Tối hôm qua, chúng ta đã nghe bài giảng vắn tắt về Do Thái giáo. Đây là một tôn giáo cổ xưa, chúng ta tương đối ít tiếp xúc, vì ở Trung Quốc đại lục không có. Trung Quốc đại lục chỉ có năm tôn giáo, do đó cơ hội tiếp xúc rất ít. Sau khi chúng ta nghe xong thì biết kinh điển chủ yếu nhất của họ là “Cựu Ứớc”. Lịch sử của họ có hơn bốn ngàn năm, điều này Thiên Chúa giáo (là “Tân Cựu ước”) đều chấp nhận. Cơ Đốc giáo thì nghiêng về “Tân Ứớc”, họ tôn thờ chỉ một vị thần. Sự khác biệt ở đây là Cơ Đốc Giáo nghiêng nặng về Chúa Giê-su, còn Thiên Chúa Giáo nghiêng nặng về Đức Mẹ.
Hôm qua, chúng ta đã nghe bài báo cáo của họ. Họ khẳng định Thượng Đế chính là chân lý, là đấng có năng lực lớn trong vũ trụ. Khái niệm này rất hay, rất chính xác, thật sự được người hiện đại tiếp nhận. Đệ tử Phật học rộng, nghe nhiều, đặc biệt là người xuất gia, gánh vác trên vai sứ mệnh giáo hóa chúng sanh. Đối với tình hình của chúng sanh, chúng ta phải biết rõ thì việc hoằng pháp lợi sanh mới thật sự có thể đạt đến khế cơ, khế lý. Lần này, chúng ta mời mỗi tôn giáo đến truyền đạo, đây là việc mang tính lâu dài, không phải việc ngắn hạn. Mỗi một lần, chúng ta đều ghi lại băng ghi hình phần tiếng Anh, chúng ta có thể dùng tiếng Trung làm phụ đề. Chúng ta phải học tập thật nghiêm túc.
Trong các tôn giáo khác nhau, chúng ta phải tìm ra một điểm chung nhất. Điểm chung nhất này chính là chân lý mà mọi người đều công nhận. Nghĩa gốc của Phật Đà là trí tuệ, là giác ngộ. Họ nói chân lý, nói quyền năng lớn so với nhà Phật nói đại trí đại giác là cùng một ý nghĩa, cùng một đạo lý. Để giáo dục tôn giáo thật sự có lợi ích cho thế nhân, chúng ta cần phải đem chân lý này thực tiễn vào trong đời sống. Chân lý biểu hiện ra bên ngoài chính là nhân từ, bác ái. Chúng tôi đem đường lối trung tâm của Phật giáo tổng kết thành năm câu, mười chữ là: “Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. Đây không chỉ là tinh nghĩa của Phật pháp mà còn là tinh hoa của tất cả tôn giáo thế gian. Thượng đế yêu thế nhân, Thần yêu thế nhân, Phật Bồ-tát đại từ đại bi. Phật, Bồ-tát, Thần, Thượng đế là gì? Ở đâu vậy? Chính là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác vốn đầy đủ trong tự tánh của con người. Đại dụng của tự tánh là từ bi, là bác ái, không phân quốc gia, chủng tộc, không phân tôn giáo, nhân từ với người với vật. Thông thường trong tôn giáo chỉ nói yêu người, nhưng phạm vi trong kinh Phật nói thì rộng hơn. Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật nói: “Tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí”. Đây là nói rõ, ngay cả thực vật và khoáng vật, chúng ta cũng có tâm yêu thương, thiện ý tràn đầy, huống hồ đối với chúng sanh hữu tình. Nếu chúng ta thật sự đối với hữu tình và vô tình có thiện ý và yêu thương một cách chân thành, thanh tịnh, bình đẳng tràn đầy, thì người này ở trong Phật pháp được xưng là Phật Đà, là Bồ-tát. Nếu như còn xen tạp bất thiện, xen tạp ác ý, sao gọi là “ác ý”? Bất thiện chính là ác. Tiêu chuẩn mà Phật nói với chúng ta là thập thiện nghiệp đạo, còn tiêu chuẩn của Do Thái giáo là mười điều răn của Chúa. Nội dung của mười điều răn tương đồng với thập thiện, cho nên trong kinh điển của tất cả tôn giáo đều chỉ dạy rõ ràng thập thiện nghiệp này, các tín đồ nhất định phải biết tuân thủ. Xa rời giáo học cơ bản này là chúng ta bất thiện rồi, liền tạo tác ác nghiệp, biến hiện ra khổ báo tam đồ.
Từ xưa đến nay, tổ sư đại đức chỉ dạy chúng ta, học Phật là tu từ căn bản. Căn bản là gì vậy? Là ý nghĩ. Ý nghĩ phải thiện, ý nghĩ phải thanh tịnh, ý nghĩ phải bình đẳng. Nếu bạn nghĩ: “Ở giữa đại chúng, tôi cảm thấy thân phận của tôi đặc thù, cảm thấy địa vị của tôi không giống như người khác” thì đây là bất thiện. Chúng ta thử xem thánh triết của thế xuất thế gian, người Trung Quốc nói là pháp thế gian, coi trọng pháp thế gian thì Khổng Lão Phu Tử là người đại biểu. Hành nghi cả đời của Phu Tử, thái độ đối nhân xử thế là tự ti mà tôn người. Thánh nhân đã làm nên hình mẫu cho chúng ta thấy. “Tôi cảm thấy cao hơn người khác một bậc”, vậy bạn là phàm phu. Ý nghĩ, hành vi cao hơn người một bậc này, trong Phật pháp gọi là tập khí nghiệp chướng sâu nặng. Ai hiểu được điều này? Phật hiểu được. Làm đệ tử Phật thì phải đem điều đã nói trong Phật pháp là “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi” làm ra cho mọi người thấy, đây là giáo hóa chúng sanh. Bản thân bạn thật sự làm được là tự thọ dụng, làm cho người khác thấy là hóa tha, do đó, chúng ta phải làm thật nghiêm túc, nỗ lực mà làm.
Mỗi một tín đồ tôn giáo cũng giống như Phật pháp vậy, phải thông đạt, hiểu sâu “nghĩa thú” của kinh điển. “Nghĩa” là đạo lý, là nghĩa lý; “thú” là phương hướng, mục tiêu. Sau khi hiểu rõ rồi thì phải thực tiễn những đạo lý lớn này vào trong đời sống, thực tiễn vào trong đối nhân xử thế tiếp vật, niệm niệm vì xã hội tạo phước, làm tấm gương tốt cho chúng sanh, xa lìa danh vọng lợi dưỡng, từ bỏ năm dục sáu trần, thông thường trong tôn giáo nói: “Người này mới được cứu”. Ai cứu bạn? Tự mình cứu mình. Trong Phật pháp Đại Thừa nói: “Tự mình độ chính mình”, chư Phật Bồ-tát, tất cả thần thánh làm tăng thượng duyên cứu giúp, tự độ. Đây là điều chúng ta cần phải nên biết.
Đời người khổ và ngắn ngủi. Hôm qua, có một đồng tu Trung Quốc gọi điện thoại nói với tôi là anh đã đi đến Mỹ một chuyến rồi, đi một vài tháng rồi trở về. Trong số bạn bè tốt của anh, có ba người đã qua đời ở tuổi chưa đến 50. Anh có cảm xúc sâu sắc khi thấy sự mỏng manh của kiếp người, “mạng sống vô thường, quốc độ nguy biến”. Nếu muốn mạng sống dài lâu, thì đây là vọng tưởng, đó là người ngu nói mộng. Trong sáu cõi nhất định không có dài lâu, Phật nói chân tướng cho chúng ta biết là “Sát-na biến đổi”, thế gian là vô thường. Người có trí tuệ, họ thông minh, nắm chắc được hiện tại. Họ nắm chắc được sát-na hiện tại này thì họ liền thành công. Nếu đánh mất hiện tại đó thì liền nhất định đọa lạc.
Nhà Phật nói: “Thường, lạc, ngã, tịnh”. “Thường, lạc, ngã, tịnh” là từ trong tự tánh mới nhìn thấy. Thật sự tự tánh là vô hình, vô tướng, phủ khắp mười phương ba mé, trong đây có chân thường, có chân ngã, có đầy đủ bốn loại tịnh đức “thường, lạc, ngã, tịnh” này. Trong hiện tướng chắc chắn không có. Tướng là hư vọng, “phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”. Chúng ta có thể thấy rõ ràng, thấy sáng tỏ điều này rồi thì tướng có thể thọ dụng, quyết không chấp trước. Không những không chấp trước mà còn không được phân biệt. Xa lìa phân biệt chấp trước, bạn liền nhìn thấy thực tướng các pháp. Người nhìn thấy thực tướng các pháp thì trong Phật pháp gọi họ là “Phật Đà”, là “Như Lai”. Cho nên, chúng ta học Phật phải biết bắt đầu học từ đâu, hạ thủ từ chỗ nào, làm thế nào thành tựu. Trong đời sống thường ngày tràn đầy chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, đối nhân xử thế tiếp vật tràn đầy đại từ đại bi thì người này là lạc, thật sự lìa khổ được vui rồi. Khổ là gì vậy? Là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Họ đã xa lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Họ là lạc,họ thấy hư không khắp pháp giới tất cả chúng sanh là một tổng thể chân thành, thanh tịnh, bình đẳng. Quan niệm này, thọ dụng này không lúc nào không viên mãn, không nơi nào không viên mãn, được đại viên mãn, được đại tự tại. Đây là sự thật, ngoài điều này ra đều là hư vọng. Cho nên, học Phật là học cái gì? Tâm yêu thương của chúng ta phải rộng khắp viên mãn.
Nhà Phật nói từ bi, đại từ đại bi hiện rõ trong đời sống thường ngày, từng li từng tí đều là đại viên mãn, sự thọ dụng của bạn từng li từng tí đều là đại tự tại. Trong Phật pháp có thể có được thọ dụng này. Tất cả nền giáo dục tôn giáo, nếu có thể tu học như lý như pháp thì đều có thể đạt đến cảnh giới y như vậy. Cho nên, trong kinh Phật nói: “Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”. Chữ “pháp môn” này không hạn chế ở pháp môn của Phật giáo mà là nói đến tất cả mọi pháp thế xuất thế gian. Đây đúng là điều mà Đại Thừa gọi là “viên nhân thuyết pháp, vô pháp bất viên”, viên ngộ, viên tu, viên chứng. Trong tất cả pháp, thật sự chỉ có Đại Thừa nói rất rõ ràng, thấu triệt, chúng ta phải ngay chỗ này hạ công phu. Hạ công phu không những chỉ là nghiên cứu giáo lý mà phải thực hiện, phải giải hành tương ưng. Giải giúp bạn hành; hành giúp bạn giải; giải và hành phụ trợ lẫn nhau, điều này sẽ nâng chúng ta lên đến vô thượng đạo. Có giải mà không hành thì “phải đọa lạc như thế nào vẫn phải đọa lạc như thế ấy; phải sanh tử như thế nào vẫn phải sanh tử như thế ấy”, không giúp được gì, không thể giải quyết vấn đề. Đại sư Thanh Lương ở trong kinh Hoa Nghiêm Sớ Sao nói rất hay: “Hữu giải vô hành, tăng trưởng tà kiến. Hữu hành vô giải, tăng trưởng vô minh”. Chư Phật Bồ-tát, tổ sư đại đức đều chỉ dạy chúng ta giải hành phải tương ưng. Đây là chánh pháp, đây là chánh giáo. Lệch ở một bên là tà giáo rồi. Đi đường không đi ngay chính giữa mà đi qua hai bên, đi một bên này là bỏ bên kia rồi, thiên lệch tà kiến. Tà và chánh chúng ta phải có năng lực biện biệt. Chúng ta phải hiểu thật rõ, thật sáng tỏ đường mà bản thân chúng ta đi là đường gì.
Gần đây, chúng tôi nghe nói Liên Hiệp Quốc muốn cử hành một cuộc hội nghị tôn giáo thế giới. Sự việc này dường như trước đây chưa từng có, đây là lần đầu tiên, là sự việc tốt. Nhân loại mong cầu hòa bình, cầu mong trời xanh phù hộ đã có hàng ngàn hàng vạn năm rồi, nhưng hòa bình vẫn mãi không hề đến được. Ngược lại, thiên tai nhân họa, đặc biệt là chiến loạn mỗi lần một nghiêm trọng hơn, tài sản, mạng sống thương vong không cách gì tính hết. Lấy cận đại mà xem, chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đại chiến lần thứ hai, e rằng tương lai còn có đại chiến lần thứ ba, cho nên sự hy vọng về hòa bình là quá mù mịt. Tại sao lại có những hiện tượng bất hạnh này vậy? Tuy Thánh hiền cổ đại Trung Quốc cũng có cầu nguyện trời xanh, cũng cầu mong thần thánh nhưng không dựa hoàn toàn vào đó, mà dựa vào lời giáo huấn của thánh hiền. Sau khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, tam giáo trở thành đỉnh ba chân tại Trung Quốc. Tam giáo là Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo. “Giáo” không phải là tôn giáo như trong quan niệm của người hiện nay, mà “giáo” là giáo dục, giáo học. Giáo dục, giáo học của nhà Nho; giáo dục, giáo học của nhà Phật; giáo dục, giáo học của Đạo gia. Hay nói cách khác, đây là ba học phái lớn, mỗi phái đều có lịch sử hàng ngàn năm. Giống như ở phần chiếu thư phía trước của kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, Hoàng đế Ung Chính đã nói: “Tam giáo chi giác dân ư hải nội dã”. Ba loại giáo dục này đều là chỉ dạy nhân dân giác ngộ. Lý xuất từ một nguồn, đạo song hành mà không trái. Lời của Hoàng đế Ung Chính không sai, hoàn toàn chính xác.
Trên thế giới có biết bao tôn giáo, có thể nói về lý đều xuất từ một nguồn, lý gì vậy? Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi. Chúng tôi hiện nay tổng kết lời dạy của Phật thành mười chữ là: “Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. Đây là lý, cùng xuất từ một nguồn, đạo song hành mà không trái. “Đạo” là gì? Là yêu thương, đây là lời của cư sĩ Hứa Triết ở Singapore. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên hỏi bà: “Tôn giáo là gì?”. Tôn giáo chính là yêu thương! Cơ Đốc giáo, Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo đều nói: “Thượng Đế yêu thương thế nhân”, “Thần yêu thương thế nhân”, còn trong Phật giáo, Phật Bồ-tát một mực “từ bi”. Ở khu vực này đại đa số người dân tín ngưỡng Đạo Hồi. Quốc gia lân cận chúng ta như Malaysia, Indonesia đều là quốc gia Hồi Giáo. Kinh điển của họ triển khai mỗi một đoạn, câu đầu tiên là “A-la quả thật là đấng nhân từ”. Họ xưng là Thượng Đế, xưng là “A-la”. Cho nên, thế gian tôn giáo có nhiều đi nữa nhưng căn bản là một, đều là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, trí tuệ, nhân từ, bác ái. Mục tiêu giáo dục của tôn giáo cũng giống nhau, dạy người tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa mục, đối xử bình đẳng, không phân quốc gia, không phân chủng tộc. Khi một tôn giáo nào truyền giáo, có khi nào nói hạn chế rằng anh không phải là người của quốc gia tôi, anh không phải là người thuộc chủng tộc của tôi, anh không được phép tin tôn giáo của tôi không? Không hề! Mỗi một tôn giáo đều truyền khắp toàn thế giới, tôn giáo quả thật là bình đẳng. Chỉ có dùng giáo dục mới có thể đạt đến hòa bình.
Tôn giáo vốn đều là giáo dục, dùng cách nói hiện đại mà nói, đều là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Quí vị hãy tỉ mỉ xem thử tất cả kinh điển các tôn giáo, quý vị sẽ hiểu rõ ngay, lòng dạ đều là quảng đại. Nhà Phật nói: “Tâm bao thái hư, lượng chu sa giới”, có tôn giáo nào không như vậy? Tôn giáo nào cũng như vậy cả. Tại sao tâm lượng của nhân sĩ tôn giáo hiện nay trở nên nhỏ hẹp, chỉ có mình, hạ thấp người khác? Đó không phải là ý của Thần, không phải ý mà trong giáo nghĩa tôn giáo nói, đó là cá nhân. Chúng ta không nói những tôn giáo khác, chỉ nói riêng Phật giáo, chúng ta có làm theo kinh điển của Phật hay không? Không có. “Đạo tràng này của tôi, tôi hy vọng nó hưng vượng. Đạo tràng bên cạnh tôi, mong cho họ suy bại, mong cho tín đồ của họ đều đến chỗ này của tôi”, vậy là chính mình đã bài xích lẫn nhau rồi. Đây có phải là Phật giáo hay không? Không phải. Phật chế định giới điều ở trong giới Bồ-tát là: “Tự tán hủy tha”, đây là trọng giới Bồ-tát. Bạn tự mình tâng bốc chính mình, tán thán chính mình, phỉ báng người khác, đây là sai lầm cực lớn. Phật dạy chúng ta như thế nào vậy? Chúng ta đọc trong kinh Hoa Nghiêm, mỗi một vị Bồ-tát, mỗi một vị thiện tri thức, bản thân khiêm tốn, tôn trọng người khác, nâng cao người khác. Làm như vậy là “đạo song hành mà không trái”, thế giới này mới có hòa bình. Phật nói với chúng ta, tất cả pháp thế xuất thế gian, pháp nào cũng là bình đẳng, pháp nào cũng là đệ nhất. Nếu như có thứ nhất, thứ hai, thứ ba thì phiền phức liền đến ngay, chắc chắn không thể chung sống hòa mục. Bình đẳng mới có thể chung sống hòa mục. “Hòa vi quí” là điều chúng ta mong cầu. “Hòa” từ đâu mà có vậy? Từ bình mà có, không bình đẳng thì chắc chắn không có hòa bình. Cho nên, tất cả tôn giáo đều dạy người phải bình đẳng.
Thế gian tại sao có nhiều tôn giáo như vậy? Chúng ta phải hiểu rõ. Trước đây, giao thông không phát triển, giữa người với người rất ít qua lại. Chúng ta đọc thấy trong sách xưa, “đến già chết không qua lại với nhau”, thật sự có. Người dân sống ở trong làng, họ chỉ sống ở trong thôn này, cả đời cũng chưa từng qua thôn bên kia, phạm vi sinh hoạt cả đời của họ chỉ ở trong thôn nhỏ này. Trong cái vòng nhỏ này, họ phải chung sống hòa mục với đại chúng, họ cần phải có giáo dục thánh hiền. Do hoàn cảnh cư trú, văn hóa, bối cảnh lịch sử không giống nhau, nên khi thánh hiền lập giáo, giáo hóa nhân dân, mới hình thành rất nhiều tôn giáo như vậy. Chúng ta xem thấy ở trong kinh Phật, Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời, vào thời đại đó Ấn Độ có hơn 100 tôn giáo, dùng cách nói hiện nay mà nói, tức là hơn 100 loại giáo dục, giáo hóa mọi dân tộc khác nhau, cư dân quốc độ khác nhau trên khắp Ấn Độ. Tôn giáo đã ra đời như vậy.
Ở Trung Quốc, tôn giáo không phát triển. Nguyên nhân của không phát triển là vào đời nhà Tần, Trung Quốc đã được thống nhất rồi, Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc. Ông thống nhất Trung Quốc tuy thời gian ngắn nhưng ảnh hưởng vô cùng lớn. Thời đại tiếp sau đó là triều Hán, thời gian rất dài, từ tiền Hán đến hậu Hán kéo dài 400 năm. Hán Vũ Đế (hoàng đế thứ hai của triều Hán) chế định chính sách giáo dục, phương châm giáo dục, tức là áp dụng ba nhà Nho, Thích, Đạo. Vào thời đó Phật giáo chưa truyền vào Trung Quốc, lấy Nho gia làm chánh giáo. Đường lối giáo dục này kéo dài mãi đến đời Mãn Thanh cũng không có thay đổi. Trong 2000 năm, thay đổi triều đại rất nhiều lần, chế độ chính trị cũng có đổi mới, duy chỉ có chính sách giáo dục, phương châm giáo dục là không hề thay đổi. Ngay cả khi người Mông Cổ vào làm chủ Trung Quốc cũng không hề sửa đổi, người Mãn Thanh vào làm chủ Trung Quốc cũng vậy, không hề sửa đổi. Vào thời Hán Minh Đế, Phật giáo truyền đến Trung Quốc, dần dần hình thành nền giáo dục của ba nhà để chỉ dạy nhân dân Trung Quốc. Nhân dân Trung Quốc từ xưa đến nay tiếp nhận sự giáo dục của ba nhà này. Dùng danh từ của Phật học mà nói là có thiện căn sâu dày. Đế vương các đời đều là tu dưỡng đạo đức của mình. Những quốc gia lân cận này, trước đây gọi là “quy thuận” Trung Quốc, tôn Trung Quốc làm anh cả, đây là vì họ tôn kính, không phải Trung Quốc yêu cầu đối với họ. Họ tôn kính và triều cống đối với Trung Quốc. Việc “triều cống” này, hiện nay gọi là tặng quà. Nhưng Trung Quốc trả lễ hậu hơn gấp nhiều lần so với quà họ đem tặng. Họ tặng chúng ta một vạn đồng thì quà chúng ta đáp lại họ là mười vạn đồng. Hậu đãi nước nhỏ, tôn trọng nước nhỏ, việc này thử xem lịch sử Trung Quốc liền hiểu ngay. Trung Quốc khoảng giữa triều Mãn Thanh về sau, dần dần xa lìa lời giáo huấn của cổ thánh tiên hiền, xa lìa giáo huấn của thánh nhân, thế là tập khí phiền não liền hiện hành ngay, tự tư tự lợi, tham sân si mạn đã làm bại hoại phong khí xã hội.
Chúng ta thúc đẩy đường lối hòa bình đến toàn thế giới. Hòa bình làm sao đạt được đây? Giáo dục. Giáo dục quan trọng nhất là giáo dục gia đình, đây là nền móng. Gia đình bị phá hoại rồi thì xã hội coi như xong. Gia đình là cơ sở của xã hội. Hạt nhân của gia đình là vợ chồng, vợ chồng bất hòa thì thiên hạ đại loạn. Cho nên, ở Trung Quốc, Nho Thích Đạo đều coi trọng giáo dục gia đình. Nhà Phật dạy người quan niệm căn bản là: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Bộ kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo chính là nói bốn câu này. Nho gia dạy ngũ luân bát đức đều là bắt đầu làm từ gia đình. Nếu như giáo dục gia đình bại hoại rồi thì toàn bộ những cái khác đều hỏng hết. Nền giáo học gia đình là gốc, giống như bốn tầng lầu này của chúng ta, nó là tầng thứ nhất, không có tầng thứ nhất thì đâu có tầng thứ hai. Tầng thứ hai là giáo dục nhà trường, tầng thứ ba là giáo dục xã hội, tầng thứ tư là giáo dục tôn giáo. Giáo dục tôn giáo là giáo dục tinh thần, chỉ dạy bạn vượt phàm nhập thánh, đem lòng nhân từ, bác ái của bạn phát huy đến cực điểm, yêu thương tất cả chúng sanh thế xuất thế gian. Tâm yêu thương chân thành, dùng giáo dục tôn giáo đem nó mở rộng ra. Bốn loại giáo dục này thực tiễn rồi thì thế giới được hòa bình ổn định vĩnh cửu, giữa người với người biết tôn kính lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, hỗ trợ hợp tác, thật sự là cùng tồn tại cùng phát triển. Nếu như không có bốn loại giáo dục này làm cơ sở thì những lời nói nghe hay này đều là khẩu hiệu, dứt khoát không thể thực tiễn.
Chúng ta nhìn xem thế giới hiện nay, giáo dục gia đình không còn nữa nên con cái không nghe lời cha mẹ, giáo dục nhà trường không còn nữa nên học trò không nghe lời thầy cô, còn giáo dục xã hội thì sao? Mọi người đều biết, các bạn mỗi ngày xem báo, tạp chí, truyền hình, điện ảnh, dạy bạn những điều gì vậy? Dạy bạn sát, đạo, dâm, vọng. Giáo dục tôn giáo hoàn toàn rơi vào hình thức rồi, đều làm theo trong nghi thức tôn giáo, giáo dục tôn giáo không còn nữa. Biết tụng kinh mà không hiểu gì cả, ý nghĩa còn không hiểu thì làm sao có thể thực hiện? Bốn loại giáo dục đều không còn nữa thì thiên hạ sao có thể không loạn được? Ngày nay người nhân từ, chí sĩ trên thế giới, nếu muốn cứu vãn kiếp vận của thế gian thì không có gì khác hơn là nhất định phải hồi phục bốn loại giáo dục lớn này. Có cần thiết lập ra tôn giáo mới nữa hay không? Không cần thiết nữa. Xưa nay trong tôn giáo, nội dung quá phong phú rồi, chúng ta có thể làm được một phần ngàn, một phần vạn thì thế giới hòa bình đã có hy vọng, không cần thiết lập tôn giáo mới nữa. Lập ra tôn giáo mới nữa thì giống như vẽ rắn thêm chân mà thôi, chẳng có ý nghĩa gì cả, chẳng qua chỉ là nhiễu loạn trật tự mà thôi. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này.
Trước đây trên thế giới có sáu tôn giáo lớn, toàn thế giới đều thừa nhận. Ở Singapore hiện nay có chín tôn giáo lớn, kinh điển, giáo nghĩa đều hay, làm sao chúng ta đem nó lĩnh hội thông suốt, cố gắng học tập, đem nó phát huy mạnh mẽ để cứu vãn xã hội, cứu vãn kiếp vận, thực tiễn thế giới hòa bình, xã hội ổn định, nhân dân hạnh phúc. Đây là vấn đề cấp bách trước mắt. Thập niên 70, tiến sĩ Thang Ân Tỉ người Anh đã nói: “Giải quyết vấn đề xã hội của thế kỷ 21 chỉ có học thuyết Khổng Mạnh và Phật pháp đại thừa”. Ông đã nói hai điểm này rất có đạo lý. Nền giáo dục đối với tất cả chúng sanh thì hai nhà này nói rất cụ thể và thấu triệt, đáng để chúng ta cố gắng nỗ lực học tập, phát huy mạnh mẽ.
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây thôi.
A Di Đà Phật!
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: năm 2001
Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền
Tác giả bài viết: Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Nguồn tin: TinhKhongPhapNgu.com
Discussion about this post