Nho gia nặng về lễ nhạc, Phật môn xem trọng oai nghi. Sau khi Phật pháp truyền vào Trung Quốc liền dung hòa với nền văn hóa lâu đời của Trung Quốc và hình thành nên lễ nghi Phật môn. [Lễ nghi này] vừa điều phục thân tâm, nung luyện tánh khí, vừa trợ giúp việc hoằng dương Phật pháp giáo hóa chúng sanh, lợi ích thế gian và đạo pháp. Vào triều đại nhà Tống, nhà nho Trình Y Xuyên thường hay viếng cảnh chùa, thấy chư Tăng xuất đường rất oai nghi, ông vô cùng thán phục, nói: “Tam đại lễ nhạc, tận tại thị!” (lễ nhạc của ba triều đại [Hạ, Thương, Chu], đều có mặt ở đây). Có thể thấy sự chuyển hóa và sức thu hút của lễ nghi.
Xin giới thiệu giản lược như sau:
- Yêu Cầu Căn Bản.
- Ba nghiệp phải thành kính: Lễ nghi Phật môn, phải hợp với hành vi, nghi thức, lễ tiết và giới luật của Phật giáo. Nó ăn sâu vào nội tâm của một người tín ngưỡng Phật pháp kiền thành, và tự biểu hiện hành vi cung kính trên ba phương diện thân thể, ngôn ngữ và tư tưởng, gọi là “Thành ư trung, nhi phát ư ngoại” (lòng thành bên trong thể hiện ra bên ngoài). Cho nên, nếu có thể tín tâm đoan chánh, ba nghiệp thành kính thì mới gọi là căn bản.
- An tường, ổn đáng. Nhà Phật thường nói “Ba ngàn oai nghi, tám vạn hạnh nhỏ”. Có thể thấy, lễ nghi Phật môn rất nghiêm ngặt, tỉ mỉ, tuy nhiên đặc tính căn bản là an tường và ổn đáng, không khinh suất, vọng động. An tường thì thân điềm đạm, tâm thanh tịnh; ổn đáng thì tín tâm gia tăng.
- Niệm Phật đường Nghi Quy:
Niệm Phật đường là nơi thờ A-Di-Đà Phật, Tây Phương Tam Thánh, nơi đại chúng chuyên tâm niệm Phật cầu sanh. Có câu: “Không có việc thì không vào điện thờ Tam Bảo”. Cho nên, khi vào Niệm Phật đường cũng phải có lễ nghi.
- Để biểu thị tâm cung kính, không được đi vào cửa giữa mà phải đi ở hai cửa hai bên. Nếu đi vào cửa bên trái thì bước chân trái trước, đi vào cửa bên phải thì bước chân phải trước.
- Ngoại trừ kinh Phật, tượng Phật, pháp khí và vật cúng, những thứ khác không được mang vào Niệm Phật đường.
- Duy chỉ có tụng kinh, lễ Phật, quét dọn, thắp nhan, thắp đèn mới được vào. Không thể tùy ý đi lại trong Niệm Phật đường.
- Trước khi vào Niệm Phật đường phải rửa tay, rửa mặt, mang vớ, mặc áo hải thanh, đoan tâm chánh ý. Sau khi vào Niệm Phật đường, thành tâm lễ Phật ba lạy, sau đó có thể chắp tay cung kính chiêm ngưỡng tượng Phật, thầm niệm Phật hiệu, hoặc đọc thầm bài kệ:
“Nhược đắc kiến Phật,
Đương nguyện chúng sanh,
Đắc vô ngại nhãn,
Kiến nhất thiết Phật”.
- Bên trong Niệm Phật đường chỉ có thể đi vòng bên hữu, không thể đi ngược chiều kim đồng hồ, là biểu thị chánh đạo. Đại chúng cộng tu niệm Phật nên chú ý, khi đi kinh hành không được dừng lại vái, xá (vấn tấn) tượng Phật, và ngay tại góc rẽ cũng không dừng lại vái, xá, chỉ cần hướng về phía trước hai tay kết định ấn, đưa lên ngang mày (tề mi) là được.
- Ngoại trừ lúc nghe kinh, niệm Phật, trong Niệm Phật đường không được ngồi bàn luận chuyện thế tục, càng không được lớn tiếng, gây ồn ào, thậm chí thảo luận Phật pháp cũng không thể lớn tiếng nói cười, tốt nhất nên chỉ ngữ, cấm ngữ (tịnh khẩu).
- Trong Niệm Phật đường không được gác chân, dựa vách, dựa bàn, chống cằm, chống nạnh, không vấy bẩn vào tường. Ngồi thì không ngồi chồm hổm; đứng thì đứng thẳng chắp tay (hiệp chưởng) hoặc Thiền ấn để biểu thị cung kính.
- Trong Niệm Phật đường không nên khạc nhổ, xì hơi, nếu bất đắc dĩ thì nên đi ra bên ngoài. Ngáp thì lấy tay áo che miệng, nếu có nước miếng, nước mũi thì dùng khăn ướt lau, xong cho vào trong túi, không thể đi ra đi vào làm ảnh hưởng đại chúng.
III. Kính Phật.
Phật là Vô Thượng đại sư, cứu chúng sanh đang chìm đắm trong biển khổ, trong nhà lửa tam giới, giúp chúng sanh trừ bỏ tà kiến quay về chánh giác.
- Không được bình phẩm tượng Phật trang nghiêm hay không trang nghiêm, phàm tượng Phật không được thờ trong phòng ngủ.
- Cúng Phật phải nên dùng hoa tươi, nước trong, đèn, hoa quả, hương thơm, không được cúng đồ mặn.
- Phàm đi qua nơi có tượng Phật phải nên chỉnh trang y phục, lễ bái hoặc chắp tay cúi đầu xá. Trong Niệm Phật đường phải nên lễ bái, nếu không có thời gian hay có điều bất tiện không thể lễ bái thì có thể chắp tay cúi đầu xá.
- Thấy tượng Phật bị hư hỏng hoặc không sạch, phải tận tâm tu sửa phục hồi, lau rửa cho sạch. Nếu không có biện pháp tu sửa, với tâm cung kính vừa niệm Phật vừa thiêu hóa, sau đó lấy tro đem chôn hoặc rãi xuống sông, không để người khác giẫm đạp.
- Dâng hương: Tâm chân thành chỉ cần dâng một nén hương là được, dùng ngón cái và ngón trỏ cầm hương, ba ngón kia khép lại, hai tay cầm hương đưa lên ngang mày, quán tưởng Phật, Bồ Tát thị hiện trước mặt chúng ta và tiếp thọ hương cúng dường, hoặc tịnh niệm “Nam mô A-Di-Đà Phật”. Nếu muốn dâng ba nén thì nén hương thứ nhất cắm vào giữa lư hương (miệng niệm, cúng dường Phật), nén hương thứ hai cắm vào bên phải (cúng dường Pháp), nén hương thứ ba cắm vào bên trái (cúng dường Tăng), chắp tay (cúng dường tất cả chúng sanh). Sau khi cắm hương vào lư, có thể lùi lại nửa bước rồi chắp tay cúi đầu xá.
- Đầu hương cháy không được dùng miệng thổi.
- Như nhìn thấy tượng Phật hoặc kinh điển đặt ở nơi bất tịnh, phải cung kính đem đến chỗ thanh tịnh (hai tay cầm lấy kinh đưa lên ngang ngực). Nếu thấy có người đối với tượng Phật không cung kính, phải nên gặp riêng và ân cần hướng dẫn cho họ.
Lễ Phật:
- Không nhất thiết phải vào giữa Niệm Phật đường để lễ Phật, chỉ cần có tâm cung kính thì đứng ở vị trí nào lễ bái cũng tốt. Nên biết, chúng sanh khởi tâm động niệm, Phật liền biết, miễn là xuất phát từ tâm chí thành, tâm cung kính thì đứng ở vị trí nào cũng được.
- Bất luận bên trong Niệm Phật đường có bao nhiêu tượng Phật, thông thường chỉ cần lễ Phật ba lạy là tốt. Nếu trong Niệm Phật đường đại chúng đã tập hợp thì phải nương theo đại chúng đứng vào hàng, có thể chắp tay cúi đầu xá rồi đứng trang nghiêm, chứ không nên lễ bái tránh làm ảnh hưởng trật tự của đại chúng mà cũng không hợp oai nghi.
- Ý nghĩa việc lễ Phật:
- Điều phục tâm kiêu căng ngã mạn.
- Nhìn thấy Thánh Hiền, chúng ta phải phát tâm cầu tiến, nổ lực tinh tấn tu học để được như quý Ngài, gọi là “Kiến hiền tư tề”.
- Sám trừ nghiệp chướng, trong kinh nói, “Lễ Phật một lạy tội diệt hằng sa”. Muốn diệt tội trước phải có tâm cung kính, oai nghi trang nghiêm mới có thể cảm ứng đạo giao với chư Phật, Bồ Tát hộ trì gia bị.
- Lễ Phật, xê dịch hai bàn chân phải chú ý để không giẫm lên áo hải thanh, không được nhấc cái mông lên cao mà phải đặt trên hai gót chân mới hợp lễ nghi. Động tác không nhanh không chậm, bên trong chân thành, bên ngoài cung kính mới cảm ứng đạo giao.
- Phàm có người đang lễ Phật nhất định không được bước ngang qua trước mặt họ, chúng ta có thể đi vòng theo hướng khác.
- Nếu có chúng xuất gia đang lễ Phật thì chúng ta phải ở phía sau, không thể ở ngang vị trí với chúng xuất gia. Tọa cụ ở giữa Niệm Phật đường là của phương trượng trụ trì lễ Phật, đại chúng không được tự ý sử dụng.
- Lễ Phật, không thể nhìn bề ngoài có vẻ như là rất cung kính, kỳ thực trong tâm đầy ngã mạn hoặc vì cầu danh mà tu hành cho nên mới tỏ ra cái dáng vẻ oai nghi như vậy.
- Nếu có duyên sự không tiện lễ bái, có thể chắp tay khom lưng cuối đầu xá, trong tâm chân thành cung kính.
- Kính Pháp:
Pháp là vô thượng lương dược có thể giúp chúng sanh đoạn phiền não độc bệnh, pháp thân thanh tịnh.
- Thỉnh kinh, cầm kinh:
- Muốn thỉnh kinh văn (để đọc tụng) trước phải chắp tay cung kính (thầm niệm A-Di-Đà Phật), hai tay cầm lấy kinh đưa lên ngang mày, rồi đưa xuống ngang ngực (hoặc để trên giá đọc kinh). Cầm kinh phải dùng hai tay, kinh văn ở giữa ngón trỏ và ngón giữa, ngón trỏ và ngón cái ở bên trên, ba ngón còn lại ở bên dưới.
- Phàm cầm kinh văn, tượng Phật phải dùng hai tay đưa lên ngang ngực, không được cầm một tay đi đi lại lại, rồi tùy tiện đặt để lung tung, tuyệt đối không được kẹp kinh vào nách.
- Đọc, tụng, xem kinh:
- Đọc, xem kinh Phật phải ngồi ngay ngắn trang nghiêm như đang đối trước Phật, Bồ Tát, không thể vừa ngồi vừa gác chân, dựa lưng mất vẻ cung kính. Muốn đọc, xem kinh, trước phải ngồi tịnh niệm giây lát, niệm thầm kệ:
“Vô thượng thậm vi diệu pháp
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ.
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì.
Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”.
Không thể vừa đọc, xem kinh, vừa ăn cái gì đó.
- Đọc kinh tất phải để ý tới ý nghĩa từng câu chữ, cùng tâm tương ứng, không thể đọc qua loa lấy lệ.
- Kinh Phật phải bảo quản cẩn thận, giữ gìn sạch sẽ không để bụi bẩn bám. Trên kinh có bụi phải lấy khăn lau sạch, không được dùng miệng để thổi. Không được để sách thế tục và tạp vật trên kinh Phật. Kính pháp như kính Phật.
- Cá nhân tụng kinh không nên làm trở ngại người khác, phải nên duyên theo đoàn thể mà tụng niệm.
- Đọc kinh dở chừng có thể lấy giấy làm dấu trang, không được xếp gấp trang kinh lại.
- Kinh điển chuyên dùng đọc tụng thì không được viết chữ lên. Nếu vạn bất đắc dĩ thì có thể dùng bút chì, sau khi đọc tụng thuộc phải xóa đi.
- Trong lúc đọc, xem kinh, nếu có người viếng thăm có thể chắp tay đáp lễ, lấy giấy làm dấu trang rồi gấp kinh lại mới đứng dậy đón khách. Muôn ngàn không thể chưa gấp kinh mà đã đối trước kinh điển nói chuyện thế tục, nói cười lớn tiếng, đây là hành vi khinh thường Pháp bảo. Nếu ho phải lấy tay áo che miệng. Cũng không thể chưa đọc xong mà sanh tâm phiền não. Nên biết, mục đích đọc tụng kinh là khai trí tuệ, niệm Phật là bồi dưỡng tín tâm, nguyện lực, ăn chay là trưởng dưỡng lòng từ bi.
- Khi đọc kinh nếu có sanh tạp niệm thì phải gấp kinh lại, đến khi hết tạp niệm rồi mới đọc trở lại.
- Đọc kinh xong, không thể để một nửa trên bàn, một nửa ngoài bàn, đối với kinh điển phải có tâm cung kính. Chẳng những đối với kinh điển mà áo hải thanh, tràng hạt và pháp khí đều phải có tâm cung kính.
- Kinh hư hao phải nên tu sửa. Nếu không tu sửa được, với tâm thành kính vừa niệm Phật, vừa thiêu hóa. Chỗ tro bụi còn lại nên xối nước cho sạch sẽ, không để người khác giẫm đạp.
- Kính Tăng.
- Năm tịnh đức đáng tôn kính của Tăng.
- Phát tâm ly tục: Phát tâm dũng mãnh, thoát ly phàm tục, tu tập Bồ Đề, xứng đáng là phước điền của thế gian.
- Hủy hoại hình hảo: Cạo bỏ râu tóc, hủy bỏ hình tướng đẹp, cởi bỏ y phục thế tục, mặc pháp phục của Như Lai, đầy đủ oai nghi như Phật.
- Vĩnh cắt tình thân: Cắt bỏ tình thân của cha mẹ, nhất tâm tinh cần học đạo, lấy đức báo ân sanh thành.
- Xả bỏ thân mạng: Không còn yêu tiếc thân mạng, nhất tâm cầu chứng Phật đạo.
- Chí cầu đại thừa: Tâm thương xót tất cả chúng sanh, chuyên chí cầu pháp đại thừa, vì độ thoát hết thảy hữu tình làm phước điền của thế gian.
Tăng là vô thượng phước điền của chúng sanh, có thể khiến trời, người kính phục cúng dường tứ sự. Với năm tịnh đức này của chư Tăng, chúng ta phải kính Tăng như kính Phật.
- Kính Tăng:
- Gặp người xuất gia phải cung kính chắp tay, niệm “A-Di-Đà Phật”. Phải có thái độ và cử chỉ kính nhường.
- Giữa đường giữa xá, lúc tĩnh tọa, tụng kinh, kinh hành niệm Phật, lúc tắm rửa, trong nhà vệ sinh, trên xe thuyền, lúc nằm ngủ thì không nên lễ bái chư Tăng.
- Được chư Tăng giao phó công việc, phải tận tâm tận lực làm cho thật tốt. Không được thỉnh nhờ chư Tăng mang xách đồ vật giúp chúng ta, (tỷ như, có người biết chư Tăng phải ra nước ngoài, liền thỉnh nhờ chư Tăng mang giúp hóa mỹ phẩm, thuốc lá, rượu miễn thuế…, điều này không hợp lý. Người xuất gia nếu có cơ hội ra nước ngoài cũng không nên giúp người mang giúp đồ vật, hành lý, bởi vì trong đó có thể cất dấu dược vật, hàng lậu…, điểm này phải cẩn thận).
- Đảnh lễ chư Tăng, có thể chí thành lễ một lạy. Nếu chư Tăng khiêm tốn không nhận lễ thì chắp tay cúi đầu xá, không nên cố chấp làm theo ý của mình. Nếu như hướng về chư Tăng nói “đảnh lễ đại đức tam bái”, mà chư Tăng không nói “miễn bái”, hoặc nói “có thể một bái” thì vẫn phải lễ ba lạy.
- Lúc gặp chư Tăng mà trong tay chúng ta đang cầm kinh Phật thì hai tay cầm kinh đưa kinh ngang mày, hướng về chư Tăng nói: “A-Di-Đà Phật”, hoặc “Chào sư phụ”.
- Không được lén nghe chúng xuất gia tụng Giới Kinh.
- Không được nói lỗi của người xuất gia. Không được cùng người xuất gia kết làm cha mẹ, huynh đệ, tỷ muội.
- Không cùng người xuất gia sống chung nhà, nếu bất đắc dĩ có thể chung nhà nhưng không thể chung phòng, chung giường.
- Xưng hô với chư Tăng:
- Đối với người xuất gia thì chúng ta không được gọi húy danh. Với Tỳ Kheo lớn tuổi phải tôn xưng là, “__ Lão pháp sư”, “__ Lão hòa thượng”, “__ Thượng nhân”, hoặc “Sư ông”, “Sư phụ”, “Pháp sư”. Với Tì Kheo ni lớn tuổi phải tôn xưng là “Ni sư”, hoặc “Sư phụ”, “Pháp sư”. Nếu không nhận biết là Tỳ Kheo hoặc Tì Kheo ni thì đều có thể tôn xưng là “Sư phụ”.
- Muốn hỏi tôn hiệu của chư Tăng, trước phải chắp tay “A-Di-Đà Phật”, sau đó mới hỏi: “Cho con mạn phép hỏi tôn hiệu của Thầy” hoặc “Xin hỏi Thầy, Thầy thượng gì?, hạ gì?”.
- Ở trước chư Tăng không thể xưng “Tôi”, có thể tùy vào mối quan hệ mà xưng: “Kẻ hậu học”, “Vãn học”, “Mạt học”, “Học nhân”, “Đệ tử”, [thông thường nhất là xưng “Con”].
- Cùng chư Tăng nói chuyện:
- Nếu có nghi vấn muốn thỉnh ý chư Tăng, phải nói: “Thỉnh sư phụ khai thị”. Thỉnh khai thị, phải xin chư Tăng định thời gian để không ảnh hưởng đến việc tu trì của chư Tăng. Nếu chư Tăng ở trên lầu thì phải lên lầu; nếu chư Tăng ở dưới lầu thì phải xuống dưới lầu, không thể ở trên lầu hay dưới lầu kêu réo chư Tăng.
- Chư Tăng hỏi thì phải cung kính chắp tay trả lời.
- Cùng với chư Tăng nói chuyện, không thể đứng, ngồi ngang hàng hay cao hơn chư Tăng, cũng không thể đứng giữa đường, giữa lối nói chuyện.
- Chư Tăng đang cùng khách trò chuyện, không được thất lễ ngắt lời, có thể ra bên ngoài ngồi đợi, có thể đứng yên lặng ở phía sau, khi chư Tăng cho phép thì mới được thưa chuyện, không thể khinh suất chen lời, đánh mất kính ý. Nếu có việc rất quan trọng, vạn bất đắc dĩ thì trước phải nói lời xin lỗi trước, sau đó mới thưa thỉnh.
- Chư Tăng xem kinh, viết sách, công phu thời khóa hoặc nghỉ ngơi, thì không nên tự ý vào gặp.
- Bốn Oai Nghi:
Muốn liễu thoát sanh tử, trước phải tuân theo khuôn phép quy củ. Khổng Tử chế lễ nghi, soạn nhạc cũng chỉ vì dạy người theo khuôn phép, cùng với oai nghi giới luật của Phật giáo không khác. Tự thân chấp trì thì trừ được tập khí xấu, tâm có chỗ nương tựa. Do vậy người xưa chế định bốn oai nghi cho người Phật tử là Hành (đi), Trụ (đứng), Tọa (ngồi), Ngọa (nằm), gọi là “Hành như phong, trụ như tùng, tọa như chung, ngọa như cung”.
- Hành như phong (đi như gió, tự tại không vướng mắc).
“Cử chỉ động bộ, tâm bất ngoại trì, vô hữu khinh táo, thường tại chánh niệm, dĩ thành tam muội, như pháp nhi hành dã”, (cử chỉ bước đi, tâm không hướng ngoại cảnh, không chậm cũng không vội, luôn trong chánh niệm, dễ thành tam muội, đúng như pháp mà đi).
Khi đi, từng bước từng bước nhẹ nhàng, hai mắt nhìn thẳng, không nhìn ngang ngó dọc, không kéo lê gót chân, cử chỉ trang trọng mà an nhiên, tâm thường trong chánh niệm (niệm Phật).
- Trụ như tùng (đứng thẳng như cây tùng).
“Phi thời bất trụ hoặc trụ thời, tùy sở trụ xứ thường niệm cúng dường, tán thán kinh pháp, quảng vi nhân thuyết, tư duy kinh nghĩa, như pháp nhi trụ dã”, (không đứng phi thời, nếu có đứng thì phải đúng chỗ, thường nhớ nghĩ cúng dường, khen ngợi kinh pháp, rộng vì người giảng nói, tư duy nghĩa kinh, như pháp mà đứng).
Khi đứng phải đứng thẳng giống như cây tùng an nhiên vững chãi trên mặt đất. Hai chân đứng hình chữ bát (八), không dựa vách, không xoay qua nghiêng lại, không lắc lư thân hình. Đứng cũng phải đứng ở chỗ nơi thích hợp, tâm thường trong chánh niệm.
- Tọa như chung (ngồi vững như đại hồng chung).
“Già phu yến tọa, đế quán thật tướng, vĩnh tuyệt duyên lự, trừng trạm hư tịch, đoan túc oai nghi, như pháp nhi tọa dã”, (kiết già tĩnh tọa, quán sâu thật tướng các pháp, dứt bặt các buồn lo, thanh tịnh như hư không, oai nghi đoan chánh, như pháp mà ngồi).
Ngồi phải thật vững vàng như đại hồng chung, [khi ngồi sống lưng phải thẳng, từng đốt cột sống phải xếp trên một đường thẳng, cổ thẳng, hai đầu gối chạm đất để phụ với xương cùng đỡ thân hình giúp chúng ta ngồi được lâu]. Không thể ngồi chồm phía trước, ngửa phía sau, nghiêng qua bên trái, ngã sang bên phải. Tư thế ngồi kiết già (liên hoa tọa, hàng ma tọa, sư tử tọa) rất đẹp, tỏa ra đạo lực có thể khiến người phát khởi niềm tin. Tâm thường trong chánh niệm.
- Ngọa như cung (nằm như hình chữ cung 弓).
“Phi thời bất ngọa, vi điều nhiếp thân tâm, hoặc tạm thời ngọa, tắc hữu vi yến an, bất vong chính niệm, tâm vô hôn loạn, như pháp nhi ngọa dã”, (không nằm phi thời, vì điều nhiếp thân tâm, nếu có tạm nằm phải nằm nghiêng hông bên hữu, không quên chánh niệm, tâm không hôn loạn, như pháp mà nằm).
Nằm như hình chữ cung, nằm nghiêng hông bên hữu, đêm không có ác mộng. Tâm thường trong chánh niệm, muốn điều dưỡng thân tâm phải như pháp mà nằm.
Cổ đức có bài kệ:
Cử Phật âm thanh mạn thủy lưu,
Tụng kinh hành đạo nhạn hành du.
Hiệp chưởng đương hung như phủng thủy,
Lập thân đảnh thượng tự an du.
Chiêm tiền cố hậu khinh di bộ,
Tả hữu hồi toàn bán triển mâu.
Oai nghi động tĩnh thường như thử,
Bất uổng không môn tố Tỳ kheo.
Tạm dịch:
Niệm Phật âm thanh, nước chảy chậm,
Tụng kinh hành đạo, nhạn du hành.
Chắp tay trước ngực, như bưng nước,
Thân thẳng, trên đầu dầu một chén.
Xem xét trước sau, bước nhẹ nhàng,
Xoay chuyển qua lại, mắt khép hờ.
Oai nghi động tĩnh thường như thế,
Chẳng uổng cửa Thiền làm Tỳ kheo.
[Trong Niên Phổ của Hư Vân lão hòa thượng, ngài giảng giải bài kệ này như sau:
Niệm Phật: Miệng niệm Phật, tâm tưởng Phật, dùng trí quán chiếu, âm thanh không nhanh không chậm như dòng nước chầm chậm trôi, miệng niệm tai nghe, không khởi vọng tưởng, niệm niệm nối nhau chảy vào biển Tát Bà Nhã (Nhứt Thiết Trí Hải). Một câu Phật hiệu này có vô lượng công đức, một câu Phật hiệu này có thể độ vô lượng chúng sanh.
Hành đạo: Tức là kinh hành, từng bước từng bước nhẹ nhàng thanh thoát, chẳng loạn, không nghiêng bên đông, ngã bên tây, có thứ tự như đàn nhạn bay trên bầu trời, người trước người sau bước chân thật đều, không áp sát quá cũng không cách thưa quá, tất cả mọi động tác đều phải dụng công.
Chắp tay: Hai bàn tay khép lại không trống ở giữa, mười ngón tay khép khít với nhau, không so le, tựa như đang bưng chén nước vậy, nếu nghiêng một bên thì nước liền đổ.
Trạm như tùng: Thân đứng thẳng như cây tùng, hai chân hình chữ bát (八), phía trước (hai ngón chân cái) khoảng tám phân, phía sau (hai gót chân) khoảng hai phân, thân thẳng, đầu thẳng, gáy tựa sát cổ áo, như có chén dầu trên đầu vậy, nếu nghiêng thì dầu sẽ đổ.
Hành như phong: bước chân nhẹ nhàng, không một chút vướng mắc, phải chú ý trước sau, không kéo lê dép, đi lên xuống lầu chớ làm gây tiếng động, chẳng giẫm đạp lên cỏ xanh, phải yêu mến hộ trì sinh vật. Khi mở mắt nhìn chỉ mở phân nửa, nhìn không quá ba đến năm, bảy thước.
Đi đứng ngồi nằm có đầy đủ oai nghi khiến người khác vừa nhìn liền sanh tâm kính trọng].
VII. Phép tắc.
Trong Phật môn khi gặp nhau chúng ta thường chắp tay, chào “A-Di-Đà Phật”, cúi đầu xá (vấn tấn), đảnh lễ (bái).
- Hiệp chưởng (chắp tay): Hai tay để trước ngực, khép mười ngón tay lại, (có nghĩa là nhất tâm, thập pháp giới hợp thành nhất chân pháp giới). Đây là động tác chào nhau rất lễ phép của người Ấn Độ xưa, chắp hai bàn tay lại, tập trung tâm tư biểu đạt ý nghĩa cung kính.
- Vấn tấn (xá), tức là hướng về sư trưởng chắp tay cúi đầu hỏi thăm bậc tôn thượng có khỏe không. Đa phần Phật giáo đồ Trung Hoa, sau khi lễ Phật thường “Hiệp chưởng, vấn tấn, tề mi, hiệp chưởng” (chắp hai bàn tay lại, cung kính khom lưng cúi đầu, đứng thẳng thủ ấn và đưa lên ngang mày, rồi đưa xuống chắp tay trước ngực).
- Bái (đảnh lễ). Gọi là “Đầu diện lễ, tiếp túc lễ”, hai đầu gối, hai khủy tay và đầu chạm đất. Thường gọi là “Ngũ thể đầu địa” (Lễ Phật có video hướng dẫn chi tiết cụ thể).
- Khi Phật tử gặp nhau, đa phần đều chắp tay xá chào và niệm “A-Di-Đà Phật”. A-Di-Đà Phật là dịch âm từ Phạn ngữ, ý nghĩa là “Vô Lượng Thọ”, “Vô Lượng Quang”. Một câu A-Di-Đà Phật bao hàm toàn thể hư không pháp giới, ý nghĩa vô cùng thâm diệu, nên khi gặp nhau không cần thiết phải hỏi thăm hay chúc phúc nữa.
- Có việc phải rời Niệm Phật đường đi ra bên ngoài, trước phải hướng Phật, Bồ Tát lễ tam bái, sau đến gặp sư phụ xin phép.
VIII. Thứ Tự đại chúng kinh hành.
– Tỳ Kheo trước, Sa di sau.
– Tăng trước, Ni sau.
– Xuất gia trước, cư sĩ sau.
– Nam trước, nữ sau.
- Áo Hải Thanh.
Nguồn gốc của áo hải thanh: Khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, do bởi khí hậu, phong tục tập quán, v.v… có thể khiến “ba y một bát” không còn phù hợp, việc mặc áo hải thanh bên trong Cà sa có lẽ thích hợp hơn. Hải thanh vốn là một loại trang phục của người địa phương tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Vì áo có cổ tay rộng thùng thình nên gọi là hải thanh. Trong các tòng lâm, tự viện của Phật môn đối với áo hải thanh cũng có hàm nghĩa khác. Hải thanh, Hải (海) là biển, biển thì rộng lớn mênh mông có thể dung nạp tất cả vạn vật. Thanh (青) là chữ thanh trong câu “Thanh xuất ư lam” (màu xanh được chiết xuất từ màu lam nhưng đậm hơn màu lam) có ẩn ý là học trò vượt trội hơn thầy, cũng có nghĩa là hy vọng đời sau vượt hơn đời trước. Mặt khác, cũng có người cho rằng tay áo hải thanh giống như đôi cánh chim, mà chim thì có thể bay lượn tự tại cho nên mới dùng tên này.
Bình thường khi chúng ta lễ Phật, tụng kinh thì mặc áo hải thanh là thích hợp nhất, dáng vẻ rất trang nghiêm, rất cung kính. Tuy nhiên, chúng ta không được mặc hoặc cởi áo ở trong Niệm Phật đường mà phải mặc ở liêu phòng.
- Mặc và xếp áo hải thanh (có video hướng dẫn cụ thể).
- Khi lên lầu, xuống lầu phải vén áo để tránh bết đất hoặc bị giẫm lên, lên lầu thì vén tà trước, xuống lầu thì vén tà sau.
- Khi mặc áo hải thanh thì lúc đi đứng không thể buông thõng hai tay, đánh đằng xa, có thể chắp tay hoặc Thiền ấn.
- Lúc quỳ, hai tay vén tà trước.
- Lúc tĩnh tọa hai chân không được duỗi thẳng để biểu thị tâm cung kính.
- Thọ Thực:
- Tự viện chưa cúng Ngọ thì chưa được dùng cơm (đây gọi là ăn cơm trước Phật).
- Nếu không có cúng Quá Đường, có thể niệm mười câu Phật hiệu trước khi ăn. Khi ăn phải ngồi ngay ngắn, đoan thân chánh ý, nhất định không được tán tâm, chuyện tạp, ăn trong chánh niệm.
- Phát tam nguyện: Trong nghi thức cúng Quá Đường, trước khi ăn phải khởi niệm Tam Đề và Ngũ Quán, đây là một nghi cách rất có ý nghĩa của nhà Phật. Trong Niệm Phật đường (có thể áp dụng trong tất cả các bữa ăn), trước khi ăn chúng ta niệm Phật và phát tam nguyện, là ba muỗng cơm lạt đầu tiên, mỗi muỗng niệm thầm một nguyện.
- Nguyện đoạn nhất thiết ác, vô nhất ác bất đoạn (nguyện đoạn tất cả việc ác, không một việc ác nào không đoạn). Chư ác mạc tác.
- Nguyện tu nhất thiết thiện, vô nhất thiện bất tu (nguyện tu tất cả điều thiện, không một điều thiện nào không tu). Chúng thiện phụng hành.
- Thệ độ nhất thiết chúng sanh, vô nhất chúng sanh bất độ (thệ độ tất cả chúng sanh, không một chúng sanh nào không độ). Niệm Phật cầu sanh.
- Cách thức cầm bát, đũa: Ngón cái đặt ở trên miệng bát, bốn ngón còn lại nâng trôn bát, gọi là “Long khẩu hàm châu” (miệng rồng ngậm ngọc). Tay nâng bát ngang trước ngực, tay cầm đũa, thong thả ghắp thức ăn, đưa thức ăn vào bát, gọi là “Phượng đầu ẩm thủy” (đầu Phượng uống nước).
- Ăn cơm xong phải hồi hướng cho chúng sanh:
“Phạn thực dĩ ngật,
Đương nguyện chúng sanh.
Thiền duyệt vi thực,
Pháp hỷ sung mãn”.
- Thính Pháp.
- Tâm thái nghe pháp: Phải chân thành tha thiết như đang cơn khát mong cầu có nước, có như vậy thì nghe pháp mới có thể diệt trừ được vọng niệm, sanh trí tuệ, một đời được tự tại.
- Văn, tư, tu: Để tâm chuyên chú lắng nghe, nghe xong phải tỉ mỉ tư duy tìm hiểu, sau khi hiểu rồi thì thực hành, đây mới thật sự đúng nghĩa thính pháp.
- Tư thế ngồi oai nghi: Ngồi ngay ngắn, cao đầu, thẳng ngực, nhiếp tâm sẽ giúp chúng ta nghe được rõ ràng hơn, thâm nhập hơn.
- Mặt bàn ngăn nắp: Mặt bàn là nơi để kinh điển nên chúng ta phải giữ gìn mặt bàn sạch sẽ, ngăn nắp chính là biểu hiện tâm cung kính Phật.
Discussion about this post