Xin chào chư vị đồng tu!
Mời xem Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, Hoàng đế Ung Chính “Thượng dụ” trang thứ hai, bắt đầu xem từ câu sau cùng, hàng thứ nhất: “Hòa thượng chi đối viết: bách gia chi hương, thập nhân trì ngũ giới, tắc thập nhân thuần cẩn, thiên thất chi ấp, bách nân trì thập thiện, tắc bách nhân hòa mục. Trì thử phong giáo dĩ chu hoàn khu, tắc biên hộ ức thiên, nhân nhân bách vạn, nhi năng hành nhất thiện, tắc khứ nhất ác, khứ nhất ác, tắc tức nhất hình. Nhất hình tức ư gia, vạn hình tức ư quốc, tuần hồ khả dĩ thùy cung tọa chí thái bình hỉ”. Đoạn này là do Hoàng đế Ung Chính trích dẫn một đoạn đối thoại trước đây giữa Tống Văn Đế và Hà Thượng Chi.
Những người này đều rất hiểu rõ thành quả giáo dục vào thời đó của ba nhà Nho-Thích-Đạo, nó có sự cống hiến tích cực đối với ổn định xã hội, củng cố chính quyền, hòa bình và an lạc của nhân dân, cho nên Văn Đế nói: “Lục kinh bổn thị tế tục”. “Lục kinh” là chỉ nền giáo dục của nhà Nho, nói đến “tánh linh chân yếu” thì nhà Phật nói được rất rõ ràng. Ông nói: “Nếu như nhân dân cả nước đều có thể tiếp nhận lời giáo huấn của Nho và Phật thì ta liền có thể ngồi hưởng thái bình”, đây chính là thái bình thiên tử.
Hà Thượng Chi có đoạn đối thoại này rất quan trọng, đem lại tín tâm rất lớn cho chúng ta. “Bách gia chi hương”. “Bách gia” là một trăm nhà, lúc đương thời chúng ta dùng phép tính sơ lược, là một nhà có bốn người, một trăm nhà là bốn trăm người. Trong hơn bốn trăm người này, ông nói chỉ cần có mười người giữ ngũ giới, mười người này thuần hậu, cẩn phác, cẩn thận, thật thà thì họ có thể cảm hóa một trăm nhà này. Chúng ta thử nghĩ, đây là con số 1% đến 2%. Trong một trăm người có một vài người thật sự tiếp nhận nền giáo dục của Nho và Phật, thật sự có thể hiểu rõ, y giáo phụng hành thì có thể tạo nên hiệu quả lớn như vậy đối với phong tục xã hội.
“Thiên thất chi ấp”. “Ấp” là một đô thị, một thành phố, cái thành phố này có một ngàn hộ, nếu có được một trăm người giữ thập thiện, thật sự có thể dựa theo thập thiện nghiệp đạo mà tu học, một trăm người này hòa mục thì họ có thể cảm hóa cái thành phố này. Vì vậy dứt khoát không nên cho rằng cái thế giới này loạn rồi, nhân tâm hư rồi, cảm thấy thất vọng vô phương rồi, quan niệm này là sai lầm! Bản thân chúng ta phải cố gắng nỗ lực tu học. Họ làm bất thiện, chúng ta hành thiện. Nếu chúng ta có nhẫn nại thì thời gian lâu rồi chắc chắn có thể cảm hóa được những người này. Chúng ta thấy thời kỳ thượng cổ, trong lịch sử Trung Quốc có ghi chép vua Thuấn. Cha mẹ và anh em của ông đều là người rất xấu ác, họ luôn luôn muốn đưa ông vào chỗ chết mà ông vẫn có thể tận hiếu. Thật sự giống như điều mà Lục Tổ Huệ Năng đã nói là “không thấy lỗi thế gian”, chỉ nhìn thấy cái tốt của người khác chứ không nhìn thấy khuyết điểm của họ. Cha mẹ đối với ta không tốt, ông luôn luôn soi lại, có thể ta làm chưa đúng lắm, ta làm không tốt mới khiến họ giận. Ngày ngày thường phản tỉnh, ngày ngày luôn sửa đổi, như vậy chừng ba đến năm năm thì làm cảm động cả nhà rồi. Sau khi cả nhà hòa thuận liền cảm động hàng xóm láng giềng của ông, cuối cùng cảm động đến quốc vương là vua Nghiêu. Vua Nghiêu nghe được sự việc này liền đích thân đến thăm ông, cho nên Trung Quốc nói đến hiếu thì Thuấn xếp hàng đầu. Vua Nghiêu đem hai người con gái gả cho ông, đem ngôi vua nhường cho ông. Hiếu cảm đến trời đất!
Một người tích hạnh, dùng tâm chân thành tích góp tất cả việc thiện có thể cảm động một nhà, cảm động một xã, cảm động một nước. Điều này trong Phật pháp gọi là phát tâm Bồ-đề, hành đạo Bồ-tát. Vì vậy chúng ta không nên nhìn thấy phong khí xã hội không tốt mình liền thối tâm, liền thối chuyển, vậy là sai lầm. Phải càng tích cực quên mình vì người, làm tấm gương tốt cho đại chúng, cho xã hội. Nền giáo dục căn bản của nhà Phật với những gì nhà Nho nói là hoàn toàn giống nhau. Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, ba câu này là thực hiện thập thiện nghiệp đạo. Nếu như chưa có thập thiện thì ba câu này chỉ là khẩu hiệu, là nói suông, do đó chúng ta dùng thập thiện để thiết thực “hiếu thân Tôn sư”. Trong nhà Phật, cái ý này nói sâu hơn, rộng hơn, tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta, trong nhà Phật nói đến “hiếu thuận” là ý nói hiếu thuận với tất cả chúng sanh, ai đã làm được vậy? Trong lịch sử Trung Quốc, Thuấn đã làm được. Đây là người mà chúng ta phải học theo, không phải không có người làm được, không phải không có hiệu quả. Phật Bồ-tát làm được rồi, trong kinh điển có ghi chép thảy đều người nước ngoài. Thuấn làm được rồi, Thuấn là người Trung Quốc, trong lịch sử Trung Quốc có ghi chép rõ ràng. Người như vậy đời nào cũng có. Nếu như quí vị đọc “Sử 25”, quý vị có thể thấy.
Hiện nay tại Singapore, chúng tôi thường hay nhắc đến cư sĩ Hứa Triết, bà đã làm được. Bạn thấy một mình bà không chỉ ảnh hưởng cả Singapore, sau khi tin tức truyền phát đi đã ảnh hưởng cả khu vực Đông Nam Á. Đáng tiếc là người làm được như vậy quá ít. Tuy chúng ta ngày nay học Phật mà ngũ giới thập thiện chưa làm được, nếu như thật làm, một người làm thì có thể tạo nên hiệu quả rất lớn. Vì vậy chúng ta tin lời của Hà Thượng Chi, nếu như khu vực này có mười vị Hứa Triết thì Singapore không phải như thế này. Chính mắt chúng ta nhìn thấy rồi, chúng ta phải phát tâm học tập, quên mình vì người, vì toàn xã hội, vì tất cả chúng sanh.
Chúng ta ngày nay giữ ngũ giới, học thập thiện không phải chỉ vì bản thân, nếu ta chỉ vì bản thân thì tâm lượng này quá nhỏ bé, hy vọng đời sau được phước báo, đời này có thể cải thiện hoàn cảnh sống của mình, cái ý nghĩa này quá nhỏ. Ta giữ ngũ giới, ta tu thập thiện là vì tất cả chúng sanh. Vì vậy Phật Bồ-tát tâm lượng lớn, họ là vì tất cả chúng sanh tận hư không pháp giới. Chúng ta ngày nay chỉ cần đem tâm lượng mở rộng đến khắp địa cầu, ta ngày nay tu hành là vì họ mà tu, là vì họ làm nên tấm gương tốt, hy vọng họ từ chỗ lợi ích riêng tư quay đầu lại. Tất cả có thể vì lợi ích chúng sanh, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều là vì chúng sanh tạo phước. Xác thân này của chúng ta, tôi thường nói rất nhiều lần, xác thân ở thế gian là cái công cụ vì tất cả chúng sanh phục vụ, không phải vì “ta”. Tất cả vì “ta” là sai rồi, cái thế giới này là không có tiền đồ, là một màu đen tối!
Chúng ta hãy vì tất cả chúng sanh, dứt khoát không vì chính mình! Chúng ta hãy chuyển ý nghĩ trở lại, tất cả chúng sanh là chủ nhân, ta là người hầu, ta là người hầu hạ chủ nhân, đây là Phật Bồ-tát. Phật Bồ-tát ứng hóa ở thế gian vì tất cả chúng sanh phục vụ, làm tấm gương tốt, đây chính là cứu độ tất cả chúng sanh. Dạng người này ở thế gian rất nhiều, chúng ta thường hay nghe nói, nhưng họ không hề bị phát hiện vì không có người tuyên dương, vì vậy chúng ta cần phải tuyên dương thì mới có thể sinh ra hiệu quả. Cho nên, tôi muốn tìm một chuyên gia nhiếp ảnh ghi lại một bộ phim tài liệu của cư sĩ Hứa Triết để lưu thông khắp thế giới. Tuy bà chưa hề đọc qua Kinh Phật, chưa hề tiếp xúc Phật pháp, nhưng những điều trong Kinh Phật nói bà làm được cả rồi. Khi bà được 101 tuổi mới phát tâm quy y. Bà quy y tại giảng đường chúng ta, ngay cả phái ngũ giới tôi đưa cho bà, bà đã làm được cả rồi. Cái này nếu như cho điểm thông thường thì bà lấy trọn 100 điểm, đây là tấm gương tốt của chúng ta.
Loại “Phong giáo” này, “phong” là phong khí, “giáo” là giáo hóa, phong khí giáo hóa tốt đẹp như vậy, “dĩ chu hoàn khu”. “Hoàn khu” là nói quốc gia. “Tắc biên hộ ức thiên, nhân nhân bách vạn”. Chữ “nhân nhân” ở đây chính là người có thể giữ ngũ giới, giữ thập thiện. Chỉ cần có một triệu người có thể làm được, thì phong khí cả nước liền thay đổi ngay. Dưới đây tôi nêu ví dụ để nói, người có thể hành một việc thiện họ liền trừ được một việc ác. Ví dụ người có thể giữ không sát sanh thì cái ác sát sanh họ không làm, có thể giữ không trộm cắp thì loại ý nghĩ hành vi trộm cắp này họ đã dứt hết rồi.
“Khứ nhất ác, tắc tức nhất hình”. Hình phạt của quốc gia là để chế tài những người phạm pháp. Mọi người đều tuân thủ pháp luật thì hình phạt cũng bỏ, không có chỗ dùng nữa. “Nhất hình tức ư gia, vạn hình tức ư quốc”. Cho nên con người, đặc biệt là đệ tử Phật, nhất định phải làm tấm gương tốt nhất cho xã hội. Làm thế nào giúp đỡ tất cả chúng sanh đoạn ác tu thiện? Trước tiên ta phải bắt đầu từ bản thân, tiêu chuẩn của thiện ác là ở trong Thập Thiện Nghiệp Đạo này. Kinh điển nhà Phật chia làm bốn loại lớn: Giáo, Lý, Hành, Quả. Đây là thuộc về hành Kinh, là dạy chúng ta phải lấy hành vi mà thực hiện. Cái này không phải để nghiên cứu thảo luận, mà là phải thật thiết thực làm cho được. Phật Bồ-tát là tấm gương tốt của tất cả chúng sanh trong chín pháp giới, chúng ta ngày nay gọi là mẫu mực, là mực thước.
“Học vi nhân sư”, sư là mẫu mực; “Hành vi thế phạm”, hành vi của họ là mẫu mực, là tấm gương của tất cả chúng sanh. Thế là chúng ta chắc sẽ nghĩ đến, chúng ta khởi tâm động niệm có nghĩ đến hay không? Ý niệm này của ta có thể làm tấm gương tốt cho xã hội đại chúng hay không? Nếu như không thể làm tấm gương tốt thì ý niệm này không được khởi. Lời nói của ta có lợi ích tích cực đối với xã hội đại chúng hay không? Nếu không thì lời này không nên nói. Hành vi và tất cả việc làm của ta đều phải lợi ích cho xã hội đại chúng. Việc không lợi cho xã hội đại chúng không những không được làm mà ý niệm cũng không được khởi, vậy mới là đệ tử Phật, vậy mới là tiếp nhận lời giáo huấn của cổ thánh tiên hiền. Nếu không thì chúng ta đọc sách để làm gì và rốt cuộc học cái gì?
Qua đoạn đối thoại của Hoàng đế Ung Chính, ta thấy ông khẳng định thời quá khứ xã hội Trung Quốc, người Trung Quốc được tiếp nhận sự giáo dục của ba nhà Nho-Thích-Đạo nên họ có trí tuệ, họ thấy rõ ràng. Tuy cách thức phương pháp giáo dục của ba nhà không thật giống nhau, nhưng căn bản thì giống nhau, hôm nay chúng ta sẽ đem ý này triển khai ra. Cách thức giáo hóa chúng sanh của chín tôn giáo ở Singapore, tuy về mặt hình thức là khác nhau, có sai biệt nhưng về đường hướng là giống nhau, cho nên chín tôn giáo lớn có thể đoàn kết, có thể hợp tác. Chỗ khác nhau là cành lá, nhưng gốc thì giống nhau, thì đâu có lý nào không thể chung sống hòa mục chứ? Hai năm nay, chúng tôi thử thí nghiệm, thành quả đã vượt ra ngoài dự tính của chúng tôi, chín tôn giáo của Singapore giống như anh chị em một nhà vậy, qua lại thân thiết vô cùng, quả thật đạt đến tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, hỗ trợ hợp tác. Tuy đạo khác nhau nhưng không mâu thuẫn, đây là điều chúng ta tận mắt chứng kiến tại nơi này. Đây là đã làm nên một tấm gương tốt cho toàn thế giới, sự mở đầu tốt. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên, tôi khen ngợi ông, ông là Bồ-tát, ông đích thực là Bồ-tát. Những người lãnh đạo, thầy truyền giáo của chín tôn giáo lớn này cũng đích thực đều là Bồ-tát. Họ vì khu vực này, vì người trên toàn thế giới làm nên tấm gương tốt, đây là sự cống hiến, hy vọng vĩnh viễn hóa giải sự xung đột về chủng tộc và chiến tranh tôn giáo. Bạn nói xem, cái công đức này bao lớn.
Câu sau cùng nói: “Tuần hồ khả dĩ thùy cung tọa chí thái bình hỉ”. “Tuần” có nghĩa là tin sâu, ta tin tưởng rất sâu, đây là quốc vương đại thần đang thảo luận. Tống Văn Đế tin, Hà Thượng Chi cũng tin sâu không nghi. Muốn thỏng tay ngồi hưởng thái bình chỉ cần đem ba nền giáo dục Nho Thích Đạo này cố gắng phổ biến, giáo dục cho tốt. Vào các đời đế vương Trung Quốc, thời đó trường học không phổ cập, làm thế nào để giáo hóa chúng sanh? Đây là việc lớn hàng đầu của trị quốc bình thiên hạ! Giống như một gia đình, nếu bạn muốn gia đình hưng vượng, bậc làm cha mẹ nhất định phải hiểu được con trẻ, con cái của bạn mỗi ngày chúng nghĩ gì, chúng nói gì, chúng làm gì? Bạn phải cố gắng khuyên dạy chúng! Phải dạy bảo chúng bỏ ác làm thiện, phá mê khai ngộ thì gia đình bạn sao mà không hưng vượng chứ? Muốn quốc gia hưng vượng cũng là cùng đạo lý này. Những người lãnh đạo quốc gia, đế vương, đại thần phải hiểu được nhân dân đang nghĩ gì, đang nói gì và đang làm gì? Nếu như họ không hiểu được điều này, không có biện pháp dẫn dắt, khuyên bảo giáo hóa nhân dân thì xã hội quốc gia làm sao yên ổn được!
Dùng phương pháp gì dạy họ đây? Giáo dục đạo đức. Nho-Thích-Đạo đều là giáo dục nhân văn, người Trung Quốc xưa gọi là giáo dục đức hạnh, chỉ dạy bạn hiểu rõ mối quan hệ giữa người với người, quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên (đây là giáo dục đời sống), quan hệ giữa con người với trời đất quỷ thần. Trời đất quỷ thần là gì vậy? Chính là với tất cả tôn giáo trên thế gian, không có gì khác! Khi nói “trời đất quỷ thần” tức là chúng ta phải hiểu được có rất nhiều tôn giáo đang tồn tại ở thế gian, vậy quan hệ giữa họ với chúng ta là gì và làm sao chung sống với họ? Những sự việc này đều là thực tế, đều là những cái không thể tách rời, xa lìa đối với đời sống chúng ta. Chỉ cần bạn xử lý tốt ba mối quan hệ này, bạn sẽ đích thực sống đời sống hạnh phúc mỹ mãn, xã hội yên ổn, thế giới hòa bình, nhân dân hạnh phúc. Cổ thánh tiên hiền Trung Quốc đã vì chúng ta nói ra lời giáo huấn quý báu này.
“Lễ ký-Học ký” là triết học giáo dục của Trung Quốc, là triết học giáo dục cổ xưa nhất. Trong đó có hai câu danh ngôn: “Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên”. Cái ý nghĩa này, dùng cách nói hiện nay là xây dựng một chính quyền lãnh đạo nhân dân cả nước, điều gì là quan trọng nhất? Đó là Giáo dục! Giáo dục là xây dựng ý thức chung, người hiện nay gọi là giáo dục tư tưởng, dạy bạn nghĩ như thế nào? Chỉ nên nghĩ thiện, không nên nghĩ ác. Trong kinh này Phật Thích-ca-mâu-ni nói rất hay. Chúng tôi đem đoạn quan trọng nhất này viết ra, để lên phía trước nhất của bản kinh này, vì đây là điều quan trọng nhất, đây có thể nói là tổng cương lĩnh của nền giáo dục Phật pháp. Dạy chúng ta điều gì vậy? Đó là “ngày đêm thường niệm thiện pháp, ngày đêm tư duy thiện pháp, ngày đêm quán sát thiện pháp”. Cái thiện pháp này là lấy thập thiện làm tiêu chuẩn. Thường niệm thiện pháp là tâm thiện, tư duy thiện pháp là ý nghĩ thiện, quán sát thiện pháp là hành vi thiện. Cái thiện pháp này niệm niệm tăng trưởng, không chứa mảy may xen tạp bất thiện. Nếu ai tu được như vậy thì họ làm sao không thành Phật, làm sao họ không thành Thánh được?
Đại Sư Lục Tổ Huệ Năng nói rất hay: “Nhược chân tu đạo nhân, bất kiến thế gian quá”. Chữ “Bất kiến” này là tuyệt đối không đem tất cả lỗi lầm bất thiện thế gian để vào trong tâm, để cho tâm bạn thuần thiện, ý nghĩ của bạn thuần thiện, hành vi thuần thiện thì tiền đồ của bạn luôn sáng sủa, đời sống của bạn tự tại an lạc. Cho dù sống đời sống vật chất nghèo nàn nhất cũng vui sướng vô cùng, giống như Khổng Tử tán thán Nhan Hồi vậy. Đời sống vật chất của Nhan Hồi thiếu thốn đến cùng cực, thế mà Nhan Hồi mỗi ngày vui sướng vô cùng, vì sao ông vui vậy? Ông hiểu rõ “Đạo” tức là tâm thiện, ý nghĩ thiện, hành vi thiện, không màng đến đời sống vật chất, cho nên xã hội mới có thể yên ổn, hòa bình vĩnh cửu, không còn tranh lợi. Tranh danh trục lợi, sự việc này họ dứt khoát không làm.
Câu kế tiếp: “Tư ngôn dã, cái dĩ khuyến thiện giả, trị thiên hạ chi yếu đạo dã”. Đây là tổng kết của một đoạn lớn. Đoạn này là do Hoàng đế Ung Chính nói. “Tư ngôn” là chỉ lời đối thoại của Tống Văn Đế và Hà Thượng Chi ở phía trước. Lời đối thoại này là khuyến thiện, có thể khuyên nhân dân cả nước hành thiện, đây là đạo lý chính của trị thiên hạ. Các vua khai quốc thời kỳ đầu triều Thanh đều rất thông minh và có trí tuệ, họ đã thúc đẩy được nền giáo dục tôn giáo. Vào thời đó Phật giáo vẫn là giáo dục, Phật giáo biến thành tôn giáo từ sau năm Gia Khánh. Vào thời Càn Long, Phật giáo vẫn là thuộc về giáo dục, không phải tôn giáo. Cho nên Phật giáo biến thành tôn giáo là vô cùng bất hạnh! Thời gian Phật giáo biến thành tôn giáo cũng chỉ khoảng hơn 200 năm mà thôi, điều này chúng ta nhất định phải hiểu rõ, phải sáng tỏ.
Chúng ta học là học nền giáo dục của Phật Thích-ca-mâu-ni, tuyệt đối không phải làm mê tín. Mê tín thì chúng ta không thể đạt được lợi ích đích thực của Phật pháp, chỉ có giáo dục chúng ta mới có thể đạt được lợi ích đích thực.
****************
Xin mời xem tiếp Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo trang thứ hai, Hoàng đế Ung Chính đoạn sau cùng của “Thượng dụ”, bắt đầu đếm ngược từ câu thứ hai hàng thứ ba: “Nhi Phật giáo chi hóa tham lận, dụ hiền lương, kỳ chỉ diệc bổn ư thử”. Đây là một đoạn nhỏ.
Phía trước đã nói, Trung Quốc từ xưa đến nay, ba nhà Nho-Thích-Đạo cùng gánh vác sứ mệnh giáo dục xã hội, thu được hiệu quả rất tốt. Vì vậy mỗi một triều đại, những đế vương chấp chính không có người nào mà không tôn sùng nền giáo dục của tam giáo, nó giúp cho xã hội này đạt được ổn định lâu dài, cũng giúp cho đế vương rảnh tay ngồi hưởng thái bình. Điều này trong lịch sử có thể nhìn thấy rất rõ ràng, nếu như quan sát tỉ mỉ thì quí vị sẽ nhận thấy. Không phải nói một thời đại nào đó chính trị trong sạch, sức nước cường thịnh thì Phật giáo hưng thịnh, quốc gia suy yếu thì Phật giáo suy bại. Nếu như bạn nhìn từ góc độ này thì nhân quả bị điên đảo rồi! Dường như sự hưng suy của Phật pháp là biến theo thời cuộc vậy, chứ không biết sự thịnh suy của Phật pháp là quyết định sự yên ổn hay động loạn của xã hội.
Phật pháp hưng vượng thì người thiện nhiều, xã hội yên ổn, vì vậy thiên hạ đại trị. Phật pháp suy, người học Phật ít, người thiện ít thì xã hội sẽ loạn động ngay, cho nên nền giáo dục của Nho-Thích-Đạo là nhân, yên ổn hay động loạn là quả. Chúng ta nhất định phải biện biệt cho rõ ở chỗ này! Ở trong Lễ ký – Học ký, nhà Nho nói: “Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên”, đây chính là hiểu được “Nhân”. Muốn xây dựng một chính quyền, một quốc gia, lãnh đạo nhân dân thì giáo dục là quan trọng nhất! Giáo học vi tiên! Chỉ cần làm tốt giáo dục thì nhân dân có thể chung sống hòa mục, có thể đối xử nhau bình đẳng, có thể tu thiện dứt ác, há chẳng phải thiên hạ thái bình hay sao? Xã hội ổn định, nhân dân hạnh phúc, điều quan trọng nhất là giáo dục! Trị quốc như vậy, trị nhà cũng không ngoại lệ. Nếu bạn mong muốn gia đình bạn hưng vượng, gia đình hưng vượng chắc chắn sinh ra con cháu tốt. Con cháu tốt từ đâu có vậy? Vẫn là từ giáo dục mà ra! Bạn không dạy thì con cái làm sao tốt được? Do đó nhất định phải dạy chúng. Từ đó ta thấy, bất kể hoàn cảnh nào, giáo dục là quan trọng nhất!
Ở trong giới công thương, sự nghiệp làm rất thành công là nhờ giáo dục nhân viên tốt. Nếu như lơ là giáo dục, chế độ tốt cỡ nào cũng có tệ nạn. Chúng ta nhìn thấy rất nhiều công ty lớn nước ngoài, ông chủ xảy ra vấn đề thì công ty đóng cửa ngay, đây là nguyên nhân gì vậy? Do thất bại ở giáo dục, đã lơ là bồi dưỡng người kế thừa, lơ là giáo dục cho toàn thể nhân viên. Cho nên nhà Nho đề ra: “Tác chi sư, tác chi thân, tác chi quân”, ba chữ này là nhất quán, hoàn toàn không chỉ nói riêng cho người lãnh đạo các cấp chính phủ của quốc gia, mà là nói cho mỗi một chúng sanh. Bất kỳ một người nào, nếu muốn ở ngay trong đời này thành tựu đức hạnh, thành tựu sự nghiệp, đều không thể tách khỏi nguyên tắc này. “Tác chi quân” là lãnh đạo họ, sao gọi là lãnh đạo vậy? “Lãnh” là dẫn đầu, dẫn đường họ đi phía trước để người phía sau đi theo. “Đạo”, ý nghĩa của đạo rất gần với lãnh, bạn dẫn họ đi đường chánh thì người đi sau bạn sẽ không đi vào đường tà. Do vậy người lãnh đạo phải có trí tuệ, phải có đức hạnh, phải có phương tiện thiện xảo. “Tác chi thân”, thân là bố thí ân đức. Trong ba loại bố thí của nhà Phật, lãnh đạo là bố thí vô úy, “tác chi thân” là bố thí nội tài, “tác chi sư” là bố thí pháp. Bạn phải dùng cái tâm của cha mẹ thương yêu con cái mà thương yêu người khác. Bạn làm ông chủ của một công ty, bạn xem tất cả nhân viên của bạn như con em mình, dùng sự quan tâm yêu thương thân tình, bạn thử nghĩ xem, nhân viên đâu có lý gì mà không tận trung chứ? “Tác chi sư”, sư là chỉ dạy họ. Làm người có ba sứ mệnh này, ba chữ này đều có thể làm được rồi thì bạn không có gì mà không thành công? Đức hạnh của bạn thành công!
“Lập đức, lập công, lập ngôn”, đây là tam bất ô, sự nghiệp mà nhà Nho đã tán thán mọi người đều có thể làm được. Bạn làm không được là bạn không hiểu đạo lý này, bạn không tha thiết phụng hành, nên bạn không làm được. Đế vương các đời trước hiểu rõ cái đạo lý này, họ có người dạy. Từ nhỏ được thầy giáo giỏi nhất đến hướng dẫn cho họ, họ hiểu rõ, họ biết được. Biết được tất cả nền giáo dục của thánh hiền, về cơ sở lý luận là giống nhau, nhưng phương pháp thiện xảo khác nhau là do đối tượng không giống nhau, nhưng phương hướng, mục tiêu chắc chắn là giống nhau, đều là khuyến thiện.
Đoạn đối thoại giữa Tống Văn Đế với Hà Thượng Chi nói được vô cùng rõ ràng, chuẩn xác! Ở trong phần tổng kết, ông nói: “khuyến thiện mới là đạo lý quan trọng của trị thiên hạ”. Phương pháp lý luận của nhà Phật đối với khuyến thiện vô cùng thấu triệt, vô cùng tường tận. “Phật giáo chi hóa tham lận”, “tham lận” là gốc bệnh của tất cả chúng sanh, là gốc rễ của tam đồ địa ngục. Con người lìa được tham sân si thì chắc chắn không đọa ba đường ác, cho nên tham lận nên nhổ sạch tận gốc. Lận là keo kiệt, bản thân mình có mà không muốn giúp đỡ người. Biết giúp đỡ người là phước báo đích thực.
Chúng tôi trước khi chưa tiếp xúc Phật pháp cũng không hiểu. Những đạo lý lớn này là do đại sư Chương Gia dạy cho tôi, tôi tin tưởng vào chính bản thân thầy. Tin là do nguyên nhân gì vậy? “Quân, Thân, Sư”, ba chữ này thầy làm được cả. Chúng tôi lúc trẻ gần gũi thầy, thật sự thầy đã xem chúng tôi như con cái vậy, vô cùng quan tâm! Tôi lúc đó có công việc, nên chỉ có mỗi ngày chủ nhật mới đến gặp thầy một lần để tiếp nhận lời giáo huấn của thầy. Tôi mới học Phật có khi cũng lười biếng, bạn bè rủ đi chơi nên tôi không đến. Thấy không đến là mấy ngày sau thầy điện thoại ngay. Thầy hỏi tôi: “sao con không đến, có phải là bị bệnh không?”. Vô cùng quan tâm! Lần sau tôi không thể không đi. Bạn nghĩ xem, mối quan tâm đó, tình thương yêu đó là từ bi nhiếp thọ. Tâm thương yêu của thầy chúng tôi thật sự cảm kích. Thầy chỉ dạy tôi, tôi mới hiểu được đạo lý này, dạy tôi nhất định phải buông xả keo kiệt, phải buông xả tham ái, cái thứ này không có gì tốt, chỉ có hại, hại bạn đời đời kiếp kiếp không thoát khỏi lục đạo luân hồi, hại bạn đọa tam đồ địa ngục. Thầy chỉ dạy biết bao nhiêu lần tôi mới thức tỉnh, mới hiểu ra. Sau đó dựa theo phương pháp của thầy chỉ dạy mà làm, quả nhiên có hiệu quả.
Tối hôm qua, tôi với hội trưởng Đao, cư sĩ Lý Mộc Nguyên và thầy Ngộ Hoằng cùng nhau hội đàm. Họ nói, vùng lạc hậu biên giới chúng ta rất đáng thương. Chúng tôi đã bàn cách giúp đỡ họ. Tôi nói: “Tôi hy vọng ở vùng nghèo khó lập trường tiểu học, giúp đỡ họ xây trường học”. Tối hôm qua tôi nói với họ, lấy danh nghĩa Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc mà làm. Tôi bỏ tiền xây 100 phòng tiểu học, đây là giai đoạn thứ nhất của tôi. Trước tiên chúng tôi xây 100 phòng tiểu học, sau đó có sức nữa thì tôi làm nhiều nữa. Làm giáo dục mà bạn không dạy người ta thì làm sao được! Trường tiểu học này do Hiệp Hội Phật giáo Trung Quốc quản lý, do Phật giáo làm, trẻ con từ nhỏ sẽ có ấn tượng tốt đối với Phật giáo, tương lai lớn lên có thể tiếp nhận lời giáo huấn của Phật. Chúng ta phải cố gắng nỗ lực làm. Tiền để không ở đó là tội nghiệp, bao nhiêu người cần mà bạn đem nó để ở đây khóa chặt không đưa người ta dùng, đây chính là tội lỗi. Có người nói:“Tôi không làm chuyện xấu”. Đây mới chính là làm chuyện xấu. Có rất nhiều người làm chuyện xấu mà chính mình không biết mình đang làm chuyện xấu. Bản thân họ cho rằng đây là chuyện bình thường, không có cảm giác tội lỗi. Tiền giữ trong tay, người cần không đưa cho họ dùng là có tội lỗi.
Hôm qua, tôi đã kiến nghị với hội trưởng Đao về việc bồi dưỡng nhân tài Phật giáo. Chúng ta cần chia ra làm hai bộ môn. Một cái là bồi dưỡng nhân tài quản lý tự viện, đây là nhân tài hành chánh sự nghiệp. Một cái là bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp. Người quản lý hành chánh không cần học giảng kinh thuyết pháp, nhân tài hoằng pháp dứt khoát không quản lý hành chánh. Nhân tài hoằng pháp phải thanh cao, phải buông xả, danh vọng lợi dưỡng thảy đều buông xả, chuyên tâm vào học vấn, một đời giảng kinh dạy học, ngoài cái này ra không quản lý việc gì cả. Chúng tôi bồi dưỡng những nhân tài này không phải tương lai mời họ về làm phương trượng, làm trụ trì, thế là hỏng rồi, công sức chúng ta vứt hết. Vì vậy chiêu sinh lần thứ năm tiếp theo này, tôi đặc biệt yêu cầu họ phải nói rõ ràng với học sinh, tương lai muốn làm phương trượng, làm ông chủ trụ trì hay muốn có danh vọng lợi dưỡng thì không nên đến.
Số người này của chúng tôi sau khi bồi dưỡng ra, xin nhà nước tổ chức một đoàn hoằng pháp. Sau khi tốt nghiệp ra, những nhân viên giảng kinh này đều là đoàn viên của đoàn hoằng pháp. Đoàn hoằng pháp tương lai chính là nhà của chúng ta. Đời sống của chúng ta trong đời này sẽ do đoàn hoằng pháp chăm nom. Khi không giảng kinh, tự mình luyện tập giảng trong đoàn hoằng pháp, các bạn đồng học nghe. Nói tóm lại, chúng ta giảng kinh mỗi ngày không gián đoạn. Ở nơi nào có nhu cầu nghe kinh, ai đến “Phật HiệpHội Giáo Dục Trung Quốc” thỉnh pháp, “Phật Hiệp” sẽ phái đoàn viên đi giảng kinh, giảng xong rồi trở về ngay không ở lại chỗ họ, như vậy mới được. Hôm qua hội trưởng Đao nghe xong cũng rất hoan hỷ. Ông nói: “Cái này hay!”. Tương lai bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp do Hội Phật Giáo Bắc Kinh làm chủ trì, những Phật học viện các tỉnh sẽ đảm trách việc bồi dưỡng nhân tài quản lý. Tôi nói: “Vậy là đúng rồi!”. Chúng tôi thật sự yêu cầu thực hiện “tam bất quản” rất hay! Không quản người, không quản việc, không quản tiền, tâm bạn sẽ thanh tịnh biết bao!
Tôi đã nhận lời xây 100 phòng học. Việc này cần không ít tiền! Vậy tiền từ đâu mà có? Từ một số người chuyên ưa thích làm công đức nhưng họ không muốn lộ tên tuổi. Tôi điện thoại liên lạc với họ và hỏi: “Được hay không?” Họ nói: “Được, chuyện nhỏ!”. Tôi điện thoại báo thì tiền lập tức sẽ đến ngay! Tiền không nhất thiết là phải qua tay tôi, giao thiệp với nhà trường là được rồi, tự các anh đi đưa. Nhất định phải làm nhiều việc tốt, tích nhiều đức thì cái phước báo này của bạn là vô lượng vô biên!
Các bạn đã bàn đến việc về nước giảng Kinh, chúng ta giảng ở đâu đây? Các bạn cũng đưa ra ý kiến rồi. Chiều hôm nay, lúc tụ hội trở lại, các bạn cũng nêu ra tiếp vấn đề này. Hội trưởng Đao liền nói: “Bắt đầu từ chùa Quảng Tế Bắc Kinh, chúng ta giảng địa điểm này trước”. Tôi nói: “Được”. Nếu như chùa Quảng Tế của anh mở cửa giảng kinh, tôi bảo anh một năm giảng 360 ngày, mỗi ngày không gián đoạn. Ông ngẩn người!? Tôi khẳng định được! Tôi hiện nay ở đây có hơn mười học trò, mỗi học trò tới lui giảng một tháng, luân phiên đi giảng thì một năm của anh đều không thiếu ngày nào rồi. Đây là một mẫu hình tốt. Chúng ta đi giảng một tháng, sau khi giảng xong trở về thì đồng tu thứ hai tiếp theo đi giảng. Hôm qua tôi đã quyết định, bắt đầu từ tháng tám năm nay, đồng tu các anh phải tích cực chuẩn bị. Tôi giảng mở đầu ba ngày, tôi không thể giảng nhiều, ngày thứ tư thì đồng tu kế tiếp đến giảng. Chúng ta kéo phong khí giảng Kinh của tự viện chúng ta lên.
Hôm qua họ nhìn thấy Cư Sĩ Lâm, họ có cảm xúc rất sâu, “trăm nghe không bằng một thấy”, nghe chưa được, nhất định phải tự mình đến. Hôm qua, yêu cầu cư sĩ Lý Mộc Nguyên làm cán bộ của Hiệp Hội Phật Giáo Bắc Kinh; Hy vọng cán bộ của Hiệp hội Phật Giáo Trung Quốc cũng có thể đến Singapore hai tuần để tham học, để xem xét thật kỹ, nghe ngóng thật kỹ. Lý Mộc Nguyên đã nhận lời, phát thư mời họ đến. Chúng ta nhất định phải có sự biểu hiện tốt, nhất định phải làm nên hình mẫu tốt cho người ta thấy, đem hình mẫu tốt này mở rộng ra toàn thế giới, tương lai sẽ hoằng pháp trên toàn quốc và toàn thế giới! Nếu quí vị nào muốn đóng góp ý kiến thì có thể trực tiếp nói, không nên khách sáo. Phát biểu càng sôi nổi càng tốt, để họ được nghe nhiều. Quả thật họ đang có quyết tâm cải tiến, hy vọng nâng cao giáo dục Phật giáo. Phật giáo không những chỉ nói thiện, mà còn là đại thiện cứu cánh viên mãn. Phật giáo không những dạy chúng ta trở thành một người hiền, một người dân tốt an phận thủ thường mà mục tiêu cuối cùng của Phật giáo là muốn giúp chúng ta chuyển phàm thành thánh..
Phía dưới nói: “Cẩu tín nhi tùng chi”. “Cẩu” là giả sử, nếu như (nếu như bạn thật sự tin), “tùng” là y giáo phụng hành.
“Tuần khả dĩ hình phương huấn tục”. “Tuần” là tin sâu, không hề có chút nghi ngờ, tin rất sâu có thể hình phương. “Hình” là mẫu mực, là tấm gương tốt, chuẩn mực tốt của xã hội, của đại chúng. “Tục” là người bình dân bình thường. “Huấn” là chỉ dạy, có thể chỉ dạy lê dân bá tánh, chuyển hóa phong tục xã hội.
“Nhi vi chí quân trạch dân chi đại trợ”. “Trợ” là giúp đỡ, giúp đỡ rất lớn. “Quân” là người lãnh đạo quốc gia. “Dân” là nhân dân. “Trạch” là ban ơn. Người lãnh đạo quốc gia bố thí ân huệ cho nhân dân.
Nếu như thúc đẩy nền giáo dục tam giáo, đối với họ mà nói là sự trợ lực có lợi ích nhất, cho nên các đời Đế vương, không có người nào mà không toàn tâm toàn lực thúc đẩy tam giáo. Bản thân họ lấy mình làm gương. Đại bộ phận các đời đế vương Trung Quốc, khoảng bảy đến tám phần mười đều là đệ tử quy y nhà Phật, đều lễ thỉnh cao tăng đại đức đương thời đến dạy học trong cung đình, họ được gọi là “Quốc sư”. Đại Sư Chương Gia chính là Quốc sư của Triều Thanh, từ đời Khang Hy mãi đến cuối đời nhà Thanh. Từ Hy Thái Hậu cũng là người quy y với Đại sư Chương Gia, đáng tiếc bà quá mê quyền lực, đối với lời giáo huấn của Phật, bà bề ngoài tuân theo nhưng bên trong chống lại, dẫn đến mất nước. Nếu bà quả thật có thể tin sâu, y giáo phụng hành, học theo tổ tiên của bà (Ung Chính là tổ tiên của bà), chúng tôi tin rằng, ngày nay vẫn là đế quốc đại Thanh, không bị mất nước. Như vậy mới biết, thật sự tuân thủ theo lời giáo huấn của cổ thánh tiên hiền là quan trọng biết bao!
Tiếp theo sau nói: “Kỳ nhiệm ý để hủy, vọng niết vi dương mặc chi đạo chi luận giả, giai vị kiến nhan sắc, thất bình chi cổ thuyết dã”. Đây là người trong xã hội thông thường không hiểu gì về giáo nghĩa của tam giáo, phỉ báng lẫn nhau. Phật giáo phỉ báng Đạo giáo, nhà Nho phỉ báng Phật, Đạo, v.v… Điều này phía trước đã nói rồi, đây là sự sai lầm quá lớn! “Kỳ nhiệm ý để hủy”, đây là nói giữa Phật và Đạo. “Vọng niết vi dương mặc chi đạo chi luận giả”, đây chính là nói Phật và Đạo là tà giáo, câu này là nói nhà Nho. Lời Ung Chính nói là rất công bằng, “giai vị kiến nhan sắc”, nghĩa là chưa nhìn thấy sự thật, đây là không công bằng. “Cổ thuyết” chính là nói mò, nói xằng nói bậy, đây là sai lầm. Ở phía trước Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo ông thêm vào một bài văn này, giống như viết lời tựa vậy, có thể thấy sự xem trọng của ông đối với Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo. Chúng ta liền nghĩ đến Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo là bộ kinh luận quan trọng nhất trong việc dạy học thời tiền Thanh và giáo hóa chúng sanh trong Phật pháp. Kinh văn này không dài, lưu hành phổ biến sẽ lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội.
Bài văn này chúng ta chỉ giảng đến đây thôi. Ngày mai chúng ta có thể giảng vào kinh văn rồi. A Di Đà Phật!
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời Gian: năm 2001
Người dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền
Tác giả bài viết: Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Nguồn tin: TinhKhongPhapNgu.com
Discussion about this post