“Cửu, trụ vô ngại kiến. Thập, bất đọa chư nạn”.
Hai câu này là đem quả báo thù thắng do đoạn ác tu thiện đạt được giới thiệu một cách đại khái. Những quả báo này quả thật là vô cùng thù thắng.
Lợi ích thứ chín là “trụ vô ngại kiến”, đây là thuộc về trí tuệ. “Kiến” là nói kiến giải. Kiến giải vô chướng ngại, hay nói cách khác, đối với pháp thế xuất thế gian đều có thể đạt được thông đạt vô ngại. Lợi ích này tôi nghĩ bất kể người nào, bất luận tín ngưỡng tôn giáo nào, không có ai mà không mong cầu. Đây là nguyện vọng chung của tất cả chúng sanh. Phật nói cho chúng ta biết, nguyện vọng này trên thực tế là bản năng của chúng ta, hay nói cách khác, tất cả chúng sanh vốn dĩ có năng lực này. Trong kinh Hoa Nghiêm, Ngài Thanh Lương nói với chúng ta bốn loại vô ngại: “Lý vô ngại, sự vô ngại, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”. Đây là cái vốn có trong tự tánh của chúng ta, vốn dĩ đầy đủ. Hiện nay, tư tưởng kiến giải của chúng ta đâu đâu cũng có chướng ngại, chướng ngại từ đâu ra vậy? Chướng ngại là do thập ác nghiệp tạo thành. Trong thập ác đã đầy đủ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, mỗi một điều đều vô cùng nghiêm trọng, cho nên tánh đức không thể hiện tiền. Trong kinh nói, đủ dạng quả báo bất tư nghì đều là thuộc về đức năng vốn có trong tự tánh chúng ta. Chỉ cần chúng ta xa lìa thập ác (xa lìa thập ác chính là tu thập thiện), thì tánh đức này mới có thể phục hồi. Phục hồi đến mức độ nào thì đây là vấn đề công phu. Từ đó cho thấy, người thông minh, người có trí tuệ, người có phước đức nhất định phải biết được “lìa tất cả ác, tu tất cả thiện”. “Tất cả” chính là cương lĩnh của mười điều ở đây. Mười điều ác triển khai ra là vô lượng vô biên tội nghiệp. Thập thiện cũng là như vậy, mỗi một điều thiện triển khai ra là vô lượng vô biên phước thiện. Học Phật bắt đầu học từ đây, hy vọng chúng ta ngay trong một đời tu đến thuần thiện.
Nhà Nho nói: “Chỉ ư chí thiện”, đây là mục tiêu cao nhất trong việc tu tâm dưỡng tánh của thánh nhân thế xuất thế gian. Nhà Nho dạy: “Cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia”. Phật dạy: “Hiếu thân, tôn sư, tu thập thiện nghiệp đạo”. Đại thánh đại hiền thế xuất thế gian, chúng ta hợp chung lại xem, xác thực người xưa gọi là “cái thấy của anh hùng đại thể giống nhau”. Đây là điều đáng để chúng ta tin. Sau khi tin tưởng thật sự thì chúng ta phải cố gắng nỗ lực mà học tập, đem những tập khí bất thiện, hành vi không tốt đã phạm trước đây ngay trong một đời này triệt để sửa đổi trở lại. Sửa đổi chính là tu hành, hay nói cách khác, tu hành là sửa đổi sai lầm. Phàm phu thật không dễ dàng phát hiện lỗi lầm của mình, nhưng lại rất dễ dàng thấy lỗi lầm của người khác. Cho nên cổ nhân dạy chúng ta, khi thấy lỗi lầm của người khác lập tức quay trở lại suy nghĩ thử ta có phạm lỗi lầm giống như họ hay không? Đây gọi là quay đầu. Quay đầu là đem lỗi lầm của mình kiểm tra lại, trong Phật pháp gọi là khai ngộ. Sao gọi là “khai ngộ”? Biết lỗi lầm của mình thì người này là khai ngộ, giác ngộ rồi. Phàm phu không biết được mình lỗi lầm nên vĩnh viễn không có biện pháp đem lỗi lầm sửa đổi trở lại. Có thể nói, đa số người tu hành công phu không đắc lực, nguyên nhân là tại chỗ này. Chúng ta thường hay quan sát người khác, lập tức quay lại nghĩ bản thân. Không nên đem việc quan sát người khác để vào trong tâm của mình, đó là quá đỗi sai lầm, tự mình thật sự là trên tội lại thêm tội. Thấy người khác thì lập tức hồi quang phản chiếu lại chính mình, đây là trí tuệ. Còn một phương pháp nữa là đọc sách thánh hiền. Thời cận đại, Ấn Quang đại sư tại sao phải hết lòng hết dạ khuyên mọi người hãy đọc Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, Liễu Phàm Tứ Huấn, An Sĩ Toàn Thư? Thật sự có thể hằng ngày đọc những sách này thì những tật xấu của mình rất dễ dàng phát hiện ra được. Đọc những kinh văn này để đối chiếu với tâm hạnh của mình cho thật kỹ. Những ý niệm nào là thiện, những hành vi nào là ác, tự mình phải biết rõ ràng. Thiện tâm, thiện hạnh phải gìn giữ; niệm ác, hạnh ác nhất định phải sửa đổi.
Kinh giáo Đại Thừa đọc nhiều rồi thì kiến giải, tư tưởng của chúng ta đã gần gũi với Phật. Kiến giải, tư tưởng của Phật Bồ-tát là chánh tri chánh kiến; cách nghĩ, cách nhìn của bản thân chúng ta nhất định là sai lầm. Tại sao lại nói như vậy? Chúng ta từ trong sự thật mà quan sát thật kỹ, chư Phật Bồ-tát đời đời kiếp kiếp tu hành, sự trải nghiệm của các Ngài quá phong phú, tâm của các Ngài thanh tịnh, có thể biết đời quá khứ và cũng có thể nhìn thấy đời vị lai, lời nói này không phải giả. Ý nghĩ của chúng ta mê hoặc, những việc trong đời quá khứ quên mất, quên hết sạch sẽ, thỉnh thoảng ở trong mộng khởi hiện hành. Người bình thường hay nằm mộng, trong mộng có rất nhiều cảnh giới, phần lớn là chủng tử ở trong A Lại Da Thức hiện hành. Những chủng tử đó không phải của hiện tại, đời này chưa hề tạo qua những sự việc này, mà là trong đời quá khứ. Từ trong mộng, nếu bạn tư duy quan sát tỉ mỉ, thì có thể có được một chút tin tức mà trong đời quá khứ đã tạo nghiệp. Đến khi nào chúng ta tự mình tu đến tâm thanh tịnh thì tình trạng đời đời kiếp kiếp quá khứ của mình liền có thể nhớ lại được ngay. Người bình thường trên thế gian, tâm của họ tương đối thanh tịnh thì có thể nhớ lại tuổi thơ của họ. Nếu tâm thanh tịnh nữa thì có thể nhớ lại được quá khứ một đời, quá khứ hai đời, quá khứ ba đời. Loại sự việc này người hiện nay gọi là “công năng đặc biệt”, người bình thường gọi là “thần thông”. Thần thông là cái có được từ trong thiền định. Định công của Phật sâu, thiền định của Phật viên mãn, cho nên những việc trong vô lượng kiếp trước Ngài đều có thể nhớ lại được. Chúng ta hiện nay nói kinh nghiệm của Ngài phong phú hơn chúng ta quá nhiều. Những thứ mà chúng ta học được trong mấy chục năm ngắn ngủi này quả thật là không đáng tin cậy. Đây là điều chúng ta nhất định phải lý giải, tuyệt đối không phải tự ti, đây là chân tướng sự thật. Cái mà chúng ta học từ nhỏ là học cái gì vậy? Là ở trong xã hội hiện thực này, nước chảy bèo trôi. Tình trạng xã hội ngày nay là tình trạng gì vậy? Phật trong kinh Lăng Nghiêm nói: “Tà sư thuyết pháp như hằng hà sa”. Những điều mà chúng ta tiếp xúc đều là tà tri tà kiến, nhưng vô cùng bất hạnh là chúng ta lại tự cho là đúng. Cái gọi là “sai mãi thành đúng”, mọi người đều sai rồi, chúng ta cũng sai theo, giống như đều là đúng cả.
Tiêu chuẩn của thị phi thiện ác là ở đâu? Bạn xem tâm hạnh của bậc thánh hiền, người thật sự giác ngộ, tư tưởng, lời nói, hành vi của họ đều là tiêu chuẩn. Chúng ta học Phật, tâm hạnh của Phật Thích Ca Mâu Ni là tiêu chuẩn tuyệt đối. Trong pháp thế gian, người Trung Quốc trước đây sùng bái tâm hạnh của Khổng Lão Phu Tử, lấy đó làm tiêu chuẩn. Tâm hạnh của Khổng Lão Phu Tử ở trong “Luận Ngữ”, triều Tống Chu Hy, Chu Phu Tử biên tập thành bộ Tứ Thư, lấy “Đại Học”, “Trung Dung”, “Luận Ngữ” “Mạnh Tử”, bốn loại sách này hợp chung lại gọi là “Tứ Thư”. Tứ Thư là tiêu chuẩn của thị phi, thiện ác, là tiêu chuẩn của giá trị quan, nhân sinh quan của người Trung Quốc. Đây là chỗ tồn tại của tinh thần dân tộc Trung Quốc. Nhưng người bây giờ không đọc nữa, họ đem giá trị quan dân tộc mấy ngàn năm của mình vứt bỏ đi, tùy thuận theo tà tri tà kiến của thời đại trước mắt này. Vì vậy thế gian mới có động loạn, mới có thiên tai nhân họa. Tai nạn này nói thật ra chỉ là mới bắt đầu, không phải kết thúc, sau này còn có tai nạn lớn hơn nữa, có lẽ chúng ta có thể chứng kiến được. Làm sao có thể tiêu trừ tai nạn đây? Thánh hiền thế xuất thế gian đều nói cho chúng ta biết là phải từ tâm người chuyển biến, phải từ tâm người thể hội giác ngộ, chuyển tà thành chánh, không tùy thuận theo tập khí phiền não của mình nữa, không tùy thuận theo giá trị quan thế tục xã hội bình thường hiện nay. Chúng ta quay trở lại tùy thuận theo lời giáo huấn thánh hiền thì tai nạn này liền có thể hóa giải, bạn liền có thể được chánh tri chánh kiến, đối với tất cả sự lý thông đạt vô ngại.
Lợi ích thứ mười là “không đọa các nạn”. Câu nói này có hai tầng ý nghĩa vô cùng sâu rộng. Chúng sanh đều tạo ác nghiệp, cho nên chiêu cảm đến thiên tai nhân họa. Người giác ngộ ở nơi tai nạn này có phải bị nạn hay không? Nạn nhất định là phải thọ, vì chiêu cảm bởi cộng nghiệp, nhưng họ chắc chắn không bị đọa. Tại sao họ không đọa vậy? Vì họ là người sáng suốt, là người thanh tịnh, là người lương thiện, nên ở trong đại nạn họ được thăng hoa đi lên chứ không phải đọa xuống dưới. Người học Phật, nếu như có đầy đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên giống như trong kinh A Di Đà đã nói, trong Đại Thừa giáo gặp được pháp môn Tịnh Độ, thì họ nhất định vãng sanh thế giới Cực Lạc. Nếu đại nạn có đến thì họ có chỗ tốt để đi. Họ đi đến thế giới Cực Lạc làm Phật, là “không đọa các ác”. Ý nghĩa thứ hai là ở trong tai nạn lớn, họ cũng có thể không bị ảnh hưởng. Chúng ta biết trong rất nhiều tai nạn to lớn, có một số người có thể may mắn thoát được. Những người may mắn thoát được này không nằm ngoài hai loại nhân tố. Loại thứ nhất là thiện căn phước đức trong đời quá khứ sâu dày, tuy đời này tạo ác nhỏ nhưng họ có phước dư. Phước dư của họ rất lớn, rất dày, nên có thể tránh được tai nạn này. Loại thứ hai là ở trong đời này gặp được thiện tri thức, gần gũi thiện tri thức, tiếp nhận lời giáo huấn của thiện tri thức, hiểu được đoạn ác tu thiện nên họ cũng có thể tránh khỏi. Những sự việc này ở trong “Cảm Ứng Thiên”, “Âm Chất Văn” và “Liễu Phàm Tứ Huấn” đều nói rất nhiều, lý luận và chân tướng sự thật đều có, chúng ta nên đọc nhiều.
Chúng ta quan sát thật tỉ mỉ, quả thiện nhất định là có được từ nhân thiện. Tạo tác ác nghiệp mà mong cầu quả báo tốt, Phật thường nói là “vô hữu thị xứ”, là không có cái đạo lý này. Tạo tác nhân thiện mà được quả báo ác, cũng không có cái đạo lý này. Nhưng ở thế gian, người thông thường luôn luôn nhìn thấy người này cả đời hành thiện mà cuối cùng cái có được là ác báo, nhìn thấy nhiều người làm ác mà họ có đủ thứ hưởng thụ, hình như nhân quả báo ứng mà cổ thánh tiên hiền đã nói không chuẩn xác, thế là hoài nghi, không thể tiếp nhận. Đây là vì họ thấy quá cạn. Nhà Phật thường nói: “Nhân quả thông ba đời”. Hiện tại họ làm ác mà vẫn có thể được phước báo là do họ trong đời quá khứ tu tích được dày. Do đời này làm ác, tạo ác, phước báo của họ đã tổn giảm rồi. Tuy tổn giảm nhưng họ vẫn còn phước dư, hoàn toàn chưa hao hết. Họ còn có phước dư, cho nên họ hiện tại hưởng phước chứ không phải tạo ác được phước báo, đó là bạn hiểu sai rồi. Đời này tích thiện mà nhận được khổ báo chứng tỏ trong đời quá khứ tạo ác nghiệp rất nhiều. Đời nay tu thiện đã bù đắp tội nghiệp của họ, nhưng do ác nghiệp của họ quá lớn, còn có dư ác chưa thể đoạn được, cho nên họ mới thọ ác báo. Nếu họ hành thiện hoàn toàn không gián đoạn, họ có tín tâm, thì đời sau có phước báo lớn. Trong kinh Phật nói, quả báo đời nay là do nhân đời trước tạo, nghiệp nhân mà chúng ta tạo tác trong đời trước là quả báo của đời nay. Muốn biết quả báo đời sau thì hãy xem những điều bạn tạo trong đời này.
Nhà Phật nói: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Nhân quả chuyển biến bất không, tương tục bất không, tuần hoàn bất không. Thiện ác nhất định có quả báo. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật thì tuyệt đối không tạo ác. Bất kể chúng ta gặp phải gian nan khốn khổ như thế nào, một ý niệm ác cũng không sanh thì đời sau có phước báo lớn. Thời gian của đời này ngắn ngủi, thời gian của đời sau dài. Người thông minh phải có tầm nhìn xa rộng thì tu phước báo cho đời sau. Đây hoàn toàn không phải tiêu cực. Đời sau phước báo lớn thành tựu, thì đời nay tuổi về chiều phước báo cũng sẽ hiện tiền, nhà Phật nói đây là “Hoa báo”. Bạn tu tích quá nhiều, tu tích quá dày, quá lớn rồi, không đợi đời sau mới nhận phước mà ngay đời nay phước báo sẽ hiện tiền, cho nên đời nay gọi là hoa báo, đời sau là quả báo. Hoa báo thù thắng thì có thể biết được quả báo. Cho nên, phước nhất định là từ thiện tâm, thiện hạnh tu tích mà ra, chúng ta phải tin sâu không nghi, cố gắng nỗ lực mà làm.
Kinh văn: “Nhược năng hồi hướng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề giả, hậu thành Phật thời, tốc chứng nhất thiết Phật pháp, thành tựu tự tại thần thông”.
Đây là nói lìa tà kiến thành tựu mười loại pháp công đức thù thắng. Nếu như có thể hồi hướng vô thượng Bồ-đề, phần trước đoạn kinh văn này tổng cộng có mười đoạn nhỏ, mỗi một đoạn đều là dùng câu này làm lời kết, ở chỗ này có thể nói là tổng kết.
Sao gọi là “A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”? Câu này là tiếng Phạn, vào thời xưa dịch kinh, theo thể lệ có năm loại không dịch, đây là vì “tôn trọng không dịch”. Chúng ta học Phật, mục tiêu cuối cùng mong cầu đạt đến gì vậy? Chính là một câu này. Ý nghĩa của câu này, phiên dịch thành Hoa văn là “Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”. “A” dịch thành “Vô”. “Nậu Đa La” dịch thành “Thượng”. Ấn Độ gọi “Tam”, ý của Trung Quốc là “Chánh”. “Miệu” là “Đẳng”. “Bồ-đề” là “Giác”. Bởi vì tôn trọng nên giữ nguyên âm, không dịch. Trong câu này có ba thứ bậc là: “Chánh Giác”, “Chánh Đẳng Chánh Giác” và “Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”, đây là cái mà người học Phật mong cầu. Nếu như đạt đến chánh giác, trong Phật pháp gọi là chứng quả A La Hán. Tiểu Thừa A La Hán, Bích Chi Phật đều là đạt đến chánh giác. Phật nói với chúng ta, thế gian trời người cũng có người rất thông minh, họ đối với vũ trụ nhân sinh có sự giác ngộ tương đối nhưng không được gọi là “chánh”. Cái biển hiệu chữ “chánh” này rất khó đạt được. Nhà Phật nói tiêu chuẩn của “chánh” là gì vậy? Nhất định là phá chấp ngã rồi mới gọi là chánh. Nếu dùng cách nói như trong kinh Kim Cang, thì khái niệm này mọi người sẽ rất rõ ràng: “Vô ngã tướng” mới gọi là chánh giác.
Trời và người thế gian rất thông minh. Chúng ta biết, hiện nay có rất nhiều nhà khoa học, nhà triết học, nhà tôn giáo, họ vẫn còn “ngã”, vẫn còn chấp ngã, vẫn còn chấp pháp. Những người này tuy gọi là “giác” nhưng không thể gọi là “chánh giác”. Nhất định phải đạt đến không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả thì mới gọi là “chánh giác”. Tuy bốn tướng phá rồi nhưng hoàn toàn chưa phá hết triệt để. Bốn tướng này có cao thấp khác nhau, ví dụ nói tướng ngã 100% phá rồi, không còn nữa, nhưng tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả vẫn còn, vẫn chưa phá hết. Tại sao vậy? Tướng ngã là thuộc về chấp ngã, chính là chấp trước, chấp trước không còn nữa. Tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả là thuộc về phân biệt, là thuộc về vọng tưởng, cái này chưa đoạn hết. Do đó nhà Phật chia giác ngộ làm ba giai đoạn. Phân biệt đoạn hết rồi, nhưng vọng tưởng vẫn chưa hết, giai đoạn này gọi là “chánh đẳng chánh giác”. “Đẳng” là ngang bằng Phật. Quí vị phải biết rằng, ngang bằng Phật nhưng họ không phải Phật, đây chỉ là ngang bằng mà thôi. Khi phân biệt, vọng tưởng đều đoạn hết, lúc này mới gọi là “vô thượng chánh đẳng chánh giác”. Cho nên, “vô thượng chánh đẳng chánh giác” chỉ có một vị, đó là Phật quả viên mãn ở trong viên giáo. Bồ-tát đẳng giác trở xuống đều thuộc về chánh đẳng chánh giác. Nhưng quí vị phải biết rằng, ngôi bậc thấp nhất của chánh đẳng chánh giác là Bồ-tát sơ trụ viên giáo. Từ đó cho thấy, trong pháp giới tứ thánh đều là thuộc về chánh giác. Tuy thứ bậc của họ cũng có cao thấp khác nhau, A La Hán, Bích chi Phật, Bồ-tát, Phật (Phật ở đây chính là tông Thiên Thai gọi là Phật Tạng giáo, Phật Thông giáo), nhưng đều là thuộc về chánh giác, không thể xưng là chánh đẳng chánh giác. Đại sư Thiên Thai trong “Lục tức Phật” xếp loại họ là “tương tự tức Phật”, tức là pháp giới tứ thánh là tương tự tức Phật. Họ đã thoát khỏi thập pháp giới, đến nhất chân pháp giới (Nhất chân pháp giới là phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân), vào lúc này là phần chứng tức Phật, mới gọi họ là chánh đẳng chánh giác. Cho nên quí vị cần phải có khái niệm thật rõ ràng, chánh đẳng chánh giác là pháp thân Bồ-tát, người chưa chứng được pháp thân không ở trong đây, Tông Thiên Thai nói là phần chứng tức Phật, họ là thật, họ không phải giả. Chúng ta học Phật mục tiêu ở chỗ này, không phải cầu gì khác, mà là cầu sự giác ngộ cứu cánh triệt để viên mãn đối với vũ trụ nhân sinh, đó được gọi là “vô thượng chánh đẳng chánh giác”. Làm sao cầu được vậy? Bạn thử xem ở đây, đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện. Phật đem tất cả thiện ác quy nạp thành mười điều. Mặt trái của thập thiện chính là thập ác. Lìa thập ác chính là thập thiện. Từ đó cho thấy, thể của thiện ác là một, là một thể tánh, chỉ do mê ngộ bất đồng mà thôi. Ở trong lục đạo, người mê thì nhiều, người giác ngộ thì ít. Đặc biệt là trong xã hội hiện đại, không những người mê nhiều, hơn nữa là mê vô cùng nghiêm trọng. Đối với thánh giáo, đối với lời thiện họ không thể dung nạp. Điều này trong Phật pháp nói là họ có tập khí, nghiệp chướng quá nặng. Tuy hằng ngày đang tu học, nhưng họ đều không có cách gì nhập vào cảnh giới. Cảnh giới này, chúng ta thông thường nói là cửa Phật, họ không có cách gì vào cửa Phật.
Chúng ta ngày nay đều ở bên ngoài cửa Phật, chưa vào trong được. Người nào vào được vậy? Sơ quả Tiểu Thừa, Bồ-tát quả vị sơ tín viên giáo Đại Thừa. Đây là giống như đi học vậy, thập tín là tiểu học, quả vị sơ tín là lớp một, bạn đã bước vào năm lớp một rồi. Điều kiện của năm lớp một là gì vậy? Tám mươi tám phẩm kiến hoặc trong tam giới đoạn hết rồi. Vào lúc này chứng được quả vị sơ quả Tiểu Thừa, nếu như là Bồ-tát viên giáo thì đây là Bồ-tát quả vị sơ tín ở trong thập tín. Công phu đoạn phiền não của Bồ-tát quả vị sơ tín và sơ quả Tiểu Thừa là tương đồng, nhưng trí tuệ thì không giống nhau. Sơ quả Tu-đà-hoàn Tiểu Thừa nếu so với Bồ-tát quả vị sơ tín, sơ trụ viên giáo thì trí tuệ kém hơn rất nhiều, rất nhiều. “Hoa Nghiêm” là viên giáo, trí tuệ mà người ta hiển thị là viên mãn, viên dung vô ngại. Bồ-tát quả vị sơ tín còn như vậy, huống hồ Bồ-tát quả vị cao? Cho nên Bồ-tát sơ trụ là minh tâm kiến tánh rồi. Đây là nguyên nhân gì vậy? Phật đã nói ở trên hội “Lăng Nghiêm”, phiền não chướng và sở tri chướng. Hai loại chướng này, tất cả chúng sanh hoàn toàn không giống nhau. Bồ-tát quả vị sơ tín viên giáo thì hai loại chướng này đều mỏng nên họ chứng được sơ tín Đại Thừa. Tu-đà-hoàn Tiểu Thừa phiền não chướng nhẹ, sở tri chướng nặng, cho nên họ có thể đoạn 88 phẩm kiến hoặc. Bởi vì sở tri chướng nặng nên trí tuệ họ không mở. Phật thuyết kinh giáo Đại Thừa, họ không thể lý giải, nguyên nhân là ở chỗ này. Chúng ta nhìn thấy ở trên hội “Lăng Nghiêm” vô cùng rõ rệt. Tôn giả A-nan, chỗ mà Ngài chứng là sơ quả tiểu thừa, trí tuệ của Ngài rất cao. Phật nói kinh Lăng Nghiêm đến quyển thứ ba, Ngài hiểu rồi thì liền bước ra tán thán Phật. Tôn giả Phú Lâu Na là tứ quả A La Hán nhưng tôn giả Phú Lâu Na nghe không hiểu, cho nên đứng lên hướng về Phật thỉnh giáo: “Huynh ấy là sơ quả, sao huynh ấy hiểu được? Con là tứ quả A La Hán, sao con chưa hiểu?”. Phật mới nói rõ với Ngài: “A Nan là phiền não chướng nặng, cho nên chỉ chứng được sơ quả, còn sở tri chướng nhẹ, cho nên kinh pháp Đại Thừa chú ấy có thể hiểu rõ, có thể tiếp nhận”. Tôn giả Phú Lâu Na thì hoàn toàn ngược lại với A Nan, Ngài là phiền não chướng nhẹ, cho nên chứng được tứ quả A La Hán, tam giới 81 phẩm tư hoặc Ngài cũng đoạn rồi, nhưng do sở tri chướng nặng nên kinh giáo Đại Thừa Ngài nghe không hiểu.
Trong giáo học Đại Thừa, xưa nay những tổ sư đại đức thường hay dạy người: “Nhìn thấu, buông xả”. Chúng ta có thể buông xả phiền não chướng, nhìn thấu là phá sở tri chướng, hai loại công phu này là dùng hỗ tương không gián đoạn. Nhìn thấu giúp cho buông xả, buông xả giúp cho nhìn thấu, nhất định phải làm thật. Hơn nữa, trong cảnh giới này của chúng ta trước tiên nhất định phải bắt đầu từ buông xả, buông xả tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Phật dạy chúng ta: “Tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật”, trong “Hoa Nghiêm” và “Viên Giác”, Phật đều nói như vậy. Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Tất cả đều thành Phật”. Trong kinh Đại Thừa chúng ta thường hay xem thấy: “Phàm có Phật tánh, đều xem là Phật”. Chúng ta phải dùng tâm thái như thế nào để đối nhân, xử thế, tiếp vật vậy? Nhất định phải giống tâm thái tu học của Thiện Tài Đồng Tử. Ở trong mắt của Thiện Tài Đồng Tử thì phàm phu chỉ có mỗi một mình ta, ngoài ta ra, tất cả đều là chư Phật Như Lai. Thuận cảnh, nghịch cảnh, người thiện, người ác, toàn là chư Phật Như Lai hóa thân đến độ ta. Cho nên, Ngài ở trên đường Bồ-đề thuận buồm xuôi gió, không có chướng ngại. Chúng ta ngày nay tu hành có ít nhiều chướng ngại. Chướng ngại từ đâu mà có vậy? Từ trong tâm bất thiện của chúng ta mà biến hiện ra.
Mọi người đọc kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo cần phải biết, phần trước có nói, “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Tâm của chúng ta bất thiện, nhìn thấy người này vừa mắt thì khởi tham ái, thấy không vừa mắt liền khởi sân hận. Đây là tâm bất thiện. Tâm của chúng ta không chân thành, không thanh tịnh, không bình đẳng, tạo nên vô lượng vô biên chướng ngại trên đường Bồ-đề. Chướng ngại này làm sao đột phá đây? Thiện Tài đã làm nên tấm gương tốt nhất cho chúng ta thấy. Ngài thật sự là thuận buồm xuôi gió, gặp được Bồ-tát Văn Thù, dưới hội Văn Thù đã thành tựu căn bản trí. Sau đó Văn Thù Bồ-tát bảo Ngài hãy đi tham học, tham vấn 53 vị thiện tri thức. Ngài đã thành Phật quả cứu cánh viên mãn. Mỗi lần tham vấn một vị thiện tri thức, cảnh giới của Ngài được nâng lên một cấp. Tỳ Khưu Kiết Tường Vân đại biểu Bồ-tát sơ trụ viên giáo, phát tâm trụ. Ngài tham vấn sơ trụ Bồ Tát, bản thân Ngài liền đến sơ trụ. Tham vấn Bồ-tát Hải Vân, Ngài liền thăng đến nhị trụ. Tham vấn tỳ khưu Diệu Trụ, Ngài liền thăng đến tam trụ. Cảnh giới cứ mãi thăng hoa lên trên, không có một chút cản trở. Nguyên nhân gì vậy? Thái độ làm học sinh tốt. Sự việc này, đại sư Ấn Quang trong “Văn Sao” nói rất nhiều: “Một phần thành kính được một phần lợi ích. Hai phần thành kính được hai phần lợi ích”. Thiện Tài Đồng Tử là đầy đủ thành kính viên mãn, cho nên Ngài được lợi ích viên mãn. Tổ sư nói đơn giản như vậy. Nói thêm với quí vị, làm cũng là đơn giản như vậy. Bạn không chịu làm thì vô phương. Tại sao không chịu làm vậy? Bản thân chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay tập khí phiền não quá nặng. Trong phiền não, phiền não lớn nhất đối với người tu hành mà nói là cống cao ngã mạn, luôn cảm thấy mình cao hơn người khác một cấp, người khác đều không bằng ta, ngã mạn cao như núi! Điều này đã tạo thành chướng ngại trên đường Bồ-đề của mình. Tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, tham sân si mạn đã tạo nên biết bao nhiêu là chướng ngại. Bạn có thể đem những cái này trừ bỏ, quyết định không có tự tư tự lợi, quyết định không dính danh vọng lợi dưỡng, thật sự xa lìa được tham sân si mạn, thì chúng ta sẽ giống Thiện Tài Đồng Tử vậy, đối với người, với sự, với vật chân thành, cung kính.
Hạnh Phổ Hiền thực tiễn “Lễ Kính Chư Phật”. Ai là chư Phật vậy? Tất cả chúng sanh là chư Phật. Tất cả người, tất cả sự, tất cả vật đều là chư Phật. Chí thành cung kính, không hề mảy may có thái độ thất lễ. “Xưng Tán Như Lai”, “Quảng Tu Cúng Dường”, “Sám Hối Nghiệp Chướng”, thì trên đường Bồ-đề làm gì có chướng ngại chứ? Cho nên “Hoa Nghiêm” hay, sau cùng Thiện Tài với 53 vị, đó là Phật Đà, đó là thiện tri thức, là chư Phật Như Lai đến thị hiện. Thị hiện bất kể là thuận cảnh, nghịch cảnh, người thiện, người ác, không có người nào không phải thiện tri thức. Thế Tôn trong một đời dạy học, pháp môn rộng lớn tu học một đời thành Phật chỉ có hai bộ kinh là kinh Hoa Nghiêm và kinh Pháp Hoa. Trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài biểu diễn cho chúng ta thấy một đời thành tựu và trong kinh Pháp Hoa, Long nữ 8 tuổi thành Phật. Đây là làm nên để chúng ta thấy, nói cho chúng ta biết, người ở thế gian này ngay trong một đời thành Phật là điều có thể, không phải không thể. Chỉ cần bạn biết được đạo lý này, hiểu được phương pháp này, thật sự thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói là bạn có thể thành Phật.
Trước đây có người hỏi tôi phương pháp giảng kinh. Tôi đã viết một bài cương lĩnh về nghiên cứu nội điển, phụ ở phần phía sau cuốn sổ tay “Nghiên Cứu Các Bài Giảng Nội Điển” này của các bạn, các bạn có thể nhìn thấy. Lời đáp của tôi đặc biệt nhấn mạnh là học giáo thành tựu 90% là ở thái độ tu học của bạn, còn phương pháp tối đa là chỉ 10% mà thôi. Phương pháp không khó, khoảng một tuần là có thể dạy bạn biết. Thái độ tu học của bạn quyết định cho sự thành bại của bản thân bạn. Chúng ta gần gũi thiện tri thức không phải một người, đồng tu rất nhiều. Tại sao trong biết bao nhiêu đồng tu ấy, người có thể thành tựu chỉ có vài ba người vậy? Thầy dạy học giống nhau, không phân đó đây, cùng học giống nhau, tại sao có người có thể thành tựu, có người không thể thành tựu? Quyết định bởi thái độ tu học, tức là như Ấn Tổ đã nói, một phần cung kính được một phần lợi ích, mười phần cung kính được mười phần lợi ích. Trước đây, chúng tôi gần gũi đại sư Chương Gia, gần gũi lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, thậm chí là gần gũi một người tại gia là tiên sinh Phương Đông Mỹ, chúng tôi có mười phần thành kính nên chúng tôi có thể có được một chút lợi ích. Không có tâm cung kính như vậy, cái mà bạn có được là phần ngoài da. Từ đó cho thấy, chúng ta có thể thành tựu hay không, không phải do sự chỉ dạy của thầy.
Phật Thích Ca Mâu Ni độ hóa chúng sanh, tự mình không kể công. Tại sao vậy? Ta thành Phật là tự ta thành Phật, không phải Phật có năng lực giúp đỡ ta thành Phật. Nếu Phật có năng lực giúp chúng ta thành Phật, thì chúng ta việc gì phải tu hành chứ? Phật không giúp chúng ta thành Phật là Ngài không từ bi rồi! Đây là việc mà Phật cũng không thể làm được. Hoàn toàn do bạn tự mình thành tâm, thành ý tu học. Cho nên trong bốn loại duyên, Phật pháp từ duyên sanh, bản thân chúng ta có đầy đủ thân nhân duyên, sở duyên duyên, vô gián duyên, Phật chỉ là tăng thượng duyên đối với chúng ta mà thôi. Cho dù tăng thượng duyên tốt đi nữa, mà nếu ba cái duyên trước của chúng ta không đầy đủ thì không thể thành tựu. Đạo lý này chúng ta phải hiểu.
Ở đây nói, “hồi hướng” là đem công đức tu học của mình phân ra cho tất cả chúng sanh cùng hưởng. Bản thân ta không cần nữa thì phân ra cho tất cả chúng sanh hưởng. Bản thân ta nếu vẫn có một chút “ta cùng hưởng chung với tất cả chúng sanh”, thì “ngã” vẫn chưa xả hết, vẫn còn chấp ngã ở bên trong. Nếu chúng ta đem công đức phân cho tất cả chúng sanh hưởng, bên trong không có “ngã”, thì bạn mới có thể đi trên đường Bồ-đề.
“Hậu thành Phật thời, tốc chứng nhất thiết Phật pháp”. Bạn phải hiểu được cái gì là Phật pháp. “Pháp” chính là tất cả pháp. Đối với tất cả pháp không gì không biết, không gì không thể thì gọi là “Phật”. Ý nghĩa của Phật là giác ngộ, đối với tất cả pháp đều là giác chứ không mê. “Thành tựu tự tại thần thông”, đây là đức dụng. Đối với tất cả pháp thế xuất thế gian bạn đều có thể giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh chứ không nhiễm là bạn được đại tự tại. Thần thông không phải là tự thọ dụng, mà thần thông là tha thọ dụng. Tự thọ dụng là “tự tại”, tha thọ dụng là “thần thông”, bạn có năng lực giáo hóa tất cả chúng sanh. Đây là một đoạn văn lớn. Phật ở chỗ này rất từ bi, Ngài nêu ra một ví dụ tu hành thập thiện, đem thập thiện thực tiễn đến lục độ Ba La Mật thì lục Ba La Mật mới được viên mãn.
Tốt rồi, hôm nay chúng ta chỉ giảng đến đây.
A Di Đà Phật!
PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH (tập 40)
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: năm 2001
Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền
Tác giả bài viết: Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Nguồn tin: TinhKhongPhapNgu.com
Discussion about this post