Kinh văn: “Long vương đương tri, Bồ-tát hữu nhất pháp, năng đoạn nhất thiết chư ác đạo khổ. Hà đẳng vi nhất? Vị ư trú dạ thường niệm, tư duy, quán sát thiện pháp, lệnh chư thiện pháp niệm niệm tăng trưởng. Bất dung hào phân bất thiện gián tạp, thị tức năng lệnh, chư ác vĩnh đoạn, thiện pháp viên mãn”.
Hôm qua, tôi đã nói với quí vị “nhất thiết chư ác đạo”, phạm vi bao quát rộng lớn vô cùng. Tối hôm qua, chúng ta nghe tiên sinh Ba-cáp-y-giáo-chu giới thiệu sơ lược, chúng ta hiểu được lý luận thông thường và phương pháp tu học của tôn giáo này, trong đó có rất nhiều điều ở trong Phật giáo đều có nói đến. Nếu nói tinh vi, nói thấu triệt, nói triệt để thì không gì bằng Phật pháp.
Ngày nay, sở dĩ Phật pháp bị suy yếu không phải suy tại pháp mà suy tại những đệ tử Phật của chúng ta chưa thể y giáo phụng hành, suy ngay ở chỗ này. Điều đầu tiên mà Bồ-tát Phổ Hiền dạy chúng ta nhưng chúng ta chưa làm được là “lễ kính chư Phật”. Cổ nhân gọi là “thính kỳ ngôn nhi quán kỳ hành”, nói nghe rất hay, mà làm thì không giống như điều chúng ta đã nói. Đây chính là xen tạp bất thiện. Phật độ tất cả chúng sanh, giáo hóa chúng sanh bắt đầu làm từ bản thân. Chúng ta học Phật, điều quan trọng nhất cũng phải bắt đầu làm từ bản thân. Thử hỏi, khi chúng ta bước vào giáo đường Cơ Đốc, nhìn thấy tượng chúa Jesus ta có lạy Ngài không? Bước vào Ấn Độ Giáo, nhìn thấy Ấn Độ Giáo cúng Đại Phạm Thiên Vương là cúng tượng thần, chúng ta có lạy họ hay không? Nếu không có thì lời nói đó cũng như không.
“Lễ kính chư Phật”, chư Phật là ai vậy? Là Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật vị lai. Tất cả chúng sanh đều là Phật vị lai, tất cả thần thánh ở trong những tôn giáo khác nhau đều là Phật vị lai, cũng có thể là do Phật quá khứ, Phật hiện tại ứng hóa ra. Chúng ta không biết, chúng ta chưa làm được “lễ kính” này. Chúng ta hành lễ đối với họ không phải dùng nghi lễ của Phật giáo mà nhập gia tùy tục. Tín đồ tôn giáo đó, họ dùng lễ tiết như thế nào để tỏ lòng tôn kính giáo chủ của họ, chúng ta phải học tập, chỉ có nói suông thì không được, nhất định phải nhập gia tùy tục. Điều này là ở trên hình thức, nội tâm dứt khoát cũng phải cung kính bình đẳng.
Trong giáo học thế xuất thế gian, khóa trình đứng đầu chính là “Kính”. Các đồng tu đều có trên tay quyển Lễ Ký Thanh Hoa Lục rồi, câu đầu tiên là “Khúc lễ viết, vô bất kính”. Mười nguyện Phổ Hiền điều đầu tiên là “Lễ kính chư Phật”. Bắt đầu học từ đâu vậy? Sự giao thiệp giữa người với người, sự giao thiệp giữa người với mọi vật chính là kính. Một điều này chưa làm được thì những điều khác đều là khoác lác. Cho nên, chúng ta nhất định phải nhớ kỹ, nhất định phải nghiêm túc mà học tập. Đây là thiện pháp, không những là thiện pháp mà là đại thiện pháp.
Hôm nay, chúng ta tiếp tục xem đoạn kinh văn: “Trú dạ thường niệm thiện pháp”. Tâm thiện. Đồng tu Tịnh Độ chúng ta, khi Tịnh Tông Học Hội thành lập, tôi đã viết bài duyên khởi, đưa ra năm chủ đề tu học ở trong đời sống thường ngày.
Chủ đề thứ nhất là Tam Phước ở trong Quán kinh.
Chủ đề thứ hai là Lục Hòa.
Chủ đề thứ ba là Tam học giới định huệ.
Chủ đề thứ tư là Lục độ của Bồ-tát.
Chủ đề thứ năm là Mười nguyện Phổ Hiền.
Mọi người dễ nhớ năm chủ đề tu học này. Đây là thiện pháp, còn cao hơn so với thiện pháp nói ở đây. Thiện pháp nói ở đây là nền tảng, không có nền tảng thì pháp cao đó cũng miễn bàn. Thiện pháp có cao hơn nữa cũng phải bắt đầu từ nền tảng. Nếu như năm chủ đề này chúng ta thường xuyên ghi nhớ trong lòng là thường niệm. Điều này không khó. Năm chủ đề tôi nhắc lại một lần tại đây. Điều thứ nhất là “Hiếu dưỡng phụ mẫu”. Chúng ta có tâm này hay không? Có thực hiện hay không? Cha mẹ còn sống phải thường xuyên quan tâm, thường xuyên chăm sóc.
“Dưỡng phụ mẫu chi thân”, chăm nom đến đời sống vật chất, không để cha mẹ thiếu thốn.
“Dưỡng phụ mẫu chi tâm”, phải làm cho cha mẹ hoan hỷ, không được để cha mẹ lo nghĩ, nếu để cha mẹ lo lắng là con cái bất hiếu. Ở trong kinh Phật thường hay dạy chúng ta “thường sinh tâm hoan hỷ”. Chúng ta làm sao khiến cha mẹ thường sinh tâm hoan hỷ thì đây là tận hiếu.
“Dưỡng phụ mẫu chi chí”, là sự kỳ vọng của cha mẹ đối với chúng ta, sự kỳ vọng đối với con cái, chúng ta không được cô phụ sự kỳ vọng của cha mẹ, không được để cha mẹ thất vọng, đây gọi là hiếu dưỡng phụ mẫu.
Hãy bắt đầu làm từ chỗ này, triển khai ra thì ở trong kinh luận Đại Thừa thường nói: “Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta”. Phải đem sự hiếu dưỡng này mở rộng đến tất cả chúng sanh. Đây là Phật dạy chúng ta, những tôn giáo khác không nghe nói. Hay nói cách khác, chúng ta đối với tất cả chúng sanh phải có nghĩa vụ cấp dưỡng, tận tâm tận lực chăm sóc tất cả chúng sanh, giúp đỡ tất cả chúng sanh, khiến tất cả chúng sanh sinh tâm hoan hỷ. Đây là đạo hiếu thuận. Chúng ta chung sống với người khác, mà người ta không hoan hỷ với chúng ta là chúng ta có lỗi với người, chúng ta cần phải xem lại, cần phải phản tỉnh, chúng ta không được để tất cả chúng sanh thất vọng về ta. Qua đây chúng ta mới thấy được sự sâu rộng của nền giáo dục nhà Phật.
“Phụng sự sư trưởng”. Sư trưởng với cha mẹ là giống nhau, chúng ta cũng phải chăm sóc đời sống vật chất của thầy cô, không cô phụ lời chỉ dạy của thầy cô, không cô phụ sự kỳ vọng của thầy cô. Phật pháp bắt đầu từ đây và cũng phải viên mãn ngay chỗ này. “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”, hai câu này là căn bản. Tất cả pháp còn lại mà Phật đã nói trong 49 năm là phương tiện, dùng pháp phương tiện để thực hiện căn bản này một cách viên mãn, đây là Phật đạo. Bắt đầu làm từ đâu vậy? Bắt đầu từ việc bồi dưỡng tâm từ bi của mình. Nếu như ở trong tâm bạn không có quan niệm như tôi vừa mới nói, thì bạn không có tâm từ bi. Nếu có thể hiếu dưỡng cái tâm của phụ mẫu, sư trưởng, hiếu dưỡng cái chí của phụ mẫu, sư trưởng, người này mới đầy đủ tâm từ bi. Tâm từ bi chính là tâm đại Bồ Đề, thực hiện ở tu thập thiện nghiệp. Cha mẹ hy vọng chúng ta là một người tốt, là người thiện trong xã hội. Thầy cô cũng kỳ vọng chúng ta là người thiện ở trong xã hội. Chúng ta có thể dùng toàn tâm, toàn lực giúp đỡ xã hội, đặc biệt là giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn. Đây là sự kỳ vọng của cha mẹ, sư trưởng đối với chúng ta, đây là điều căn bản của dạy học.
Từ đây nâng cao thêm nữa là: “Thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm uy nghi”, đây là đã lên một bậc.
Nâng cao lên một bậc nữa là: “Phát Bồ-đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng đại thừa, khuyến tấn hành giả”. Ở trong đây, “thâm tín nhân quả” tôi nói rất nhiều rồi, đây không phải nhân quả phổ thông mà là “niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”, chúng ta phải tin nhân quả này.
Ba điều mười một câu này, Thế Tôn nói với chúng ta rất rõ ràng, đây là “Tam thế chư Phật, tịnh nghiệp chánh nhân”, thực hiện từ thập thiện nghiệp đạo.
Chung sống với mọi người, vợ chồng ở cùng một phòng, đây là phạm vi nhỏ nhất, chúng ta phải chung sống như thế nào vậy? Tu “lục hòa kính”. Chung sống với mọi người, “lục hòa kính” không phải yêu cầu người khác làm, mà yêu cầu bản thân phải làm. Đây là chỗ cao siêu của Phật pháp, điểm khiến mọi người tán thán là ở chỗ này. Phật pháp xưa nay không yêu cầu người khác mà yêu cầu chính mình. Bản thân ta phải làm cho được lục hòa kính, đối phương không làm được cũng chẳng sao cả, không có chướng ngại. Chướng ngại vĩnh viễn ở một bên này của mình, hoàn toàn không phải ở đối phương. Người hiện nay điên đảo, sai lầm, cho rằng mọi chướng ngại đều do đối phương, không phải do phía mình, sai ngay ở chỗ này. Cư sĩ Hứa Triết cả đời tu hành có thể thành công là do bà hiểu rõ đạo lý này. Bà cả đời luôn luôn chê trách chính mình, xem lại chính mình, tuyệt đối không hề nói đối phương có sai lầm, đây là con đường thành công của bà.
“Kiến hòa đồng giải”, tu như thế nào vậy? Ta có lòng riêng tư thì kiến giải của ta bất đồng. “Kiến hòa đồng giải” là đồng với ai vậy? Không phải đồng với đối phương, với người khác, thế là bạn đã hiểu sai rồi. Đồng với Phật, đồng với Bồ-tát, đồng với chân như bản tánh, đây là có nghĩa như vậy. Phật không có lòng riêng tư, Bồ-tát không có lòng riêng tư, tâm hiện y chánh trang nghiêm không có tư tâm, là đồng với điều này.
“Giới hòa đồng tu”, đây là tùy duyên, chính là “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”. Đây là nói về sự.
“Thân đồng trụ, khẩu vô tranh, ý đồng duyệt”, ba điều này áp dụng trong thập thiện nghiệp đạo. Phàm là không thể chung sống với đại chúng, bạn chắc chắn đang tạo thập ác nghiệp, không phải tu thập thiện. Bạn tu thập thiện nghiệp thì có người nào không hoan nghênh bạn? Có người nào không tôn kính bạn? Có người nào không hoan hỷ gần gũi bạn? Thập thiện là cơ sở của pháp hành, là căn bản của pháp hành.
Cuối cùng là “Lợi hòa đồng quân”. Người thật sự giác ngộ, quên mình vì người, tất cả lợi dưỡng luôn luôn nhường cho người khác nhiều hơn, mình có thể ít hơn một chút, bản thân hoan hỷ trải qua đời sống vật chất thấp nhất. Thích Ca Mâu Ni Phật ngày ăn một bữa, ba y, một bát, sống đời sống thấp nhất, Ngài hoan hỷ! Lợi dưỡng nhường người khác, nhìn thấy người khác trải qua đời sống vật chất rất tốt thì vui vẻ, quyết không hề đố kỵ.
“Tam học” chính là giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh chứ không nhiễm, đây là tam học giới, định, huệ. Giới học là thanh tịnh, tịnh chứ không nhiễm. Định học là chánh tri chánh kiến, chánh chứ không tà. Huệ học là giác chứ không mê. Đây là tam học.
Chúng ta phải áp dụng lục độ, thập nguyện vào trong đời sống thường ngày, áp dụng vào chỗ khởi tâm động niệm. Pháp môn Tịnh Độ là pháp tu như vậy. Sau đó niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta chắc chắn được sanh.
Năm chủ đề này, chúng ta thường xuyên ghi nhớ trong tâm, thường xuyên áp dụng vào trong hành vi. Đây chính là đoạn ác tu thiện, là tương ưng với điều nói ở đây. “Tư duy thiện pháp”, là ý nghĩ thiện. Khởi tâm động niệm, chúng ta hãy tư duy năm chủ đề này, năm chủ đề này là điểm tựa căn bản của Tịnh Tông Học Hội. “Quán sát thiện pháp” là hành vi thiện. Hôm qua, Ba-cáp-y-giáo cũng nói, ông nêu lên ví dụ rất hay, người có mười điểm tốt, có một khuyết điểm, chúng ta nhìn mười điểm tốt của họ, đừng nhìn một khuyết điểm của họ. Nếu như người có mười khuyết điểm, chỉ có một điểm tốt, chúng ta nhìn một điểm tốt của họ, đừng nhìn mười khuyết điểm của họ. Đây chính là quán sát thiện pháp. Ba-cáp-y-giáo cũng nói như vậy, nhưng chúng ta nghe nhiều, tiếp xúc nhiều, vẫn là Phật pháp nói viên mãn. Đương nhiên kinh điển của Phật giáo nhiều, về mặt số lượng kinh điển mà nói thì bất kể tôn giáo nào cũng không thể sánh với Phật giáo, nói rất cặn kẽ, nói rất thấu triệt. Trong 3000 năm nay, tổ sư đại đức chú giải, viết luận, phát huy lời giáo huấn của Phật Đà, lưu lại kho báu chân thật cho người đời sau chúng ta, giúp chúng ta khai thác kho báu của tự tánh. Như vậy mới “khiến các thiện pháp mỗi niệm thêm lớn”.
Câu tiếp theo đây là thật vô cùng quan trọng:“Bất dung hào phân, bất thiện gián tạp”. Một mảy may bất thiện cũng không được phép xen tạp. Nếu như xen tạp bất thiện với số lượng lớn, vậy là không thể thành tựu rồi. Mỗi một đồng tu học Phật chúng ta, có người nào không muốn thành tựu viên mãn thiện pháp của mình chứ? Tại sao không thành tựu được vậy? Ở trong tu thiện pháp xen tạp bất thiện. Cái “Bất thiện” này trong bản kinh nói một cách cụ thể là sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, tham, sân, si, những thứ này khi chúng ta tu thiện nó xen tạp ở trong đó, thế là đem toàn bộ thiện hạnh của chúng ta phá hủy hết, cho nên chúng ta không thể thành tựu. Chúng ta phải nhớ kỹ, một mảy may cũng không được phép xen tạp, xen tạp nhiều như thế có nguy không? Tôi đã nói rất nhiều lần rồi, gốc của bất thiện là tự tư tự lợi. Phàm là khởi tâm động niệm là “Ta”, ta luôn mạnh hơn người khác một chút, ta luôn có ưu việt, ta phải đứng ở phía trước, vậy là xen tạp rồi. Đây không phải xen tạp lượng ít, mà là xen tạp lượng nhiều, cho nên bạn không thể thành tựu.
Ở trong đoạn văn này, từ “Trú dạ thường niệm tư duy” đến “Bất dung hào phân bất thiện gián tạp”, đoạn này là nói thiện nhân.
“Thị tức năng lệnh, chư ác vĩnh đoạn, thiện pháp viên mãn”, câu này là nói thiện quả.
Sau cùng “Thường đắc thân cận chư Phật Bồ-tát cập dư thánh chúng”, đây là thiện duyên.
Nhân, duyên, quả.
Kinh văn: “Long vương đương tri, Bồ-tát hữu nhất pháp, năng đoạn nhất thiết chư ác đạo khổ. Hà đẳng vi nhất? Vị ư trú dạ thường niệm, tư duy, quán sát thiện pháp, lệnh chư thiện pháp, niệm niệm tăng trưởng, bất dung hào phân, bất thiện gián tạp”. Hôm qua chúng ta đã giảng đến chỗ này.
Hôm nay xem tiếp theo: “Thị tức năng lệnh chư ác vĩnh đoạn, thiện pháp viên mãn, thường đắc thân cận chư Phật Bồ-tát cập dư thánh chúng”. Chúng ta xem đến chỗ này.
Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, đoạn kinh văn này từ “Long vương đương tri” đến “sân nhuế, tà kiến”, đoạn này của chúng ta tổng cộng có bảy hàng. Bảy hàng này nhất định phải học thuộc lòng, phải học thuộc cho thật nhuyễn, thường xuyên nghĩ đến, khởi tâm động niệm đều phải nghĩ đến lời giáo huấn từ bi của Phật Đà. Quả thật chúng ta có thể làm được tâm địa lương thiện, ý nghĩ lương thiện, hành vi lương thiện, chúng ta tương lai chắc chắn có thể sanh về thế giới chí thiện. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là thế giới chí thiện, thế giới Hoa Tạng là thế giới chí thiện. Ở nơi đó, trong kinh Phật nói cho chúng ta biết, thọ mạng dài lâu, thế giới Tây Phương Cực Lạc người người đều là vô lượng thọ, người người đều đầy đủ vô lượng trí tuệ, vô lượng đức năng, vô lượng tướng hảo, vô lượng thọ mạng, tại sao chúng ta không đi? Điều kiện của vãng sanh quyết định ở thiện tâm, thiện niệm, thiện hạnh. Nếu như tâm hạnh chúng ta bất thiện, thì niệm Phật cũng không thể vãng sanh. Tín, nguyện đều đầy đủ, mà hạnh không đầy đủ, ở trong hạnh này không những chỉ có niệm Phật mà còn phải tu thiện, điểm này thật vô cùng quan trọng. Đặc biệt phải nhớ kỹ, Phật ở chỗ này dạy chúng ta: “Bất dung hào phân, bất thiện gián tạp”. Câu nói này là quan trọng hơn hết. Chúng ta tu hành không thể thành công chính là do xen tạp bất thiện, hơn nữa, xen tạp quá nhiều, xen tạp vô cùng nghiêm trọng, cho nên tuy đầy đủ ba tư lương nhưng chúng ta cũng không thể vãng sanh.
Cái gốc của bất thiện này chính là “chấp ngã”. Tất cả chúng sanh khởi tâm động niệm chấp trước “ngã”. Ngã là đứng đầu, tất cả đều vì ngã. Ý nghĩ nàychính là nhân tố đứng đầu của sáu cõi luân hồi. Nhân tố này nếu không nhổ bỏ, thì chắc chắn không thoát khỏi nổi sáu cõi luân hồi. Chúng ta phải biết sáu cõi là do như vậy mà có. Nếu như chúng ta muốn ra khỏi sáu cõi, thì cần phải đem cái gốc bệnh này của mình nhổ bỏ đi. Mỗi niệm nghĩ vì chúng sanh, chỉ cần chúng ta nhìn thấy, nghe thấy, nếu như có năng lực là chúng ta lập tức nên dang tay giúp đỡ.
Hôm qua, tôi nghe nói Thiên Chúa giáo họ có một nhóm y, bác sĩ muốn đến Miến Điện để giúp đỡ những bệnh nhân nghèo khổ. Sau khi tôi nghe xong, tôi đã gọi điện thoại hỏi Thiên Chúa Giáo, họ nói với tôi không phải đến Miến Điện mà là đến Phi Châu, họ có nghe nói ở bên Phi Châu người khổ nạn nhiều vô cùng, họ phái một số bác sĩ, y tá làm từ thiện đến bên đó để khám bệnh từ thiện. Tôi thông báo với họ, chúng tôi muốn giúp đỡ họ một ít tiền thuốc men. Họ làm thì cũng giống như chúng ta làm vậy, không thể nói đó là Thiên Chúa giáo, Cơ Đốc giáo làm thì chúng ta không nên giúp đỡ, vậy thì hoàn toàn sai rồi. Bất kể là tôn giáo nào, bất kể là đoàn thể nào thật sự làm việc tốt, thì chúng ta sẵn sàng tận tâm tận lực giúp đỡ họ, không có năng lực thì chúng ta cũng nên tán thán. Chúng ta chỉ thấy việc họ làm có phải là việc thiện hay không? Tâm của chúng ta, hạnh của chúng ta vĩnh viễn là tâm viên mãn. Đây là trong kinh nói: “lệnh chư thiện pháp, niệm niệm tăng trưởng”, từ đoạn này đến “bất dung hào phân, bất thiện gián tạp” đều là nói nhân thiện. Gieo nhân thiện nhất định được quả thiện.
Câu tiếp theo đây là nói quả thiện: “Thị tức lệnh chư ác vĩnh đoạn, thiện pháp viên mãn”. “Thiện pháp viên mãn” chính là đến chỗ chí thiện, quả báo này thù thắng. Câu phía sau này, đặc biệt là thù thắng đến cực điểm: “Thường đắc thân cận chư Phật Bồ-tát cập dư thánh chúng”, cũng chính là nói bạn có thể tu thiện được như vậy, thì quả báo tương lai của bạn nhất định là ở thế giới Hoa Tạng, thế giới Cực Lạc. Đến thế giới này rồi, bạn sẽ sống cùng với chư Phật Bồ-tát. Đây là nói từ trên quả báo, hai câu này đều là nói quả báo.
Nói từ trong hoàn cảnh sống trước mắt chúng ta đây, có nhân cần phải có duyên. Duyên là gì vậy? Duyên là phải gần gũi thiện tri thức, thường nghe thiện tri thức chỉ dạy. Thiện tri thức từng giây từng phút nhắc nhở chúng ta, điều này rất quan trọng, vì không có người nhắc nhở, chúng ta sẽ quên mất, phàm phu sáu cõi rất dễ hay quên. Đặc biệt là chúng ta sống ở trong hoàn cảnh hiện nay, sáu căn chúng ta tiếp xúc với cảnh giới sáu trần đều là đang cám dỗ chúng ta đi vào đường tà, không phải chánh đạo. Cho nên, điểm này là vô cùng quan trọng, nhất định phải gần gũi thiện tri thức. Thiện tri thức chúng ta tìm không ra, vậy chúng ta phải tìm ở đâu? Chư Phật Bồ-tát là thiện tri thức. Chư Phật Bồ-tát không ở trước mặt chúng ta thì chúng ta cúng dường hình tượng chư Phật Bồ-tát. Hằng ngày chiêm ngưỡng hình tượng chư Phật Bồ-tát, cung kính lễ bái hình tượng Phật Bồ-tát, mỗi ngày đọc tụng kinh luận, đây chính là gần gũi chư Phật Bồ-tát.
Tôi ở đây giúp chư vị đồng tu hiểu được nghĩa lý sâu xa của kinh luận. Tuy chúng ta cách nhau rất xa, hiện nay chúng ta lợi dụng khoa học kỹ thuật, chúng tôi mỗi một buổi diễn giảng đều có tải lên internet. Dùng internet để truyền bá, như vậy sẽ tiện lợi rất nhiều. Hiện nay khoa học kỹ thuật không ngừng phát triển, gần đây, tôi có xem thấy còn tiến bộ hơn internet, đó là dùng điện thoại gửi fax, có thể đem hình ảnh gửi fax phóng lớn lên trên màn ảnh rộng, giống như xem phim vậy. Mấy trăm người có thể cùng lúc làm việc chung với nhau. Ví dụ, chúng ta ở Singapore cùng với đồng tu ở bên Trung Quốc, Mỹ, mấy trăm người cùng nhau mở hội nghị. Lợi dụng công cụ này là giống như ở một phòng học, một gian phòng vậy. Dụng cụ khoa học kỹ thuật này là vừa mới triển khai, hiện nay giá tiền rất đắt, một cái máy này, máy không lớn, hiện nay theo giá đô-la Mỹ là khoảng 80 ngàn đến 100 ngàn. Tôi nghĩ, qua hai năm nữa nó sẽ tiến bộ, sẽ ngày càng phổ biến, thì giá tiền sẽ giảm xuống, chúng ta liền có thể chuyển việc truyền bá từ mạng Internet qua khoa học kỹ thuật cao này. Theo đà tiến bộ của khoa học kỹ thuật, thì toàn bộ địa cầu không phải là một thôn nữa, không phải một nhà nữa, mà là một căn phòng. Chúng ta cùng ở trong một giảng đường học tập, đây là điều mà người trước đây không thể tưởng tượng ra được. Chúng ta mượn khoa học kỹ thuật để truyền bá âm thanh, hình ảnh của chúng ta đến toàn thế giới, vào tận nơi hẻo lánh.
Cùng một đạo lý, kinh điển của Phật giáo, lời giáo huấn của thánh nhân thế xuất thế gian, những loại sách xưa này chúng ta đều có thể lợi dụng những phương thức này để truyền bá đến toàn thế giới. Đương nhiên số lượng quá lớn, chúng ta cần phải tóm tắt lại. Giống như bộ kinh này, chúng ta tóm lại một đoạn này là đủ rồi, đoạn này là phần đặc sắc nhất ở trong bộ kinh này. Chúng ta đem những đoạn văn này phiên dịch thành văn tự của mỗi quốc gia tải lên internet, tải vào trong công cụ truyền bá, truyền ra đến thế giới, tận nơi hẻo lánh. Chúng ta giảng giải cũng lấy đoạn này làm trung tâm, đoạn này làm chủ.
Chúng ta cần phải khẳng định, mạng sống không phải chỉ một đời ngắn ngủi tạm bợ này, chúng ta có đời trước, cũng còn có đời sau. Thân mạng này là có sanh tử, nhưng huệ mạng của chúng ta không có sinh tử. Xác thân có sinh diệt, pháp thân bất sanh bất diệt. Pháp thân là thân thật của chúng ta, Thiền tông thường nói: “Mặt mũi xưa nay trước khi cha mẹ chưa sanh”, đó là cái bất sanh bất diệt. Đạo lý này ở trong kinh Lăng Nghiêm, Phật nói vô cùng cặn kẽ. Nếu như chúng ta đọc kỹ, suy nghĩ thật sâu thì có thể tiếp nhận. Điều Ngài nói có lý, có lý nhất định có sự, lý sự không hai. Những đạo lý này quá sâu, phàm phu chúng ta nghiệp chướng, phiền não quá nặng nên không thể nhìn thấy. Những điều này, bậc thánh hiền giảng giải cho chúng ta, chúng ta cũng rất khó có thể thể hội được. Những nguyên nhân này, nhà Phật gọi là nghiệp chướng sâu nặng. Sao gọi là nghiệp chướng vậy? Sự chấp trước tự tư tự lợi, đây là nghiệp chướng, chấp trước kiên cố tự tư tự lợi, chấp trước kiên cố tham sân si mạn. Chúng ta có loại tình chấp này đã chướng ngại trí tuệ, đã chướng ngại thiện căn. Thiện căn với chấp trước này là hoàn toàn tương phản. Phật nói ba thiện căn của pháp thế gian là không tham, không sân, không si, chúng ta có đầy đủ tham, sân, si. Ý nghĩ tham, sân, si tăng trưởng từng ngày thì thiện căn không còn nữa. Thiện căn đến khi nào mới sinh khởi được vậy? Đoạn tham sân si thì thiện căn liền sinh. Tham, sân, si từ đâu mà có? Tự tư tự lợi. Cho nên tự tư tự lợi là gốc, chúng ta phải chuyển từ chỗ này.
Chúng ta phải đích thực học Phật Bồ-tát quên mình vì người, nhìn thấy người ta có khổ nạn, hy sinh mạng sống của mình ngay đó không tiếc, hy vọng người khác lìa khổ, lìa nạn. Tại sao nói hy sinh mạng sống ngay đó không tiếc? Đối với “ngã” không chấp trước, không có tự tư tự lợi. Thân xác này xả bỏ rồi, ta sẽ được thân mới trang nghiêm hơn. Thế giới này xả ly rồi, sẽ sinh về thế giới trang nghiêm hơn. Đây là chân tướng sự thật. Phật nói cho chúng ta biết, mười phương thế giới đều là chỗ sinh về của chúng ta. Không nên cho rằng ở trong hư không này, biết bao nhiêu tinh tú ấy không có quan hệ gì với chúng ta, đó là sai rồi. Mỗi một tinh cầu, mỗi một khu vực, chúng ta đều đã từng sống tại nơi đó rồi, tương lai có lẽ sẽ còn đến đó sống nữa, sao nói là không có quan hệ?
Cho nên, giáo dục Phật giáo, chúng ta dùng cách nói hiện nay, địa lý của giáo dục Phật giáo. Địa lý là gì vậy? Là tất cả các tinh cầu ở trong hư không. Không phải giới thiệu với bạn một thành phố này, một tỉnh này, một khu vực này, một quốc gia này, không gian hoạt động này quá nhỏ bé. Phật nói với chúng ta không gian hoạt động của mỗi người chúng ta là khắp pháp giới, thảy đều có quan hệ với chúng ta. Chúng ta đối với những hoàn cảnh đó, hoàn cảnh địa lý, hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh văn hóa, hoàn ảnh nhân sự đều phải biết rõ. Trong kinh Hoa Nghiêm nói với chúng ta một cách tỉ mỉ hoàn cảnh của thế giới Hoa Tạng của Phật Tỳ-lô-giá-na, chúng ta tương lai phải đi đến nơi đó. Hoàn cảnh của thế giới Cực Lạc, Phật ở trong Tịnh Độ ba kinh, đó là chỉ chuyên giới thiệu, thỉnh thoảng khi giảng kinh Phật có nhắc đến là phiến diện, không phải hoàn chỉnh. Có mấy trăm bộ kinh đều nhắc đến thế giới Tây Phương Cực Lạc. Sự việc này đâu phải là giả? Thế giới Tây Phương Cực Lạc là chí thiện viên mãn, cho nên chúng ta quyết định phải tu thiện pháp, phải có nhận thức này.
Kinh văn: “Ngôn thiện pháp giả, vị nhân thiên thân, Thanh Văn Bồ-đề, Độc giác Bồ-đề, vô thượng Bồ-đề, giai y thử pháp, dĩ vi căn bản, nhi đắc thành tựu, cố danh thiện pháp”.
Thiện pháp là gì? Ở đây nói ra rồi, thiện pháp này ở trong sáu cõi, bạn được thân trời, người. Trời, người là do thiện pháp mà được.
“Thanh Văn Bồ-đề, Độc giác Bồ-đề, vô thượng Bồ-đề”, đây là chỗ mà thánh nhân tu. Thanh Văn là A La Hán. Tại sao xưng là “Thanh Văn” vậy? Là vì họ nghe Phật giảng kinh mà giác ngộ, cho nên gọi là Thanh Văn. “Bồ-đề” tức là chánh giác. Những người này không phải phàm phu.
Trời người phía trước là cõi thiện ở trong sáu cõi. A Tu La không được xem là cõi thiện. A Tu La tuy tu thiện nhưng xen tạp tham sân si mạn nghiêm trọng. Phước báo mà A Tu La hưởng thụ ở thế gian là thù thắng đứng hàng đầu, nhưng sau khi phước báo hưởng xong, không có ai không đọa địa ngục. Nguyên nhân gì vậy? Phước báo lớn mà tạo nghiệp nặng, tạo nghiệp cũng lớn. Người bình thường chúng ta không có phước báo, giết một người liền phải đi đền mạng, là phải xử tử hình. Người có phước báo lớn, giết mấy ngàn người, mấy vạn người, mấy trăm ngàn người, người ta vẫn ca ngợi họ, vẫn tán thán họ, họ vĩ đại, họ sẽ không bị xử tử hình. Pháp luật thế gian không thể chế tài họ, nhưng nhân quả sẽ chế tài họ. Tại sao vậy? Giết người, hại người chắc chắn là nghiệp ác, quả báo tương lai của họ chắc chắn đọa ba đường. Đây là mê chứ không giác. Như vậy từ Thanh Văn là giác ngộ rồi, Độc Giác giác ngộ rồi, Bồ-tát giác ngộ rồi. Pháp Bồ-đề của Thanh Văn, Độc Giác, Bồ-tát, phương pháp giác ngộ đều là thành tựu từ thiện pháp. Không có thiện pháp, họ vĩnh viễn sẽ không giác ngộ.
Chúng ta ngày nay học Phật cầu điều gì vậy? Cầu giác ngộ, cầu chánh giác, cầu chánh đẳng chánh giác, vô thượng chánh đẳng chánh giác. Ở chỗ này Phật nói cho chúng ta biết, giác ngộ là bắt đầu làm từ thiện pháp. Ngạn ngữ xưa của Trung Quốc thường nói: “Phước chí tâm linh”. Phước là phước báo, là quả báo thiện. Quả báo thiện hiện tiền thì tâm cũng liền khai mở, cũng sẽ linh, sẽ thông minh ra, trí tuệ hiện tiền. Cho nên, Phật dạy chúng ta “phước huệ song tu”, đem “phước” đặt lên phía trước, không có đem “huệ” đặt lên phía trước. Không phải nói huệ phước song tu, mà nói phước huệ song tu. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này. Người không thể không tu phước, không thể không tu thiện, nhất định phải hành thiện tu phước.
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây.
A Di Đà Phật!
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: năm 2001
Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền
Tác giả bài viết: Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Nguồn tin: TinhKhongPhapNgu.com
Discussion about this post