Phật pháp nói “minh tâm kiến tánh”, chỉ cần quý vị kiến tánh, sẽ hoàn toàn tương đồng, tìm được diệu lý Thật Tướng, xưa nay chẳng thay đổi, vĩnh hằng!
Quan niệm giáo học của đức Phật và quan niệm giáo học của cổ thánh tiên hiền Trung Quốc hoàn toàn tương đồng, đúng như ngạn ngữ đã nói: “Anh hùng sở kiến, đại lược tương đồng” (Anh hùng nói chung có cách nhìn giống nhau). Thích Ca Mâu Ni Phật chưa hề gặp gỡ các vị tổ tiên của Trung Quốc như Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Võ, Châu Công, vì sao có cách nghĩ giống nhau, phương pháp giáo học giống nhau? Vì sao vậy? Phật pháp nói “minh tâm kiến tánh”, chỉ cần quý vị kiến tánh, sẽ hoàn toàn tương đồng, tìm được diệu lý Thật Tướng, xưa nay chẳng thay đổi, vĩnh hằng! Nay nói đến “chân lý” thì quý vị đã tìm được chân lý, chứng thực chân lý, cho nên khởi tâm động niệm thuần tịnh, thuần thiện, đấy là Phật, Bồ Tát. Cổ nhân Trung Quốc nói tới Ngũ Luân chỉ bàn về con người, nói đến mức cao nhất là “phàm thị nhân, giai tu ái” (hễ là người thì đều phải yêu thương), chẳng bao gồm những loại khác. Phật pháp truyền tới Trung Quốc, chúng ta vừa nhìn bèn thấy Phật pháp giảng tỉ mỉ hơn. Phật pháp nói: Không chỉ là người khác và ta là nhất thể, mà hết thảy động vật và ta là nhất thể, hết thảy thực vật và ta là nhất thể, núi, sông, đại địa và ta là nhất thể, mở rộng quan hệ luân lý ấy. Ông Thang Ân Tỷ (A. J. Toynbee) đã nói ông ta hết sức bội phục người Trung Quốc có tâm lượng lớn, do lượng lớn nên phước lớn, có thể tiếp nhận văn hóa của dị tộc. Phật giáo là văn hóa dị tộc, từ Ấn Độ truyền đến, là ngoại lai, chẳng phải là thứ có sẵn tại Trung Quốc, mà vẫn có thể tiếp nhận; nhưng Phật pháp đã thật sự làm phong phú văn hóa bản địa của Trung Quốc. [Văn hóa] bản địa Trung Quốc chỉ nói Ngũ Luân, chỉ luận định trong phạm vi ấy. Phật pháp truyền đến, chúng ta vừa nhìn vào đã thấy mối quan hệ ấy (Ngũ Luân) được mở rộng, bao quát cả vũ trụ, hiện tượng tự nhiên cũng được bao gồm, Phật pháp đã nâng cao những thứ [vốn có của] Trung Quốc, có đạo lý ấy! Vì thế, trong hai ngàn năm qua, tại Trung Quốc, Phật pháp và văn hóa Trung Quốc đã hoàn toàn dung hợp thành một thể, chẳng tách rời. Nếu tách rời Phật pháp ra, văn hóa Trung Quốc sẽ biến thành hết sức hữu hạn. Thuở sanh thời, cụ Triệu Phác Sơ thường nói một câu: “Nếu chúng ta chẳng cần đến văn hóa Phật giáo thì người Trung Quốc ngay cả nói năng cũng chẳng nói được!” Nghĩa là gì? Trong cuộc sống hằng ngày, trong ngôn ngữ có rất nhiều thành ngữ phát xuất từ kinh Phật, đã biến thành thói quen, mở miệng hay ngậm miệng luôn dùng những thuật ngữ trong kinh Phật. Câu nói ấy rất có lý!
Đây là một môn đại học vấn, tiên sinh Phương Đông Mỹ giới thiệu: “Đây là đỉnh cao nhất trong triết học của toàn bộ thế giới triết học”; nay chúng ta nhìn lại thì cũng là đỉnh cao nhất trong khoa học toàn thế giới. Hiện thời, khoa học và triết học còn có rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết, [nhưng lời giải đáp cho những vấn đề ấy] hoàn toàn ở trong kinh Phật. Kinh Phật có thể giải thích những vấn đề vũ trụ, mà chẳng thể giải quyết những tệ trạng nẩy sanh trên quả địa cầu nhỏ nhoi này ư? Đâu có lẽ ấy! Còn như những hiện tượng rối ren trong xã hội, đúng là dễ dàng, đáng gọi là “lông gà, vỏ tỏi” (vụn vặt), đáng kể chi đâu? Quý vị thật sự hiểu, sẽ biết cách giải quyết như thế nào, lại còn [giải quyết] trong một thời gian rất ngắn, dễ dàng! Ngày nay, nếu mọi người đều nghiên cứu Phật pháp Đại Thừa, sẽ như tiến sĩ Thang Ân Tỷ đã nói “dùng học thuyết Khổng Mạnh của Trung Quốc và Đại Thừa Phật pháp” [để giải quyết những vấn đề trong xã hội], phải tốn thời gian bao lâu để thế giới này khôi phục an định, hòa bình? Theo cách nghĩ và cách nhìn của tôi, tối đa là một năm, người trên thế giới sẽ hưởng phước. Cách làm ra sao? Thật sự có năm sáu chục giáo viên đã nghiên cứu Đại Thừa Phật pháp và học thuyết Khổng Mạnh; không chỉ là đã nghiên cứu mà còn thật sự làm theo, áp dụng những điều đã học vào cuộc sống, vào công việc, áp dụng vào đãi người, tiếp vật. Nói theo Phật pháp, người ấy có tín, có giải, có hạnh, có chứng, tự mình đã đạt tới giai đoạn có thể dạy người, lợi dụng khoa học kỹ thuật cao, truyền hình vệ tinh, mạng Internet, trong xã hội có một băng tần tốt đẹp dường ấy, dạy học chẳng gián đoạn suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ, [làm như vậy suốt] một năm, toàn thể thế giới đều nẩy sanh những sự biến hóa, biến thành tốt đẹp!
TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA – Tập 83 __(((卍)))__
Giảng Kinh Vô Lượng Lần Thứ XI – Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
“Một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”, đây là quan niệm lý luận học tập. Phương pháp thì sao “Sách đọc ngàn lần, nghĩa kia tự hiểu”.
Discussion about this post