A. KHÁI QUÁT VỀ GIỚI LUẬT
I. DẪN NHẬP
Con đường siêu việt tam giới, đoạn trừ trần lao phiền não để thành tựu Phật quả chung qui không ngoài sự kiến tạo của ba môn học: giới – định – tuệ. Ba môn học này là nền tảng duy nhất để hành giả tiến thân đến thánh vị một cách vững chãi mà trong vô lượng pháp môn khó tìm thấy tiêu chuẩn nào ưu việt hơn. Bởi thánh đạo hay Phật quả đều có từ sự thành tựu trí tuệ. Tuệ phát sinh từ định. Định do giới mà có. Thế mới biết giới là cung bậc đầu tiên để kiến tạo nền trí tuệ tối thượng. Do đó người học Phật nếu không xác định được giá trị quan trọng hàng đầu của giới, bỏ qua giới mà muốn tiến thẳng đến quả chứng thì cũng không khác gì muốn nấu cát thành cơm.
II. NỘI DUNG
1. Định nghĩa:
Tiếng phạn là Vinaya, là tên gọi chung cho cả giới và luật.
Luật có 4 tên gọi:
1 – Tỳ ni: điều phục.
2 – Ba La Đề Mộc Xoa: biệt giải thoát.
3 – Thi La: giới, nghĩa là thanh lương, tức những điều ngăn cấm.
4 – Upalaksa: luật.
– Giới là những điều răn cấm, là phần chỉ trì (không có tác trì);
– Luật đủ cả chỉ trì và tác trì.
Do đó gọi giới luật là bao gồm đầy đủ nghĩa.
2. Phân loại:
Chia làm 2 loại: Luật tiểu thừa và luật đại thừa.
– Luật tiểu thừa gồm những bộ: tứ phần, ngũ phần, thập tụng, ma ha tăng kỳ…
– Luật đại thừa gồm những bộ: phạm võng, du già, thiện giới, an lạc…
Hai loại giới trên cho cả xuất gia lẫn tại gia. Ngoài biệt giải thoát giới ra còn có định cộng giới và đạo cộng giới.
* Định cộng giới còn gọi là thiền giới.
* Đạo cộng giới còn gọi là vô lậu giới.
B. NGUYÊN NHÂN RA ĐỜI CỦA GIỚI LUẬT
Vào đầu một mùa hạ, Đức Thế Tôn và 500 thầy tỳ kheo du hành hóa đạo qua nước Tô La Ba, dừng chân ở thôn trang mang tên của một trưởng giả giàu có, Tỳ Lan Nhã. Trưởng giả này thuộc dòng dõi Bà La Môn nhưng hết lòng kính ngưỡng Phật Pháp, gặp duyên may Thế Tôn và Thánh Chúng du hóa qua đây nên vội vàng đến thỉnh cầu xin được cúng dường tứ sự trong thời gian ba tháng mùa mưa. Không ngờ, Bà La Môn bị thiên ma mê hoặc, ám trí cho nên quên mất lời hứa cúng dường hôm trước, Đức Thế Tôn và 500 thầy Tỳ kheo vì thế mà phải thọ dụng lúa ngựa.
Tôn giả Xá Lợi Phất cũng có mặt trong mùa an cư này. Một hôm, tôn giả nhập định tư duy về thời gian chánh pháp trụ thế dài ngắn của chư Phật trong quá khứ. Sau khi xuất định, đem việc này thưa với Đức Thế Tôn. Ngài dạy: Đức Phật nào chuyên nói giới pháp, đệ tử siêng năng hành trì thì chánh pháp sẽ trụ thế lâu dài sau khi Đức Phật ấy diệt độ. Nghe vậy, tôn giả Xá Lợi Phất vội thỉnh Đức Thế Tôn hãy như chư Phật trong quá khứ mà nói ra giới luật cho hàng xuất gia hiện nay gìn giữ. Đức Thế tôn từ chối : thôi đi Xá Lợi Phất, Như Lai tự biết thời điểm nào cần thiết. Sở dĩ Như Lai không nói giới vì hàng Tỳ kheo hiện tại chưa phát sinh các pháp hữu lậu, thầy Tỳ kheo nhỏ nhất cũng chứng được sơ quả Tu Đà Hoàn. Giới luật chế ra khi trong tăng đoàn có những pháp hữu lậu phát sinh.
Và như vậy mười hai năm đầu, Đức Thế Tôn cùng với “ vô sự tăng” chung sống và hành đạo trọn một màu thanh tịnh. Đến đầu năm thứ mười ba, pháp hữu lậu bắt đầu len lõi xâm nhập vào Tăng đoàn, làm cho các Thầy Tỳ kheo hạn chế khả năng chứng đạo nhất định. Người đầu tiên hủy hạnh thanh tịnh là thầy Tỳ kheo Tu Đề Na, đã về nhà cùng với vợ cũ ăn ở như lúc chưa xuất gia. Từ đấy Đức Thế Tôn buộc phải chế giới. Giới luật lần lượt được ban hành trong Tăng đoàn khi có bất kỳ thầy Tỳ kheo nào phát sinh pháp hữu lậu nhằm bảo tồn hạnh thanh tịnh giải thoát cho những Thầy khác. Như vậy, giới luật mang giá trị thống nhiếp Tăng đoàn, mang 10 điều lợi ích như sau:
1. Chỉnh đốn Tăng già
2. Làm cho Tăng hoan hỷ
3. Khiến cho Tăng được an lạc
4. Giúp người chưa tin sanh lòng tin
5. Giúp người đã tin càng thêm bền vững
6. Điều phục những người khó điều phục
7. Làm cho người hỗ thẹn được an lạc
8 Đoạn nghiệp hữu lậu trong hiện tại
9. Đoạn trừ nghiệp hữu lậu trong tương lai
10. Khiến Chánh pháp trụ lậu lâu dài.
Mười điều lợi ích trên Hán tạng gọi là Thập cú nghĩa, Pali tạng gọi là Thập lợi.
C. KẾT TẬP VÀ TRUYỀN THỪA
I. KẾT TẬP
Căn cứ theo bộ Đàm Vô Đức, sau khi Đức Thế Tôn thành đạo, vào đầu năm thứ 13 thì giới luật xuất hiện . Giới luật được Thế tôn kịp thời ban hành khi trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của Tăng đoàn phát sinh những vụ việc làm ảnh hưởng đến 3 phương diện quan trọng.
1. Trở ngại con đường giải thoát và quả chứng
2. Tổn thương đến sự hòa hợp và an lạc của Tăng đoàn
3. Gây sự chê bai, hủy báng hay làm mất niềm tin đối với quần chúng.
Trong khoảng thời gian hơn 30 năm chế định giới luật cho hàng Tỳ kheo, chủ ý của Đức Thế Tôn trước sau vẫn không ngoài 3 phương diện nói trên ( Tỳ kheo: 250 giới, Tỳ kheo ni: 348 giới và các kiền độ….).
Ngày Đức Thế Tôn nhập Niết bàn ở rừng Câu Thi Na, tôn giả Ca Diếp chưa hay tin nên định dẫn đồ chúng về đảnh lễ Đức Thế Tôn. Trên đường về, nghe tin, các Tỳ kheo còn trong bậc hữu học không chịu đựng nỗi mất mát lớn lao này nên khóc lóc than thở, có thầy ngã lăn ra đất bất tỉnh. Khi ấy, thầy tỳ kheo tên Bạt Nan Đà(upnanda) cũng có mặt, chợt vô ý thức phát biểu : “ lúc này chúng ta nên vui mừng chứ sao lại khóc lóc như thế. Như Lai đã nhập diệt rồi, khỏe, chúng ta từ nay được tự do khỏi bị câu thúc hay ức chế gì nữa, muốn làm gì thì làm, mặc sức.”. Nghe những lời vô trí của tỳ kheo ấy, tôn giả Ca Diếp xót xa, lo lắng từ nay vắng bóng đức Đạo sư, không biết kỷ cương phép tắc của tăng chúng sẽ ra sao nữa ?
Sau lễ trà tỳ Thế Tôn, tôn giả Ca Diếp vội trở về thành Vương xá, đến hang Tất Bát La, triệu tập các thầy Tỳ kheo lại để cùng nhau kết tập luật tạng. Khi đó là lúc trời mùa hạ, thời trị vị của vua A Xà Thế.
Đại hội kết tập thỉnh tôn giả Ưu Ba Ly đọc lại toàn bộ giới luật trước sau 80 lượt nên có tên là Bát Thập tụng luật. Thành phần tham dự là 500 vị tỳ kheo đã phá hết kiết sử, chứng A La Hán nên gọi là Ngũ Bá kết tập. Lần kết tập đầu tiên này toàn thể chúng hội đều nhất trí giữ nguyên vẹn những gì mà Đức Thế Tôn đã chế tác, không thêm không bớt. Tuy nhiên, có thể tùy theo từng địa phương, từng hoàn cảnh mà linh động châm chước những điều nhỏ nhặt.(Luật ngũ phần, quyển 22).
II. TRUYỀN THỪA
Bộ luật Bát thập tụng được truyền thừa một cách nhất quán trong khoảng thời gian 100 năm sau khi Phật Niết bản bởi 5 vị tổ: Ca Diếp, A Nan, Mạt Điền Địa, Thương Nan Hòa Tu và Ưu Ba Cúc Đa. Sau đó có 5 vị đệ tử của tổ Ưu Ba Cúc Đa từ Bát thập tụng luật châm chước lập ra 5 bộ:
1 – Bộ Đàm Vô Đức truyền luật Tứ phần
2 – Bồ-Tát Bà Đa truyền luật Thập tụng
3 – Bộ Ca Diếp di truyền luật Giải thoát
4 – Bộ Di Sa tắc truyền luật Ngũ phần
5 – Bộ Bà Ta Phú La truyền luật Ma ha tăng kỳ.
Năm bộ luật này tuy có khác nhau về chi tiết, văn có rộng, lược hoặc những điều khai giá giải thích không đồng nhất, song về mặt đại thể, những giới trọng đều giống nhau. Tất cả những điều giới do Đức Phật nói ra, y theo đó hành trì đều được giải thoát.
Đức Phật huyền ký :
* Có một vị trưởng giả nằm mộng thấy một khúc vải trắng bỗng đứt thành 5 đoạn. Vị trưởng giả ấy liền đem việc này hỏi Phật, Phật giải thích đây là điềm báo sau khi Ngài diệt độ luật tạng sẽ chia thành 5 bộ phái (Xuất tam Tạng ký tập, Quyển 3)
Lúc Phật thành đạo 38 năm, có một hôm đến cung vua tho trai, sai La Hầu La rửa bát. La Hầu La vô ý để rơi bình bát làm vỡ thành năm mảnh. Các thầy Tỳ Kheo hỏi Phật, Phật cho biết sau khi Ngài diệt độ khoảng chừng hơn 100 năm, các thầy Tỳ Kheo sẽ chia luật thành 5 bộ.
LUẬT TẠNG TRUYỀN SANG TRUNG QUỐC
Giới luật được truyền sang Trung Quốc từ triều Tào Ngụy, đời Tam Quốc, năm 250 sau công nguyên, do tôn giả Đàm Ma Ca La người Trung Thiên Trúc ở chùa Bạch Mã tại Lạc Dương dịch bọ Tăng Kỳ Giới Tâm và Tứ Phần Yết Ma đầu tiên.
Các bộ Quảng Luật gồm có:
1. Luật Thập Tụng: 61 quyển, Phất Nhã Đa La và La Thập dịch vào đời hậu Tần (406 – 410).
2. Luật Tứ Phần 60 quyển, Phất Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm dịch vào đời Diêu Tần (410 – 413).
3. Luật Ma Ha Tăng Kỳ: 40 quyển, Phật Đà Bạt Đà La và Pháp Hiển dịch vào đời Đông Tấn (418).
4. Luật Ngũ Phần: 30 quyển, Phật Đà Thập và Trúc Đạo Sanh dịch vào đời Lưu Tống (423).
5. Giới Kinh Giải Thoát: 1 quyển, Phất Nhã Lưu yChi dịch vào đời Nguyên Ngụy (538 – 544).
6. Luật Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da: 50 quyển, Nghĩa Tịnh dịch vào đời Đường (700 – 711).
Ngoài các bộ Quảng luật ra, còn có 5 bộ luận giải thích các bộ luật kể trên, như:
– Tỳ Ni Mẫu, 8 quyển
– Ma Đắc Lặc Gìa, 10 quyển
– Thiện Kiến luận hay Thiện Kiến luận Tỳ Bà Sa, 18 quyển
– Tát Bà Đa luận hay Tát Bà Đa Tỳ Ni Tỳ Bà Sa, 9 quyển
– Minh Liễu luận hay luật Nhị Thập Nhị Minh Liễu luận, 1 quyển.
Trong các bộ quảng luật trên, chỉ có bộ Tứ Phần của Đàm Vô Đức truyền bá rộng rải và chú, sớ, thích rất nhiều.
NỘI DUNG TỨ PHẦN LUẬT
Phần 1: 21 quyển, nói về 250 giới của Tỳ Kheo
Phần 2: 15 quyển, nói về 348 giới của Tỳ Kheo Ni và các kiền độ thọ giới, thuyết giới, an cư, tự tứ…
Phần 3: 13 quyển, nói về tự tứ đến các pháp kiền độ gồm 15 vấn đề
Phần 4: 11 quyển, nói về phòng xá, tỳ ni tăng nhất, gồm 6 vấn đề. Tất cả gồm 20 kiền độ, về sau Luật sư Đạo Tuyên tóm tắt còn 10 kiền độ trong quyển ” San Bổ Tùy Cơ Yết Ma”.
LUẬT TẠNG PA LI: (Pàli – Vinaya – Pitaka)
Luật tạng Pàli còn được gọi là luật tạng Nam truyền, chia làm 3 bộ phận.
1. Kinh phân biệt: giải thích giới điều của Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni, có:
– Tỳ Kheo phân biệt (Bhikkhu – Vibhanga), giải thích 227 giới Tỳ Kheo.
– Tỳ Kheo Ni phân biệt (Bhikkhuni – Vibhanga), giải thích 311 giới của Tỳ Kheo ni.
2. Kiền độ (Khandhaka): Trình bày bao quát các sinh hoạt của Tăng đoàn, có 2 loại:
– Đại phẩm (Mahàvagga) gồm 10 kiền độ.
– Tiểu phẩm (Cullavagga) cũng gồm 10 kiền độ.
3. Phụ tùy (Parivana): 19 chương, là những điều giáo hóa có liên hệ đến 2 bộ phận trên.
LỊCH SỬ TRUYỀN THỪA LUẬT TỨ PHẦN Ở TRUNG QUỐC
Lịch sử truyền thừa luật tạng tại Trung Quốc được phiên dịch đầy đủ. Tuy nhiên, bộ luật Tứ Phần được hoằng truyền rất thạnh hành, bắt đầu từ đời Nguyên Ngụy do Luật Sư Pháp Chánh truyền xuống Pháp – Thời – Pháp Thông – Tuệ Quang – Đạo Vân – Đạo Hồng – Trí Thủ – Đạo Tuyên (596 – 667).
Sau Luật sư Đạo Tuyên còn có các nhà uyên thâm về luật tạng như ngài: Hoài Tố, Châu Tú, Liên Trì, Ngẫu Ích, Hoằng tán, Hoằng Nhứt, Từ Chu (1877 – 1958)…
CÁC BẬC TIỀN BỐI CÓ CÔNG XIỂN DƯƠNG LUẬT HỌC TẠI VIỆT NAM
Về sự truyền thừa Luật tông tại Việt Nam không rõ được manh mối vì Thiền tông truyền bá quá thạnh hành nhất là vào đời Lý, Trần…
Đến cuối đời Trần thị Thiền tông không còn phát huy năng lực chủ động nữa, chỉ có một số cao tăng dịch thuật các kinh điển trên tinh thần hoằng pháp.
Ở đây chỉ nêu một số vị có công trước tác hay dịch thuật thuộc về luật học với tinh thần truyền bá.
1- Thiền sư Hương Hải (1628 – 1715) : Sa Di giới luật giải.
2- Thiền sư Pháp Chuyên (1726 – 1798) :
– Quy Sơn cảnh sách cú thích lược ký.
– Tỳ Ni Oai Nghi Sa Di cảnh sách Ấn chú yếu lược.
– Tỳ Ni Nhật dụng thiết yếu lược tăng chú.
– Sự Nghĩa luật yếu lược.
3- Thiền sư Toàn Nhật (tịch khoảng 1831 – 1835): Sa Di Oai nghi tăng chú giải Ngụy tự tiểu thiên.
4- Đại sư Chánh Thành (1872 – 1949):
– Tứ Phần như thích (dịch).
– Bồ Tát giới kinh.
– Tỳ Kheo giới kinh.
– Sa Di sớ.
– Tỳ Ni hương nhũ.
5- Đại sư Bích Liên (1876 – 1950): Qui sơn cảnh sách (thơ nôm)
6- Đại sư Huyền Ý (1891 – 1951): Sa Di luật diễn nghĩa.
7- Đại sư Tuệ Tạng (1889 – 1959):
– Kinh Phạm Võng giải.
– Sa di luật.
8- Đại sư Khánh Anh (1895 – 1961): Tại gia cư sĩ luật.
9- Đại sư Thiện Hoa (1907 – 1978):
– Giới đàn tăng.
– Tỳ Kheo giới kinh.
10- Đại sư Bửu Chơn (1911 – 1979): Tứ thanh tịnh giới.
11- Đại sư Trí Hải (1906 – 1979):
– Nghi thức thụ tam qui.
– Sa Di luật dịch (2 tập)
12- Đại sư Hộ Tông (1893 – 1981): Luật xuất gia (2 quyển)
13-Đại sư Hành Trụ (1904 – 1984):
– Sa Di luật giải
– Qui Sơn cảnh sách
– Tứ Phần giới bổn như thích
– Phạm Võng Bồ Tát giới
– Tỳ Kheo giới kinh
15- Đại sư Bình Minh (1924 – 1988):
– Luật tạng PàLi.
– Yết Ma chỉ nam (dịch)
16- Đại sư Thiện Chơn (1914 – 1992):
– Luật Tứ Phần hiệp chú.
– Luật Tứ Phần Tỳ Kheo ni lược ký.
17- Đại sư Đôn Hậu (1905 – 1992):
– Cách thức sám hối các tội phạm giới.
– Luật Tứ Phần Tỳ Kheo ni sao.
GIÁO NGHĨA CỦA LUẬT TẠNG THANH VĂN
Toàn bộ luật tạng của Thanh Văn đức Phật chế không ngoài hai môn : Chỉ trì và Tác trì.
– Chỉ trì môn còn gọi là Chỉ ác (Giới bổn).
– Tác trì môn còn gọi là Tu thiện (Yết Ma).
Chỉ trì môn được chia làm 5 thiên và 7 tụ.
· Thiên là nương vào chỗ nặng hay nhẹ của tội quả.
· Tụ là những loại tụ căn cứ ở tội tánh và nguyên nhân của tội.
♦ Năm thiên và Bảy tụ
Năm thiên:
– Ba La Di (4 giới)
– Tăng Tàn (13 giới)
– Ba Dật Đề (120 giới)
– Đề Xá Ni (4 giới)
– Đột Kiết La (109 giới)
Bảy tụ:
– Ba La Di
– Tăng Tàn
– Thâu Lan Giá
– Ba Dật Đề
Đề Xá Ni
– Ác Tác
– Ác Thuyết
1- Ba la di (Pàràjika) có 8 nghĩa:
1- Khí,
2- Tha thắng,
3- Vô dư,
4- Cực ác,
5- Đoạn đầu,
6- Đọa phụ xứ,
7- Bất cộng trụ,
8- Thối một.
Tỳ Kheo phạm tụ này thì bản thể thanh tịnh không còn nữa, tư cách của một Tỳ Kheo đương nhiên cũng không tồn tại. Phạm Ba La Di không được sám hối.
2- Tăng Già Bà Thi Sa (Samghavasesa) dịch là Tăng Tàn, gồm 13 pháp. Người phạm giới này như bị đứt đầu nhưng còn lại cổ họng, còn hy vọng có thể cứu chữa được nếu gặp được thầy hay thuốc tốt. Phạm Tăng Tàn phải nhờ 20 vị Tỳ Kheo thanh tịnh và cử hành đúng như pháp mà sám thì mới cứu khỏi.
3- Bất Định: gồm hai pháp, nghĩa là chưa định được phạm tụ nào trong 3 tụ (Bala Di, Tăng Tàn, Ba Dật Đề) vì căn cứ vào sự báo cáo của một cư sĩ trụ tín.
4- Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề (Nissagiyapàcittiya) dịch là Xả Đọa, gồm có 30 pháp. Giới này chung quanh đề cập đến vấn đề đời sống của một Tỳ Kheo chứa tài sản dư thừa, trái với tinh thần của Tứ thánh chủng, cần phải xả giữa tăng trước khi sám hối.
5- Ba Dật Đề (Pàcittiya) dịch là Đơn Đọa, gồm 90 giới. Giới này liên quan đến những việc như tiểu vọng ngữ, cố giết súc sanh…phải đến trước một vị Tỳ Kheo mà sám hối.
6- Ba La Đề Xá Ni (Pàtidesanniya) dịch là Hướng Bỉ Hối, gồm 4 giới. Phạm tội này thì chỉ hướng đến người khác nói lên lỗi lầm mình đã phạm, liên quan đến việc ăn uống.
7- Thức Xoa Ca La Ni (Sikkhà Karaniya) dịch là Chúng Học Pháp, gồm 100 pháp, thuộc về oai nghi của một Tỳ Kheo. Nếu cố ý phạm phải đến trước một vị Thượng tọa Tỳ Kheo mà sám hối. Trường hợp không cố ý thì chỉ tự trách tâm.
8- Diệt Tránh (Adhikaramásama Thaàdharmàh) dịch là Diệt Tránh, gồm 7 pháp, tức là 7 phương pháp để chấm dứt sự tranh cãi trong chúng tăng. Đây thuộc Đột Kiết La nên chỉ cần tâm niệm sám hối là được
9- Thâu Lan Giá (Sthùlàtyaya) dịch là “Đại chướng thiện đạo” hay còn gọi là Phương tiện tội, là tội chưa thành của Ba La Di hay Tăng Tàn.
10- Đột Kiết La (Duskrta) gồm 2 loại : thuộc về thân thì gọi lá Ác tác, thuộc về miệng thì gọi là Ác thuyết.
Thời gian thọ quả báo ở các cõi Địa ngục.
– Ba La Di
– Tăng Tàn
– Thâu Lan Giá
– Ba Đật Đề
– Đề Xá Ni
– Đột Kiết La
– 92.160 ức năm
– 23.040 ức năm
– 5.760 ức năm
– 1.440 ức năm
– 360 ức năm
– 90 ức năm
– Địa ngục Diễm Nhiệt.
– Địa ngục Đại Hào Khiếu.
– Hào Khiếu.
– Chúng Hợp.
– Hắc Thằng.
– Đẳng Hoạt.
So sánh Năm thiên với Ngũ hình thời Tùy của Trung Quốc
– Thiên Ba La Di
– Thiên Tăng Tàn
– Thiên Ba Dật Đề
– Thiên Đề Xá Ni
– Thiên Chúng học pháp
– Tội tử hình
– Tội lưu đày
– Tội khổ sai
– Tội đánh bằng trượng
– Tội đánh bằng roi.
LUẬT TẠNG ĐẠI THỪA
Giới luật của hàng Đại thừa thọ trì là giới Bồ Tát, đều thuộc Bồ Tát tạng nên gọi là luật tạng Đại Thừa.
Bồ Tát, dịch âm của Buddhisattva, nói đủ là Bồ đề tát đỏa nghĩa là Giác Hữu tình (Buddhi: Giác ngộ, sattva: Hữu tình).
Cốt lõi của giới luật Đại thừa là giới Phạm Võng và giới Du Già mà thường gọi là giới Bồ Tát.
– Giới Phạm Võng y vào kinh Phạm Võng thành lập ra 10 giới trọng và 48 giới khinh.
– Giới Du Già căn cứ vào giới bổn Bồ Tát thành lập ra 4 giới trọng và 43 giới khinh.
Chủng loại của giới Bồ Tát
Xưa nay trong kinh tạng đã thu tập giới bổn Bồ Tát hoặc giới kinh Bồ Tát, gồm có 6 loại:
1- Kinh Bồ Tát Anh Lạc bổn nghiệp
2- Kinh Phạm Võng Bồ Tát giới bổn
3- Luận Du Già Bồ Tát giới bổn
4- Kinh Bồ Tát Địa Trì giới bổn
5- Kinh Bồ Tát Thiện Giới giới bổn
6- Kinh Ưu Bà Tắc Giới giới bổn.
Sáu bộ trên được phân loại như sau:
– Anh Lạc và Phạm Võng cùng một loại nên gọi là Phạm Võng.
– Du Già, Địa Trì, Thiện Giới đều thuộc phẩm Bồ Tát Địa Luận trong Du Già Sư Địa, bản dịch tuy có khác nhau nhưng vẫn gọi chung là giới Du Già.
Ngoài ra, giới kinh Ưu Bà Tắc chính là giới Đại thừa dành riêng cho người tại gia, gồm 6 giới trọng và 28 giới khinh.
TÓM LƯỢC VỀ NỘI DUNG CÁC GIỚI KHINH VÀ TRỌNG CỦA NHỮNG BỘ TRÊN
1- Kinh Bồ Tát Anh Lạc bổn nghiệp:
Do Trúc Phật Niệm dịch vào đời Tần, khoảng 376 – 378, gồm có 2 quyển chia thành 8 phẩm. Nội dung nói về 52 thứ bậc của Bồ Tát từ Thập Tín đến Đẳng Giác. Nhìn một cách tổng quát có thể phân 3 tụ như sau:
– Lấy 10 Ba La Di lập ra Nhiếp luật nghi giới (giống 10 giới trọng trong kinh Phạm Võng).
– Lấy 8 muôn 4 ngàn pháp môn lập ra Nhiếp thiện pháp giới.
– Lấy 4 vô lượng tâm lập ra Nhiếp chúng sanh giới.
Bổn kinh này ảnh hưởng sâu đậm về tư tưởng kinh Hoa Nghiêm và kinh Phạm Võng.
2- Kinh Phạm Võng Bồ Tát giới bổn:
Do ngài Cưu Ma La Thập dịch vào đời hậu Tần, gồm 2 quyển.
– Quyển Thượng nói về Tam Hiền và Thập Thánh.
– Quyển Hạ nói 10 giới trọng và 48 giới khinh.
Căn cứ vào lời tựa của ngài Tăng Triệu, toàn bộ kinh này gồm 61 phẩm, 112 quyển, mà bản kinh được lưu truyền hiện nay là phẩm Tâm địa giới thứ 10 trong 61 phẩm.
◊ Quyển Thượng trình bày Đức Phật Thích Ca đón tiếp đại chúng từ cõi Tứ Thiền cung Ma Hê Thủ La Thiên Vương đưa trở về thế giới Hoa tạng trong cung Kim Cang Quang Minh, diện kiến đức Lô Xá Na và thưa hỏi về nhân hạnh của 10 tâm Phát Thú, 10 tâm Trưởng Dưỡng, 10 tâm Kim Cang và 10 Địa.
◊ Quyển Hạ trình bày về 10 giới trọng và 48 giới khinh.
Phạm Võng là bộ kinh quý báu được nhiều hành giả chấp nhận và chuẩn theo đó để hành trì giới luật đại thừa. Bộ kinh này được truyền bá rộng rãi khắp nơi như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…
Sự hành trì hay định tội trong kinh này khác với các giới trong luật Thinh Văn, không phân biệt tại gia hay xuất gia, mà căn cứ trên tâm Bồ Đề của mọi chúng sanh sẵn có, lấy tinh thần tự giác nuôi dưỡng Phật tính làm cơ sở. Do đó tất cả chúng sanh đều được thọ giới và vì thế nên còn gọi là thông giới.
Kinh này có tên “Phạm Võng” vì khi Đức Thích Ca ở cõi trời Tứ Thiền Sắc cứu cánh nhìn thấy rèm châu như mắc lưới ở cõi Phạm Thiên. Các mắc lưới ấy đang chiếu phản ảnh lẫn nhau trùng trùng vô tận, giống như giáo lý của Đức Phật trùng trùng duyên khởi dùng để trang nghiêm pháp thân mà chẳng chướng ngại nhau. Vì thế Phật lấy tên kinh này là Phạm Võng.
3. Luận Du Già Bồ Tát giới bổn:
Do Ngài Huyền Trang (602 – 664) dịch. Giới bổn này thuộc quyển 40 – 41 của 100 quyển Du Già. Nội dung gồm 4 giới Tha Thắng (Ba La Di) và 43 giới khinh. Tất cả đều lấy Tam tụ tịnh giới làm cơ sở.
4. Kinh Bồ Tát Địa Trì giới bổn: Do Đàm Vô Sấm (385 – 433) dịch vào đời Bắc Lương gồm 1 quyển trong 4 quyển kinh Địa Trì. Nội dung trình bày giới văn của Bồ Tát, gồm 4 Ba La Di và 41 giới khinh. Tương truyền kinh Bò Tát Địa Trì này do Di Lặc thuyết, luật sư Vô Trước chép.
5. Kinh Bồ Tát Thiện Giới: Do ngài Câu Na Bạt Ma (367 – 431) dịch, đời Lưu Tống. Nội dung trình bày 8 giới trọng và 46 giới Đột Kiết La (giới khinh).
6. Kinh Ưu Bà Tắc giới bổn: Do Đàm Vô Sấm dịch vào đời Bắc Lương (426) gồm có 7 quyển, 28 phẩm, còn có tên là Kinh Thiện Sanh Ưu Bà Tắc giới bổn. Nội dung riêng phần giới hành trì gồm 6 pháp và 28 thất ý (khinh). Những giới này có liên quan đến giới pháp Đại thừa 10 giới trọng và 48 giới khinh của Phạm Võng.
VẤN ĐỀ TRUYỀN VÀ THỌ GIỚI BỒ TẤT
I. Khởi nguyên của giới pháp Bồ Tát.
Theo kinh Phạm Võng, Diệu Hải Vương và một ngàn vương tử muốn thọ giới pháp Bồ Tát nên Đức Phật nhận lời truyền trao. Đây là pháp thọ Bồ Tát có trước nhất tại cõi nhân gian này. Chúng ta có giới bổn đây là do Bồ Tát Xá Na sau khi tu tập giới này được thành Phật ở thế giới Liên Hoa Đài Tạng, vì muốn lợi lạc loài hữu tình nên đem giới nàyg tụng cho hóa thân Phật.
Tại Ấn Độ, Bồ Tát bắt đầu thọ giới lúc nào hay cách thọ giới ra sao vẫn chưa tra cứu được. Nhưng theo truyền thuyết, Đức Thích Ca truyền cho Di Lặc, Di Lặc truyền xuống hơn 20 vị Bồ Tát, Pháp sư La Thập truyền sang Trung Quốc.
Sự truyền thọ ở Trung Quốc có 2 dòng chính:
1. Bồ Tát giới Phạm Võng của Ngài La Thập
Lần đầu tiên các Sa môn như Tuệ Dung, Đạo Tường… hơn 800 người thỉnh ngài La Thập truyền thọ giới Bồ Tát.
2. Địa trì giới bổn của Đàm Vô Sấm
Theo Lương Cao Tăng truyện, khi Đàm Vô Sấm đến Trung Quốc ở Tây Lương Châu có sa môn Đạo Tấn (Pháp Tấn), Trương Dịch tha thiết thỉnh cầu ngài truyền giới Bồ Tát. Ngài nói: Người nước này tánh nhiều xảo trá lại thiếu khí phách kiên cường thì làm sao đủ sức nhận lãnh pháp Đại thừa, nên không truyền giới. Do đó Pháp Tấn… trước tượng Phật tha thiết sám hối cầu giới pháp. Vừa mãn 7 ngày mộng thấy Đức Thích Ca và Di Lặc truyền giới cho mình. Hôm sau Pháp Tấn cùng với hơn 10 người đến chỗ Đàm Vô Sấm. Thấy tướng lạ của Pháp Tấn, Đàm Vô Sấm khen rằng: “Đất Hán cũng có người”, rồi đứng dậy nói: “Ông đã cảm giới rồi, ta sẽ làm chứng cho ông”. Liền sau đó nói giới tướng cho Pháp Tấn.
II. Điều kiện để thọ giới Bồ Tát
Giới tử thọ giới Bồ Tát phải có đủ 2 điều kiện quan trọng:
* Phải có cái thiện để cảm giới
*Phải có chủng tánh Bồ Tát và phát Bồ Đề nguyện.
*Phải là người có căn tánh Đại Thừa mới thực hành đạo Bồ Tát và nỗ lực tinh tấn hành thiện diệt trừ điều ác.
Căn cứ vào giới Bồ Tát Bổn sớ của Pháp sư Nghĩa Tịnh, người muốn thọ giới Bồ Tát phải có 10 tâm thắng hạnh.
1. Sinh tâm tha thiết với vô thượng Bồ Đề
2. Suốt đời lìa ác tri thức, gần thiện tri thức
3. Suốt đời hối lỗi, tùy hỷ khuyến thỉnh Phật Pháp, hồi hướng chúng sanh tăng trưởng Phật đạo.
4. Suốt đời đem hết năng lực cúng dường Tam Bảo
5. Suốt đời tụng đọc biên chép kinh điển phương đẳng vì người giải nói
6. Tùy sức cứu hộ cho đến một niệm sanh lòng xót thương đối với người cô độc, nghèo khổ, hoặc phạm pháp luật.
7. Suốt đời bỏ sự biến nhác, phát khởi tinh tấn siêng cầu Phật đạo.
8. Khi ở trong trần lao ngũ dục có phiền não phát sanh, phải tìm cách khắc phục .
9. Khi tâm cầu vô thượng Bồ Đề bị lui sụt hay khi tâm sinh tham đắm pháp tiểu thừa, phải tìm cách trừ diệt.
10. Xả bỏ được tất cả vật sở hữu, không tiếc cả thân mạng.
* Không có cái ác làm chướng giới.
Những điều ác làm chướng ngại giới pháp có 3 loại chính:
1. Phiền não chướng có 4 thứ :
a. Phóng dật: Phóng dật thành tánh tạm thời khó sửa đổi nên không được thọ giới.
b. Tự mình không quyết tâm và theo bạn xấu ác mà trước kia đã tha thiết việc thọ giới.
c. Bị người khác ràng buộc như bị tôn trưởng, vợ chồng, chủ nhân, vua, giặc, oan gia câu thúc, thân tâm chẳng được tự do.
d. Sinh hoạt cùng khốn: luôn luôn bị sinh hoạt chi phối lo lắng, nên không rãnh rang nghĩ đến việc thọ giới.
2. Nghiệp chướng có 2 thứ:
a. Phạm 7 tội nghịch
b. Phạm 10 giới trọng
3. Báo chướng có 4 thứ:
a. Địa ngục
b. Ngạ quỹ
c. Súc sanh ( không hiểu được lời của Pháp sư )
d. Sanh ở Bắc Cô Lô Châu và người bản tánh hạ liệt không tin nhân quả, ý chí bạc nhược.
III. Điều kiện của Pháp sư truyền giới
Căn cứ giới bổn Phạm Võng do ngài La Thập truyền, nói rằng: Thầy truyền giới phải là Bồ Tát xuất gia và có đủ 5 đức:
1. Kiên trì tịnh giới
2. Đủ 10 hạ
3. Hiểu rộng luật tạng
4. Có công phu tu thiền
5. Có trí tuệ sâu, biện tài vô ngại
Ngoài ra cũng có thể là 4 đức khác:
1. Đồng Pháp Bồ Tát: Biểu thị không phải là người học Tiểu thừa.
2. Đã phát đại nguyện: biểu thị không phải là người chưa phát tâm Bồ Đề.
3. Có trí tuệ có lực: Biểu thị đối với văn nghĩa của kinh luật, hiểu được giữ được.
4. Có khả năng trao truyền: Biểu thị có khả năng dùng ngôn ngữ thuyết pháp rõ ràng khiến người dễ hiểu mở thông tâm trí.
– Kinh Địa trì Anh Lạc: chỉ cần 1 giới sư.
– Kinh Phạm Võng: phải thỉnh 2 đại sư làm Hòa Thượng và A Xà Lê.
* Theo Kinh Anh Lạc thọ giới Bồ Tát gồm 3 phẩm:
1. Phẩm thượng: thọ trước Phật và Bồ Tát (Phật hiện tiền)
2. Phẩm trung: thọ trước vị pháp sư (sau Phật diệt độ)
3. Phẩm hạ phẩm giới: thọ trước hình tượng Phật và Bồ Tát vì trăm nghìn dặm tìm không có Pháp sư.
* Riêng kinh Phạm Võng tự thọ giới cần phải thấy được hảo tướng mới gọi là đắc giới.
* Trường hợp mất giới Bồ Tát:
– Phạm giới trọng do phiền não phẩm thượng trói buôc
– Cố ý muốn xả tâm Bồ Đề. ( BỔ SUNG ĐỂ SO SÁNH)
* Trường hợp mất giới Thanh văn:
– Mạng chung
– Chuyển đổi hình
– Phạm Ba La Di
– Xả giới
– Không tin nhân quả (đoạn thiện căn)
YẾT MA
1- Định nghĩa:
Yết ma là phiên âm từ Karma của tiếng phạn. Chữ hán dịch là nghiệp, hay hành động. Yết Ma nói đủ là tác pháp biện sự. Yết Ma xem như một phương thức biểu quyết để xử lý mọi công việc với tinh thần tập thể. Nói một cách dễ hiểu hơn, pháp Yết Ma của Phật giáo là một thứ nghị sự hoặc pháp hội nghị lấy ý kiến chung. Mục đích chính của pháp Yết Ma là tạo thành lục chủng hòa kính. Luật chủng hòa kính của Phật giáo là sinh hoạt trong tinh thần dân chủ tuyệt đối. Sự duy trì và bảo hộ tinh thần triệt để dân chủ là trách nhiệm và công năng của pháp Yết Ma.
2- Phân loại Yết Ma:
Nói tổng quát Yết Ma có 3 thứ: tâm niệm, đối thủ và tâm pháp.
– Tâm niệm Yết Ma, chỉ áp dụng ở trú xứ chỉ có một thầy Tỳ Kheo.
– Đối thú Yết Ma, dành nơi từ hai đến ba thầy Tỳ Kheo.
– Tâm pháp Yết Ma, áp dụng nơi từ bốn Tỳ Kheo trở lên, được chia làm 3 loại: đơn bạch, bạch nhị, bạch tứ.
a- Đơn bạch: Chỉ một lần bạch giữa tăng, nghĩa là chỉ công bố một lần (Yết Ma Chỉ Nam gồm 44 pháp) thường áp dụng những việc không quan trọng.
b- Bạch nhị: Một lần bạch, một lần Yết Ma. Nghĩa là một lần tuyên bố và một lần lấy biểu quyết (Yết Ma Chỉ Nam có 76 pháp), thường giải quyết những việc tương đối quan trọng.
c- Bạch tứ: Một lần bạch, ba lần Yết Ma. Nghĩa là một lần tuyên bố và ba lần lấy biểu quyết (Yết Ma Chỉ Nam có 39 pháp), thường giải quyết việc quan trọng hơn.
3- Yếu tố cần thiết cho một Yết Ma như pháp:
Muốn một Yết Ma đúng như pháp phải đủ 4 yếu tố:
a- Pháp: tức là những nguyên tắc, thủ tục, phương thức Yết Ma…trường hợp nào cần dùng đơn bạch, bạch nhị hay bạch tứ.
b- Nhân: tức là nhân cách hay túc số. Nghĩa là tư cách pháp nhân của một Tỳ Kheo hợp pháp và túc số phải đủ cho từng loại Yết Ma.
– Tăng 4 người: đây là túc số tối thiếu cho sự sinh hoạt thông thường như thuyết giới…
– Tăng 5 người: túc số tối thiểu cho việc tự tứ, truyền giới cụ túc nơi trú xứ ít Tỳ Kheo.
– Tăng 10 người: túc số cần thiết truyền giới cụ túc nơi đông chúng tăng và thực hiện được các Yết Ma, trừ việc xuất tội Tăng Tàn.
– Tăng 20 người: túc số cần thiết cho việc xuất tội Tăng Tàn và thực hiện được tất cả các pháp Yết Ma (số người thừa không phạm. Nếu thiếu thì phạm, Yết Ma không thành).
c- Sự: Là sự việc, tức nói ra sự việc đem đi Yết Ma như sự sám hối, sự thọ giới…theo bộ Bách Nhứt Yết Ma gôm 101 Yết Ma, nhưng tóm lại không ngoài 2 loại: Thành Thiện Yết Ma và Trừ Ác Yết Ma.
– Thành Thiện Yết Ma: là loại Yết Ma để hoàn thành công việc tốt đẹp như thọ giới, thuyết giới, an cư, tự tứ…
– Trừ Ác Yết Ma: là loại Yết Ma trị tội Tăng Tàn, Ba Dật Đề…Yết Ma Trừ Ác trong luật nêu có 7 cách trị tội:
1- Ha trách Yết Ma.
2- Tẩn xuất Yết Ma.
3- Y Chỉ Yết Ma.
4- Giá bất chí bạch y gia Yết Ma.
5- Bất kiến cử Yết Ma.
6- Bất sám cử Yết Ma.
7- Ác kiến bất xả cử Yết Ma.
d- Xứ:
Cử hành một pháp Yết Ma cần phải có nơi chốn, mà nơi chốn gọi là giới. Giới có hai loại: Tự nhiên giới và Tác pháp giới.
– Tự nhiên giới: tụ lạc, A Lan Nhã, Đạo Hành và thủy giới.
– Tác pháp giới: đại giới, giới tràng và tiểu giới.
4- Phi tướng Yết Ma
Phi tướng của Yết Ma là Yết Ma không đúng quy tắc, gồm có 7 trường hợp:
– Phi pháp phi Tỳ ni Yết Ma
– Phi pháp biệt chủng Yết Ma
– Phi pháp hòa hợp Yết Ma
– Như pháp biệt chúng Yết Ma
– Pháp tương tợ biệt chúng Yết Ma
– Pháp tương tợ hòa hợp Yết Ma
– Già bất chỉ Yết Ma (Xem thêm trong Yết Ma Yếu Chỉ hay Yết Ma Chỉ Nam)
CƯƠNG GIỚI
Tiếng Phạn gọi là Sifma,có nghĩa là biên giới hay đường ranh phân chia khu vực khác nhau.Luật tạng gọi la giới.Các Tỳ Kheo cùng sống trong một cương giới được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ như nhau.
Các loại cương giới:
1-Giới tự nhiên
a- Giới tụ lạc: Chỉ những nơi có nhà ở
– Tụ lạc có đường ranh rõ ràng
– Tụ lạc không có đường ranh rõ ràng, phạm vi Yết Ma chiều ngang, dọc khoảng 110m(5 khuỷu tay = 1 cung; 7 cung = khoảng cách 1 dây xoài; Vậy 6 khoảng cách của 7 cây xoài thì được pháp Yết Ma)
b- Giới A Lan Nhã: Chỉ những khu rừng vắng vẻ không có người ở:
– Chỗ không có nguy hiểm, khoảng một Câu lô xá(1800m)
– Chỗ nguy hiểm , tức nơi co cọp sói,Giặc cướp- khoảng 7 bàn đà(1 bàn đà = 12 thước = 84m)
c- Giới đường bộ: Lúc đi đường được tác pháp Yết Ma trong vòng 600 bộ.
d- Giới đường thủy: Lúc đi trên thuyền, tàu…..một người mạnh ném nước hay cát 4 bên, lấy đường đó làm ranh giới.
2. Cương giới tác pháp:
a- Đại giới: Theo luật quy định, từ bốn thầy Tỳ Kheo trở lên sống chung một trụ xứ phải có ấn định đường bao chung quanh. Những Tỳ Kheo sống trong đó theo tinh thần hòa hợp vùng chia sẻ quyền lợi và nghĩa vụ trên tinh thần dân chủ và bình đẳng.
Tăng và Ni đề có tiêu tướng riêng, tuyệt đối không được thiết lập chung một cương giới.Tuy nhiên, cương giới của Ni và Tăng có thể ân định trùng lên nhau mà cương giới mỗi bên không mất hiệu lực.
Phạm vi cương giới của tăng rộng 10 câu lố xá(1,8km)
b-Giới trường:
Giới trường là một hội trường sinh hoạt cho các thầy Tỳ Kheo, Nên nằm trong phạm vi đại giới. Giới trường nhỏ nhất phải chứa được 21 người. Mỗi trú xứ chỉ được lập 1 giới trường mà thôi .
c-Tiểu Giới:
Là giới trường di động tạm thời, chỉ được thiết lập ngoài phạm vi đại giới. Sử dụng khi có việc bất thường trong chúng xảy ra, cần phải giải quyết không thể tập hợp hết tất cả thầy Tỳ Kheo cùng trong một đại giới. Khi giải quyết xong việc, phải giải tỏa tiểu giới mới được đi
(Cách kết và giải xin xem thêm trong Yết Ma Yếu Chỉ hay Yết Ma Chỉ Nam)
VẤN ĐỀ TRUYỀN VÀ THỌ GIỚI
Theo luật quy định không bao giờ cho phép bất cứ người nào tự mình thọ giới khác, ngoại trừ Bồ Tát giới của Đại thừa.
Vô tác giới thể được xem như là bản chất tồn tại của giới pháp. Vô tác giới thể này có được từ sự hợp thành của 3 điều kiện khi thọ giới.
– Giới sư thật thanh tịnh
– Giới đàn thật trang nghiêm
-Giới tử thật chí thành
1- Tư cách làm thầy:
Một tỳ kheo muốn làm thầy thâu nhận đệ tử phải có đủ 5 điều kiện:
1. Đủ 10 hạ(Ni 12 hạ)
2. Am tường giới luật
3. Có kiến thức văn hóa tổng quát
4. Có kinh nghiệm tu tập để truyền trao cho đệ tử
5. Có chánh kiến để trừ tà kiến cho đệ tử.
Phật còn dạy: Nuôi đệ tử mà không biết dạy dỗ để họ làm tổn thương đến Phật pháp thì tội lỗi làm thầy nặng hơn một tên đồ tể sát sanh. Vì tên đồ tể có gây nghiệp ác cũng chỉ làm tổn hại riêng bản thân mình, còn người xuất gia sống sai lệch tinh thần giáo pháp, khiến chánh pháp phải suy vong. Tội ấy quả không gì lớn bằng.
2-Tổng quát về giới Cụ Túc.
Tiếng phạn:(Ipasampada, dịch là Cụ Túc hay Cận Viên).Cụ Túc nghĩ là thành tựu trọn vẹn. Cận viên nghĩa là gần đến Niết Bàn viên mãn.
§ Giới cụ Túc bao gồm 4 yếu tố: Giới thanh tịnh, căn thanh tịnh, mạng thanh tịnh và niệm thanh tịnh.
Điều kiện giới tử được thọ giới.
Theo luật định một giới tử được thọ giới cụ túc thì sáu căn phải đầy đủ không khuyết tật, cụ thể trong 13 già nạn và 15 chướng nạn (khinh già) không mắc phải.
◊ Tư cách giới sư:
– Đây chỉ nói tư cách của Hòa Thượng truyền giới. Hòa Thượng, tiếng phạn là Ô Ba Đà Da. Dịch là Lực Sanh hay Thân giáo sư. Lực Sanh là người có đạo lực khiến cho đệ tử phát sinh trí tuệ. Thân giáo sư là bực tôn sư thường gần gũi dạy dỗ đệ tử.
– Theo luật định, mỗi năm Hòa Thượng chỉ được nuôi dạy một Sa di và truyền cụ túc cho một người. Tuy nhiên, việc này có thể áp dụng một cách uyển chuyển, vì hiện nay có các trường Phật học giáo dục tăng ni nên việc nuôi đệ tử không quá câu nệ. Song, việc dạy dỗ đối với đệ tử phần lớn là trọng trách của vị Bổn sư. Những ai không chu toàn trách nhiệm ấy thì xem là người đắc tội với Phật Pháp.
(Nghi thức truyền và thọ xin xem trong Yết Ma Yếu Chỉ hay Yết Ma Chỉ Nam)
NGƯỜI NỮ XUẤT GIA VÀ THỌ GIỚI
Người nữ xuất gia thọ giới Sa Di Ni, về thể thức và tuổi tác đều giống như Sa Di. Nhưng đặc biệt Sa Di Ni muốn bước lên ngôi bực Tỳ Kheo Ni phải trải qua thời gian 2 năm thọ học 6 pháp của Thức Xoa Ma Na trước khi chánh thức thành tựu một Tỳ Kheo Ni.
Thức xoa ma na, tiếng phạn là Siksamànà, dịch nghĩa là Chánh học nữ, Chánh học nữ nghĩa là người nữ đang học tập các học xứ của Tỳ Kheo Ni.
Sáu pháp phải thọ trì trong 2 năm gồm:
1- Không dâm dục
2- Không trộm cắp
3- Không giết mạng chúng sinh cho đến loài người
4- Không nói dối cho đến đại vọng ngữ
5- Không ăn phi thời
6- Không uống rượu
Ngoài ra còn trì giữ 18 tùy pháp nữa… Căn cứ tất cả các bộ Luật, cho Sa Di Ni 2 năm thọ Thức Xoa là cốt để trong thời gian này học tập đầy đủ các học xứ của Tỳ Kheo Ni và thực tập hạnh của Đại Ni. Riêng luật Thật Tụng nói thời gian 2 năm để nghiêm chứng có mang thai hay không ?
THUYẾT GIỚI (Bố Tát)
Duyên khởi:
Vào thời Phật, các tu sĩ đạo khác thường nhóm họp sinh hoạt hằng tháng vào ngày mùng 8,14,15,23,29 và 30 để thầy trò gặp gỡ sinh hoạt vui vẻ và các tín đồ quy tụ cúng dường hoan hỷ. Vua Bình Sa trông thấy nếp sống sinh hoạt của họ có nhiều ý nghĩa đẹp nên ao ước chúng Tỳ Kheo đệ tử Phật cũng sinh hoạt như thế sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sự hòa hợp Tăng đoàn mà Phật tử tại gia cũng được ảnh hưởng. Vua Bình Sa liền đến Đức Phật trình bày chỗ suy tư của mình, Đức Phật đồng ý. Ngài dạy: Hằng Tỳ Kheo mỗi nửa tháng (vào giữa và cuối tháng) nên thực hành lễ Bố Tát.
Bố Tát, tiếng phạn là Uposatha, phiên âm là Bao sái đà, dịch là Tịnh trú, Thường dưỡng, Trưởng Tịnh hay Trai giới…Từ khi chư thế giới, mỗi lần đến ngày Bố tát, Đức Phật và các Thầy Tỳ Kheo thường chỉ đọc giới bổn bằng hai kệ:
“Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo”.
(Chớ làm các điều ác
Giữ gìn các hạnh lành
Tự thanh lọc ý mình
Là lợi chư Phật dạy).
Sau khi Phật chế giới, các thầy Tỳ Kheo mới đọc đẩy đủ những giới điều đã được ban hành.
TRIỂN HẠN BỐ TÁT
Vào những ngày thuyết giới định kỳ, nếu gặp những việc bất trắc không thể Bố Tát được, Tăng có thể dời ngày Bố Tát lại trễ hơn, kéo dài cho đến trước một ngày ở kỳ Bố Tát sau (từ mùng 1 đến 13; từ 16 đến 28 hay 27 nếu tháng thiếu) Thời gian này gọi là trung gian Bố Tát.
Luật quy đinh, một trú xứ không được Bố Tát hai lần trong một định kỳ. Thế nên, sau khi Bố Tát xong các thầy Tỳ Kheo thường trú có việc cần phải rời trú xứ, phải làm dấu hay dặn người ở lại báo tin cho khách tăng có đến, biết nơi đây đã Bố tát rồi.
+ Có 5 thể thức triển giới.
Trường hợp đến ngày Bố tát mà có bất trắc xảy ra như việc vua quan, giặc cướp, nước lửa, ác thú, tranh chấp trong tăng chúng…Phật cho phép thuyết giới tóm lược.
1- Thuyết giới đầy đủ.
2- Chỉ thuyết giới từ bài tựa đến hai pháp Bất định.
3- Chỉ thuyết giới từ bài tựa cho đến hết Tăng tàn.
4- Chỉ thuyết giới từ bài tựa cho đến hết Ba La Di.
5- Chỉ thuyết giới bài tựa rồi kết thúc.
Luật Tăng Kỳ cho phép nếu nạn duyên quá gấp, có thể nói: “Bạch chư Đại Đức! Hôm nay ngày rằm…Bố tát, mỗi người nên giữ gìn thân, khẩu, ý cho thanh tịnh, cẩn thận chớ buông lung”. Rồi sau đó tự giải tán.
NI CẦU GIÁO THỌ
Ni cầu giáo thọ là điều Phật chế ra trong Bát kinh pháp. Khi Phật tại thế, việc giáo huấn Tỳ Kheo Ni là trách nhiệm của Tỳ Kheo. Thế nên, việc ni chúng sai người qua Tỳ Kheo Tăng cầu thỉnh thầy giáo thọ là một trong Bát kinh pháp Phật chế cho các Tỳ Kheo Ni phải tuân hành.
Thời gian đi thỉnh, sắp đến ngày Bố tát hoặc vào giờ Bố tát. Chúng ni nên bạch Nhị Yết Ma sai một Tỳ Kheo ni và cùng một vài vị thêm làm bạn qua Tăng cầu thầy giáo thọ.
Trong Tăng xét thấy trước đó có vị Tỳ Kheo nào thường qua giáo thọ Ni chúng thì nên sai, hoặc Ni cầu thỉnh đích danh vị thì Tăng nên đề cử vị đó nếu thấy đủ điều kiện. Nếu ngoài 2 trường hợp trên, Tăng nên Yết Ma cử người đi. Giả như Tăng cử mà không Tỳ Kheo nào đủ khả năng đảm trách được, vị thượng tọa Yết Ma sẽ tóm tắt truyền dạy vị sứ giả Ni như sau: “Trong Tăng đây không có ai sang giáo giới bên Ni, nhưng Tăng có lời nhắc nhở Ni chúng là hãy tinh tấn hành đạo, hòa hợp, thanh tịnh y theo giới luật mà hành trì, cẩn thận chớ buông lung”.
Ngày nay chư Ni phải đương đầu với rất nhiều Phật sự nên chỉ đến bên Tăng thỉnh ý trong những việc quan trong hay dạy dỗ thêm những kinh nghiệm tu tập trong những lần pháp thoại chứ không cần cầu giáo giới mỗi nửa tháng như xưa. Thiết nghĩ việc làm này tuy không mang đúng ý nghĩa giáo giới như luật dạy, nhưng ít ra vẫn còn mang tinh thần chính yếu của Bát Kinh Pháp, biết tôn kính bên Tăng, thì vẫn không ảnh hưởng lắm đến sự hưng thịnh Phật pháp. Những nếu chư Ni cố gắng thực hiện được việc cầu giáo giới mỗi nửa tháng dù gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn hay bị thương tổn niềm tin nơi chư Tăng vì thấy bên Tăng có vài cá nhân còn chưa vững chải thì thật là một niềm vui an ủi lớn lao cho sự hòa hợp tăng già và phồn vong của Phật Pháp tương lai.
Người được Tăng cử đi giáo giới Ni phải đủ 10 đức:
1- Đủ 20 tuổi hạ
2- Giới luật đầy đủ
3- Kiến thức rộng rãi
4- Thông suốt hai bộ Luật (Tăng – Ni)
5- Quyết đoán rành mạch các vấn đề liên quan đến giới Luật
6- Xuất thân từ gia đình nề nếp
7- Dung mạo đoan chánh
8- Thuyết pháp giỏi
9- Khả năng thuyết pháp làm Ni chúng hoan hỷ
10- Chưa từng phạm các giới trọng
AN CƯ
Duyên khởi:
Các thầy Tỳ Kheo trong nhóm lục quần du hành suốt cả các mùa không chịu dừng chân ngơi nghỉ, kể cả mua mưa. Tại vì trong mùa mưa côn trùng sinh nở rất nhiều, vì vậy mỗi bước chân du hành của các thầy đã gây tổn thương không biết bao nhiêu sinh mạng. Cư sĩ hết sức than phiền. Phật bèn chế định Tỳ Kheo hằng năm phải an cư trong ba tháng mùa mưa để không làm tổn thương đến chúng sanh, đồng thời cũng là cơ hội tốt để các thầy thúc liễm thân tâm, tấn tu đạo nghiệp.
Trong Kinh Trường A Hàn ghi lại đại thần Điển Tôn(Tiền thân của Phật) được mọi người khen ngợi là đã từng gặp Phạm Thiên nhưng thực sự ông chưa hề được gặp. Do cơ này mà suốt trong 3 tháng muà mưa ông quyết định ở nguyên 1 chỗ để dụng công tu hành. Thời gian sau đại thần đã diện kiến thật với Phạm Thiên.
Như vậy có thể định nghĩa An Cư là an tịnh nội tâm. Kỳ hạn cư trú suốt thời gian nhất định nào đó. Vì thế, trong luật Phật bắt buộc hàng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni đều phải an cư 3 tháng mỗi năm.
Thời gian an cư:
– Theo Bắc Truyền, tiền an cư vào 16 tháng 4 âm lịch; hậu an cư từ 17 thang 4 đế ngày 16 tháng 5. Dù tiền an cư hay hậu an cũng phải giải hạ vào 15 tháng 7. Nhưng hậu an cư sau khi giải hạ tiếp tục tu học cho đủ 90 ngày mới được ra khỏi đại giới, lúc ấy tính một tuổi hạ. (Tỳ Kheo nào không an cư thì không được tính tuổi hạ).
– Theo Nam truyền, kiết hạ ngày 16 tháng 6 và giải hạ vào 16 tháng 9 âm lịch. Trường hợp sống độc cư không có người để y chỉ, Tỳ Kheo được phép tâm niệm an cư. Tỳ Kheo Ni không có pháp này vì trong luật định của Tỳ Kheo Ni, Đức Phật không cho phép sống độc cư.
Thời gian ra ngoài cương giới:
– Nếu ra ngoài giới thời gian quá 7 ngày, chỉ đến đối thú với một thầy Tỳ Kheo để xin phép. Nếu thời gian 7 ngày việc chưa xong, trở về xin phép thêm bằng phá “tàn dạ”
– Nếu ra khỏi cương giới quá 7 ngày , phải đến trước tăng xin phép.
Thời gian ra ngoài giới tối đa chỉ 40 ngày, vượt quá thời gian này thì xem như phá hạ
Hơn nữa đang an cư ,Tỳ Kheo ra khỏi giới mà không có lý do cũng xem như mất hạ. Nếu tại trú xứ đang an cư có 8 thứ nạn xảy ra, Tỳ Kheo phải ra khỏi đại giới mà vẫn không bị mất hạ (Luật Tứ Phần)
1. Nguy hiểm đến phạm hạnh
2. Nguy hiểm vì chỗ ấy có kho báu
3. Qũy phá hoại
4. Rắn độc
5. Thú dữ
6. Giặc cướp
7. Thiếu các vật dụng cần thiết
8. Tăng có sự chia rẽ An cư có đủ 90 ngày rồi, kết thúc an cư bằng lễ tự tứ.
TỰ TỨ
Định nghĩa:
Tiếng phạn: Pravàrana, phiên âm là Bát Hòa La, dịch là Tự Tứ, thỉnh thoảng hay tùy ý. Nghĩa là thỉnh cầu người khác chỉ những lỗi lầm cho mình trên 3 phương diện thấy, nghe, nghi. Nếu tự mình thấy lỗi sẽ thành tâm sám hối để được thanh tịnh và hòa hợp của tăng già. Thế nên có thể nói tự tứ là một hình thức thuyết giới không được giới bổn.
Túc số tăng:
Thuyết giới tối thiểu phải là 4 thầy tỳ kheo , nhưng tự tứ thì túc số tăng tối thiểu phải từ 5 thầy tỳ kheo trở lên. Nếu trú xứ chỉ có 4 thầy Tỳ Kheo hoặc chỉ có 3 vị, 2 vị thì phải đọc đối thú tự tứ. Còn chỉ có một vị thì cho phép tâm niệm tự tứ .
Trong khi tự tứ, thầy Tỳ Kheo nào có duyên sự vì Tam Bảo thì được phép gởi dục, nói như thế này : “gởi dục và tự tứ ”.Còn lúc thuyết giới thì nói: “gởi dục và thanh tịnh”.Như vậy tự tứ và thuyết giới có khác nhau về việc gởi dục.
Khi chúng tăng an cư ba tháng xong, lo việc tự tứ. Những thầy Tỳ Kheo hậu an cư cũng được tự tứ chung với Tỳ Kheo tiền an cư (nhưng phải ở đủ 90 ngày mới được ra khỏi định giới)
Bên Ni chúng, trước ngày tụ tứ phải cử người đến Đại tăng cầu xin giáo giới 3 việc: Thấy, nghe, nghi. Đây là một trong tám pháp cung kính của Tỳ Kheo Ni phải gìn giữ.
Yết Ma Tự Tứ
Yết Ma tự tứ tổng quát gồm hai thể thức chủ yếu:
– Bạch nhị, sai người nhận tự tứ
– Đơn bạch , chánh thức tự tứ .
Căn cứ trong các bộ quảng luật, vị thầy được sai làm người nhận tự tứ phải có đủ 5 đức:
1 – Không ái nhiễm.
2- Không hờn ghét.
3- Không sợ sệt.
4- Không ngu dần.
5- Người tự tứ rồi hay chưa đều biết.
Thời gian tự tứ có 4 trường hợp:
1. Định kỳ tự tứ
2. Tăng ích tự tứ
3. Giảm nhật tự tứ
4. Tăng thượng tự tứ
– Định kỳ tự tứ (Chánh kỳ tự tứ): là an cư đủ 90 ngày, làm lễ tự tứ.
– Tăng ích tự tứ: Chúng tăng ba tháng tu học thấy có tiến bộ lợi ích của trong việc dụng công nên tiếp tục ở thêm một tháng nữa rồi mới làm lễ tự tứ.
– Giảm nhật tứ tứ và Tăng thượng tự tứ: Trong chúng sắp đến ngày tự tứ, bất ngờ có sự tranh chấp hay nghe tin những Tỳ Kheo khách sắp đến có thể gây ra bất hòa, vị thiền chủ có thể tuyên bố tự tứ trước một ngày đã định hay triển hạn đến một kỳ hay hai kỳ Bố tát. Triển hạn tối đa là một tháng mà Tăng vẫn chưa hòa hợp hay Tỳ Kheo khách vẫn chưa đi phải cưỡng bức các Tỳ Kheo hiểu sự ấy hòa hợp tự tứ. Nếu cưỡng bức không được, các Tỳ Kheo thanh tịnh phải ra ngoài cương giới kết tiểu giới tự tứ.
– Trường hợp trên đường đi gặp ngày tự tứ, tất cả chúng nên hòa hợp để cùng nhau tự tứ. Nếu không hòa hợp, những người thân hậu nhau đi đến chỗ khác kết tiểu giới tự tứ, xong phải nhớ giải tiểu giới.
– Trường hợp có 8 nạn hay các duyên sự khác bất ngờ xuất hiện, cho phải tự tứ tóm lược bằng cách nói 2 lần hay 1 lần thay vì nói 3 lần. Hoặc nói đông loạt 2 hay 1 lần, hoặc vừa nói vừa giải tán tùy theo nạn sự gần hay xa.
Ngăn tự tứ
Trong khi tự tứ, có thầy Tỳ Kheo nào muốn ngăn các Tỳ Kheo khác tự tứ thì Tỳ Kheo ngăn ấy phải có đủ 5 đức:
1- Nói đúng lúc, không phải phi thời.
2- Đúng sự thực, không phải hư dối.
3- Nói vì lợi ích, không phải vô ích.
4- Nói lời nhã nhặn, không phải thô lỗ.
5- Nói lời từ tâm, không phải vì ác ý sân hận.
Nếu có thầy Tỳ Kheo ngăn các Tỳ Kheo khác tự tứ vì biết trong chúng có thầy phạm tội, chứng cớ xác thực. Ví dụ như tố cáo phạm thôi Ba La Di thì tăng phải diệt tẩn người phạm giới ấy rồi mới tiến hành tự tứ. Hoặc tố cáo phạm Tăng tàn, thì tăng phải tác pháp Yết Ma cho thực hành Ba Lợi Bà Sa hay Bản nhật trị, hoặc Ma Na Dỏa hay xuất tội xong rồi mới được tự tứ.
Trái lại, người ngăn tự tứ kia mà thân, khẩu, ý không thanh tịnh: thiếu trí không biết hỏi đáp thì tăng nên nói như vầy: “Trưởng lão hãy thôi đi, đừng gây sự đấu tranh nữa”. Tăng tiếp tục cử hành tự tứ mà không cần phải lưu tâm đến ý kiến người kia nữa.
Luật cũng qui định, người đang bệnh không được ngăn người không bệnh tự tứ. Ngược lại, người không bệnh cũng không được ngăn người bệnh tự tứ.
Ngoài ra, trong một trú xứ khi tự tứ không phát hiện được người phạm tôi, đến khi tự tứ xong mới phát hiện thì sau đó trong chúng không nên nêu lại tội người ấy, nếu ai nêu lại sẽ như luật mà trị (Luật Tứ Phần)
(Xem trong Yết Ma Chỉ Nam hay Yết Ma Yếu Chỉ sẽ biết thêm chi tiết)
Y CA THI NA
Sau ba tháng an cư các thầy Tỳ Kheo lần lượt về viếng thăm Đức Thế Tôn, trong đó có vài vị mắc mưa nên ba y bị ướt sủng, gặp phải đường lầy lội nên việc đi về rất mệt mỏi và khổ sở. Đức Thế Tôn thấy tình cảnh như vậy nên cho phép thọ Y Ca Thi Na sau lễ tự tứ. Riêng luật Ngũ Phần thì nói đến một nguyên nhân khá đặc biệt, Trưởng Lão A Na Luật vì tuổi già sức yếu trên đường về bị mưa nên kiệt sức, vì duyên cớ đó Phật mới chế ra Y Ca Thi Na.
Ca Thi Na phiên âm từ phạn ngữ Kathina, dịch nghĩa là Y công đức hay Y thượng thiện. Nghĩa là Phật khen thưởng cho các Tỳ Kheo đã nổ lực tu tập kết quả trong ba tháng an cư.
Trong ba y của Tỳ Kheo đều được dùng làm Y Ca Thi Na được cả.
Trong thời gian trì y công đức, Tỳ Kheo được hưởng 5 điều lợi:
1- Được chứa y dư
2- Lìa y ngủ
3- Ăn riêng chúng
4- Ăn nhiều lần đúng ngọ
5- Trước và sau bữa ăn tách riêng vào xóm mà khỏi cần báo với các Tỳ Kheo khác.
Thời gian được giữ Y Ca Thi Na là năm tháng: từ 16 tháng 7 đến 16 tháng 12 (riêng Luật Ngũ Phần chỉ cho 4 tháng)
Người giữ Y Ca Thi Na phải đủ 5 đức:
1- Không thiên vị
2- Không giận dữ
3- Không si mê
4- Không sợ hãi
5- Biết thể thức thọ Y Ca Thi Na.
Người được Tăng Yết Ma sai giữ Y công đức, vị này có bổn phận đem y cất nơi cao ráo, rải hoa cúng dường bảo quản cẩn thận cho đến ngày Tăng làm pháp Xả Y hay ngày Y hết hiệu lực là 15 tháng 12.
Theo tinh thần chung các bộ luật, khi Tăng xả y công đức, Thầy Tỳ Kheo lâu nay có trách nhiệm bảo quản mặc nhiên được sử dụng Y này. Nhưng theo luật Thiện Kiến, thì Tăng sẽ trao Y này cho Tỳ Kheo này mặc y rách. Nếu nhiều Tỳ Kheo mặc y rách thì đem y cho Tỳ Kheo già, nếu không có Tỳ Kheo già nên cho người nhiều tuổi hạ.
Những người không được hưởng y công đức:
1. Không có tuổi hạ
2. Phá An cư
3. Hậu An cư
4. Bị diệt tẩn
5. Biệt trú
Tóm lại, hiện nay đối với y công đức, Hệ phái Nam tông vẫn còn giữ truyền thống thọ trì Y Ca Thi Na một cách tốt đẹp, còn Bắc truyền thì hầu như ít để ý đến hoặc đã thất truyền từ lâu.
PHÂN CHIA VẬT DỤNG CHO TĂNG
I. Phân loại vật của Tăng
Những vật sỡ hữu của Tăng chúng nói tổng quát chia ra 4 loại:
1. Thường trú thường trú: Vật bất động sản của chúng Tăng thường trú.
2. Thập phương thường trú: Vật bất động sản của chúng thập phương.
3. Hiện tiền hiện tiền: Vật bất động sản của Tăng chúng hiện tiền.
4. Thập phương hiện tiền: Vật bất động sản của Tăng chúng thập phương.
– Vật bất động sản là những tài sản cố định không di dời nơi khác.
– Vật động sản là những vật nhẹ, có thể di dời được.
II. Nguồn gốc vật dụng của Tăng
a) Vật do 7 chúng cúng dường: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, Sa Di, Sa Di Ni, Thức Xoa, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di.
– Nếu họ nói cúng dường cho Tam Bảo vật động sản hay bất động sản thì tài sản ấy phải chia làm 3 phần. Tăng chỉ được 1 phần.
– Nếu họ nói cúng dường hai bộ Tăng thì tài sản ấy phải chia 2 phần không được tính số người.
Ví dụ 50 vị Tỳ Kheo và 1 vị Tỳ Kheo Ni thì cũng phải chia 2 phần bằng nhau.
– Nếu họ nói cúng dường cho Tăng thập phương thì tài sản ấy thuộc về tăng thập phương.
– Nếu họ nói cúng dường Tăng hiện tiền thì thuọc về Tăng hiện tiền.
– Nếu họ nói cúng dường cho cá nhân, thì tài sản ấy thuộc về cá nhân.
b) Vật do 5 chúng xuất gia qua đời để lại.
1. Nếu Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni qua đời, tài sản để lại cho Tăng chúng xử lý.
2. Nếu Sa Di, Sa Di Ni, Thức Xoa qua đời, thì tài sản để lại do vị Bổn sư sử lý. Trường hợp không có Bổn sư thì Tăng chúng xử lý.
3. Nếu người qua đời là người mà bị Tăng Yết Ma diệt tẩn thì tài sản để lại thuộc về thân quyến chớ không thuộc về Tăng.
III. Cách thức phân chia
Tài sản của người qua đời để lại, trước khi Tăng phân chia nên trích ra một ít cho những người được ưu tiên sau đây:
1. Người nuôi bệnh. Tức là người nuôi bệnh đủ 5 đức:
– Cho bệnh nhân ăn uống đúng lúc
– Không nhờm gớm đồ đại tiểu tiện bệnh nhân, vui vẻ săn sóc
– Nuôi bệnh vì lòng từ, không vì lợi
– Khéo chăm sóc người bệnh
– Biết nói pháp hay khuyên bệnh nhân sinh tâm hoan hỷ.
2. Thầy Bổn Sư.
3. Người đầu tiên phát hiện người chết.
Nếu hai người cùng phát hiện mặt người chết quay về phía người nào thì người ấy được ưu tiên.
4. Người thiếu những vật dụng tương tự như vật dụng người chết để lại. Sau khi tưởng thưởng cho người được ưu tiên, các vật còn lại đem chia đều cho tăng chúng. Nếu khách Tăng từ nơi khác đến gặp lúc đang Yết Ma phân chia vật vẫn được hưởng một phần, nếu đến sau khi Yêt Ma xong không được chia vật.
Có những điểm cần được chú ý thêm:
Ví dụ: Người chết ở trú xứ A mà tài sản ở trú xứ B, ký thác cho một Tỳ Kheo ở trú xứ C, thì tài sản ấy thuộc quyền Tăng ở trú xứ C.
– Nếu người chết có ai mượn gì nên đòi lại, hoặc mắc nợ ai thì nên bán các di vật của người chết để trả nợ, còn thừa lại thì chia cho chúng Tăng.
– Nếu lúc sinh tiền đã hứa cho ai vật thì nên đem vật ấy cho họ. Nếu có di chúc: “Sau khi tôi chết, đem vật nầy cho người nầy, đem vật kia cho người kia…” thì lời di chúc ấy xem như không có giá trị, Tăng được trọn quyền xử lý tài sản ấy, vì di chúc như thế không khác nào người thế gian.
Giữa xã hội ngày nay, một số điều chi tiết về việc phân chia vật khó áp dụng đúng theo luật dạy. Thế nên, chúng ta phải khéo léo uyển chuyển áp dụng sao cho phù hợp với thực tế hoặc theo phong tục của địa phương là được.
( Có thể xem thêm trong Yết Ma Yếu Chỉ sẽ rõ hơn )
HT Thích Minh Thông
(Bài giảng tại Khoá Bồi dưỡng Hoằng pháp năm 2009 tại Tp. Đà Nẵng)
Discussion about this post