, việc mà chúng sanh không hoan hỷ thì chúng ta không được làm. Nếu chúng ta làm sẽ khiến chúng sanh sinh phiền não, đây không phải là hạnh Bồ Tát, cũng không phải học Phật, là hoàn toàn trái ngược lại với học Phật. Cho nên tư tưởng, khởi tâm động niệm nhất định có lợi cho đại chúng, không được nghĩ đến lợi ích của mình. Phàm-thánh khác biệt chỉ ở trong khoảng một niệm này. Chúng ta nói khác biệt giữa chúng sanh với Phật là ở trong khoảng một niệm. Chư Phật Bồ Tát khởi tâm động niệm là lợi ích tất cả chúng sanh. Quí vị phải biết rằng, thật sự lợi ích tất cả chúng sanh chính là đích thực lợi ích chính mình. Nếu như sự việc này chỉ lợi ích bản thân, không thể lợi ích chúng sanh, bạn tự mình thử suy nghĩ, chắc chắn là tổn hại chính mình. Điều này phải quan sát tỉ mỉ mới có thể nhìn ra được, lơ là sơ ý là không nhìn thấy. Người học Phật tính thận trọng sẽ thấy thập thiện nghiệp này, thấy mười điều này. Áp dụng mười điều này vào trong lục độ, áp dụng vào bố thí, áp dụng vào trì giới, áp dụng vào nhẫn nhục, áp dụng vào tinh tấn, áp dụng vào trong tứ vô lượng tâm (tức là áp dụng vào tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả), hiện tại nói áp dụng vào trong tứ nhiếp pháp (trong tứ nhiếp gồm bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự), bạn thử nghĩ xem, cái tâm này vi tế biết bao!
Trong đời sống thường ngày, ở trong bất cứ một pháp nào cũng đều có thập thiện nghiệp, đều đầy đủ viên mãn mười điều này. Chúng ta ở trong đời sống thường ngày, ngay cả khái niệm này cũng không có, cho nên lơ là sơ ý. Đời sống của Bồ Tát từng li từng tí, không có pháp nào không đầy đủ thập thiện nghiệp, mỗi pháp đều đầy đủ, niệm niệm đầy đủ, từng li từng tí đầy đủ. Chúng ta hiểu rõ được những việc này thì tâm cung kính đối với Phật Bồ Tát sẽ tự nhiên sinh khởi ngay. Tại sao vậy? Vì quả thật không sánh bằng.
Không sát sanh là lợi ích chúng sanh.
Không trộm cắp là tuyệt đối không có mảy may ý niệm giành phần lợi của tất cả chúng sanh. Tâm giành phần lợi của người ta chính là tâm trộm, chính là trộm cắp, khởi ý niệm này là sai rồi, huống hồ còn có hành vi?
Không tà dâm, tâm địa tuyệt đối thanh tịnh, không hề có mảy may dính nhiễm.
Kế tiếp là không vọng ngữ, không lưỡng thiệt, thế là tứ nhiếp pháp mới thật sự thực tiễn. Ở trong tứ nhiếp pháp, trong mỗi một điều không đầy đủ thập thiện nghiệp, bạn làm sao nhiếp thọ chúng sanh?
Hôm qua nói với quí vị điều đầu tiên của tứ nhiếp là bố thí. Tinh nghĩa của bố thí, nghĩa thú tinh hoa chính là tứ tất đàn. “Đàn” là đàn-na, bố thí. “Tất” là phổ biến. Tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, bố thí hư không pháp giới tất cả chúng sanh, chúng ta có làm được hay không vậy? Bạn có thể nghĩ được là bạn làm được. Phật ở trong phần trước bản kinh khai chương minh nghĩa đã nói với chúng ta: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Tâm của chúng ta đến rồi thì hạnh của chúng ta tự nhiên sẽ đến thôi. Cho nên ngay trước mắt, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, tứ nhiếp pháp đã viên mãn rồi.
“Lợi hành”, nói đơn giản là niệm niệm đều là lợi ích chúng sanh, mà ở trong lợi ích chúng sanh điều thù thắng nhất là chánh pháp trụ lâu. Chánh pháp ở đâu vậy? Chánh pháp ở ngay trong khởi tâm động niệm, lời nói việc làm của bản thân chúng ta, chánh pháp ở chỗ này. Chúng ta phải đem giáo huấn của Phật thể hiện ra, đây là chánh pháp trụ lâu, làm nên cho người ta thấy. Đây là lợi ích chân thật, lợi ích vĩnh hằng, lợi ích không gì bằng.
Chư Phật Như Lai thị hiện ở nhân gian tu hành, chứng quả. Tại sao các Ngài không đi vào những ngành nghề khác, tại sao phải thị hiện làm Phật, là có dụng ý gì? Thị hiện làm Phật chính là thị hiện chánh pháp trụ lâu. Vô lượng vô biên lợi ích, đây là lợi ích căn bản. Năm mươi ba tham cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm giống như một cây đại thụ vậy, Phật là gốc, rễ của cái cây này, 53 tham là cành, lá, hoa, quả của nó. Bạn nhìn thấy cây này xanh tốt như vậy, đẹp như vậy, đó là cành, lá, hoa, quả. Bạn hãy thử nghĩ xem, Thích Ca Mâu Ni Phật tại sao không thị hiện các ngành các nghề hành Bồ Tát đạo? Ngài có thể kế thừa vương vị, dùng thân phận quốc vương hành Bồ Tát đạo, dùng thân phận đại thần để hành Bồ Tát đạo, dùng hiện nay là giới công thương nghiệp, ngành nghề nào cũng có thể hành Bồ Tát đạo, tại sao Ngài phải thị hiện xuất gia, dạy học? Ngày nay chúng ta nhìn thấy, Ngài là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Biết đây là rễ, đây là gốc, gốc rễ của vô lượng vô biên tất cả lợi ích chân thực, đây là chánh pháp trụ lâu, cho nên dấn thân vào công tác dạy học, công tác giáo dục.
Người xưa chúng ta biết, quí vị thử xem thiên “Học Ký” này ở trong “Lễ Ký”. Thiên “Học Ký” này, dùng cách nói của người hiện nay là triết học giáo dục cổ xưa của Trung Quốc. Môn giáo dục triết học này, đường lối giáo dục đặt ra từ Hán Vũ Đế mãi cho đến cuối triều Thanh, hơn hai ngàn năm cũng không hề thay đổi, đều là y giáo phụng hành, quốc gia nhờ đó mà ổn định lâu dài. Ở thế gian này, người không phân giàu nghèo, quí tiện, không phân già trẻ, không phân ngành nghề, đều tiếp nhận nền giáo dục này. Trong Phật pháp nói đều là Bồ Tát, học làm Bồ Tát, học làm quân tử, học làm thánh hiền. Cho nên, giáo dục là đại căn đại bản của lợi hành. Gốc rễ như vậy thì cành lá cũng không ngoại lệ. Cho nên, bất kể chúng ta sống đời sống như thế nào, ngày nay là thân phận ra sao, làm việc trong ngành nghề nào, nhất định phải dùng tâm yêu thương chân thành, yêu thương thế hệ mai sau, chỉ dạy thế hệ sau, khiến người đời sau trí tuệ được mở. Trên cơ sở kinh nghiệm thành tựu trong đời này của chúng ta mà lên thêm một nấc nữa, đây là lợi hành. Chúng ta từ những chỗ này mà tư duy thật kỹ, thể hội thật kỹ, liền sẽ biết hành thập thiện. “Dĩ tứ nhiếp, lợi hành nhiếp, trang nghiêm cố”, có thể khiến tất cả chúng sanh được lợi ích chân thật, được lợi ích rộng lớn. Cái lợi ích này, nói một cách ngắn gọn là xã hội ổn định, thế giới hòa bình, phồn vinh, thịnh vượng; người người đều được sống cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn. Đây là lợi hành.
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây.
A Di Đà Phật!
PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH (tập 50)
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: năm 2001
Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền
Discussion about this post