Kinh văn: “Phục thứ Long vương, nhược ly lưỡng thiệt, tức đắc ngũ chủng bất khả hoại pháp. Hà đẳng vi ngũ? Nhất, đắc bất hoại thân, vô năng hại cố. Nhị, đắc bất hoại quyến thuộc, vô năng phá cố. Tam, đắc bất hoại tín, thuận bổn nghiệp cố. Tứ, đắc bất hoại pháp hành, sở tu kiên cố cố. Ngũ, đắc bất hoại thiện tri thức, bất cuồng hoặc cố. Thị vi ngũ. Nhược năng hồi hướng A-nậu-đa-la tam miệu tam Bồ-đề giả, hậu thành Phật thời, đắc chánh quyến thuộc, chư ma ngoại đạo, bất năng thư hoại”.
Đoạn kinh văn này cũng là lời khai thị quan trọng để chúng ta tu học, có thể nói là từ sơ phát tâm cho đến Như Lai địa cũng không thể tách rời.
“Lưỡng thiệt” là nói khiêu khích thị phi, đặt điều sinh sự. Chư Phật Bồ-tát, tổ sư đại đức đã nói với chúng ta rất nhiều là thế gian tất cả các pháp không có thiện ác, không có đúng sai, không có tà chánh, không có chân vọng, cũng không có lợi hại. Nếu như bạn vào cảnh giới này, vậy thì chúc mừng bạn, bạn thành Phật rồi, vào pháp môn không hai rồi. Tại sao Phật nói như vậy? Cái mà Phật nói với chúng ta là chân tướng sự thật, là cảnh giới thân chứng của chư Phật Như Lai, cái gọi là “Pháp nhĩ như thị”. Nhà Phật dùng pháp nhĩ, người bình thường chúng ta gọi là tự nhiên như vậy, nó vốn dĩ là như vậy.
Tất cả những khái niệm tà chánh, thị phi, chân vọng, lợi hại này đều là từ tâm người sinh ra. Từ tâm gì vậy? Từ trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước sinh ra. Lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, bạn mới nhìn thấy chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Hay nói cách khác, phàm phu chúng ta đã mang cặp mắt kính có màu để nhìn quang cảnh bên ngoài, làm nó biến chất rồi, biến hình rồi. Lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mới có thể nhìn thấy chân tướng. Không lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là tạo nghiệp rồi. Tạo nghiệp này, quả thật mà nói cũng là hư vọng, quả báo có được cũng là hư vọng. Nhưng mà những thứ hư vọng này bạn thật sự đang cảm thọ, giống như một người đang nằm mộng vậy. Bạn thấy ác mộng thì thật sự là thọ khổ, sợ vã mồ hôi, giật mình tỉnh dậy. Nếu như bạn biết được đây là mộng, đây là giả, thì bạn sẽ không sợ hãi, cũng không có hoảng sợ, nhưng chúng ta không biết đó là đang mộng. Từ đó cho thấy, chư Phật Bồ-tát thị hiện ở thế gian, các Ngài là biết mình đang nằm mộng, các Ngài đến độ chúng ta – những loại người không biết mình đang nằm mộng này. Các Ngài là người ở trong mộng đã tỉnh ngộ rồi, chúng ta là người ở trong mộng còn mê hoặc. Cho nên, ý nghĩa của danh hiệu Bồ-tát gọi là “Giác hữu tình”. “Hữu tình” chính là còn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đây gọi là hữu tình. Họ tuy hữu tình nhưng họ giác ngộ rồi, hết mê rồi, họ hiểu rõ chân tướng sự thật. Phàm phu chưa có giác ngộ, không hiểu rõ chân tướng sự thật, nhận giả làm thật, vậy là thọ khổ ngay, vô lượng vô biên khổ nạn do đó mà sinh ra.
Trong khẩu nghiệp, điều quan trọng nhất là “Lưỡng thiệt”. Tuy vọng ngữ rất phổ biến, nhưng cái hại của lưỡng thiệt hơn hẳn vọng ngữ quá nhiều. Người lưỡng thiệt nhỏ, kích động thị phi khiến cho nhà bạn bất hòa, phá hoại gia đình của người ta, phá hoại vợ chồng người ta, đây là nhỏ. Lưỡng thiệt lớn là xúi giục cho hai nước bất hòa, thậm chí là xảy ra chiến tranh, tổn hại biết bao nhiên nhân mạng, tài sản, tội này là nặng. Lưỡng thiệt lớn hơn nữa là trêu chọc Phật pháp, nhà Phật gọi là “phá hòa hợp tăng”. Trong tội ngũ nghịch, tội này thì rất nặng, còn nặng hơn việc xúi giục hai quốc gia phát động chiến tranh. Hai nước chiến tranh thì thương vong chỉ là thân mạng, phá hòa hợp tăng là đoạn pháp thân huệ mạng của tất cả chúng sanh.
Có rất nhiều người trong chúng ta đã đọc qua Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo kinh, trong kinh Phật nêu ra một ví dụ. Có hai vị tỳ kheo giảng kinh thuyết pháp, hoằng pháp lợi sinh, pháp duyên thù thắng. Sau đó có người đố kỵ, họ cũng là người xuất gia, đến phá hoại, đặt điều sinh sự đối với pháp sư, khiến cho tín chúng mất đi sự tín tâm đối với hai vị pháp sư này, thế là đạo tràng hoằng pháp này bị phá hoại. Phật nói với chúng ta, tội lỗi của họ là bị đọa vào địa ngục trong thời gian là 1.800 vạn năm, đây là thời gian của nhân gian chúng ta. Chúng ta biết, thời gian của nhân gian và địa ngục khác nhau, người hiện nay nói là lệch múi giờ.
Trước đây, chúng tôi ở đại học Phật giáo Đài Trung, thầy Lý giới thiệu với chúng tôi về hoàn cảnh địa ngục. Thầy nói, thời gian một ngày ở trong địa ngục dài không thể nghĩ bàn. Trong kinh có rất nhiều cách nói, tại sao Phật phải dùng rất nhiều cách nói vậy? Đó là nói cho chúng ta biết thời gian không phải là thật. Trong Bách Pháp Minh Môn, thời gian là thuộc về bất tương ưng hành pháp, nó không phải sự thật mà chỉ là một khái niệm trừu tượng. Một ngày trong địa ngục, theo cách nói ngắn nhất là hơn 2.700 năm của nhân gian chúng ta. Trung Quốc có 5000 năm lịch sử, so với thời gian ở địa ngục là gần hai ngày. Phật nói, họ đọa địa ngục là 1.800 vạn năm của nhân gian chúng ta. Vậy có phải là thời gian họ ở địa ngục không nhiều phải không? Không phải vậy! Thời gian trong địa ngục là một ngày bằng một năm, họ cảm thấy thời gian đặc biệt dài. Khi con người đang thọ khổ thì cảm giác thời gian rất dài, khi vui vẻ thì cảm thấy thời gian rất ngắn, cho nên thời gian là từ trong cảm giác sinh ra, không phải thật. Trong kinh nói thời gian dài, chúng ta có thể tư duy được thời gian 1.800 vạn năm là dài vô cùng. Sự cảm thọ trong địa ngục là vô lượng kiếp. Vì vậy trong tất cả tội nghiệp tạo tác, không gì bằng phá hòa hợp tăng, đây là tội ngũ nghịch.
Chúng ta phải biết, giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, làm thân Phật chảy máu, phá hòa hợp tăng, năm loại tội này là đọa địa ngục A-tỳ. Cho dù người xuất gia có lỗi lầm, đại sư Thanh Lương trong kinh Hoa Nghiêm Sớ Sao có giải thích việc này. Trong Hoa Nghiêm 40, chương Thập Tín sau cùng, Bồ-tát Văn Thù chỉ dạy Thiện Tài Đồng Tử đi tham học (người Trung Quốc gọi là tầm sư học đạo), dạy ông thái độ tham học, nói với ông là trong thiện tri thức có một số hành vi giống như là trái ngược đạo đức, tức là làm sát, đạo, dâm, vọng. Việc này ở trong 53 lần tham học là có thật, Ngài nói đó là thiện tri thức thật. Trong Phật pháp nói, cần dùng thân gì để độ thì các Ngài dùng thân ấy, cần dùng phương pháp gì độ được thì các Ngài dùng phương pháp đó. Người ưa thích đánh bạc thì hằng ngày vào sòng bạc, Bồ-tát muốn độ họ thì Bồ-tát cũng vào sòng bạc giống họ, đánh bạc chung với họ, vả lại mỗi ván đều thắng, mọi người đều nhìn vào Ngài hỏi: “Anh dùng phương pháp gì vậy?”, Ngài liền đem Phật pháp dạy cho họ. Đây là đại quyền thị hiện. Nếu như nhìn thấy người như vậy, họ là thiện tri thức thật mà bạn liền bỏ đi, không gần gũi họ, vậy thì thật đáng tiếc, pháp duyên của bạn bị đứt rồi. Đây là nói trong thế gian, Bồ-tát đại quyền thị hiện không phải chỗ phàm phu chúng ta có thể suy đoán được, cũng không phải chỗ mà phàm tình có thể lý giải được. Họ nhất định là vì lợi ích chúng sanh, quyết không phải tự tư tự lợi.
Sau đó lại nói, cho dù họ là thật thì người cầu học chúng ta cũng cần nên chân thành, cung kính học tập theo họ. Ta học tập mặt tốt này của họ, mặt không tốt ta không học, vậy bạn mới có thể gần gũi thiện tri thức thật trong thiên hạ. Đây là dạy chúng ta tâm trạng cần phải có khi tầm sư học đạo. Hay nói cách khác, chư Phật Bồ-tát thị hiện ở thế gian, trong cửa Phật thường nói là “rồng rắn hỗn tạp”. Tại sao Bồ-tát Phổ Hiền dạy chúng ta “lễ kính chư Phật” vậy? “Lễ kính chư Phật” là chắc chắn không có phân biệt. Người thiện, người ác đều có Phật tánh, chúng ta nên xem họ là Phật thật để đối xử thì chúng ta mới có thể thành Phật được. Nếu như trong tâm chúng ta còn xen tạp một số bất thiện, thì chúng ta không thể thành tựu. Đây là cửa ải lớn nhất mà chúng ta tu hành có thể thành tựu hay không, cũng chính là điều mà trong Đàn kinh gọi là: “Nếu người chân thật tu hành, không thấy lỗi thế gian”. Đến khi nào chúng ta có thể “không thấy lỗi thế gian” thì người niệm Phật công phu chắc chắn thành khối, họ công phu đắc lực rồi. Tại sao vậy? Tâm của bạn thuần thiện rồi. Tâm thuần thiện là chân tâm, tâm thuần thiện là bản tánh. Ngày nay, tâm này của chúng ta hỏng rồi, hỏng ở chỗ nào vậy? Đem biết bao nhiêu những thứ bất thiện ở bên ngoài để vào trong tâm mình, tâm mình biến thành bất thiện. Vốn dĩ là tâm thuần thiện mà nay biến thành bất thiện rồi.
Phật thường nói, thế gian tất cả chúng sanh là những người mê hoặc điên đảo, là những người đáng thương hại. Họ mê chỗ nào? Điên đảo chỗ nào? Đáng thương chỗ nào vậy? Chính là họ chỉ chuyên sưu tập tất cả những thứ bất thiện ở bên ngoài, còn những thiện pháp bên ngoài họ thảy đều bỏ sót lại hết. Họ không sưu tập thiện pháp mà họ chỉ sưu tập bất thiện pháp, cho nên đã đem đến cho mình biết bao nhiêu tai nạn. Tai nạn nghiêm trọng nhất là ba đường ác.
Ở Singapore có một người rất thông minh là cụ Hứa Triết. Cụ nói với chúng ta, trong tâm cụ cả đời chuyên đi sưu tập thiện pháp của người khác, điều bất thiện của người khác cụ đều xem như rác rưởi, bỏ hết, cụ dứt khoát không nhớ. Đây là tấm gương tốt cho chúng ta tu hành. Cụ là tín đồ Thiên Chúa, không phải tín đồ Phật giáo, đến 100 tuổi mới tiếp xúc được Phật pháp, mới xem kinh Phật. Cụ có thiện căn sâu dày. Sau khi xem kinh Phật, cụ liền phát tâm quy y. Cụ đến Cư Sĩ Lâm để quy y, ngay cả phái ngũ giới tôi cũng phát cho cụ rồi. Tại sao vậy? Ngũ giới cụ làm được hết rồi. Chúng ta đã thọ ngũ giới nhưng chưa chắc giữ được, còn cụ đã làm viên mãn rồi, ngũ giới thập thiện đều tu rất viên mãn. Đây là tấm gương tốt của chúng ta, 100 tuổi quay đầu cũng không muộn!
Mấy hôm trước, có một đồng tu ở Đông Bắc gọi điện thoại cho tôi, họ nói ở bên đó có một số người xuất gia, những gì mà trong mắt họ nhìn thấy được thật là vô cùng không như pháp. Một số người hỏi: “Chúng ta có nên đem sự việc này của họ vạch trần, tố cáo họ không?”. Nhưng họ suy nghĩ lại, sự việc này có thể phá hoại hình tượng Phật giáo, khiến rất nhiều người học Phật bị thối tâm, nhân quả này phải làm thế nào? Họ thật là khá, còn có thể tin nhân quả. Tôi bèn nói với họ: “Anh tự mình cân nhắc thật cẩn thận, tốt nhất vẫn cứ để tự nhiên. họ làm việc của họ, ta làm việc của ta. Họ làm càn làm bậy, tương lai đọa tam đồ. Nếu như ta muốn vạch trần, phải khiến biết bao nhiêu tín chúng mất đi tín tâm với Phật giáo thì ta phải đọa địa ngục A-tỳ”. Trong đây nghiệp nhân quả báo, lợi hại, được mất phải hiểu rõ.
Ở thời đại này, pháp sư Đàm Loan thời Nam Bắc triều, trong Chú Giải Vãng Sanh Luận có tiên tri, nói thời kỳ mạt pháp của chúng ta, Tu-la, La-sát trụ trì là hoàn toàn tương đồng với lời huyền ký của Thế Tôn trong kinh Lăng Nghiêm. Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật nói thời đại này của chúng ta là: “Tà sư nói pháp nhiều như cát sông Hằng”. Chúng ta phải có trí tuệ lựa chọn, điều quan trọng hơn là phải có trí tuệ bảo vệ chính mình, phải hộ pháp. Bảo vệ mình là bảo vệ sự chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi của mình; bảo vệ Bồ-tát hạnh nhìn thấu, buông xả, tự tại, tùy duyên của mình.
Tối hôm qua, tôi cùng dùng cơm tối với Đại sứ Ấn Độ tại Singapore, ông đã hỏi rất nhiều vấn đề, chúng tôi cũng bàn đến phương diện này. Hộ pháp, điều quan trọng nhất là hộ trì Phật tánh của mình, hộ trì thiện tâm của mình, nhất định không bị ngoại cảnh ảnh hưởng, đây là thiền định. Ông hỏi tôi về “Tam Ma Địa”. Ấn Độ Giáo cũng tu Tam Ma Địa, trong kinh Lăng Nghiêm gọi là “Xa-ma-ha, Tam-ma-địa, Thiền na”. Ba loại này đều là danh từ của thiền định. Xa Ma Tha nghiêng nặng về “chỉ”, người Trung Quốc chúng ta gọi là chỉ quán. Thiền Na thì “chỉ”, “quán” đều xem trọng. “Chỉ” chính là không bị ngoại cảnh ảnh hưởng, không bị hoàn cảnh nhân sự, hoàn cảnh vật chất ảnh hưởng. Bạn nghe rồi, nhìn thấy rồi, bạn có trí tuệ biện biệt, ở trong đây đoạn ác, tu thiện. Ác làm sao đoạn? Nhìn thấy người ác, nhìn thấy việc ác tuyệt đối không ghi lại trong tâm thì ác liền đoạn ngay. Đoạn ác là phải đoạn như vậy. Làm sao tu thiện? Nhìn thấy người thiện, nhìn thấy việc thiện phải biết noi theo, vậy là tu thiện. Chúng ta nắm vững được nguyên tắc này thì trên đường Bồ-đề sẽ thuận buồm xuôi gió, mới không đến nổi bị thối chuyển.
Phàm phu tu hành không thể thành tựu, chướng ngại lớn nhất là thời gian tiến thì ít, thời gian lùi thì nhiều. Do vì tiến một bước, lùi mười bước, vậy mới cần phải vô lượng kiếp, mới phải trải qua ba đại A-tăng-kỳ kiếp. Nếu như chỉ có tiến bộ, không hề lùi bước thì chắc chắn một đời thành tựu. Làm thế nào có thể thật sự làm được chỉ có tiến bộ, không có lùi bước vậy? Mấu chốt là ở chỗ này, ở Xa-ma-tha thiền định này. Chúng ta có năng lực biện biệt đúng sai, biện biệt thiện ác, dứt khoát không nên đem điều ác, điều sai để ở trong tâm. Đây chính là phần trước bộ kinh này Phật đã dạy chúng ta: “Bất dung hào phân, bất thiện gián tạp”, nên bồi dưỡng tâm thuần thiện của bản thân chúng ta. Thiện tri thức này có lỗi lầm, chúng ta nghi ngờ là tâm động rồi, thì sự việc này sẽ phiền phức ngay, ta rất dễ bị thối chuyển. Thiện tri thức chân chánh nhất định sẽ tìm bạn để nói chuyện, giải thích cho bạn, giúp bạn dứt nghi sanh tín.
Tôi trước đây mới đến Đài Trung, cũng có người thường hay phàn nàn về thầy Lý, nói rất nhiều, nhưng tôi dứt khoát không để bụng, vì tôi biết, ngay cả Phật Thích Ca Mâu Ni, ngay cả Khổng Lão Phu Tử, bạn thấy người phỉ báng nhiều hay ít? Đại thánh đại hiền trải qua hơn 2000 năm rồi mà vẫn có người phỉ báng họ. Một người mà không bị phỉ báng, thì đó không phải là việc dễ dàng, Phật Bồ-tát cũng không làm được. Bạn phỉ báng đó là việc của bạn, tôi thấy vị thầy này vẫn có đạo đức, có trình độ thì tôi vẫn cứ học theo thầy, nhất định không bị họ ảnh hưởng. Những sự việc về đặt điều sinh sự này rất nhiều, bản thân thầy Lý cũng hiểu được. Có một lần, thầy gọi tôi vào trong phòng giảng giải với tôi. Thật ra tôi không cần giảng giải, đó là ý tốt của thầy, thầy muốn củng cố tín tâm của tôi, không để tôi rời khỏi thầy, cho nên tôi theo thầy mười năm, ân đức quá sâu dày.
Kinh văn: “Phục thứ long vương, nhược ly lưỡng thiệt, tức đắc ngũ chủng bất khả hoại pháp”.
Phần trên, chúng ta đã nói sơ lược qua lỗi lầm của lưỡng thiệt. Trong tất cả lỗi lầm, có thể nói đây là điều nghiêm trọng nhất. Điều này thuộc về hành động, mà căn bản của nó chính là ba độc phiền não. Nếu như không có ba độc phiền não, thì thân và khẩu chắc chắn sẽ không tạo ác nghiệp. Từ đó cho thấy, ba độc là năng tạo, thân khẩu bảy chi là sở tạo. Đại đức xưa dạy chúng ta, tu hành phải tu từ căn bản. Căn bản chính là phải chuyển ba độc thành giới-định-tuệ, đây là điều mà Như Lai Thế Tôn chỉ dạy chúng ta. Ba độc là gốc của phiền não, giới-định-tuệ là gốc của tất cả thiện pháp, đây là hai cái gốc rễ của thiện ác. “Tu từ căn bản”, chúng ta phải biết cái mà căn bản nói là gì, căn bản phải bắt đầu từ đâu? Đây là điều mà chúng tôi ở trong các buổi giảng thường nói: “Gốc rễ của gốc rễ chính là chấp ngã”. “Ngã” không thể không phá, phá chấp ngã là trí tuệ chân thật. Trong toàn bộ Phật pháp, mọi người đều biết, chỉ cần có chấp ngã tồn tại, chấp ngã không phá thì bạn không thể vào cửa, Đại Tiểu thừa đều không thể vào cửa.
Tiểu thừa sơ quả Tu-đà-hoàn làm sao chứng được vậy? Đoạn sạch 88 phẩm kiến hoặc trong tam giới mới chứng quả Tu-đà-hoàn, là sơ quả Tiểu thừa. Năm mươi mốt cấp bậc của Bồ-tát Đại thừa, quả vị sơ tín cũng phải đoạn 88 phẩm kiến hoặc trong tam giới. Trong kiến hoặc, điều đầu tiên là thân kiến, thân kiến này chính là chấp ngã. Đây là cái mà chúng ta không thể không nhận cho rõ ràng. Chúng ta học Phật đã học bao nhiêu năm rồi mà công phu không đắc lực, hằng ngày vẫn cứ sinh phiền não. Tại sao công phu không đắc lực vậy? Là bạn không làm thật. Hằng ngày đọc tụng, hằng ngày giảng giải, hằng ngày nghiên cứu thảo luận nhưng không dùng được, đây là chỉ lòng vòng ở trong tín giải chứ chưa có hành. Phải hành thì mới có thể chứng, bạn không hành thì làm sao chứng được? Cho nên thật sự chịu hành, đây chính là trí tuệ chân thật.
Trí tuệ chân thật mang lại cho chúng ta hai loại lợi ích thù thắng. Thứ nhất là khai ngộ thì trí tuệ hiện tiền, trong kinh Vô Lượng Thọ gọi là “khai hóa hiển thị chân thực chi tế”. Câu nói này trong Thiền tông gọi là minh tâm kiến tánh, trong Giáo hạ gọi là đại khai viên giải. Bạn phải buông xả thì mới được, nhà Phật nói là: “Xả đắc”. Nếu bạn đem thân kiến buông sạch, kiến tư phiền não buông sạch, thì bạn mới có được trí tuệ chân thật, mới có thể được minh tâm kiến tánh, vậy là trí tuệ thành tựu rồi. Cái thứ hai bạn được là “chân thực chi lợi”. Chân thực chi lợi, chúng ta gọi là hưởng thụ về vật chất, không bị thiếu thốn, viên mãn rồi. Bạn được hai loại lợi ích phước huệ nhị túc tôn, vậy mới có một chút giống Phật. Tuy còn cách Phật cứu cánh rất xa, nhưng bạn đã có dáng vẻ này rồi, bạn đã giống rồi. Nếu như kiến tư phiền não đoạn không sạch, thì không giống, bạn vẫn là phàm phu thập túc, bất kể tu hành như thế nào, bạn không thể ra khỏi lục đạo luân hồi, tu tốt đi nữa cũng chẳng qua là phước báo nhân thiên mà thôi. Đây là điều chúng ta nhất định phải biết. Nếu bạn không hiểu đạo lý này, không hiểu rõ chân tướng sự thật, thì một đời này không thể đạt được kết quả. Phước báo nhân thiên không được xem là quả.
Trong Phật pháp nói ngũ thừa Phật pháp, miễn cưỡng nói tiểu quả nhân thiên. Trên thực tế, Phật pháp nói tiểu quả là A-la-hán và Bích-chi Phật. Thoát khỏi lục đạo luân hồi mới là thật sự có kết quả, chưa thoát khỏi lục đạo luân hồi thì không tính. Cho nên Phật pháp chân chánh là tam thừa. Tiểu thừa là Thanh Văn, A-la-hán; trung thừa là Duyên Giác, Bích-chi Phật; thượng thừa là Bồ-tát, là Phật, đây mới là quả báo đích thực. Quả báo đích thực đều là bắt đầu từ đoạn kiến tư phiền não. Nếu như chúng ta ngày nay không đem tự tư tự lợi buông xả hết thì làm sao được? Đây là chướng ngại của mình. Cửa đầu tiên rất khó phá. Sau khi phá được cửa ải này rồi, thì về sau sẽ thuận lợi hơn nhiều. Khó khăn đương nhiên là có, nhưng so với cái khó khăn này thì dễ dàng giải quyết hơn nhiều. Cho nên chỉ cần bạn chứng được quả vị Bồ-tát sơ tín, hoặc giả là sơ quả Tu-đà hoàn của Tiểu thừa, trong kinh Phật nói là bạn đã có học vị rồi. Đây là “vị bất thối” trong tam bất thối, bạn chắc chắn sẽ không thối chuyển vào lục đạo làm phàm phu. Tu-đà-hoàn và Bồ-tát sơ trụ đều không có xa lìa sáu cõi, nhưng họ ở trong lục đạo chắc chắn không đọa làm phàm phu, hay nói cách khác, họ chắc chắn không đọa ba đường ác. Đây là thật sự được chứng nhận, chắc chắn không đọa ba đường ác, tại sao vậy? Vì họ không còn tạo nghiệp ba đường ác nữa, họ chỉ có thăng tiến lên trên. Tiến lên có nhanh, chậm khác nhau. Người lợi căn họ tiến lên nhanh, người căn tánh độn họ tiến lên chậm, nhưng chắc chắn sẽ không đọa xuống.
Hiện nay chúng ta làm sao để chuyển hướng? Phật pháp nói, thật sự là chuyển nghiệp, không phải diệt nghiệp, tại sao vậy? Tánh của ngũ nghịch thập ác nghiệp là chân như bản tánh. Nếu như tánh nghiệp này diệt đi rồi thì thiện cũng không còn nữa. Cho nên, Phật pháp nói “đoạn”, nói “diệt” đều là hình dung từ, không phải đoạn thật sự, cũng không phải diệt thật sự, mà là gì vậy? Là chuyển biến thôi, chuyển ác thành thiện. Tánh thiện và tánh ác là một tánh, không phải hai tánh, là chân như bản tánh. Chân như bản tánh tại sao lại có thiện ác vậy? Tại vì mê ngộ. Khi ngộ là thuần thiện, khi mê là thuần ác, sự việc là như vậy. Nhưng trong bản tánh không có mê ngộ, không có thiện ác, thiện ác là phân ra từ trên mê ngộ, vì vậy mới xem trọng nền giáo dục chuyển mê thành ngộ.
Toàn bộ Phật pháp, bất kể là Hiển giáo, Mật giáo, Tông môn, Giáo hạ, Đại thừa, Tiểu thừa, chính là một việc dạy bạn làm sao chuyển mê thành ngộ, mấu chốt là ở chỗ này. Mê ngộ chuyển rồi thì thiện ác đương nhiên cũng sẽ chuyển, một cách tự nhiên chuyển ác thành thiện không cần phải dùng sức. Chúng ta ngày nay không thể chuyển được mê ngộ, cho nên chuyển ác thành thiện mới khó khăn như vậy. Trong công phu chuyển biến mà nói, mê ngộ là căn bản, thiện ác lại là thứ yếu, là cành ngọn. Hạ thủ từ trên căn bản đó chính là chuyển mê thành ngộ. Chúng ta chấp trước thân căn của mình, cho nó là ta, chấp trước tự tư tự lợi, thì đây là mê, không phải ngộ.
Bởi do tự tư tự lợi, tham-sân-si-mạn mới tạo thập ác nghiệp. Trong thập ác nghiệp, điều nghiêm trọng nhất, tổn hại cực kỳ nghiêm trọng đối với mình là lưỡng thiệt, xúi giục thị phi, làm loạn hai đầu. Quả báo vô cùng đáng sợ! Xem sự ảnh hưởng tạo tác ác nghiệp của bạn, bạn ảnh hưởng càng lớn, càng sâu thì tội nghiệp càng nặng, thời gian bạn đọa lạc vào địa ngục càng lâu, bạn phải thọ khổ cực. Chúng ta phải quan sát tỉ mỉ, phải luôn luôn phản tỉnh, phải thường nhớ lời giáo huấn thánh nhân là “thành tựu cái thiện của người, nhất định không thành tựu người khác tạo ác”. Lưỡng thiệt là thành tựu người khác tạo ác. Thế Tôn ở chỗ này chỉ dạy chúng ta: “Nhược ly lưỡng thiệt, tức đắc ngũ chủng bất khả hoại pháp, bất khả thư hoại. Hà đẳng vi ngũ? Nhất, đắc bất hoại thân, vô năng hoại cố”. Đây chính là định nghĩa của “bất hoại thân”, không ai có thể làm tổn hại bạn. Tại sao không ai có thể làm tổn hại bạn vậy? Bởi vì bạn vô ngã. Người có ngã mới bị người làm tổn thương, vô ngã thì không bị người làm tổn hại.
Quí vị đọc kinh Kim Cang, xem thấy trong kinh có một câu chuyện nhỏ là “Nhẫn nhục tiên nhân bị Ca-lợi vương cắt xẻ thân thể”. Câu chuyện này được kể lại tỉ mỉ ở trong kinh Đại Niết Bàn, trong kinh Kim Cang chỉ là nhắc lại một chút thôi, còn trong kinh Đại Niết Bàn thì ghi chép cặn kẽ. Nhẫn nhục tiên nhân là ai vậy? Là Phật Thích Ca Mâu Ni lúc chưa thành Phật, đang tu Bồ-tát đạo. Đây là chuyện trong đời quá khứ của Ngài. Ca-lợi vương, “Ca-lợi” là tiếng Phạn, dịch thành nghĩa tiếng Trung Quốc là bạo quân, là vua vô đạo. Ca-lợi tức là tàn bạo, vô đạo. Người tu hành này sống ở trong núi sâu. Quốc vương vào trong núi săn bắn, mang theo rất nhiều người, trong đó cũng có một số cung nữ. Những cung nữ này gặp được tiên nhân thì vây xung quanh Ngài để thỉnh giáo. Tiên nhân thuyết pháp cho họ nghe. Vị quốc vương này nhìn thấy, ông vô cùng giận dữ, cho là con người này không chân thật, đùa cợt với cung nữ của ông, lập tức lăng trì xử tử. “Lăng trì” là dùng dao cắt thịt, cắt từng lát từng lát, đây là hình phạt tàn khốc nhất. Bồ-tát một mảy may tâm oán hận cũng không có, Ngài đã thành tựu tướng nhẫn nhục ba-la-mật viên mãn. Bồ-tát không những không hận vị quốc vương này, ngược lại còn cảm kích, tại sao vậy? Thông qua lần thử nghiệm này, Ngài biết Ngài tu nhẫn nhục ba-la-mật viên mãn. Cho nên, lúc đó Ngài đã phát một lời nguyện: “Tương lai khi tôi thành Phật, người đầu tiên tôi độ là ông”. Do đó khi Thích Ca Mâu Ni thành Phật, người đầu tiên được độ là tôn giả Kiều Trần Như (Kiều Trần Như chính là Ca-lợi vương trước đây). Đây là điều chúng ta phải học tập.
Chúng ta bị người khác làm nhục một chút liền nổi giận, ôm hận trong lòng, niệm niệm không quên. Vậy có nguy không? Loại trạng thái này sẽ kết oán thù với đối phương. Oán thù như thế nào vậy? Oan oan tương báo, không bao giờ dứt, vậy thì đau khổ cỡ nào? Cái khổ này từ đâu mà có vậy? Tự làm tự chịu. Bản thân bạn không có trí tuệ, bạn chấp trước cái thân này là ta. Nhẫn nhục tiên nhân tại sao không đau khổ? Khi bị cắt Ngài cũng không đau khổ, nguyên nhân gì vậy? Vô ngã tướng. Chúng ta ngày nay bị người ta chích, bị cắt, tại sao bị đau khổ vậy? Có ngã. Chấp trước thân này là ta, cho nên bạn liền có đau khổ. Không chấp trước thân này là ta, nếu họ cắt người khác tại sao bạn không đau? Bởi vì bạn không chấp trước thân kia là ta. Nếu bạn không chấp trước thân này là ta, thì bạn cũng không có đau khổ. Tất cả mọi phiền não đều là từ chấp ngã mà ra. Cho nên Phật nói, cảm thọ của phàm phu có năm loại: khổ, lạc, ưu, hỷ. Tâm có ưu hỷ, thân có khổ lạc. Khi thân bạn không có khổ lạc, tâm không có ưu hỷ thì gọi là thọ xả. Thọ xả là bình thường, nhưng đáng tiếc bạn giữ gìn không được, thời gian của bạn rất ngắn, nếu như thọ xả giữ gìn vĩnh viễn thì đó chính là thiền định, tam muội.
A Di Đà Phật!
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: năm 2001
Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền
Tác giả bài viết: Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Nguồn tin: TinhKhongPhapNgu.com
Discussion about this post