Kinh văn: “Long vương, thí như nhất thiết, thành ấp tụ lạc, giai y đại địa, nhi đắc an trụ, nhất thiết dược thảo, hủy mộc tòng lâm, diệc giai y địa, nhi đắc sanh trưởng, thử thập thiện đạo, diệc phục như thị, nhất thiết nhân thiên, y chi nhi lập, nhất thiết Thanh Văn, Độc giác Bồ Đề, chư Bồ Tát hạnh, nhất thiết Phật pháp, hàm cộng y thử, thập thiện đại địa, nhi đắc thành tựu”.
Đoạn này là phần lưu thông của bổn kinh. Phật nêu ra một thí dụ: “Thí như nhất thiết, thành ấp tụ lạc”. Thí dụ này dễ hiểu. Trên địa cầu có rất nhiều thành phố, “thành ấp” chính là thành phố, “tụ lạc” là hương trấn, thôn trang, đều không thể rời khỏi đại địa.
“Giai y đại địa, nhi đắc an trụ”. Con người chúng ta đều không thể rời khỏi đại địa, rời khỏi đại địa thì không thể sinh tồn.
“Nhất thiết dược thảo, hủy mộc tòng lâm”. Đây là chỉ thực vật. Động vật không lìa khỏi đại địa, thực vật cũng không lìa khỏi. Rời khỏi đại địa, chúng không thể nào sinh tồn. Đây là nói rõ, bao gồm tất cả sinh vật (động vật, thực vật thảy đều gọi là sinh vật), rời khỏi đại địa thì không thể sinh tồn. Thí dụ này dễ hiểu. “Đại địa” tỷ dụ cho “mười thiện”.
“Thử thập thiện đạo, diệc phục như thị”. “Thập Thiện Nghiệp Đạo” cũng giống như đại địa, tình dữ vô tình cùng đồng phải nương tựa. Ở chỗ này, hữu tình chúng sanh chúng ta tương đối dễ dàng thể hội, tu mười nghiệp thiện thì sẽ được quả thiện. Nhà Phật thường nói: “Phật thị môn trung, hữu cầu tắc ứng”. Lời nói này là chân thật, trong “Liễu Phàm Tứ Huấn”, Thiền sư Vân Cốc đã nói rất rõ ràng. Thiền sư Trung Phong cũng nói được rất rõ: “Trồng nhân thiện chắc chắn được quả thiện”. Đây chính là đạo lý “hữu cầu tắc ứng”.
Chúng ta cầu phải như lý như pháp. Người thế gian cầu nguyện quá nhiều, vì sao không có được cảm ứng? Vì họ không hiểu đạo lý, không biết được phương pháp, việc cầu nguyện đó không như lý như pháp, cho nên không có cảm ứng.
Sự cầu nguyện trong cửa Phật, khi tôi mới bắt đầu học Phật, đại sư Chương Gia dạy cho tôi. Ngài nói, chúng ta hướng đến Phật Bồ Tát cầu nguyện, lâu dài không thể hiện tiền, không thể thỏa mãn nguyện vọng, đây là do nghiệp chướng chướng ngại. Chúng ta nhất định phải phản tỉnh, phải quán sát, nghiệp chướng của chính mình đang tồn tại, phải nỗ lực đem nghiệp chướng tiêu trừ, thì sở cầu của chúng ta liền mãn nguyện, liền có thể hiện tiền.
Làm thế nào để nghiệp chướng tiêu trừ? Đại sư nói với tôi, phải “Sám hối”, cùng Bồ Tát Phổ Hiền đã nói “Sám trừ nghiệp chướng” là một ý nghĩa. Tôi hỏi đại sư, cách sám trừ như thế nào? Ngài nói với tôi bốn chữ: “Sau Không Làm Nữa”. Câu nói này nói được dễ dàng, nhưng làm thì thật là khó. Nhà Nho nói: “Bất nhị quá” cũng là cái ý này. Lỗi lầm chỉ có một lần, không thể lăp lại, đây gọi là chân sám hối. Ngài nói với tôi, không cần phải vào chùa thắp hương lễ lạy, đi cầu nguyện, không cần thiết. Vào lúc đó tôi mới học Phật, ngay cả Tam Quy Y cũng chưa thọ. Ngài dạy tôi không cần thiết phải vào trong chùa lạy Phật, quan trọng nhất chính là “thay đổi tự làm mới”. Đây là lời của đại sư Chương Gia dạy tôi.
Chúng ta biết được lỗi lầm của chính mình, phát hiện lỗi lầm của chính mình, đây chính là khai ngộ. Người giác ngộ, sau khi ngộ rồi, đáng quý nhất là phải tu hành. “Tu hành” là gì? Chính là cải lỗi, đem lỗi lầm của chính mình cải đổi lại, đây gọi là tu hành. Cho nên, tu hành là tu sửa lỗi lầm của chính mình, tu sửa hành vi sai lầm của chính mình. Do đây có thể biết, tu hành không chỉ là niệm Phật tụng kinh, không phải vậy. Việc tụng kinh niệm Phật là phương pháp của tu hành. Người chân thật tu hành phải hiểu được là đem hành vi sai lầm của mình cải đổi lại. Tu từ chỗ nào? Tổ sư đại đức dạy bảo chúng ta “tu từ căn bản”. Cái gì là căn bản? “Khởi tâm động niệm” là căn bản. Đây là phương pháp tu hành cao minh nhất. Ta nói chuyện sai rồi, lần sau ta cải đổi; ta làm sự việc này sai rồi, lần sau ta không dám làm nữa. Đây là tu từ trên sự, tu từ trên thân, không phải từ căn bản. Căn bản là từ khởi tâm động niệm, từ chỗ này mà cải sửa thì thân khẩu của bạn tự nhiên liền không có lỗi lầm. Cho nên, phải hiểu được ý niệm mới khởi thì có thể quán sát được.
Cổ đức thường hay dạy người: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Ý niệm khởi lên, đây là lý đương nhiên. Người chưa chứng được quả vị cứu cánh như Bồ Tát mà còn có ý niệm. Chúng ta nghĩ xem, nếu Bồ Tát Đẳng Giác không có sanh tướng vô minh, niệm niệm tương tục thì làm sao họ có thể ở tại thế gian này? Không thể nào. Một niệm sanh tướng vô minh của Bồ Tát Đẳng Giác cũng là niệm niệm nối nhau, cho nên họ mới thị hiện ra căn thân thế giới. Pháp giới nhất chân, thế giới Tây Phương Cực Lạc chính là như vậy mà biến hiện ra, nó là vô minh tiếp nối mà hiện ra thế giới. Nếu như một niệm vô minh này đoạn rồi, đó chính là lời của Đại sư Vĩnh Gia trên “Chứng Đạo Ca”: “Sau khi giác rồi, không cả đại thiên”. Vậy thì Phật có độ chúng sanh hay không? Không độ chúng sanh. Cho nên, từ ngay chỗ này chúng ta thể hội được “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi” của Phật. Phật đến cảnh giới này, một phẩm vô minh sau cùng đó của Ngài, Ngài không đoạn. Không phải Ngài không có năng lực đoạn. Ngài có năng lực đoạn, nhưng Ngài không đoạn. Đây gọi là “thừa nguyện tái lai”, gọi là “đới hoặc nhuận sanh”. Nhất phẩm vô minh, Ngài quyết định không đoạn. Cho nên, ở chỗ này các vị phải biết, Bồ Tát Đẳng Giác cùng Như Lai quả địa là như nhau. Trong như nhau có không như nhau. Không đồng ở chỗ nào? Một phẩm vô minh đó, Bồ Tát Đẳng Giác không có năng lực đoạn; Phật có năng lực đoạn nhưng Ngài không đoạn, khác biệt ở ngay chỗ này. Nếu như Ngài đoạn rồi thì không thể độ chúng sanh, thì không thể hiện tướng. Đáng dùng thân gì để độ thì hiện ra thân đó để độ, đó là một phẩm sanh tướng vô minh khởi tác dụng. Một phẩm vô minh này nếu đoạn hết rồi thì không thể khởi tác dụng. Cho nên, “đới hoặc nhuận sanh”, “đáo giá từ hàng”, ý nghĩa chính ngay chỗ này.
Chúng ta chân thật dụng công là ở sự quán sát lỗi lầm của chính mình ngay trong hai đến sáu thời, ngày đêm không gián đoạn. Khởi tâm động niệm, ở chỗ này mà quán sát. Biết được ý niệm của mình sai rồi thì phải thống thiết sám hối. Chân thành khẩn thiết sám hối thì lỗi lầm này mới có thể cải đổi. Vì sao vậy? Tập khí quá sâu, chúng sanh tham tài, tham sắc, tham danh, tham lợi, huân tập từ vô thỉ kiếp đến nay. Tập khí này quá sâu, nếu như không thể thống thiết sám hối, vậy thì không thể nhổ được gốc, tùy lúc nó lại khởi hiện hành. Khởi hiện hành liền sanh ra chướng ngại. Sợ nhất là gì? Lúc lâm mạng chung thời, một niệm sau cùng mà những thứ này lại khởi hiện hành thì xong rồi, đời sau lại phải đi vào ba cõi, sáu đường. Chúng ta mỗi niệm muốn vãng sanh, nhưng bị cái vọng niệm sau cùng này phá hoại hết. Đây là việc rất có khả năng, có khả năng rất lớn, chúng ta không thể không cảnh giác. Vạn nhất không nên khởi vọng tưởng, nghĩ rằng hiện tại ta vẫn còn trẻ, đến khi già thì ta mới thật làm. Sợ rằng không đến được già thì tuổi thọ của bạn hết rồi, bạn sẽ không còn kịp. Cho nên, sự việc này về trước không biết, vậy thì không có lời gì để nói, không còn cách nào. Ngày hôm nay biết được rồi thì phải chăm chỉ mà làm. Ngay trong cuộc sống thường ngày phải học Phật Bồ Tát, trên sự có thể hòa quang hồng trần cùng với chúng sanh, nhưng trong tâm địa chắc chắn không ô nhiễm, đây mới chính là công phu. Tâm địa chắc chắn thanh tịnh, trí tuệ thấu suốt. Vì sao có thể không nhiễm trước? Tướng là giả, “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”; cảnh giới bên ngoài là giả, căn thân này của ta cũng là giả. Đây gọi là “nhìn thấu”. Chỉ có chân thật nhìn thấu thì bạn mới có thể chịu buông xả, cam tâm tình nguyện buông xả, hoan hỉ ưa thích buông xả, không còn nhiễm trước nữa. Đây chính là thông thường trong các tôn giáo nói: “Bạn được cứu rồi”, trong Phật pháp nói: “Bạn được độ rồi”. Đây là chân thật tu hành, chân thật công phu.
Chúng ta mỗi ngày tụng kinh, lạy Phật, thành thật mà nói, làm những nghi thức này đều là biểu diễn, diễn kịch để tiếp dẫn chúng sanh, đây không phải là đối với chính mình. Chính mình tu hành đó chân thật là tâm địa công phu, không ở hình thức. Hình thức là làm cho dễ xem để tiếp dẫn những chúng sanh vẫn chưa quay đầu, họ vẫn không biết chúng ta là người học Phật. Chúng ta biểu diễn hình thức này để tiếp dẫn chúng sanh bước vào cửa Phật. Sau khi họ bước vào rồi, phải đem cái chân thật truyền thụ cho họ, không thể chỉ một mực làm hình thức bề ngoài.
Hiện tại đạo tràng Cư Sĩ Lâm có công trình xây dựng, cho nên giảng đường cùng niệm Phật đường của chúng ta đều phải dọn đi. Giảng đường tạm thời này, tôi cảm thấy rất tốt, bốn bên đều không có tường. Bên trong giảng kinh, có nhiều thính chúng đến như vậy; bên ngoài người đi qua đi lại, xem thấy nhiều người ngồi ở nơi đây, họ không biết chúng ta làm việc gì, họ cũng bước vào nghe thử, như vậy liền độ được rất nhiều chúng sanh. Cái này thù thắng hơn Cư Sĩ Lâm. Trong Phật pháp nói “duyên phận”, đây chính là chúng ta muốn cho đại chúng có cơ hội tiếp xúc được Phật pháp. Nếu cả đời của họ không gặp được cơ hội này thì có thể cả đời đều không nghe được Phật pháp. Có cơ hội này, họ đến xem qua, đến nghe thử, họ hiểu tường tận rồi, dần dần cũng giác ngộ. Cho nên, loại giảng đường này tốt, bốn bên không có tường vách, người nào cũng đều có thể nhìn thấy. Tôi nghĩ, giảng đường này nếu như sử dụng nhiều năm thì tương lai thính chúng sẽ càng ngày càng nhiều. Tương lai việc xây giảng đường, tôi cảm thấy giảng đường xây ở tầng thứ nhất, không nên ở trên lầu, bốn bên đều không có tường, như vậy thì rất tốt. Chúng ta xem thấy hiệu quả này, nơi nơi đều là chỗ để chúng ta học tập. Do đây có thể biết, giảng đường không cần thiết phải xây dựng nguy nga tráng lệ. Phải lấy việc làm thế nào có thể tiếp dẫn đại chúng rộng lớn làm mục tiêu, không ở trên hình thức trang nghiêm. Thính chúng nhiều, người giác ngộ nhiều, người tu hành nhiều, đây mới là chân thật trang nghiêm. Chúng ta nên hiểu rõ đạo lý này.
******************
Kinh văn: “Nhất thiết nhân thiên, y chi nhi lập, nhất thiết Thanh Văn, Độc Giác Bồ Đề, chư Bồ Tát hạnh, nhất thiết Phật pháp, hàm cộng y thử, thập thiện đại địa, nhi đắc thành tựu”.
Chúng ta nghe Phật nói đoạn này thì biết được tính trọng yếu của “Thập Thiện Nghiệp Đạo”. Đây là đại căn đại bổn của Phật pháp. Không chỉ Thích Ca Mâu Ni Phật giáo hóa chúng sanh nương theo căn bản này, mà mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai đều nương vào thập thiện đại địa này mà xây dựng tất cả Phật pháp. Hay nói cách khác, lìa khỏi mười thiện thì không có Phật pháp. Mọi người nghĩ xem có đúng hay không? Nếu chúng ta học Phật, rời khỏi mười thiện thì chúng ta không phải học Phật pháp. Do đây có thể biết, khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm, mỗi niệm đều tương ưng với mười thiện, vậy thì bạn tu học Phật pháp. Không luận bạn tu học một pháp môn nào, một tông phái nào, mười thiện giống như đại địa vậy, pháp môn tông phái của bạn thì giống như tòa lầu cao vậy, bạn đều phải xây dựng trên đất. Nếu không có đất thì bạn xây dựng lên chỗ nào? Phật đem mười thiện thí dụ cho đại địa. Tất cả Phật pháp phải xây dựng trên nền tảng này, tất cả Phật pháp cũng nương vào nền tảng này mà được cứu cánh viên mãn. Cho nên, “Thập Thiện Nghiệp Đạo” không phút giây nào rời khỏi, từ sơ phát tâm đến Như Lai địa. Pháp môn tu học càng nhiều, tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng vô biên pháp môn, bao gồm tất cả tổng cương lĩnh của pháp môn chính là “mười nghiệp thiện”. Chúng ta đọc bộ kinh này, nhất định phải có nhận biết như vậy. Ngày trước chúng ta xem thường, lơ là, đó là lỗi lầm của chính mình, là sự ngu muội của chính mình.
Có một số đồng tu đã học Phật mấy mươi năm mà công phu không có lực, đó là do không có nền tảng. Giống như xây nhà vậy, ngày ngày đang xây, nhưng nhà này ngày ngày đều bị đổ ngã, như vậy thì vĩnh viễn không thể xây lên được. Nguyên nhân này do đâu? Không có làm nền móng. Chúng ta tu hành đến ngày nay không có thành tựu là do lơ là đi việc này, xem quá nhẹ đối với việc này. Người học Phật xem trọng giới luật, phải đi thọ Tỳ Kheo giới, Tỳ Kheo ni giới, phải đi thọ Bồ Tát giới, thọ Tam Quy Ngũ giới, thọ bát quan trai giới. Hiện tại chúng ta biết, thảy đều là giả, hữu danh vô thực. Vì sao vậy? Bao gồm tất cả giới hạnh này, thảy đều xây dựng trên nền tảng của mười thiện. Nếu bạn không có mười thiện này, thì ngay cả Tam Quy cũng đều trống không. Đạo lý này chúng ta ngày trước đã giảng qua nhiều lần, thế nhưng lần này trên bộ kinh này, chúng ta nói được càng rõ ràng, càng thấu triệt hơn. Năm xưa tôi giảng là căn cứ trên “Tịnh Nghiệp Tam Phước” mà giảng. “Tịnh Nghiệp Tam Phước” thì giống ba tầng lầu, bạn không có tầng thứ nhất thì làm sao bạn có thể xây được tầng thứ hai? Tầng thứ nhất là nền tảng của tầng thứ hai, mà tầng thứ nhất là “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”, vẫn chưa đến tam quy ngũ giới. Tam quy ngũ giới là tầng thứ hai. Điều thứ hai mới là “Thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi”. Ngay đến mười thiện bạn cũng không có thì làm gì có Tam Quy? Làm gì có năm giới? Đây là giả, thảy đều là giả. Cho nên, thế gian mới gặp kiếp nạn lớn đến như vậy, chúng ta học Phật mới có chướng ngại nhiều như vậy. Thì ra, làm qua rất nhiều việc mà ngay đến nền móng cũng không có. Muốn xây nhà mà nền đất không có thì đến chỗ nào mà xây? Các vị phải nên biết, mười nghiệp thiện là đất; đã có đất rồi bạn mới có thể làm những việc khác. Trong Phật pháp nói, bất luận bạn học Hiển giáo, Mật giáo, Tông môn, Giáo hạ, Đại thừa, Tiểu thừa, không luận nói pháp gì, trước tiên bạn phải có mười thiện thì bạn mới có thể xây dựng. Nếu bạn không có tu mười thiện, thì toàn bộ đều trống không. Do đây có thể biết tính quan trọng của mười thiện.
Ở chỗ này, Phật nêu ra một số người mà hiện đại chúng ta gọi Ngũ thừa Phật giáo, “nhất thiết nhân thiên” là nhân thiên thừa; “y chi nhi lập”, “nhất thiết Thanh Văn”. Ở bên trên thêm vào “nhất thiết”, tức là cõi này, phương khác đều bao gồm ở trong đó. Không chỉ riêng thế giới Ta Bà, mà vô lượng vô biên cõi nước chư Phật thảy đều bao gồm ở ngay trong đó. Thanh Văn; “Độc Giác Bồ Đề” chính là Duyên Giác; “chư Bồ Tát hạnh” gọi là “chư Bồ Tát”, bao gồm Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng Giác, “Tất cả Phật pháp”. Thiên Thai tông nói: “Tạng – Thông – Biệt – Viên”, đây là bốn loại Phật. Đại Sư Hiền Thủ nói “Tiểu – Thỉ – Chung – Đốn – Viên”, năm loại Phật. Đây là nói tất cả Phật pháp đều nương vào đại địa mười thiện mà được thành tựu. Sau đó bạn mới nghĩ đến bộ kinh điển này quan trọng đến dường nào. Đây là pháp căn bản tu hành của nhà Phật.
Căn bản đại pháp là mười điều cương mục rất dễ dàng ghi nhớ. Người xưa dạy chúng ta phương pháp ghi nhớ là “thân ba, khẩu bốn, ý ba”. Thân có ba thiện là “Không sát sanh, Không trộm cắp, Không dâm dục (đồng tu tại gia Không tà dâm)”. Khẩu có bốn thiện là “Không vọng ngữ, Không hai chiều, Không thêu dệt, Không ác khẩu”. Ý có ba thiện là đối với tất cả pháp thế xuất thế gian “Không tham, Không sân, Không si”. Phải thật làm! Mười điều này bạn làm được rồi, cũng như nói bạn có nền đất rồi (nền đất ở đây là đất pháp tánh), thì bạn mới có tư cách học Phật.
Học Phật bắt đầu từ Tam Quy, Ngũ Giới. Mười điều trên bạn làm được rồi thì bạn mới có tư cách quy y Tam Bảo, bạn có tư cách thọ trì chúng giới. Nếu như ngay đến đất pháp tánh, chỗ để đứng bạn cũng không có, thì bạn nương vào cái gì? Đạo lý này chúng ta không thể không hiểu, chúng ta không thể không xem trọng. Bạn học Phật gì, tu đạo gì, mà ngay căn bản để đứng cũng không có, vậy thì bất cứ thứ gì đều không cần nói, đạo của bạn tu là đạo của yêu ma quỷ quái, chắc chắn không phải chánh pháp, chắc chắn không phải Phật đạo. Không những không phải Phật đạo, trên kinh nói được rất rõ ràng, không phải cõi trời, cũng không phải cõi người, vì trời người đều lấy mười thiện này làm nền tảng. Vậy thì bạn có thể biết bạn đi con đường nào, bạn đi cõi quỷ, cõi địa ngục, cõi súc sanh, bởi vì những cõi này không cần lấy mười thiện làm nền tảng. Mười thiện làm nền tảng thì bắt đầu từ cõi người, “nhất thiết nhân thiên, y chi nhi lập”, hay nói cách khác, không tu mười thiện chính là đi ba đường ác. Nếu bạn muốn được sanh cõi trời người, thì bạn phải cố gắng tu “Thập Thiện Nghiệp Đạo”, bạn mới có thể được phước báo trời người. Đại đạo cứu cánh viên mãn của tất cả Phật pháp chính là viên mãn “Thập Thiện Nghiệp Đạo”.
Đoạn kinh văn sau cùng: “Phật thuyết thử kinh dĩ Sa Kiệt La Long vương, cập chư đại chúng, nhất thiết thế gian thiên nhân A Tu La đẳng, giai đại hoan hỉ, tín thọ phụng hành”.
Bộ kinh này Phật nói ở trong Long cung. “Sa Kiệt La” là tiếng Phạn, dịch thành ý Trung văn là “nước biển mặn”. Nước biển trên địa cầu này là mặn, ở phía trước tôi cũng đã nói qua ý này với các vị rồi, “nước biển mặn” là biểu thị “Biển khổ”. Nước biển này mùi vị rất không tốt, không thể uống. Cho nên Phật ở Long cung Sa Kiệt La là biểu thị ý này, hoàn cảnh cư trú của chúng sanh thế giới Ta Bà chúng ta là biển khổ. “Long Vương” cũng là ý nghĩa biểu pháp. “Long” là rất khéo về biến hóa, thí dụ xã hội hiện tại của chúng ta, lòng người tạo nghiệp thiên biến vạn hóa. Phật chọn lựa Long cung để giảng kinh, chúng ta liền biết được Ngài có dụng ý của Ngài, biển khổ vô biên, nhân tình sự lý biến hóa không lường.
Chúng ta sanh ra ở hoàn cảnh này thì phải dùng phương pháp gì để ứng phó, dùng phương pháp gì để sinh hoạt? Phật nói với chúng ta dùng “Thập Thiện Nghiệp Đạo”. Có lẽ có người nói, chúng ta quả nhiên chiếu theo mười thiện để làm, vậy thì chúng ta nơi nơi đều bị thiệt thòi, không thể sống được ở thế gian này. Điều này không sai! Thế gian này không thể sống được thì đi lên cõi trời. Bạn là người thiện, bạn phải nên có quả báo tốt. Quả báo trên trời tốt hơn ở đây, thế giới Cực Lạc thì càng tốt hơn nữa. Nếu bạn đầy đủ mười thiện, cho dù chưa thọ Tam Quy Ngũ Giới, bạn niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc đều có thể vãng sanh. Làm sao biết được có thể vãng sanh? Trong phẩm “Tam Bối Vãng Sanh” của kinh Vô Lượng Thọ nói rất rõ ràng về tu mười nghiệp thiện, từng điều, từng điều đều nói ra rồi. Cho nên, bạn đầy đủ mười thiện, niệm A Di Đà Phật có thể vãng sanh, hà tất phải lưu luyến thế gian này? Hà tất cùng với những người này tranh đấu hơn thua? Không cần thiết!
Người chân thật tu hành, bạn xem, Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện ra tấm gương cho chúng ta xem: “An bần lạc đạo”. Chúng ta cam tâm tình nguyện trải qua đời sống bần khổ. Thực tế mà nói, “bần” là thật, “khổ” là giả. Người tu hành bần mà vui, không khổ. Người thế gian chúng ta nghèo thì là khổ. Bạn thấy, học trò của Khổng Lão Phu Tử là Nhan Hồi, đời sống vật chất của Nhan Hồi rất khổ, ăn cơm bằng ống tre, uống nước bằng ống sậy. Đó là hình dung điều kiện đời sống vật chất của ông. Ăn cơm, ngay đến chén cũng không có, dùng trúc bện thành một cái rá để làm chén đựng cơm; uống nước ngay đến ly cũng không có, dùng cái ống sậy làm ly, đời sống khổ đến mức này. Thông thường người trải qua đời sống này sẽ cảm thấy rất khổ, “nhân bất kham kỳ ưu”, nhưng “Hồi thì vui thú không gì bằng”. Nhan Hồi từ sáng đến chiều an vui không gì sánh bằng. Nghèo mà vui, ông không phải nghèo mà khổ.
Trong “Thánh kinh” Cơ Đốc giáo có nói “Cam bần”. Cam bần có hai ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất là cam tâm tình nguyện trải qua đời sống bần khổ. Ý nghĩa thứ hai, “cam” là ngọt ngào, nghèo nhưng rất an vui. Hai chữ “Cam bần” này dùng được rất hay, đây là trong “Thánh kinh” Cơ Đốc giáo đã nói. Chúng ta phải hiểu được, phải có thể trải qua hoàn cảnh đời sống này.
“Thập Thiện Nghiệp Đạo” không khó, nhưng tại vì sao chúng ta làm không được? Chúng ta không chịu, không bằng lòng trải qua đời sống bần khổ, ham thích hưởng thụ trên vật chất. Như vậy thì hỏng rồi. “Ham thích” là tâm tham. Trong mười thiện phải không tham, không sân, không si. Tâm tham này của bạn đang làm chủ, vậy thì không còn cách nào, mười nghiệp thiện của bạn không thể tu thành. Cho nên, nhất định phải đoạn tâm tham với tất cả pháp thế xuất thế gian. Trong hoàn cảnh ác liệt, không luận là hoàn cảnh vật chất hay hoàn cảnh nhân sự, quyết định không có tâm sân si. Không tham, không sân, đây là đại định, trên kinh Lăng Nghiêm nói: “Thủ Lăng Nghiêm Vương Tam Muội”. Không si là trí tuệ, đối với tất cả pháp thế xuất thế gian, tánh tướng, lý sự, nhân quả, mọi thứ đều rõ ràng, mọi thứ đều tường tận. Không si thì thân ba, khẩu bốn tự nhiên liền làm đến được rất viên mãn, làm gì có lỗi lầm?
Đại đức xưa dạy chúng ta “tu từ căn bản”, hiện tại chúng ta cũng biết căn bản là gì rồi, “không tham, không sân, không si” là căn bản. Mười nghiệp thiện là căn bản của tất cả Phật pháp trời người. Không tham, không sân, không si là căn bản của mười thiện. Chúng ta phải bắt tay vào từ chỗ này thì mười thiện mới có thể tu được tốt, mới có thể tu được thành công, tu được viên mãn. Nếu như không từ đoạn tham sân si, viễn ly tham sân si mà bắt tay vào thì e rằng mười thiện ở ngay đời này rất khó làm được. Hay nói cách khác, ngay đến cơ bản làm người bạn cũng không có, các thứ khác thì đều không cần phải nói, học Phật chẳng qua chỉ là kết cái duyên với Phật pháp mà thôi. Công đức Phật pháp thù thắng, bạn một li, một hào đều không có được.
Bộ kinh này chúng ta giảng đến đây là viên mãn rồi. Hy vọng mọi người sau khi nghe rồi phải chăm chỉ nỗ lực học tập. Thân người khó có được, nay đã có được. Phật pháp khó được nghe, nay đã được nghe. Hy vọng ngay đời này chúng ta không trống qua; quyết định phải có một kết quả, phải có sự thành tựu.
Tốt rồi, cám ơn mọi người. A Di Đà Phật!
PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH (tập 80)
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Năm 2001
Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền
Discussion about this post