Bài 1: Làm sao để giúp xã hội an định hòa hợp thống nhất, Thế giới hòa bình (ngày 6 tháng 5 năm 2018)
Chư vị lãnh đạo, chư vị khách quý, chư vị đại đức, chư vị nữ sĩ, tiên sinh, xin chào mọi người!
Vô cùng cảm ơn lời mời nhiệt tình của Viện nghiên cứu tôn giáo Viện khoa học xã hội Việt Nam, hy vọng tôi có cơ duyên đến viếng thăm quý quốc nơi có sản vật phong phú, nhân dân cần cù, giang sơn gấm vóc, điều này khiến tôi cảm thấy vô cùng vinh hạnh và cảm kích! Việt Nam từ xưa đến nay có sự qua lại sâu dày với Trung Quốc, về mặt văn hóa có sự giao lưu sâu sắc. Nhìn lại những lịch sử này, khiến chúng tôi cảm thấy hai bên có sự ấm áp thân mật như tình thân hữu vậy.
Tôi vô cùng hy vọng được đích thân đến quý quốc tham quan học tập, nhưng do vì tôi năm nay đã 92 tuổi rồi, thể lực kém hơn nhiều so với trước đây, cho nên việc này phải nhiều lần trì hoãn, tôi cảm thấy vô cùng nuối tiếc! Vào cuối năm ngoái, tôi bị một trận bệnh nặng, nguyên khí tổn hao không ít, khiến tôi cảm thấy không thể thêm phần tiết chế về phương diện hoạt động hoằng pháp; cộng thêm các y bác sĩ cũng nhiều lần dặn dò tôi buộc phải tránh việc quá lao lực, mới khiến tôi bắt đầu thật sự coi trọng việc này. Năm nay ở Australia tôi có sắp xếp một số hoạt động và nhiệm vụ, buộc phải 2 lần đi đến Anh quốc và Pháp quốc, hơn nữa vào giữa tháng này đã cần phải đến trụ sở chính của tổ Giáo khoa văn Liên hiệp quốc Paris Pháp để tham gia hội nghị, vì vậy hành trình viếng thăm quý quốc đành phải trì hoãn một lần nữa, về việc này tôi cảm thấy vô cùng xin lỗi! Vì không muốn khiến mọi người ở quý quốc quan tâm và thương yêu tôi cảm thấy quá thất vọng, tôi thành khẩn thu lại bài diễn giảng này, mong sẽ bù đắp được phần nào sự nuối tiếc vì tôi không thể đích thân viếng thăm quý quốc, cũng hy vọng nhân đây nhận được sự từ bi thông cảm của chư vị, vô cùng cảm ơn mọi người!
Một trong những chủ đề Viện nghiên cứu tôn giáo cho tôi là “Làm sao giúp xã hội an định hòa hợp thống nhất, thế giới hòa bình”, đây là vấn đề mà nhân dân toàn cầu đều quan tâm rộng rãi. Tôi muốn dùng một chút tâm đắc của cá nhân khi học tập văn hóa truyền thống Trung Hoa và về phương diện thực hành thực tiễn, cúng dường cho mọi người tham khảo, những chỗ thiếu sót vẫn xin mọi người chỉ giáo thêm.
Giáo dục phổ thế thúc đẩy xã hội hòa hợp.
Trong thời đại ngày nay, khoa học tiến bộ, kinh tế phát triển, cuộc sống vật chất đầy đủ, nhưng văn minh tinh thần của nhân loại không những không được đồng bộ nâng cao, mà lại còn đang đi xuống dốc. Xã hội bây giờ là nhân tâm nông nổi, đạo đức trầm luân, người ta luôn luôn lo cho tự tư tự lợi, bỏ mặc người khác, thậm chí vì tranh danh đoạt lợi mà tổn hại người khác, vì thế đã gây ra đủ sự động loạn trong xã hội. Làm sao mới có thể thúc đẩy xã hội an định và hòa hợp? Trong “Lễ kí – Học kí” – trứ tác giáo dục sớm nhất của Trung Quốc đã có đáp án: “Dựng nước quản dân, dạy học đứng đầu”. Có nghĩa là, nếu muốn cai trị quốc gia, an định nhân dân, nhiệm vụ trọng đại đầu tiên chính là phổ biến giáo hóa đạo đức. Sự giáo hóa đạo đức này, chúng ta gọi nó là giáo dục phổ thế. Dưới đây chỉ tiến hành trình bày về 4 loại giáo dục phổ thế là luân lý, đạo đức, nhân quả và tôn giáo.
- Giáo dục luân lý
Cổ nhân Trung Quốc đưa giáo dục luân lý quy nạp thành ngũ luân, cũng chính là 5 loại quan hệ nhân tế thông thường. Căn bản của ngũ luân nằm ở gia đình.
Nhớ lại năm 2002, tôi nhận lời mời của tiên sinh Philip Ploy bộ trưởng bộ văn hóa đa nguyên kiêm bộ di dân của Australia đương thời, đã di dân đến Australia, mục đích là giúp đỡ chính phủ Australia đoàn kết tộc quần, đoàn kết tôn giáo. Cho nên tôi thường xuyên giao lưu với các giáo sư của đại học Queensland và đại học Griffith ở Brisbane. Hồi đó sự kiện 11 tháng 9 của Mỹ vừa xảy ra không lâu, mọi người đều đang vì vấn đề làm sao trừ bỏ chiến tranh, giữ gìn hòa bình mà bày ra sách lược. Các giáo sư hỏi ý kiến của tôi, tôi nói với mọi người, việc này cũng giống như điều trị bệnh tật vậy, buộc phải tìm ra mầm bệnh trước, mới có thể tùy bệnh cho thuốc; cũng vậy, muốn trừ bỏ chiến tranh, bắt buộc phải tìm ra căn nguyên của chiến tranh nằm ở đâu trước. Tôi nói, trên thực tế, căn nguyên của chiến tranh nằm ở gia đình. Họ nghe xong đều cảm thấy rất kinh ngạc, tại sao căn nguyên của chiến tranh lại nằm ở gia đình? Tôi nói với họ, những đứa trẻ sanh ra từ một gia đình cực kì không hòa hợp, quý vị làm sao có thể kì vọng khi các em bước vào xã hội lại có thể chung sống hòa hợp với người khác? Họ nghe xong, đều cảm thấy có chút đạo lý.
Do đó, quan hệ ngũ luân lành mạnh đối với sự hòa hợp xã hội là vô cùng quan trọng. Dưới đây sẽ giới thiệu đơn giản cho mọi người về ngũ luân, trình tự này là căn cứ theo sự thuận tiện khi diễn giảng mà sắp xếp.
Mối quan hệ thứ nhất trong ngũ luân là “phụ tử hữu thân”. Sự thân ái giữa cha mẹ và con cái là xuất phát từ thiên tính. Chúng ta quan sát một em bé mới sanh ra trong vòng 3 tháng, em vẫn còn chưa biết nói, không ai dạy em, nhưng mà từ trong ánh mắt em nhìn cha mẹ, và từ trong ánh mắt cha mẹ nhìn em, chúng ta có thể nhìn thấy sự thân ái tự nhiên giữa cha mẹ và các con như vậy. Tình thương này là tình thương không có điều kiện, là tình thương thật sự. Mục đích của giáo dục luân lý, tức là phải khiến cho tình thương đơn thuần vô tư này được giữ gìn mãi mãi, cả đời không thay đổi, đồng thời phải phát huy rạng rỡ, để thương tất cả mọi người. Phương thức giữ gìn chính là ngũ luân, trước hết là phụ từ tử hiếu: Cha mẹ đối với con cái phải từ ái, con cái đối với cha mẹ phải hiếu thuận.
Trung Quốc có một câu ngạn ngữ nói là “Trăm thiện hiếu đứng đầu”. Hiếu đạo vô cùng quan trọng, là căn bản của tất cả thiện hành; biết hiếu kính cha mẹ, tất cả thiện hành mới có gốc rễ, mới là chân thật và có thể lâu dài. Cha mẹ phải nên từ nhỏ đã dạy dỗ con cái làm sao hành hiếu, trong “Đệ tử quy” có phương pháp cụ thể. Điều quan trọng nhất là, cha mẹ buộc phải làm ra tấm gương thân giáo.
Người mẹ là cô giáo đầu tiên của các con, việc giáo dục đã được bắt đầu từ khi người mẹ mang thai, bởi vì thai nhi đã đang học tập rồi. Thời kì mang thai, người mẹ buộc phải cẩn thận thân, khẩu, ý, tất cả khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác của chính mình đều cần phải đoan chánh, phù hợp với yêu cầu của luân thường đạo đức, nhất là buộc phải tuân theo hiếu đạo. Thai nhi như vậy sẽ nhận được sự hun đúc năng lượng chánh diện, sau khi ra đời sẽ có chánh khí và chánh niệm, rất dễ dàng được giáo dưỡng.
1000 ngày (3 năm) sau khi em bé ra đời, là giai đoạn then chốt nhất của việc giáo dục, tất cả những người lớn xung quanh em bé đều cần phải làm ra những tấm gương tốt chánh diện, ngôn hành phải phù hợp với quy phạm của “Đệ tử quy”, tất cả những ngôn ngữ và hành vi bất thiện đều không thể cho em bé tiếp xúc. Sau khi bảo vệ em bé 3 năm như vậy, em bé sẽ có đủ năng lực phân biệt thị phi thiện ác, đối với những ngôn ngữ hành vi thiện em sẽ tiếp thu, đối với những điều bất thiện em sẽ tránh xa. 3 tuổi xây dựng nền tảng này, đến khi 80 tuổi cũng sẽ không thay đổi, người này chính là một thiện nhân đạt yêu cầu.
Xã hội bây giờ, chúng ta nhìn thấy một hiện tượng vô cùng đáng sợ, đó chính là người ta bị dục vọng vật chất che đậy mất đức hạnh mà thiên tính vốn có, gọi là “dục khiến trí mờ”! Cũng như lời người xưa đã nói “dục vọng càng sâu, thiên cơ càng cạn”. Vốn dĩ cha mẹ đối với con cái luôn có sự từ ái thiên tính, bây giờ lại có người mẹ đắm chìm vào trò chơi điện thoại, bỏ mặc con cái không màng tới; thậm chí khi em bé lớn tiếng kêu khóc, ảnh hưởng đến người mẹ đang chơi game, người mẹ lại bóp em bé cho chết, rồi tiếp tục đi chơi game. Vào thời xưa, những vụ án đại nghịch bất đạo mà cha mẹ con tàn sát lẫn nhau là rất ít khi xảy ra, nhưng trong thời đại này, lý trí của người ta bị che phủ nghiêm trọng, những việc cha con tàn sát lại trở nên không còn xa lạ, đây là hành vi ngay cả súc sanh cũng không bằng. Trong “Tả truyện” sử cổ Trung Quốc có nói “Người bỏ luân thường thì yêu nghiệt hưng”, điều này lại trở thành chân dung của xã hội hiện đại. Người hiện đại thiếu sót giáo dục luân thường đạo đức, kết quả đã làm ra những việc trái nghịch với luân lý, xã hội này liền biến thành yêu nghiệt lộng hành! Bây giờ chúng ta buộc phải nỗ lực đề xướng giáo dục luân lý đạo đức, khiến những phong khí tệ hại này được xoay chuyển lại, nếu không luân thường đạo đức một khi mất đi, xã hội sẽ rơi vào thời kì hắc ám, nhân loại sẽ sinh sống trong cảnh khổ đau.
Quan hệ thứ 2 trong ngũ luân là “trưởng ấu hữu tự”. Giữa các anh chị em phải y theo thứ tự lớn nhỏ để hành lễ kính, anh chị thương yêu các em, các em tôn kính anh chị; từ đó mở rộng ra, tức là phải tôn kính tất cả trưởng bối, thương yêu tất cả vãn bối. Ở trong nhà trường, tức là phải tôn kính thầy cô, thân ái bạn học. Sư đạo vô cùng quan trọng, tầm quan trọng của nó chỉ đứng sau hiếu đạo. Cha mẹ cho chúng ta thân mạng, thầy cô cho chúng ta huệ mạng. Người có thể tôn sư trọng đạo, mới có thể thật sự có thành tựu trong học vấn đạo đức.
Bây giờ một hiện tượng rất khiến người ta lo lắng, là rất nhiều trường học đã áp dụng mô thức kinh doanh thương nghiệp hóa, cứ như vậy, trường học biến thành tiệm học, thầy cô biến thành nhân viên, tất cả đều là suy nghĩ về hiệu ích kinh tế. Thậm chí các thầy cô không còn nghiêm khác yêu cầu chính mình trở thành gương mẫu của các em học sinh trong đạo đức và học vấn nữa, do đó không còn sự tôn nghiêm của sư đạo nữa, vậy thì cũng rất khó yêu cầu các học sinh tôn sư trọng đạo. Tình hình bây giờ ác hóa đến nỗi một số thầy cô đánh mất lương tri, khi lên lớp thì không nghiêm túc dạy học, lại yêu cầu các học sinh tham gia học thêm ngoài giờ, thầy cô mượn việc này để kiếm tiền dạy thêm. Có một số giáo viên trường mẫu giáo vì muốn tránh việc các em ồn ào, lại cho các em chích thuốc trấn tĩnh, uống thuốc trấn tĩnh, có một số nơi thậm chí còn xuất hiện những hành vi biến thái như xâm hại tình dục, ngược đãi tình dục khiến người người căm phẫn, những tin tức này khiến người ta vô cùng chấn động. Những hành vi bại hoại phong khí xã hội như vậy, khiến chúng ta không thể không suy ngẫm những vấn đề bên trong đó. Chúng ta có thể nói, căn nguyên của tất cả vấn đề đều là vì lý do thiếu sót sự giáo dục phổ thế.
Giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường là cơ sở của giáo dục xã hội, nếu như 2 sự giáo dục cơ sở này không làm tốt, giáo dục xã hội sẽ rất khó thành công. Cho nên nhiệm vụ khẩn cấp hiện nay là buộc phải thay đổi mô thức và lý niệm kinh doanh trong nhà trường, phải phù hợp với tinh thần của giáo dục phổ thế; đồng thời phải nâng cao hàm dưỡng đạo đức của các thầy cô, phụng hành chuẩn tắc “học vi nhân sư, hành vi thế phạm” mới có thể xoay chuyển tình thế suy bại này.
Quan hệ thứ ba trong ngũ luân là “phu phụ hữu biệt”. Giữa hai vợ chồng phải phân công hợp tác, một người phụ trách mưu sinh gia đình, một người kia phụ trách nuôi dạy con cái. Quan hệ vợ chồng là khởi điểm của ngũ luân, có quan hệ vợ chồng rồi, sau đó mới có quan hệ cha con, sau đó mới có quan hệ anh em, quan hệ quân thần, quan hệ bạn bè. Cho nên sự tốt xấu của quan hệ vợ chồng sẽ có ảnh hưởng then chốt nhất đối với xã hội an định. Quan hệ vợ chồng tốt đẹp, 4 mối quan hệ khác cũng sẽ theo đó mà tốt đẹp; quan hệ vợ chồng không tốt, 4 mối quan hệ khác cũng sẽ do đó mà sanh ra chướng ngại. Tỉ lệ ly hôn ở các nước trên thế giới bây giờ đều đang gia tăng, điều này là vô cùng bất lợi đối với xã hội an định.
Quan hệ vợ chồng muốn xây dựng cho tốt, đôi bên phải dùng tình nghĩa, ân nghĩa, đạo nghĩa để đối đãi lẫn nhau. Hôn lễ cổ đại của Trung Quốc vô cùng long trọng, trong đó có rất nhiều trình tự rườm rà, nhưng mỗi một bước đi đều có ý nghĩa và đạo lý của nó, đều là dạy đôi vợ chồng trẻ trí huệ sau này làm sao xây dựng cuộc sống hôn nhân. Ở đây cũng đang giáo dục đôi vợ chồng trẻ, hôn nhân tuyệt đối không phải là việc của 2 người mà thôi, mà nó liên quan đến gia đình của 2 bên, cũng liên quan đến sự tiếp nối tương lai của gia tộc, cho nên là 1 sự việc vô cùng trọng đại. Có đầy đủ sự coi trọng về hôn nhân, sau này sẽ tương đối không vì gặp phải đủ thứ chuyện bất như ý mà dễ dàng ly hôn.
Bây giờ trên rất nhiều truyền thông, luôn luôn xuất hiện những nội dung tô vẽ sắc tình, tình hình này đã ô nhiễm nghiêm trọng đến tâm của người lớn và trẻ nhỏ. Những hiện tượng này khiến cho phong khí xã hội hư hỏng trầm trọng, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bình thường của quan hệ vợ chồng trong gia đình. Những việc ngoại tình là một trong những nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn đến ly hôn, khi giữa 2 vợ chồng có một bên không thể chung thủy với đối phương, hôn nhân sẽ xuất hiện nguy cơ, cuộc sống gia đình sẽ bị quấy nhiễu nghiêm trọng. Làm sao mới có thể duy trì quan hệ vợ chồng bình thường và cuộc sống gia đình ổn định, đây là một thử thách lớn mà xã hội hiện đại phải đối diện. Đối với đủ mọi cám dỗ sắc tình trong xã hội, biện pháp tốt nhất chính là tránh tiếp xúc, bởi vì một khi đã tiếp xúc, thì rất khó không đắm chìm vào trong đó; một khi đã đắm chìm thì rất khó thoát ra được, kết quả đó luôn là thân bại danh liệt, thậm chí là tan cửa nát nhà.
Chúng ta thường nói, có 2 dạng người có thể cứu vãn thế giới, cũng có thể hủy diệt thế giới. Thứ nhất là người lãnh đạo quốc gia, bởi vì họ có quyền. Thứ hai là người làm truyền thông, nếu như nội dung truyền thông phát ra là những điều chánh diện, đó chính là đang cứu thế giới; nếu như nội dung phát ra là dạy người ta sát đạo dâm vọng, thì chính là đang hủy diệt thế giới. Do đó, chúng ta hy vọng truyền thông thường trình chiếu những nội dung chính diện về đạo đức nhân nghĩa…, bớt đăng những tin phiến diện, tất nhiên tốt nhất là hoàn toàn không đăng những tin tức phiến diện.
Quan hệ thứ 4 trong ngũ luân là “quân thần hữu nghĩa”, đây là nói về quan hệ giữa cấp trên cấp dưới trong cuộc sống xã hội, cần phải dùng đạo nghĩa để duy trì, phải coi đạo nghĩa còn quan trọng hơn cả lợi ích. Cấp trên nên đối tốt với cấp dưới, cấp dưới nên tận trung với cấp trên. Cấp trên phải đóng vai trò của quân thân sư, trong công việc thì là vai trò lãnh đạo, dẫn dắt cấp dưới làm tốt công tác bổn phận; trong cuộc sống là vai trò của cha mẹ, chân thành quan tâm cấp dưới; trong đạo đức học vấn là vai trò của người thầy, dạy dỗ cấp dưới đối nhân xử thế ra sao. Cấp trên có thể lấy thân làm mẫu trong 3 phương diện này, làm ra tấm gương tốt, quan hệ giữa cấp trên cấp dưới sẽ được tốt đẹp.
Vào cách đây 2300 năm trước, thời kì chiến quốc của triều Chu Trung Quốc, có một hôm Mạnh Tử đi gặp Lương Huệ Vương, Lương Huệ Vương câu đầu tiên đã hỏi Mạnh Tử, có phải có biện pháp gì mang đến lợi ích cho quốc gia của mình không? Câu trả lời của Mạnh Tử là, đại vương phải thỉnh cầu đạo nghĩa! Sao có thể chỉ nói tới lợi ích? Một câu danh ngôn của Mạnh Tử là “Trên dưới tranh lợi thì đất nước nguy!”, một quốc gia, nếu như từ cấp trên đến cấp dưới đều đang tranh đoạt lợi ích, vậy thì quốc gia đó sẽ gặp nguy hiểm! Lợi ích không phải không thể truy cầu, nhưng mà nhất định phải đem đạo nghĩa đặt ở vị trí ưu tiên, xã hội như vậy mới được an định hòa hợp.
Trong xã hội bây giờ, tình hình người ta truy danh trục lợi rất nghiêm trọng, nhân viên luôn luôn hễ nhìn thấy cơ hội việc làm có đãi ngộ cao hơn, lập tức liền thay đổi đơn vị công tác, hoàn toàn không hề để ý đến ân đức mà công ty ban đầu đã tốn bao nhiêu tinh thần để bồi dưỡng cho mình. Cách làm thấy lợi quên nghĩa như vậy là tuyệt đối không được dùng! Xã hội loài người cần phải chú trọng đạo nghĩa, xã hội mới trật tự chỉnh tề; nếu như người ta cứ luôn bội tín phản nghĩa, tổn người lợi mình, thì xã hội này sẽ biến thành một xã hội mang tính làm hại nhau, sau cùng thậm chí là có thể khiến cho cơ chế xã hội tan rã. Cho nên giáo dục đạo nghĩa là vô cùng quan trọng, cần phải giáo dục nhân dân chú trọng đạo nghĩa, coi đạo nghĩa còn quan trọng hơn cả lợi ích. Cần phải khiến mọi người hiểu được, lợi ích đại chúng mới là thật sự lợi ích chính mình, tổn hại đại chúng sau cùng là tổn hại chính mình.
Một quan hệ sau cùng của ngũ luân là “bằng hữu hữu tín”. Giữa bạn bè với nhau phải giữ thành tín, thành tín là đức hạnh cơ bản để lập thân xử thế, trên thế giới có rất nhiều quốc gia đều vô cùng coi trọng thành tín. Một người, nếu như bị người ta phát hiện không thành tín, thì rất khó đứng chân trong xã hội; cũng vậy, một công ty nếu như đánh mất uy tín, cũng rất khó tiếp tục phát triển lớn mạnh.
Chúng ta có trường hợp thực tế thế này, tức là đem mô hình đại gia đình cổ đại của Trung Quốc thực hành trong doanh nghiệp, gọi là “Doanh nghiệp hạnh phúc”. Ông chủ công ty chính là phụ huynh trưởng, các nhân viên đều là anh chị em, mọi người tương thân tương ái. Thực hiện giáo dục luân lý đạo đức trong doanh nghiệp, đã làm rất thành công, Singapore có không ít doanh nghiệp cũng đã học tập mô hình kinh doanh như vậy, kết quả đều có hiệu quả rõ rệt.
- Giáo dục đạo đức
Điều mục của giáo dục đạo đức có rất nhiều, điều căn bản nhất không nằm ngoài ngũ thường: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đây là tố chất vốn có của tự tánh mỗi người, cũng chính là thuộc về lương tri lương năng. “Tín” ở phần trước cũng đã nói qua rồi; còn về “nhân nghĩa lễ trí”, Mạnh Tử nói “Trắc ẩn chi tâm, nhân giai hữu chi; tu ố chi tâm, nhân giai hữu chi; cung kính chi tâm, nhân giai hữu chi; thị phi chi tâm, nhân giai hữu chi. Trắc ẩn chi tâm, nhân dã; tu ố chi tâm, nghĩa dã; cung kính chi tâm, lễ dã; thị phi chi tâm, trí dã. Nhân nghĩa lễ trí, phi ngoại thước ngã dã, ngã cố hữu chi dã”. Có nghĩa là: Mỗi một người đều có tâm đồng cảm, tâm hổ thẹn, tâm cung kính, tâm phân biệt thị phi; tâm đồng cảm chính là nhân, tâm hổ thẹn chính là nghĩa, tâm cung kính chính là lễ, tâm phân biệt thị phi chính là trí. Có thể thấy nhân nghĩa lễ trí không phải do ngoại cảnh đem đến cho chúng ta, mà là thứ chúng ta vốn dĩ đã có. Nhưng mà, những đức tính người người vốn có này, rất dễ vì sự nhiễm ô của ngoại cảnh mà bị che phủ, cho nên cần phải giáo dục để thức tỉnh và giữ gìn.
Mạnh Tử lại nói “Vô trắc ẩn chi tâm, phi nhân dã; vô tu ố chi tâm, phi nhân dã; vô từ nhượng chi tâm, phi nhân dã; vô thị phi chi tâm, phi nhân dã. Trắc ẩn chi tâm, nhân chi đoan dã; tu ố chi tâm, nghĩa chi đoan dã; từ nhượng chi tâm, lễ chi đoan dã; thị phi chi tâm, trí chi đoan dã. Nhân chi hữu thị tứ đoan dã, do kì hữu tứ thể dã”. Có nghĩa là: Nếu như không có tâm đồng cảm xót thương, tâm sám hối hổ thẹn, tâm khiêm hạ lễ nhường, tâm phân biệt thị phi thiện ác, thì không thể coi là 1 con người. Tâm đồng cảm xót thương là khởi đầu của nhân, tâm hổ thẹn sám hối là khởi đầu của nghĩa, tâm khiêm hạ lễ nhường là khởi đầu của lễ, tâm phân biệt thị phi là khởi đầu của trí. Một người có 4 khởi đầu nhân nghĩa lễ trí này, cũng giống như trên thân thể có tay chân tứ chi vậy; có 4 đức hạnh này mới coi là một người có nhân cách kiện toàn.
Còn về học thuyết tánh thiện của Mạnh Tử, chúng ta có thể hội rất sâu sắc. Bắt đầu từ năm 2003, dưới sự tiến cử của đại học Queensland, đại học Griffith, tôi đại diện đại học tham gia hội nghị hòa bình thế giới do Tổ chức giáo khoa văn Liên hiệp quốc tổ chức. Tôi đã nhiều lần phát biểu chủ đề diễn giảng trong hội nghị, nói với mọi người, giáo dục luân lý đạo đức có thể thúc đẩy xã hội hòa hợp và thế giới hòa bình. Sau cuộc họp có đại sứ nói với tôi rằng tôi nói rất là hay, nhưng mà đây là lý luận, không làm được. Tôi nghe xong giống như bị tát nước lạnh vào mặt vậy, rất thất vọng! Đồng thời tôi ý thức rằng, trong thế giới bây giờ nguy cơ lớn nhất thật ra chính là nguy cơ về tín tâm, mọi người đã đánh mất tín tâm đối với luân lý đạo đức. Làm sao mới có thể khiến mọi người xây dựng tín tâm? Một phương pháp duy nhất chính là phải làm thực nghiệm, cần phải làm ra một tấm gương, mọi người mới tin tưởng được. Năm 2005, ở quê hương tôi đã làm 1 thực nghiệm kì hạn 3 năm, chúng tôi đã mở một trung tâm giáo dục, phổ biến giáo dục luân lý đạo đức. Vốn dĩ tôi cho rằng phải cần thời gian hai ba năm mới có thể thu được hiệu quả, không ngờ rằng ba bốn tháng sau đã có hiệu quả rõ rệt. Then chốt của thành công nằm ở chỗ chúng tôi yêu cầu các thầy cô tự mình phải làm được 113 việc trong “Đệ tử quy” trước, sau đó mới đi dạy dỗ người khác.
Thị trấn nhỏ này có 4 vạn 8 ngàn cư dân, sau khi mọi người tiếp thu giáo dục luân lý đạo đức thì nhận biết lương tâm, phong khí trong trấn nhỏ sanh ra sự chuyển biến 180 độ: Tỉ lệ ly hôn và tỉ lệ phạm tội đều giảm xuống rõ rệt, quan hệ gia đình trở nên hòa thuận, giữa hàng xóm láng giềng trở nên hòa hợp, đường đi trở nên sạch sẽ, hiện tượng trộm cắp trong cửa hàng cũng biến mất. Có một người khách từ địa phương khác tới, để quên ví tiền ở trên xe taxi, tài xế taxi không tham của rơi, đem ví tiền giao cho đồn cảnh sát. Sau khi người mất nhận về lại được, đã lấy ra 2 vạn tệ để cảm tạ tài xế taxi, không ngờ bác tài lại từ chối tiếp nhận. Bác tài nói “Anh không cần cảm ơn tôi, đây là việc tôi nên làm. Nếu như là trước đây, tôi sẽ cuỗm mất số tiền này, sẽ không trả cho anh, nhưng mà bây giờ tôi đã tiếp nhận giáo dục luân lý đạo đức, đã hiểu rõ thế nào mới là đạo lý làm người đúng đắn, cho nên tôi sẽ không tham của không phải của mình. Không những tôi làm như vậy, mỗi một tài xế taxi trong thị trấn của chúng tôi đều sẽ làm như vậy”. Thực nghiệm này thành công đã chứng minh là nhân tánh bổn thiện, con người là có thể dạy tốt được. Then chốt nằm ở chỗ có nhận được sự dạy dỗ đúng đắn không, có được lắng nghe sự giáo dục phổ thế về luân lý đạo đức hay không. Từ đó có thể biết, giáo dục luân lý đạo đức thật sự có thể làm chân chính thế đạo nhân tâm, thực hiện xã hội hòa hợp, gia bang lễ nghĩa.
- Giáo dục nhân quả
“Thiện giả thiện báo, ác giả ác báo”, nhân quả báo ứng là chân thật bất hư. Phép tắc nhân quả này, trong văn hóa và tôn giáo của Đông Tây phương đều có. Nếu như người ta có thể tin sâu thiện ác sau cùng đều có báo ứng, thì sẽ tích cực mà tích đức hành thiện, chứ không dám làm điều xằng bậy. Cho nên, hiệu quả của giáo dục nhân quả là rất lớn! Tiếc là bây giờ rất nhiều người chỉ tin tưởng những thứ đã được khoa học chứng minh, đối với những sự việc khoa học vẫn chưa chứng minh, luôn luôn ôm một thái độ nghi ngờ thậm chí là phủ định. Họ nhìn thấy ngời hành thiện không lập tức nhận được thiện báo, người làm ác không lập tức nhận phải ác báo, liền cho rằng không có những chuyện nhân quả báo ứng như vậy. Không hề biết, từ nhân tới quả là cần có thời gian, cũng giống như sau khi đã gieo hạt giống trong ruộng, cần một thời gian nhất định để trưởng thành, mới có thể khai hoa kết quả. Nếu như những người này có thể phóng xa tầm mắt hơn nữa, nhìn thấy mười mấy năm hoặc là mấy chục năm, họ sẽ nhận ra được, nhân quả báo ứng quả thật không sai tơ hào.
Có rất nhiều ví dụ về nhân quả báo ứng. Trung Quốc có một ví dụ rất nổi tiếng, thời Minh có một người tên Viên Hoàng, hồi ông còn trẻ đã gặp được một cụ già biết xem tướng, đã tiên đoán cho ông lịch trình vận mệnh trong một đời. Kết quả trong khoảng 20 năm sau đó, mỗi lời tiên đoán đều đã ứng nghiệm, cho nên Viên Hoàng liền cho rằng tất cả đều là số mệnh an bài, không có gì để suy nghĩ nữa, cũng không cần phải đặc biệt nỗ lực nữa. Sau đó ông gặp được một vị thiền sư, dạy ông phương pháp cải tạo vận mệnh. Ông y theo đó mà làm, mỗi ngày ông đều nỗ lực đoạn ác tu thiện, sửa đổi những tập khí khuyết điểm của mình, kết quả vận mệnh của ông bắt đầu chuyển biến, lời tiên đoán của ông cụ bắt đầu không đúng nữa. Vốn dĩ ông không có số thi đậu cử nhân, sau đó không những đã thi đậu cử nhân, còn thi đậu cả tiến sĩ; vốn dĩ số ông không có con trai, về sau sanh được 1 người con trai; vốn dĩ thọ mạng của ông chỉ có 53 tuổi, sau đó đã kéo dài 21 năm, ông sống đến 74 tuổi. Ông đã đem kinh nghiệm và tâm đắc cải tạo vận mệnh của một đời mình viết thành một quyển gia huấn, tên là “Liễu Phàm tứ huấn”, đây là một quyển sách hay nổi tiếng, ở Nhật Bản cũng rất được coi trọng.
Từ đó có thể thấy, tuân theo phép tắc nhân quả, nỗ lực đoạn ác tu thiện, quả thật có thể gặp lành tránh dữ, cũng có thể cải tạo vận mệnh của mình, tâm tưởng sự thành. Giáo dục nhân quả là giáo dục phổ thế đáng để dốc sức đề xướng. Về điểm này, chúng tôi cũng đã làm một thực nghiệm số lượng lớn, chủ yếu là “Giảng đường đạo đức”. Cách làm của giảng đường đạo đức, là trong một môi trường an định không bị ngoại cảnh quấy nhiễu, chuyên chú học tập giáo dục luân lý, đạo đức, nhân quả, mỗi kì 7 ngày. Trong 7 ngày đó, đại đa số mọi người đều đã sanh ra sự thay đổi rất lớn, vốn dĩ con cái ngỗ nghịch đã trở nên hiếu thuận, vốn dĩ những người bạo lực đã trở nên hiền hòa, vốn dĩ những người tham lam lại trở nên biết đủ, vốn dĩ những người muốn ly hôn lại thành hòa hợp, vốn dĩ những người có hành vi xấu xa lại trở thành người tích cực hành thiện. Trong thời gian 3 năm, những trường hợp thành công đã đạt đến hơn mấy vạn người, bây giờ vẫn đang không ngừng gia tăng.
Giảng đường đạo đức sở dĩ thành công chủ yếu là do giáo dục nhân quả ở trong đó. Giáo dục luân lý đạo đức khiến người ta hổ thẹn khi làm ác, giáo dục nhân quả khiến người ta không dám làm ác, hiệu quả của cái sau lớn hơn cái trước. Giáo dục luân lý đạo đức không thể khiến người nào đó nhận ra lương tâm, nhưng mà sau khi họ đã tiếp nhận giáo dục nhân quả sẽ không dám tạo ác nữa, mà là nỗ lực tích đức hành thiện, bởi vì họ đã hiểu rõ, việc này liên quan đến vận mệnh và sự khổ vui trong tương lai của mình.
- Giáo dục tôn giáo
Các tôn giáo chủ yếu trên thế giới đều là giáo dục về tình thương, đều là dạy người ta phải thương người, không thể hại người. Ví dụ Cơ đốc giáo nói “Các con phải nên thương yêu lẫn nhau, giống như ta thương các con, các con cũng phải nên thương yêu lẫn nhau” (John 13:34 Studium Biblicum Version). Đạo Islam nói “Allah thật sự vô cùng khoan thứ” (Kinh Coran 4:149). Phật giáo nói “Chư Phật Như lai dùng tâm đại bi để làm thể vậy. Do vì chúng sanh, mà khởi đại bi; do vì đại bi, sanh tâm Bồ đề; do tâm Bồ đề, thành Đẳng chánh giác” (Kinh Hoa Nghiêm quyển 40 Phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện”. Đạo Sikh nói “Điều trong tâm ta trân quý hơn khắp tất thảy chính là tình thương, nó khiến ta có một sanh mạng vĩnh hằng trong trần thế” (Bài ca Kabir 24). Baha’i giáo nói “Mỹ đức tương ứng với sự tôn nghiêm của nhân tính chính là có thể dùng sự khoan dung, từ bi, đồng cảm và thân ái để đối đãi với tất cả dân tộc và mọi người trên trái đất” (Tuyển chọn tác phẩm của Bahá’u’lláh 215). Ấn Độ giáo nói “Nguyện trong con mắt của tất cả mọi người tôi luôn là một người bạn; nguyện trong con mắt của tôi tất cả mọi người đều là bạn bè; nguyện chúng ta trong con mắt của mỗi người đều là bạn bè” (Tế tự Vệ đà 36.18). Nho gia nói “Phàm là người, đều phải thương, cùng bầu trời, chung mặt đất” (Đệ tử quy). Đạo giáo nói “Cứu người khó khăn, giúp người nguy cấp, thương người cô quả, dung thứ lỗi người” (Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn).
Ngày nay chúng ta hy vọng thúc đẩy thế giới hòa bình, phải bắt tay từ đâu? Bắt tay từ việc thúc đẩy đoàn kết tôn giáo và chấn hưng giáo dục tôn giáo. Năm 1999, tôi dùng tứ nhiếp pháp của Phật giáo, bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, giúp đỡ 9 tôn giáo lớn của Singapore đoàn kết thành người một nhà. Chúng tôi thường xuyên cùng nhau giao lưu, cùng nhau tham gia các hoạt động tôn giáo quy mô lớn của nhau, cùng nhau dốc sức chấn hưng nền giáo dục tôn giáo, đôi bên học tập lẫn nhau. Điều này đối với sự an định và hòa hợp của xã hội Singapore có tác dụng thúc đẩy rất tốt, cho nên chúng tôi đã nhận được sự biểu dương của chính phủ Singapore.
Từ năm 2002, chúng tôi ở Toowoomba Australia thúc đẩy đoàn kết tôn giáo và chấn hưng giáo dục tôn giáo, hơn 10 năm nay, đã nhận được thành quả rất tốt. Bây giờ mười mấy tôn giáo ở Toowoomba đã đoàn kết thành người một nhà, thường xuyên cùng nhau hội họp, hoạt động, đồng thời cũng luân phiên phát sóng những tiết mục giáo dục tôn giáo ở trên đài phát thanh. Họ còn từ trong giáo nghĩa của mỗi tôn giáo mà trích lục 360 đoạn nhỏ tinh hoa gộp lại với nhau thành sách tên là “360 kinh điển tôn giáo”, học tập lẫn nhau. Tháng 3 năm ngoái, 9 vị đại sứ đại diện Tổ chức giáo khoa văn Liên hiệp quốc đến Toowoomba viếng thăm khảo sát, kết quả rất là cảm động, cho rằng Toowoomba thật sự đã thực hành đoàn kết tôn giáo và hòa hợp xã hội. Tháng 9 năm ngoái, những đại sứ này trong Đại hội hòa bình quốc tế của Tổ chức giáo khoa văn đã phát biểu cảm nhận về chuyến tham quan Toowoomba, khiến rất nhiều người nghe xong đã gia tăng tín tâm. Nếu như các vùng trên thế giới đều có thể thành lập khu mô phạm đoàn kết tôn giáo như vậy, làm ra tấm gương hòa hợp, tin rằng sẽ có ích lợi lớn cho việc đẩy mạnh hòa bình thế giới. Các đại sứ còn xin làm một phòng làm việc cho tôi ở trong Tổ chức giáo khoa văn, lấy tên là “Tịnh Không chi hữu xã”. Chúng tôi hy vọng sẽ sử dụng cơ sở này cho tốt để thúc đẩy giáo dục tôn giáo, tôn giáo học tập lẫn nhau và tôn giáo đoàn kết, hy vọng dùng phương pháp này để thúc tiến xã hội hòa hợp và thế giới hòa bình.
4 loại giáo dục phổ thế trên đây đối với xã hội hiện nay vô cùng quan trọng. Nếu như quý quốc có thể bồi dưỡng mười mấy vị giáo viên rất tốt, trên đài truyền hình và mạng internet tuyên dương 4 loại giáo dục phổ thế này, mỗi ngày phát sóng 24 tiếng đồng hồ, khiến nhân dân cả nước đều có thể học tập, tin là không lâu sau sẽ nhận được hiệu quả rất tốt, xã hội sẽ càng ngày càng an định, càng ngày càng hòa hợp.
Đoàn kết láng giềng, cùng xây hòa bình
Trong “Đại Việt sử kí toàn thư” chúng tôi có nhìn thấy một ghi chép thế này “Đế Minh con cháu Thần Nông, lấy Vụ Tiên Nữ làm vợ sanh ra Kinh Dương Vương, là thủy tổ của Bách Việt. Vương lấy Thần Long Nữ sanh ra Lạc Long Quân. Quân lấy con gái Đế Lai sanh được 100 người con trai cát tường, chuyện này có thể coi là sáng lập nước Việt chúng ta vậy”, thể hiện nhân dân quý quốc và nhân dân Trung Quốc đều cùng có chung một tổ tiên. Hơn nữa vào thời cổ đại, một thời gian rất dài, nhân dân quý quốc trong tam giáo Nho Thích Đạo đều có trình độ rất thâm hậu, đã xuất hiện rất nhiều thánh hiền quân tử và chuyên gia học giả kiệt xuất. Có thể thấy về phương diện văn hóa hai nước đã từng có sự giao lưu rất sâu xa.
Nhìn lại quá khứ, quý quốc và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đều thuộc về “Nhóm văn hóa Hán tự”, đều đã từng sử dụng chữ Hán, văn ngôn văn để làm văn tự văn bản, đồng thời đã có lượng lớn kho tàng điển tích về văn hóa truyền thống. Thế kỉ trước, lịch sử triết học gia nổi tiếng trên thế giới, tiến sĩ Toynbee Anh quốc đã từng nêu ra kiến nghị như thế này, Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản phải nên đoàn kết lại, cùng nhau cống hiến cho sự ổn định và hòa bình của thế giới. Chúng tôi rất khâm phục sự nhìn xa trông rộng của tiến sĩ Toynbee, cho nên trong cơ duyên này, cũng nêu ra kiến nghị của ông để cho chư vị tham khảo. Dù sao hiện nay khoa học, khoa kĩ tiến bộ, giao thông phát triển, toàn thế giới đã biến thành 1 thôn trái đất, thôn dân của thôn trái đất đều phải nên đoàn kết lại, chung sống hòa hợp, cùng nhau nỗ lực vì việc xây dựng gia viên tốt đẹp.
Lời kết
Nói tóm lại, phương pháp khiến xã hội an định hòa hợp thống nhất, thế giới hòa bình chính là thúc đẩy 4 loại giáo dục phổ thế là luân lý, đạo đức, nhân quả, tôn giáo. Nhân dân quý quốc tương đối chất phác, những nhiễm ô đã nhận phải cũng khá là nhẹ, tin là khi phổ biến sẽ dễ dàng hơn ở những quốc gia khác.
Cần phải tranh thủ hiện nay khi nhân tính vẫn chưa hoàn toàn bị đánh mất, đạo đức vẫn có thể tái hiện rực rỡ, nỗ lực thúc đẩy giáo dục phổ thế. Hy vọng dưới sự nỗ lực chung của mọi người, xã hội loài người sẽ trở nên càng ngày càng tốt, viễn cảnh tốt đẹp của thế giới hòa bình cũng có thể thực hiện thuận lợi.
Tại đây, chúc phúc chư vị thân tâm an khang, sáu thời cát tường! Chúc phúc quý quốc quốc vận hưng thịnh, quốc thái dân an! Chúc phúc thế giới an định hòa bình, trường cửu đại đồng! Cảm ơn mọi người!
Bài 2: Giáo dục Phật Đà: Giáo dục tôn giáo chí thiện viên mãn (ngày 6 tháng 5 năm 2018)
Kính chào chư vị pháp sư, chư vị khách quý, chư vị đại đức, các nữ sĩ cùng các tiên sinh, xin chào mọi người!
Tháng 3 năm nay, pháp sư Đức Thiện phó chủ tịch kiêm tổng thư kí giáo hội Phật giáo Việt Nam, tiên sinh Chu Văn Tuấn viện trưởng viện Nghiên cứu tôn giáo viện Khoa học xã hội Việt Nam, pháp sư Minh Quang phó hội trưởng ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình và chư vị đại đức thành tâm đã đích thân đến Hồng Kong để mời tôi đến viếng thăm quý quốc trang nghiêm tráng lệ. Đối với lời mời chân thành của chư vị pháp sư và đại đức, tôi vô cùng cảm động và biết ơn! Nhưng vì năm tháng không tha cho ai, sắc thân đã dùng 92 năm này đã khiến tôi cảm thấy lực bất tòng tâm; cộng thêm Australia đã sắp xếp hàng loạt hành trình, vào giữa tháng này tôi phải bay đến họp ở trụ sở chính của Tổ chức Giáo khoa văn Liên hiệp quốc Paris Pháp quốc, khiến tôi không cách nào đến viếng thăm và học tập quý quốc như mong muốn, tôi cảm thấy vô cùng xin lỗi! Vì không muốn khiến mọi người quá thất vọng, tôi đã thành khẩn thu lại bài diễn giảng này, hy vọng có thể bù đắp sự nuối tiếc vì tôi không thể đích thân viếng thăm, cũng thỉnh cầu mọi người thấu hiểu nỗi khổ vì tôi không thể phân thân làm việc được.
Phía tổ chức đã cho tôi 1 đề mục là “Giáo dục Phật Đà: Giáo dục tôn giáo chí thiện viên mãn”, là muốn tôi giới thiệu đơn giản về Phật giáo. Những vị có mặt ở đây đa phần là tín đồ Phật giáo, học Phật trước tiên phải hiểu rõ thế nào là Phật giáo, nếu không sẽ biến thành mê tín.
Nhận thức về Thích Ca Mâu Ni Phật
Khi tôi còn trẻ đã cho rằng Phật giáo là mê tín, là đa thần giáo, tôn giáo cấp thấp. May mà vào năm 26 tuổi đã gặp được giáo sư Phương Đông Mỹ, thầy là một đại triết học gia, đã giảng cho tôi một bộ “Triết học khái luận”. Thầy giáo Phương trong phần sau cùng của khóa trình này đã giảng về triết học kinh Phật, lúc đó thầy nói “Thích Ca Mâu Ni là triết học gia vĩ đại nhất trên thế giới, triết học kinh Phật là đỉnh cao nhất của triết học trên toàn thế giới, học Phật là sự hưởng thụ cao nhất trong cuộc đời”. Đây là điều tôi chưa bao giờ nghe thấy, cho nên tôi bắt đầu sanh tâm hứng thú về Phật giáo. Sau khi nghiêm túc đọc và nghiên cứu sách Phật, tôi mới hiểu được Phật giáo là giáo dục, là sự giáo dục chí thiện viên mãn của Đức Phật dành cho chúng sanh 9 pháp giới.
Vị thầy thứ 2 dạy tôi Phật pháp là đại sư Chương Gia – đại đức xuất gia của Phật môn, thầy nói chúng ta học Phật, trước hết phải làm quen với Thích Ca Mâu Ni Phật, chỉ sau khi có sự nhận thức chân chánh về cuộc đời của Đức Phật rồi, học Phật mới không đi vào các ngả rẽ. Đại sư chỉ thị tôi đọc “Thích Ca Phương Chí” và “Thích Ca Phổ”, cũng là đọc truyện kí của Thích Ca Mâu Ni Phật. Sau khi đọc xong 2 quyển sách này, tôi mới phát hiện ra, thân phận của Thích Ca Mâu Ni Phật, dùng thuật ngữ hiện nay mà nói, là một người “công tác nghĩa vụ cho giáo dục xã hội văn hóa đa nguyên”. Trước khi ngài xuất gia, thân phận của ngài là một vị thái tử. Khi ngài còn trẻ, đã nhìn thấy chúng sanh thế gian lão, bệnh, tử khổ, liền hy vọng có thể tìm được phương pháp khiến chúng sanh thoát khổ được vui, vậy là ngài đã chọn cách xuất gia tu đạo. Trải qua nhiều năm tu học, và trải qua 6 năm khổ hạnh, ngài vẫn không tìm được con đường thoát khổ được vui rốt ráo. Sau cùng, ngài ngồi dưới cội bồ đề, đem những phiền não vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình tất thảy đều buông bỏ triệt để, vậy là ngài đã khôi phục trí huệ viên mãn vốn có trong tự tánh của chính mình, sáng tỏ triệt để chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Sau khi khai ngộ, ngài đã bắt đầu làm công tác giảng kinh dạy học. Từ năm 30 tuổi khai ngộ mãi cho đến 79 tuổi viên tịch, việc dạy học của Thích Ca Mâu Ni Phật chưa bao giờ ngưng nghỉ. Mục tiêu và tông chỉ dạy học một đời của ngài chính là muốn giúp đỡ tất cả chúng sanh hiểu được chân tướng của vũ trụ nhân sinh, giúp đỡ chúng sanh có được trí huệ, phá mê khai ngộ, sau cùng thoát khổ được vui.
Chế độ học vị của Phật giáo
Trí huệ mà Phật giáo nói tới bao gồm 3 loại lớn. Loại thứ nhất là “Nhất thiết trí”, nếu dùng danh từ triết học hiện đại mà nói thì tức là cái hiểu đúng đắn về bản thể vũ trụ, trí huệ như vậy trong Phật pháp gọi là “Nhất thiết trí”. A la hán chứng đắc trí huệ này, nhận được quả vị “Chánh giác”, đây cũng giống như học vị cử nhân của thế gian.
Loại trí huệ thứ hai là “Đạo chủng trí”. “Chủng” là chỉ hiện tượng, hiện tượng trong vũ trụ, chủng loại vô lượng vô biên, những hiện tượng này đã được sản sanh như thế nào? Từ đâu mà tới? Quá trình hiện tượng ra sao? Kết quả về sau thế nào? Trí huệ có thể lý giải đúng đắn vạn tượng vũ trụ, đây gọi là “Đạo chủng trí”. Bồ tát chứng đắc trí huệ như vậy, nhận được quả vị “Chánh đẳng chánh giác”, cái này cũng giống như học vị thạc sĩ của thế gian.
Loại trí huệ thứ 3 là “Nhất thiết chủng trí”, tức là sáng tỏ rốt ráo viên mãn đối với chân tướng vũ trụ nhân sinh, không còn một mảy may mê hoặc, cũng không còn một tơ hào sai lầm. Trí huệ đạt đến cứu cánh viên mãn, không gì không biết, không gì không thấy. Đức Phật chứng được trí huệ như vậy, nhận được quả vị “Vô thượng chánh đẳng chánh giác”, cũng giống như học vị tiến sĩ của thế gian. Cho nên “Phật” không phải là chuyên chỉ một mình Thích Ca Mâu Ni Phật, mà là chỉ những người chứng đắc trí huệ cứu cánh viên mãn, đều gọi là “Phật”.
Hệ thống tu học của Phật pháp
Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh thuyết pháp 49 năm, những nội dung đã giảng vô cùng nhiều, những nội dung này có thể quy nạp thành 5 thừa: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ tát thừa. “Thừa” là phương tiện giao thông, đây là một sự so sánh. Đối với những người hoan hỉ làm người, Đức Phật dạy họ thọ trì ngũ giới, ngũ giới có thể đưa họ đến cõi người. Đối với những người hoan hỉ sanh thiên, Đức Phật dạy họ tu thập thiện, thập thiện có thể đưa họ đến cõi trời. Đối với những người hoan hỉ trở thành A la hán, Đức Phật dạy họ pháp môn Tứ đế, giải thoát sanh tử luân hồi, đây là Thanh văn thừa. Đối với những người hoan hỉ trở thành Bích Chi Phật, Đức Phật dạy họ pháp môn 12 nhân duyên, không những đoạn được phiền não thô nặng, ngay cả tập khí phiền não cũng không còn nữa, đây là Duyên giác thừa. Đối với người hoan hỉ thành Phật, Đức Phật dạy họ tu pháp môn Lục độ vạn hạnh, rộng độ chúng sanh, Bồ đề viên mãn, đây là Bồ tát thừa.
Dưới đây, chúng ta dùng “Tịnh nghiệp tam phước” để giới thiệu đơn giản về cơ sở của Phật pháp ngũ thừa. Trong “Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật” Đức Phật đã nói cho phu nhân Vi Đề Hi, tam phước này là “Tam thế chư Phật tịnh nghiệp chánh nhân”. Tam thế chư Phật là Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật vị lai. Tất cả chư Phật tu hành chứng quả, đều phải lấy 3 phước này làm cơ sở.
Trước hết chúng ta coi phước thứ nhất, có 4 câu là “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Câu thứ nhất “Hiếu dưỡng phụ mẫu”, kinh Phật được dịch từ Phạm văn Ấn Độ thành tiếng Trung Quốc, văn tự của Trung Quốc vô cùng đặc biệt, hơn nữa hàm nghĩa vô cùng sâu sắc, là một loại hoa văn trí huệ. Chữ “hiếu” này là chữ hội ý, chúng ta phải thể hội được ý nghĩa của chữ này. Ở phía trên nó là một chữ “lão”, ở phía dưới là một chữ “tử”, đây là nói với chúng ta, thế hệ trước và thế hệ sau là nhất thể, là một, không phải hai. Quá khứ còn có quá khứ, vị lai còn có vị lai; quá khứ vô thủy, vị lai vô chung, thời gian và không gian vô thủy vô chung, tức là “dọc cùng ba cõi, ngang khắp mười phương”. Nói một cách khác, cả vũ trụ này là một chữ “hiếu”. Cho nên người thế nào mới có thể làm được chữ hiếu cho viên mãn? Nói cho chư vị nghe, chỉ có thành Phật; nếu như không thành Phật, chữ “hiếu” này làm thế nào cũng không thể viên mãn được.
Cho nên hiếu thân không những là phụng dưỡng cha mẹ, trong Giới kinh có nói “Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta”, đây là đã phát huy rộng rãi hiếu tâm hiếu thuận cha mẹ này, tận hư không khắp pháp giới chính là một hiếu đạo, cho nên Phật pháp Đại thừa là xây dựng trên cơ sở của hiếu đạo. Phật pháp là sư đạo, sư đạo nhất định là lấy hiếu đạo làm cơ sở, không có hiếu đạo thì không nói tới sư đạo được. Người hiếu thuận cha mẹ thì sẽ tôn kính sư trưởng; nếu như họ không tôn kính sư trưởng, không nghe lời của thầy, không cố gắng học tập, cha mẹ sẽ buồn phiền, sẽ lo lắng, đây chính là bất hiếu. Anh em nhất định phải hòa thuận, nếu như không hòa thuận, cha mẹ sẽ buồn lòng, đây cũng là bất hiếu. Họ chắc chắn sẽ làm việc nghiêm túc có trách nhiệm, nhất định sẽ tuân thủ công pháp, tại sao? Không khiến cha mẹ lo lắng, không khiến cha mẹ bận tâm. Cho nên hiếu đạo quả thật là sự viên mãn rốt ráo của tánh đức, Đức Phật dạy cho chúng ta học bắt đầu từ chỗ này.
Phải tôn kính thầy cô. Đức Phật là người thầy sớm nhất của chúng ta, người thầy khởi đầu từ 3000 năm trước, ngay cả vị thầy xa xưa như vậy cũng tôn trọng, cũng niệm niệm không quên, thì làm sao có chuyện không tôn trọng đối với người thầy trước mắt! Cho nên chúng ta thờ tượng Phật là đền ơn đáp nghĩa, có nghĩa là báo ân, đây là điều nhất định phải biết, chứ không phải coi ngài như một vị thần minh. Đây là tại sao đệ tử Phật phải thờ hình tượng Phật, nó có ý nghĩa giáo dục hết sức sâu sắc ở trong đó, khiến chúng ta nhìn thấy hình tượng Phật Bồ tát liền nghĩ tới hiếu kính, hiếu thân tôn sư.
“Kinh Địa Tạng” là hiếu kinh trong Phật giáo, trong “Kinh Địa Tạng” sau khi Đức Phật giảng đại viên mãn, tiếp đó là giảng từ bi; tịnh nghiệp tam phước ở đây, sau khi đã giảng hiếu thân tôn sư, tiếp đó cũng là giảng từ bi. Từ chỗ này chúng ta sẽ hiểu được, từ bi là một khoa mục vô cùng quan trọng. Hiếu kính mở rộng ra chính là từ bi.
Tại sao điều đầu tiên trong từ bi là “bất sát”? Trong tất cả ác nghiệp, ác nghiệp sát sanh này là nặng nhất, tại sao? Tất cả chúng sanh có sanh mạng, không có một loài nào không tham sống sợ chết. Ngày nay quý vị giết nó, nó sẽ ôm hận trong lòng: “Ông giết tôi, kiếp sau tôi nhất định sẽ giết ông”. Oan oan tương báo như vậy không bao giờ hết, thù hận càng tích càng sâu, đây là điều đáng sợ nhất. Cho nên nói tới từ bi, phương diện mà từ bi bao gồm là sâu rộng vô hạn, cho nên Đức Phật đặc biệt nêu ra việc này. Nói một cách khác, sát sanh chính là bất kính với thầy, bởi vì thầy đã dạy chúng ta ngũ giới, điều thứ nhất của giới căn bản chính là không sát sanh, ngày nay chúng ta còn sát sanh thì nghe lời thầy ở chỗ nào! Đây chính là bất kính với thầy. Bất kính với thầy cũng chính là bất hiếu với cha mẹ, cha mẹ hy vọng chúng ta nghe lời của thầy, y chiếu giáo huấn của thầy mà phụng hành, nhưng ngày nay không nghe theo lời của thầy nữa. Cho nên sự sát sanh này, không những đã đánh mất tâm từ bi, hơn nữa tất cả sự hiếu kính đều không còn. Cho nên ý nghĩa này rất sâu rất sâu!
Một điều phía sau là “Tu thập thiện nghiệp”, thập thiện nghiệp là tiên chuẩn của thiện pháp thế gian. Đức Phật nói với chúng ta, có thể tu được 10 thiện nghiệp này, chắc chắn không đọa vào 3 đường ác. Thập thiện nghiệp thượng phẩm thì có thể sanh thiên; nếu như lại thêm vào thiền định, tứ vô lượng tâm (từ bi hỉ xả), họ sẽ sanh đến tầng trời càng cao hơn, tầng rất cao như trời Sắc giới, trời Vô sắc giới.
Thập thiện có thể quy nạp thành 3 loại lớn: Thân, khẩu, ý. Thân nghiệp có 3 điều: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. Đây là đối với các đồng tu tại gia mà nói, nếu là người xuất gia thì phải sửa thành không dâm dục, phải đoạn trừ sạch sẽ.
Nói đến không tà dâm, chúng sanh lưu chuyển trong tam giới, tam giới là dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Nếu như dâm tâm không được hàng phục, họ tu thiện cao tới đâu đi nữa cũng chỉ có thể sanh trong trời Dục giới. Dục giới có 6 tầng, càng lên cao tình dục càng giảm nhẹ. Từ đó có thể thấy, người thật sự tu thiền đắc thiền định, định công sẽ chế phục tất cả ý niệm dâm dục, chắc chắn không khởi hiện hành, cho nên ngũ dục tài sắc danh thực thùy tất thảy đều không còn nữa; mặc dù cái gốc chưa đoạn, họ có công phu thiền định, ý niệm này sẽ không sanh khởi được, sẽ không khởi hiện hành, vậy mới có tư cách sanh ở cõi trời Sơ thiền trở lên.
Nói tới không trộm cắp, trộm cắp là không cho mà lấy. Ngày nay chúng ta đầu cơ trục lợi muốn trốn một chút thuế, trốn thuế chính là trộm cắp, là trộm của quốc gia, phạm tội càng nặng. Mình trộm của một người, tương lai trả nợ cho một người; mình trộm của quốc gia này, tương lai quốc gia này có nhiều lão bá tánh như vậy, người người đều là chủ nợ của mình, có trả nổi không? Trả không hết. Cho nên người thật sự học Phật nhất định sẽ tuân thủ pháp luật, nhất định không dám đầu cơ trục lợi. Vì vậy không phạm giới trộm cắp, không phạm giới dâm, không phạm giới sát, đây là 3 nghiệp của thân.
Khẩu nghiệp có 4 loại, khẩu nghiệp là chỉ tất cả ngôn ngữ nói ra, có 4 thiện pháp. Thứ nhất là không nói dối. Nói dối là rắp tâm lừa gạt người khác, cũng tức là không thành thật. Thứ hai là không nói hai chiều. Nói hai chiều là chia rẻ thị phi, ở trước anh A thì nói “Anh B nói xấu anh”, trước mặt anh B thì nói “Anh A nói xấu anh”, đây là khiêu khích hai đầu, chia rẻ thị phi, bất luận là cố ý hay là vô ý. Xã hội này của chúng ta có rất nhiều người đều không phải cố ý, họ vô tình gây chuyện thị phi chia rẻ, cũng như có những lúc chuyển lời càng chuyển càng sai lệch, chuyển đạt ý nghĩa sai lầm. Vốn dĩ người ta không có cái ý này, họ ở đó nói chuyện, chỗ này thêm một chút, chỗ kia thêm một chút, thêm mắm thêm muối, khiến cho ý của người ta hoàn toàn bị điên đảo, cho nên đây là một sai lầm rất lớn! Nhỏ thì khiến 2 người bất hòa, lớn thì khiến 2 quốc gia đánh nhau, lỗi lầm này rất là nặng, nhất định không thể nào sơ suất. Thứ ba là không nói lời ác. Thứ tư là không nói thêu dệt. Thêu dệt là lời ngon tiếng ngọt, nói nghe vô cùng hay, nhưng lại dụng ý bất thiện. Ví dụ bây giờ trong xã hội có rất nhiều phim ảnh, rất nhiều ca vũ, âm nhạc, nghe có vẻ rất là hay, nhìn có vẻ cũng không xấu, nó dạy người ta điều gì? Đều là dạy người ta sát đạo dâm vọng, những loại này tất thảy đều thuộc về nói thêu dệt. Miệng phải tránh 4 loại ác nghiệp này, khẩu nghiệp sẽ thiện lành.
Thứ 3 là ý nghiệp, cũng tức là khởi tâm động niệm của chúng ta. Trong ý nghiệp quy nạp thành 3 loại lớn: Không tham, không sân, không si. Tham là tham ái, bao gồm keo kiệt, cho nên thường nói “keo kiệt tham lam”. Chúng ta đối với những thứ mình không có thì lao vào mong cầu, hy vọng có được, đây là tâm tham; đối với những gì đã có thì không buông được, không xả được, không chịu giúp đỡ người khác, đây là bủn xỉn, cũng là tâm tham. Tham là chướng ngại lớn nhất khi tu học Phật pháp, cho nên Đức Phật dạy chúng ta bố thí, bố thí tức là xả bỏ tâm tham. Có một số đồng tu cũ học Phật, đối với danh văn lợi dưỡng của thế gian pháp họ không tham nữa, điều này rất hiếm có, nhưng họ lại tham Phật pháp, cái này muốn học, cái kia cũng muốn học, quý vị nghĩ coi, tâm tham của họ vẫn chưa có đoạn trừ. Đức Phật bảo chúng ta đoạn tâm tham, không phải bảo chúng ta đổi đối tượng của tham. Lúc trước tham thế gian pháp, bây giờ tham Phật pháp, vẫn là tâm tham, tâm tham còn tồn tại, đây là điều sai lầm. Cho nên đối với Phật pháp và thế gian pháp, tất thảy đều không thể tham ái.
Kế tiếp là không sân hận. Thật ra mà nói, tại sao lại sân hận? Tham không được thì sân hận; nếu như tham được rồi, họ sẽ không khởi tâm sân hận nữa. Sân hận là phiền não rất lớn. Tham sân si gọi là tam độc phiền não. Than lam bủn xỉn là nghiệp nhân của ngạ quỷ, người chết rồi tại sao lại biến thành ngạ quỷ? Tâm tham không đoạn. Tại sao lại đọa địa ngục? Sân hận không đoạn. Tại sao lại thành súc sanh? Ngu si. Thế nào là ngu si? Thế pháp, Phật pháp có thật có giả, có chánh có tà, có thị có phi, có thiện có ác, không phân biệt rõ ràng, không có năng lực, coi cái giả thành cái thật, coi cái tà thành cái chánh, đây là ngu si. Chứ không phải họ cố ý như vậy, họ là vô ý, tại sao vô ý? Ngu si, không có trí huệ. Cho nên tam độc phiền não là chướng ngại nghiêm trọng nhất trong chân như bản tánh của chúng ta. Tu học Phật pháp phải nên bắt đầu tu từ đâu? Tu từ căn bản. Căn bản là gì? Căn bản là tâm, tâm có tham sân si, có tham sân si tức là sai lầm, cần phải sửa đổi nó lại. Cho nên phải sửa từ tâm, tức là tu từ căn bản. Thân 3 điều, khẩu 4 điều, ý 3 điều, gộp lại gọi là thập thiện nghiệp.
“Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”, tất thảy chúng ta đều có thể làm được, vậy mới được coi là người thiện thế gian. Trong thế gian pháp có nói thiện nam tử, thiện nữ nhân, thì cần phải phù hợp với tiêu chuẩn này. Nhưng trong kinh điển thiện nam tử, thiện nữ nhân mà Đức Phật nói, như vậy vẫn chưa đủ, bởi vì tiêu chuẩn đó còn cao hơn những điều này. Có thể thấy đây là tiêu chuẩn thấp nhất, nhưng lại không dễ gì làm được rồi.
Phước thứ hai trong tam phước có 3 câu nói “Thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm uy nghi”, đây là nói về phước nhị thừa, nhị thừa tức là Thanh văn và Duyên giác, cũng tức là Phật pháp Tiểu thừa. Chúng ta đã biết, Đại thừa là lấy Phật pháp Tiểu thừa làm cơ sở. Ngày nay chúng ta tu học Phật pháp Đại thừa, kinh Tiểu thừa không học nữa, vậy cũng giống như xây một tòa lầu, không cần đến nền móng, tầng thứ nhất cũng không cần nữa, đã muốn bắt đầu xây từ tầng thứ hai, đây là lâu đài trên không, cho nên xây thế nào cũng không thành công. Đây chính là tại sao một đời này chúng ta không gặp được những nhân tài Phật pháp chân chính xuất hiện. Không như trước đây, đời đời đều có cao tăng đại đức, đều có xuất hiện cư sĩ tại gia chân chính tu học, một đời này thì lại không có. Tại sao lại không có? Tức là mọi người đã lơ là mất cái nền tảng.
Tiểu thừa xây dựng trên cơ sở của nhân thiên, tức là xây dựng trên cơ sở ở phía trước, phía trước nói về hiếu thân, tôn sư, từ tâm, tu thập thiện nghiệp, phải xây dựng trên cơ sở này, nhờ cơ sở này mới có thể thật sự bước vào Phật môn. Có điều kiện học Phật rồi, và bước vào Phật môn thì trước tiên phải bái sư, thọ tam quy y. Tam quy y là việc vô cùng long trọng, vô cùng nghiêm túc, là một sự việc lớn, không phải việc nhỏ. Đây là chúng ta chính thức bái Thích Ca Mâu Ni Phật làm thầy, một đời này y theo giáo huấn của thầy mà tu học, mà tu hành. Chính thức bái sư, người thầy nhất định sẽ đem nguyên tắc chỉ đạo của việc học Phật dạy cho quý vị. Từ nay về sau mình phải tu hành, tu hành phải có một tiêu chuẩn, đem tiêu chuẩn này truyền thọ cho quý vị, tiêu chuẩn này chính là nguyên tắc chỉ đạo cao nhất để sửa đổi hành vi, gọi là truyền thọ tam quy.
Tam quy là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Hồi xưa nói tới tam quy mọi người đều hiểu, sẽ không hiểu sai ý nghĩa. Niên đại Phật giáo truyền thừa lâu dần, truyền đến ngày nay, chúng ta vừa nghe Phật Pháp Tăng, liền hiểu sai ý nghĩa đó. Nghĩ tới quy y Phật liền nghĩ tới tượng Phật, mình quy y tượng Phật này, đây là điều hết sức sai lầm! Nghĩ tới quy y Pháp là nghĩ tới kinh điển, nghĩ tới quy y Tăng là nghĩ tới người xuất gia, tất cả ý nghĩa đều hiểu sai hết. Vào thời Đường, Thiền tông đại sư Lục tổ Huệ Năng đại khái đã hiểu được tình hình này, sợ người đời sau hiểu lầm tam quy, cho nên trong lúc ngài truyền thọ tam quy đã nói là “Quy y Giác, quy y Chánh, quy y Tịnh”, mọi người vừa nghe, cũng không đến nỗi hiểu lầm. Sau đó ngài giải thích cho mọi người “Phật là giác”, Phật có ý nghĩa là giác ngộ; “Pháp là chánh”, pháp tức là chánh tri chánh kiến; “Tăng là tịnh”, lục căn thanh tịnh, nhất trần bất nhiễm. Cho nên y cứ chủ yếu để chúng ta tu hành chính là phải y theo tự tánh giác, tự tánh chánh, tự tánh tịnh, đây gọi là tự tánh tam bảo, đây là chỗ quy y chân chánh, chứ không phải quy y một người nào đó.
Trước hết nói về quy y Phật. “Quy” là quay đầu, “y” là nương tựa. Chúng ta từ kiếp xa xôi đến nay, luân hồi trong lục đạo, thật ra mà nói là không nơi nương tựa, đây là vô cùng vô cùng đáng thương! Đây cũng là bởi vì chưa gặp được thiện tri thức chân chánh, bởi vì chưa gặp được một vị thầy tốt. Ngày nay gặp được người thầy tốt, thầy dẫn dắt chúng ta, quý vị từ mê hoặc điên đảo mà quay đầu, nương tựa điều gì? Nương tựa tự tánh giác, tự tánh của quý vị vốn dĩ là giác. Cho nên quy y Phật, Phật không phải là Phật bên ngoài, là tự tánh Phật. Tịnh độ tông thường nói “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ”. A Di Đà Phật là do tự tánh biến hiện mà ra, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng là do tự tánh biến hiện mà ra, 10 phương 3 đời tất cả chư Phật Như Lai tất thảy đều là tự tánh Phật. Cho nên chúng ta là quy y tự tánh Phật, tức là tự tánh giác, Phật có nghĩa là giác. Bắt đầu từ hôm nay, mình phải giác chứ không phải mê, bất luận đối người, đối sự, đối vật, mình đều phải giác ngộ, nhất định không thể mê hoặc. Giác chứ không mê, tức là đã thật sự quy y rồi. Nếu như đã quy y Phật, vẫn còn mê hoặc điên đảo, vẫn còn lộn xộn rối ren, thì quý vị vẫn chưa quay đầu, cũng chưa có nương tựa, vậy thì sự quy y của quý vị là hữu danh vô thực, là không nhận được sự gia hộ của thần hộ pháp, không nhận được cảm ứng. Cho nên nhất định phải nhận rõ ràng, phải quy y tự tánh giác.
Thứ hai là quy y pháp. “Pháp” là cách nhìn, cách nghĩ đối với vũ trụ nhân sinh hoàn toàn phù hợp với chân tướng sự thật. Đây cũng là tư tưởng đúng đắn, kiến giải đúng đắn, trong kinh Phật có nói “chánh tri chánh kiến”, hoặc là nói “Phật tri Phật kiến”, Phật tri Phật kiến tức là chánh tri chánh kiến. Đây là pháp, đây là pháp bảo tự tánh, không phải thứ đến từ bên ngoài. Quy y, quy là từ cách nghĩ sai lầm, cách nhìn sai lầm của chúng ta mà quay đầu lại, phải nương tựa chánh tri chánh kiến của tự tánh, đây là quy y pháp. Cho nên pháp là tri kiến của tự tánh, không phải là đi theo người khác. Vì vậy sự vĩ đại của Đức Phật, điều Đức Phật khiến người ta kính phục, Đức Phật không dắt mũi chúng ta đi, Đức Phật hoàn toàn bảo chúng ta làm một người độc lập đầu đội trời chân đạp đất, đây là một điểm đáng để chúng ta tôn kính ngài.
“Tăng” có nghĩa là thanh tịnh, sáu căn thanh tịnh. Sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của chúng ta, tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, phàm phu tiếp xúc đều sẽ bị cảnh giới bên ngoài cảm nhiễm, cảm nhiễm thế nào? Nhiễm sự tham sân si mạn. Nhìn thấy những thứ thuận theo ý mình thì khởi tâm tham, tham tức là nhiễm ô; không thuận theo ý mình thì khởi tâm sân hận, bị sân hận nhiễm ô. Cho nên chư vị phải biết, ngũ dục thất tình tất thảy đều là nhiễm ô, đây đều là nhiễm ô trong tâm địa. Đức Phật nói với chúng ta, tự tánh vốn dĩ là thanh tịnh, không có nhiễm ô. Bây giờ phải quay đầu lại từ tất cả nhiễm ô, y theo tâm thanh tịnh của chính mình, đây gọi là quy y Tăng.
Tam quy nói tóm lại là, quy y Phật tức là giác chứ không mê, quy y Pháp là chánh chứ không tà, quy y Tăng là tịnh chứ không nhiễm. Đức Phật dạy chúng ta tu học 3 yếu lĩnh lớn này, tức là 3 tiêu chuẩn, chỉnh sửa hành vi của chúng ta. 3 tiêu chuẩn này chính là giác, chánh, tịnh, tức là tam bảo tự tánh, là thứ mà mỗi người đều có đủ. Thời thời khắc khắc phải nhớ tới giác, chánh, tịnh, phải dùng giác, chánh, tịnh để tu sửa tư tưởng, kiến giải, hành vi của chính mình, như vậy quý vị chính là đã thật sự quy y rồi.
Câu thứ hai dạy cho chúng ta phải trì giới, “cụ túc chúng giới”. “Chúng” là nhiều, trong nhiều giới điều đó, điều quan trọng nhất là ngũ giới, ngũ giới là đại giới căn bản của nhà Phật. Có thể giữ gìn ngũ giới, kiếp sau sẽ có thể giữ được thân người. Một câu phía sau nói “bất phạm uy nghi”, uy nghi là lễ độ, lễ tiết. Trong cuộc sống thường ngày, đối nhân xử thế tiếp vật phải nên giữ một số quy củ, lễ độ, đây là thuộc về uy nghi.
Phước thứ ba là phước Đại thừa. Đại thừa cũng chính là Bồ tát thừa trong ngũ thừa của Phật pháp. Phước Đại thừa có 4 câu “Phát Bồ đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng Đại thừa, khuyến tấn hành giả”. Câu thứ nhất là “Phát Bồ đề tâm”, chúng ta là Phật giáo Đại thừa, cho nên “Phát Bồ đề tâm” thường xuyên nói trên miệng, “Anh phải phát tâm”, luôn khuyên người ta phát tâm, rốt cuộc là phát tâm gì? Thế nào là Bồ đề tâm? Rất ít người biết. “Bồ đề” là tiếng Phạn, dịch thành tiếng Trung có nghĩa là giác ngộ. Bồ đề tâm tức là tâm thật sự giác ngộ, tâm thật sự không mê. Giác ngộ là gì? Giác ngộ rằng cuộc đời thật sự là khổ. Đức Phật nói với chúng ta tam giới đều khổ, không chỉ con người khổ, trên trời cũng khổ. Nhân gian tam khổ, bát khổ đều có đủ hết, bây giờ không thể nói chi tiết cho mọi người, nói kĩ thì 2 tiếng đồng hồ cũng nói không hết. Thật sự hiểu rõ ràng chân tướng của tam giới rồi, quý vị mới giác ngộ. Sau khi giác ngộ, chúng ta sẽ thoát khổ được vui. Thoát khổ thế nào? Nhất định phải thoát khỏi tam giới, làm sao thoát khỏi tam giới? Y theo phương pháp của Đức Phật mà tu hành chân chính. Đó mới là thật sự phát Bồ đề tâm, thật sự giác ngộ.
Ngoài ra, Đức Phật nói cho chúng ta về tứ hoằng thệ nguyện, tứ hoằng thệ nguyện tức là thuyết minh cụ thể về Bồ đề tâm. Bồ tát Đại thừa đã phát đại Bồ đề tâm, phải dùng tiêu chuẩn của tứ hoằng thệ nguyện để xem, thì rất dễ dàng hiểu rõ. Tâm của Bồ tát là phổ độ tất cả chúng sanh. Không những biết là mình khổ, phải độ chính mình, phải độ người nhà của mình, phải độ bạn bè thân thích của mình, còn phải độ vô lượng vô biên chúng sanh, bình đẳng phổ độ, đây là đại Bồ đề tâm, đây là nguyện thứ nhất trong 4 nguyện, “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Trên thực tế 4 nguyện chính là 1 nguyện này, 3 nguyện phía sau là vì hoàn thành 1 nguyện này. Mình muốn độ chúng sanh, nếu như độ chính mình còn độ không được, quý vị có thể độ chúng sanh nào? Vậy thì muốn độ chúng sanh, phải nên tu pháp ra sao? Trước hết phải đoạn phiền não, cho nên “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Đây chính là một trình tự trong việc tu hành, không thể nào không biết. Trước tiên là đoạn phiền não, rồi học pháp môn, “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Một điều sau cùng “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”, tức là phiền não đoạn tận, pháp môn viên mãn, vô lượng vô biên pháp môn không có môn nào không thông đạt, không có môn nào không viên mãn, đây là đã làm thành Phật đạo.
Câu thứ hai “thâm tín nhân quả”. Hồi xưa khi tôi vừa mới đọc “Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật”, đọc đến một câu này liền khởi lên nghi hoặc: Điều thứ 3 trong tam phước là cho Bồ tát tu, Bồ tát còn không tin tưởng nhân quả sao? Sau đó đọc “Kinh Hoa Nghiêm” đọc đến “Thập địa phẩm” mới hốt nhiên đại ngộ, thì ra nhân quả ở đây tức là “Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”. Nhân quả này thật ra mà nói, rất nhiều rất nhiều Bồ tát đều vẫn không biết, cho nên Đức Phật ở đây khuyên họ tin sâu nhân quả. “Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”, Văn Thù, Phổ Hiền, Thiện Tài phát nguyện vãng sanh thế giới Tây phương Cực lạc, tức là tin tưởng 1 câu này. Cho nên đọc “Kinh Hoa Nghiêm”, giảng “Kinh Hoa Nghiêm” mới hiểu rõ được câu nói này, vốn dĩ là không hiểu rõ một câu này. Có thể thấy, điều này thật sự không hề dễ!
Câu thứ ba “đọc tụng Đại thừa”. Bồ tát học Phật, không thể có ngày nào không đọc kinh Đại thừa. Đọc kinh, chư vị nhất định phải ghi nhớ, kinh không phải tụng cho Đức Phật nghe, đọc kinh là tiếp thu giáo huấn của Phật Bồ tát; như chúng ta tụng “Kinh Vô Lượng Thọ” có nghĩa là A Di Đà Phật đang ở trước mặt dạy dỗ chúng ta. Tất cả đạo lý mà ngài nói ra khiến chúng ta hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Bên trong nó có rất nhiều giáo huấn, dạy chúng ta ở trong thế gian này, hoặc là khi hành Bồ tát đạo, phải dùng tâm thái như thế nào, phải dùng phương thức ra sao để làm; nói một cách khác, tất cả giáo huấn, đều phải làm cho được, vậy thì đọc kinh sẽ có lợi ích.
10 câu trên đây đều là tự lợi, đều là tự mình tu hành, chỉ có một câu sau cùng, Đức Phật dạy chúng ta, đem Phật pháp giới thiệu rộng rãi cho đại chúng. Một câu phía sau “khuyến tấn hành giả”, phải khuyên người khác học Phật, phải giúp đỡ người khác tinh tấn, đây chính là Bồ tát độ hóa chúng sanh.
Cho nên phàm là thiện nam tử, thiện nữ nhân ở trong kinh Đại thừa đã nói, cái thiện đó tức là điều kiện như vậy, từ “hiếu dưỡng phụ mẫu” đến “khuyến tấn hành giả” tất thảy đều làm được, đây mới là thiện nam tử, thiện nữ nhân mà trong kinh đã nói. Có thể thấy tiêu chuẩn đó không giống nhau.
Pháp môn đặc biệt của Phật giáo – Pháp môn Tịnh độ
Từ trong những thuyết minh trên đây chúng ta có thể hiểu được, tu học Phật pháp đến thành tựu đạo nghiệp là rất không đơn giản, chỉ nói về việc phải đoạn phiền não thô nặng thì đã là rất khó khăn rồi, huống hồ là phải tu học Bồ tát đạo! Cho nên Đức Phật đã dạy cho chúng ta một pháp môn đặc biệt, đó chính là pháp môn Tịnh độ: Niệm A Di Đà Phật, cầu sanh thế giới Tây phương Cực lạc. Đây là pháp môn không cần đoạn phiền não cũng có thể thành tựu, chỉ cần có đầy đủ 3 tư lương tín nguyện hạnh: Tin tưởng Tây phương có thế giới Cực lạc, thế giới Cực lạc có A Di Đà Phật, đã phát 48 lời nguyện, nhiếp thọ tất cả chúng sanh niệm Phật; thành tâm hy vọng vãng sanh thế giới Cực lạc, không còn lưu luyến thế giới này nữa; chân thật niệm một câu danh hiệu A Di Đà Phật này. Tín nguyện hạnh đều rất kiên định, khi đến lúc lâm chung, A Di Đà Phật sẽ đến tiếp dẫn quý vị, đới nghiệp vãng sanh thế giới Cực lạc; đến thế giới Cực lạc rồi, thọ mạng quý vị vô lượng, có thể cứ tu mãi cho đến khi thành Phật mới thôi. Đây là pháp môn thẳng tắt nhất, viên đốn nhất.
Giáo dục Phật Đà là giáo dục tôn giáo chí thiện viên mãn
Tôi đã từng căn cứ theo ý nghĩa Trung văn để giới thiệu hàm nghĩa của từ “tôn giáo”, “tôn” trong tiếng Trung có 3 ý nghĩa: điều chủ yếu, điều quan trọng, điều tôn sùng; “giáo” cũng có 3 ý nghĩa: giáo dục, dạy học, giáo hóa. 2 chữ này kết hợp lại, cộng thêm 2 chữ “nhân loại”, chúng ta có thể nói, tôn giáo là sự giáo dục chủ yếu, sự dạy học quan trọng, sự giáo hóa tôn sùng của nhân loại. Tôi ở khắp nơi trên thế giới kêu gọi tôn giáo đoàn kết, tôn giáo quay về giáo dục, tôn giáo học tập lẫn nhau, đây là chỗ bắt đầu quan trọng nhất để thúc đẩy thế giới hòa bình. Tôi đã đề xuất định nghĩa như vậy về tôn giáo với lãnh đạo các tôn giáo để cho họ tham khảo. Họ đều thừa nhận tôn giáo của chính mình là sự giáo dục chủ yếu, sự dạy học quan trọng, sự giáo hóa tôn sùng của nhân loại. Bởi vì tất cả tôn giáo đều là giáo dục tình thương của thần thánh, đều dạy người ta thương người, không thể hại người. Hơn nữa các tôn giáo đều dạy về giáo dục luân lý, giáo dục đạo đức, giáo dục nhân quả, giáo dục của trí huệ thánh hiền, 4 loại giáo dục phổ thế này có thể thúc đẩy xã hội an định hòa bình, nhân dân hạnh phúc an lạc.
Từ những điều đã nói có thể thấy, giáo dục Phật Đà là sự giáo dục đại từ đại bi, giáo dục luân lý, giáo dục đạo đức, giáo dục nhân quả và giáo dục của trí huệ thánh hiền đã nói tới, đều nói rất thấu triệt viên mãn. Nó không những khiến người ta nhận được sự an lạc của thế gian, hơn nữa còn có thể nhận được sự an lạc xuất thế gian, cho nên giáo dục Phật Đà là giáo dục tôn giáo chí thiện viên mãn.
Sau cùng, chúc phúc chư vị thân tâm an khang, lục thời cát tường! Chúc phúc quý quốc quốc vận hưng thịnh, quốc thái dân an! Chúc phúc thế giới an định hòa bình, vĩnh viễn đại đồng! Cảm ơn mọi người!
Lão pháp sư Tịnh Không chủ giảng
Discussion about this post