Xin chào các vị đồng tu, xin chào mọi người.
Ở trên Kinh điển,Phật khuyến khích chúng ta phải “gắng hành nhân từ, rộng tu chúng thiện, tiêu trừ ba chướng, thanh tịnh sáu căn, niệm Phật trì trai, tham thiền học đạo, cao siêu tam giới, hồi thoát tử sanh”. Mấy câu này có thể nói là Phật đã đem mười phương ba đời tất cả chư Phật, tổng cương lĩnh giáo hóa chúng sanh đều nói ra hết. Tiếp theo, Phật lại dạy bảo chúng ta “thiết vật túng tham sân si, hành sát đạo dâm”. “Thiết vật”, hai chữ này rất là khẳng định, rất là khẩn thiết, vạn nhất không thể tạo.Tham sân si là ba độc phiền não, Phật Bồ Tát cùng phàm phu khác biệt chính ngay chỗ này. Chư Phật Bồ Tát đã đoạn tham sân si, chắc chắn không có hành vi sát đạo dâm, không chỉ không có hành vi này, mà ý niệm cũng không có, đây chính là Thánh nhân. Phàm phu, ý niệm “tham sân si” “sát đạo dâm” trước giờ chưa từng đoạn qua, chỉ là không có ngoại duyên nên nó không khởi hiện hành, vừa gặp được ngoại duyên thì nó lập tức liền hiện hành.Đây là nguyên nhân phàm phu tu hành không thể chứng quả, không thể khai ngộ.
Đồng tu học Phật chúng ta, có không ít người thường hay hỏi tôi là làm thế nào mới có thể khế nhập cảnh giới của Phật Bồ Tát.Khế nhập là chứng đắc.Làm thế nào mới có thể khế nhập?Cần phải khai giải, giải mới có thể khế nhập.Giải cùng hành là một sự việc, giải ở trong hành, hành ở trong giải, liền khế nhập được. Nếu như chúng ta chỉ riêng chiếu theo lời Phật nói những nghi qui này mà làm thì không thể thâm giải nghĩa thú, vẫn là không thể khế nhập cảnh giới. Việc này nhất định phải hiểu. Đại Sư Thanh Lương đã nói rất hay trong huyền nghĩa của Hoa Nghiêm Sớ Sao: “Có giải không hành thì tăng thêm tà kiến. Có hành không giải thì tăng thêm vô minh”, đều không thể thành tựu. Cho nên, người chân thật biết dụng công, người công phu có lực nhất định là giải hành đều nặng, định huệ đều học.Huệ là giải, định là hành.Hai câu ở chỗ này, “vật túng tham sân si” là thuộc về giải môn, “vật tạo sát đạo dâm” là thuộc về hành môn. Có hành không giải, cái hành đó là miễn cưỡng, không thể nào đạt đến cảnh giới của pháp nhĩ như thị. Có giải không hành, cái giải đó chắc chắn không thấu triệt, luôn không tránh khỏi sanh ra thiên kiến, lậu chấp(lậu là hẹp hòi), cho nên hai câu nói này quan trọng.Chúng ta xem thấy xã hội hiện tại, không nên nhìn các nơi khác, mà chỉ chuyên xem cửa Phật chúng ta, xem đạo tràng của chính chúng ta, vây quanh bốn bề những đồng tham đạo hữu, có mấy người có thể tức diệt tham sân si, có mấy người có thể không tạo sát đạo dâm?Chỉ là trên trình độ có khác biệt mà thôi.Những tập khí ý niệm sai lầm này của chúng ta vẫn chưa chân thật buông xả, thì đối với giải hành của chúng ta, chắc chắn sanh ra chướng ngại.
Trên Kinh Phật nói với chúng ta, căn tánh tất cả chúng sanh có lợi căn, có độn căn, nên gọi là “thượng trung hạ” ba căn. Ba căn từ chỗ nào mà có? Chúng ta là thuộc về loại căn tánh nào? Thành thật mà nói, ba căn không phải là nhất định, Phật không có định pháp có thể nói. Bạn chịu buông xả thì bạn thuộc về thượng căn; bạn có thể buông xả một bộ phận, còn có một bộ phận không thể buông xả thì bạn thuộc về trung căn; bạn hoàn toàn không thể buông xả thì bạn thuộc về hạ căn, làm gì có nhất định? Hoàn toàn là ở chính mình. Thân tâm thế giới, thế xuất thế pháp thảy đều buông xả, vậy thì bạn chính là thượng thượng căn. Do đây có thể biết, căn tánh cùng đọc tụng nghe pháp có quan hệ rất mật thiết. Kinh Đại Thừa đọc được nhiều, nghe được nhiều, dễ dàng giác ngộ, hay nói cách khác, nâng chúng ta từ hạ căn đến trung căn, từ trung căn nâng lên đến thượng căn.
Tổ sư Đại đức dạy chúng ta, đọc tụng thì phải hiểu được “tùng văn nhập quán”. Tùy theo văn tự của Kinh điển, tùy theo tất cả pháp mà Thế Tôn đã nói, chính mình bất tri bất giác liền vào được cảnh giới, đây là nhập quán. Dùng lời hiện tại mà nói, bất tri bất giác liền đem cách nhìn cách nghĩ của chính mình chuyển đổi, đây chính là tùy văn nhập quán. Đọc lâu rồi, đọc nhiều rồi, nghe nhiều rồi, đây chính là nói sức mạnh của huân tu. Huân tu, sức mạnh rõ ràng nhất là “vì người diễn nói”, sức mạnh này rất lớn, hiệu quả rất là thù thắng. Vì người khác giảng qua một lần, so với chính mình đọc mười lần, ấn tượng đều phải sâu sắc hơn. Cho nên,trong bốn vô ngại biện tàicủa chư Phật Bồ Tát có “lạc thuyết vô ngại biện tài”, hoan hỉ giảng. Chư Phật Bồ Tát đều không ngoài làm ra tấm gương tốt để cho chúng ta tu học, chúng ta phải học đến hoan hỉ giảng thì mới có thể có tiến bộ.Chúng ta hoan hỉ hỏi.Người khác không hỏi chúng ta, chúng ta hỏi ngược lại họ, thì đối với trí tuệ của chính mình, kiến giải của chính mình đều sẽ thêm lớn.Trí tuệ chân thật thêm một phần, thì bạn đối với thế duyên, bao gồm Phật duyên, bạn tự nhiên sẽ buông xả một phần. Xin nói với các vị, thế duyên không nên nếm, Phật duyên cũng không nên nếm, cho nên các vị cũng đã từng nghe qua Thiền tông đã nói “niệm Phật mộtcâu, súc miệng ba ngày cũng không sạch”.Đó là biểu pháp cho chúng ta xem, nói với chúng ta, cao cấp Phật pháp và thế pháp Phật pháp đều không tiêm nhiễm. Vậy thì thế pháp và Phật pháp có nên rời khỏi hay không? Không cần thiết. Vì sao vậy? Không có chướng ngại. Bạn rời khỏi cũng sai, chấp trước sai rồi, rời khỏi thì thế nào? Bạn cũng khởi tâm động niệm rồi. Chắc chắn phải không khởi tâm không động niệm, tất cả pháp pháp nhĩ như thị. Chúng ta nói buông xả, buông xả là hai bên đều buông xả; bên có phải buông xả, bên không cũng phải buông xả; chấp trước phải buông xả, không chấp trước cũng phải buông xả; phân biệt phải buông xả, không phân biệt vẫn phải buông xả, đó gọi là thật buông xả. Buông xả chấp trước, tất cả đều không chấp trước. Bạn chấp trước một cái “tất cả đều không chấp trước”, bạn vẫn là không buông xả, có câu là “lưỡng biên phóng hạ, trung đạo bất tồn”, bạn mới có thể vào được cảnh giới của Phật.
Thiện Tài tham phỏng Đức Vân, 7 ngày chưa thấy được Ngài. Đại Sư Thanh Lương ở trong chú giải nói với chúng ta 7 ngày chưa thấy được, 7 là biểu thị 7 giác chi, 7 giác chi chưa quên, cho nên bạn không thể thấy được, 7 giác chi buông xả rồi thì mới có thể thấy được. Cách nói củaNgài Thanh Lương không thể nói là không có đạo lý. Chúng ta đổi cách nói khác cũng được, bởi vì trên Kinh Phật không có nói 7 ngày này nhất định đại biểu cái gì, đó là linh hoạt. Tôi cảm thấy số tự 7 này, ở trong Phật pháp đại biểu cho viên mãn, số tự 7 này là nói bốn phương, trên dưới và ngay giữa, biểu thị ý này. Tôi cảm thấy chúng ta không dùng cách nói cuả Ngài Thanh Lương, mà dùng cái ý nghĩa của 7 này là viên mãn. Thảy đều buông xả, đó chính là ý nghĩa của 7. Buông xả viên mãn thì bạn mới có thể thấy được. Bởi vì Tỳ Kheo Đức Vân là đại biểu Sơ Trụ Vị, thảy đều buông xả, bạn mới có thể vào Sơ Trụ. Còn có một việc không thể buông xả, cái sau cùng này là buông xả cái gì? Là Phật pháp. Phân biệt Phật pháp, chấp trước Phật pháp, bạn không thể thấy được.
Bồ Tát Mã Minh tạo “Đại Thừa Khởi Tín Luận”, các vị phải nên biết, Đại Thừa Khởi Tín là cảnh giới gì? Chính là cảnh giới của Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát. Thiện Tài sau 7 ngày thì gặp được, chính là ở trong “Khởi Tín Luận”,Bồ Tát Mã Minhnói với chúng ta, tuy là Ngài nói một sự việc, thế nhưng đây là một thí dụ, chúng ta có thể nêu một mà nói ba. Ngài nói, chúng ta thính giáothì phải lìa tướng lời nói, phải lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên, cái “ly” này chẳng phải là buông xả hay sao? Nghe Kinh có thể lìa ba cái tướng này, đọc Kinh có thể lìa tướng văn tự, mở quyển Kinh ra không phải không cần văn tự, vẫn là hai mắt nhìn vào văn tự, trong đây có rất nhiều danh từ pháp tướng. Ly tức đồng thời, đây là chân lý. Không phải cái này không cần thì bỏ đi, vậy thì bạn không có ly, bạn ly cái có thì dính vào cái không. Lìa tướng ngôn thuyết mà nghe, không phải không nghe Kinh, vẫn nghe được rõ ràng tường tận, cái ly đó là không chấp trước, không phân biệt. Ta nghe, nhưng không phân biệt, không chấp trước, tức tướng lìa tướng. Ta xem, nhưng không phân biệt, không chấp trước, đó gọi là diệu quan sát. Chúng ta thấy sắc, nghe tiếng, phiền phức ở chỗ nào vậy? Chính là có phân biệt, có chấp trước. Khởi vọng tưởng là hỏng rồi, lỗi lầm chính ngay chỗ này. Như vậy thảy đều buông xả thì “thanh tịnh – bình đẳng – giác” hiện tiền rồi. “Thanh tịnh – bình đẳng – giác” chính là Phật thật.
Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát là Phật thật, không phải Phật giả, là phần chứng tức Phật. Do đây có thể biết, Thiện Tài tham phỏng Tỳ Kheo Đức Vân, 7 của 7 ngày chính là đại biểu vọng tưởng vô minh. Sau 7 ngày, ý nghĩa chính là phá một phẩm vô minh.Phá một phẩm vô minh chứng một phần pháp thân, vào vị thứ Viên Sơ Trụ. Cách nói này của chúng ta so với chú giải của Ngài Thanh Lương dễ hiểu, ý nghĩa cũng rất viên mãn. Cho nên, những gì của người xưa, chúng ta có thể tham khảo, không nên chấp trước, nhất định phải tuân theo, vậy thì bạn chính mình không thể khai ngộ. Thế nhưng khi chúng ta mới học thì nhất định phải tuân theo.Những gì không tuân theo? Chúng ta chính mình nghĩ tưởng xằng bậy, chính mình chưa khai ngộ, ý nghĩa của Kinh đó tùy theo chúng ta giảng, chúng ta giảng không viên mãn, người ta nêu ra vài vấn đề thì liền đỗ ngã chúng ta, vậy làm sao được? Chính mình chân thật có chỗ ngộ rồi thì phải đem chú giải của người xưa buông xả.Buông xả chú giải của người xưa thì mới có thể vào Kinh giáo. Tiếp theo là buông xả Kinh giáo, bạn mới có thể kiến tánh. Cho nên, Phật ám thị cho chúng ta rất tốt, Phật không có pháp có thể nói, không những không có định pháp, Phật không có pháp có thể nói, chính là dạy chúng ta không nên chấp trước. Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói ra tất cả pháp, bạn chấp trước Ngài nói ra tất cả pháp, vậy thì bạn chính là 7 ngày không thấy được Tỳ Kheo Đức Vân. Pháp của Thích Ca Mâu Ni Phật thảy đều xả hết thì pháp của tự tánh hiện tiền, bạn liền kiến tánh, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Thế nhưng, mọi người nghe tôi nói lời này, vạn nhất không nên hiểu lầm. Hiện tại bạn nhất định phải y theo Phật pháp, không chỉ phải y theo Phật pháp, nhất định phải y theo chú giải của Tổ sư Đại đức xưa nay. Tại vì sao? Hiện tại chúng ta là phàm phu, một phẩm phiền não cũng chưa đoạn, chúng ta làm sao sánh được với Thiện Tài? Thiện Tài tham phỏng Đức Vân, các vị phải ghi nhớ, kiến tư phiền não đoạn rồi, trần sa phiền não đoạn rồi, cũng chính là nói phân biệt chấp trước đều đoạn rồi, chỉ là vọng tưởng chưa đoạn, cho nên 7 ngày chưa thấy được. Đoạn một phẩm vọng tưởng, tự tánh hiện tiền rồi, vào pháp giới. Sau khi vào pháp giới thì tu pháp môn niệm Phật.
Từ trên hiện tướng mà nói, Tỳ Kheo Đức Vân thị hiện ở biệt phong, Ngài ở trên núi, núi là đại biểu cao, biểu thị ý nghĩa siêu xuất. Ngài ở một ngọn núi khác, ở nơi đó kinh hành, một ngọn núi khác là biểu thị cái ý gì? Biểu thị pháp môn đặc biệt. Pháp môn niệm Phật là pháp môn đặc biệt, người xưa nói “môn dư đại đạo”, ngoài tám vạn bốn ngàn pháp môn, đây là pháp môn đặc biệt. Ngài ở trên núi kinh hành niệm Phật, chính là chúng ta hiện tại gọi là “Ban Chu Tam Muội”, chuyên niệm A Di Đà Phật. Trên Kinh Phật có vô số thị hiện, đều có ý nghĩa rất sâu, nếu như chúng ta chấp trước ở trên văn tự, chấp trước ở trên ngôn thuyết, cái ý nghĩa này bạn thể hội không được, cho nên lìa tướng tức tướng, ly tức đồng thời, ly tức không hai, bạn mới có thể có chỗ vào. Hiện tại đồng tu chúng ta học Kinh giáo, nhất định phải biết những đạo lý này, phải chăm chỉ nỗ lực mà học tập. Không chỉ ở trên Kinh giáo, bạn hiểu được tùy văn nhập quán, phải đem cái học được trong Kinh giáo, ở ngay trong cuộc sống mà tùy việc nhập quán, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, sự sự vật vật, bạn đều có thể dùng trí tuệ quán sát. Dùng trí tuệ quán sát những hiện tướng này là gì? Tóm lại mà nói, những hiện tướng này chính là “tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bào ảnh”. Phải ở trong đời sống hiện thực mà quán sát, không phải khởi vọng tưởng, không phải ở nơi đó nghĩ tưởng đây là mộng huyễn bào ảnh, không phải vậy, không cần nghĩ. Quán là không dùng tâm ý thức, không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước, chính là như vậy mà quán sát, mỗi giờ đều có thể đề khởi được.
Nguyên tắc của bốn câu kệ trên “Kinh Kim Cang”, đối chiếu sáu căn của chúng ta tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, sau đó bạn có được tổng kết luận là “phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”, tâm của bạn tự nhiên thanh tịnh, tự nhiên liền buông xả, sẽ không còn nhiễm trước, trí tuệ của bạn liền khai. Nếu bạn cho rằng những sự vật này đều là thật, đều là thực tại có thì bạn sai rồi, không những bạn không khai được trí tuệ, bạn chắc chắn vẫn là tạo sát đạo dâm, vẫn là khởi tham sân si, vẫn phải tạo những ác nghiệp này. Tạo ác nghiệp thì chắc chắn phải chịu ác báo. Sáu cõi luân hồi là chính mình tạo, ba đường địa ngục cũng là chính mình biến hiện ra. Lìa khỏi tâm thức của chính mình, chắc chắn không có một pháp có thể nói. Không lìa tâm thức của chính mình, tuy là hiện tất cả pháp, tất cả pháp này cũng không thể được, thế pháp không thể được, Phật pháp cũng không thể được. Trên “Đại Bát Nhã Kinh” nói “bất khả đắc”, ba chữ này đã nói mấy ngàn biến. Chúng ta phải ở ngay trong cuộc sống, sáu căn tiếp xúc trong cảnh giới sáu trần mà khám nghiệm, mà chứng thực, đó gọi là chứng quả, gọi là chứng đạo.
Câu thứ ba mươi chín của Cảm Ứng Thiên: “Nhẫn tác tàn hại”. Tiết thứ bốn mươi có hai câu: “Âm tặc lương thiện, ám vũ quân thân”. Từ đoạn này đến “mạn kỳ tiên sinh, phán kỳ sở sự, cuồng chư vô thức, báng chư đồng học, hư vu trá ngụy, công kiết tông thân, cang cường bất nhân, ngoạn lệ tự dụng”, đến chỗ này là một đoạn lớn. Đoạn lớn này, gần như mỗi một câu chính là một đoạn nhỏ, đều là nói đại ác, nêu ra mấy thí dụ. Câu này trên chú giải nói “chuyên tựu vật mạng thượng thuyết”. Việc sát sanh hại mạng, hiện tại người thế gian gần như đã không còn nhận sự giáo huấn của Thánh Hiền, đối với nhân quả ba đời gần như hoàn toàn không thể tiếp nhận, thêm vào đó là phong khí xã hội ngày nay tôn sùng công lợi, chỉ cầu lợi ích cá nhân, không lo sống chết của chúng sanh, còn đối với những động vật thì càng không cần phải nói, có thể nói là tùy ý giết hại ăn nuốt. Đời này thời gian rất ngắn, thế nhưng ở ngay trong sinh mạng ngắn ngủi, ác nghiệp đã tạo, cùng chúng sanh kết những oán cừu, nhiều đời nhiều kiếp đều không thể trả hết. Đạo lý cùng chân tướng sự thật này, trong Kinh Phật nói được thấu triệt, trong “Cảm Ứng Thiên” cũng nói được rất tường tận. Những hành vi này, thực tế mà nói đều xuất phát từ ở tâmtàn nhẫn, không hề có chút tâm trắc ẩn, đến khi chính mình gặp phải tai nạn, cũng sẽ không có người khác đến để thương xót bạn. Vì sao vậy? Nghiệp nhân quả báo không hề sót lọt.Trong chú giải nói rất hay,“chư thiện bổn ư nhất từ”, một niệm từ bi là cội gốc của chúng thiện;“chư ác bổn ư nhất nhẫn”, tàn nhẫn, cho nên họ dám làm tất cả ác mà không hề cấm kỵ.“Khứ nhẫn hành từ”, đây là công đức của Phật Bồ Tát, Thánh Hiền ở ngay đó.Chúng ta học Phật, mong được làm Thánh, làm Hiền thì phải bắt đầu làm từ ngay chỗ này.
Thế nhưng,như thế nào thì gọi là từ bi? Như thế nào gọi là tàn nhẫn? Thô tướng thì rõ ràng dễ thấy, tế tướng thì không dễ gì thấy được rõ ràng. Trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” nói được rất hay, thiện có chân có giả, có thiên có viên. Ngài nói được rất nhiều, có thể thấy được giống những chỗ vi tế này, nếu bạn không có trí tuệ, không có học vấn thì bạn không thể thấy ra được. Ở xã hội hiện tiền, việc như phải mà trái thì quá nhiều quá nhiều rồi, không thể nêu ra hết. Nếu chúng ta tin tưởng vào tầm nhìn của chính mình, tin tưởng cách nhìn của chính mình, tin tưởng cách nghĩ của chính mình thì luôn luôn dẫn đến lỗi lớn, không thể vãn hồi. Chúng ta xem thấy những nhân vật trong lịch sử, họ giết hại ngàn vạn người, ức vạn người, bạn phải truy tìm nguyên nhân căn bản của họ, chính là họ tin tưởng vào cách nghĩ của chính họ, tin tưởng vào cái thấy của chính họ. Đại chiến thế giới lần thứ nhất, đại chiến thế giới lần thứ hai chính là họ tin tưởng vào cách nhìn cách nghĩ của chính mình, làm cho ức vạn người nhận lấy tai hại, tạo vô lượng vô biên tội nghiệp. Ngày nay chúng ta không có quyền lực như họ, không có địa vị oai thế giống như họ vậy, thế nhưng ở ngay trong cuộc sống thường ngày, không biết được cẩn thận, không biết được cầu trí tuệ, tùy theo vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình, cho nêncũng tạo tội nghiệp giống vậy. Ảnh hưởng của tội nghiệp, chúng ta làm gì biết được? Vì vậy,chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm không thể không cẩn trọng.
Ngày trước, người đi học lấy Khổng Phu Tử, lấy Mạnh Phu Tử làm tấm gương,người học Phậtthì lấy Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, lấy mười đệ tử lớn của Phật làm tấm gương cho chúng ta tu hành. Chúng ta có một nơi nương tựa, có chỗ quy về, vậy phải thật học mới được. Học Phậtchỉ ở trên miệng, học Phật trên hình thức, không phải chân thật, dùng kiểu dáng Phật Bồ Tát để tu tạo chính mình, ngay trong một đời này rất không dễ gì thành tựu, nhiều nhất là kết cái duyên với Phật mà thôi, giống như chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp kết duyên với Phật mà không có thành tựu. Vậy chúng ta xem những người thành tựu đó, người thành tựu có hai loại, một loại là Bồ Tát thị hiện, vì tất cả chúng sanh giảng Kinh nói pháp, chúng ta cũng rất là ngưỡng vọng, nhưng rất khó làm được. Ngoài ra còn có một loại, đích thực là chúng sanh đương cơ, sự thành tựu của những người đó luôn không ngoài trầm lặng ít nói, thành thật tu hành. Các vị phải tỉ mỉ quán sát Niệm Phật đường của chúng ta, bạn xem người niệm Phật vãng sanh, vãng sanh là thành tựu, thoại tướng hi hữu, sau đó lại xem qua sanh tiền của người này, nhất là biểu hiện vãng sanh 1-2 năm gần đây, chúng ta có thể quán sát ra, phàm hễ là người tu hành có thành tựu là người tĩnh tâm, bớt việc.Chân thật là việc nhiều không bằng ít việc, ít việc không bằng không việc gì, tâm của họ mới thanh tịnh, tâm thanh tịnh chính là niệm Phật Tam Muội, cho nên công phu của họ đắc lực. Vọng tưởng rất nhiều, tạp niệm rất nhiều, lời thừa rất nhiều, bạn ở trong nhà Phật, không luận tại gia hay xuất gia, chỉ là tu phước mà thôi. Giảng Kinh nói pháp, nếu như vọng niệm vẫn nhiều, vọng tưởng vẫn nhiều, ngoại duyên vẫn nhiều, cũng là phước báo hữu lậu thế gian, không phải công đức. Các vị nhất định phải làm cho rõ ràng. Công đức chính là tâm thanh tịnh.Vọng tưởng của bạn năm nay ít hơn năm trước, tháng sau giảm ít hơn tháng trước, ngoại duyên cũng ít, đây là dáng vẻ của công đức. Chúng ta là phàm phu, là sơ học, không phải Bồ Tát ứng thế. Bồ Tát ứng thế không quan hệ gì, tâm địa người ta thanh tịnh bình đẳng, không rơi vào hai bên, vậy thì được. Công phu của chúng ta chưa đạt đến cảnh giới này. Nếu muốn ở ngay đời này thành tựu, nhất định phải dựa vào trí tuệ chọn lựa của chính mình.
Thất Giác Chi, cái thứ nhất là “trạch pháp”. Chọn lựa pháp môn tu học có lợi đối với chính mình, chọn lựa hoàn cảnh đời sống có lợi đối với tu học của chính mình, tránh né mê hoặc, tránh né nhiễu loạn, hy vọng ngay trong đời này không đến nỗi trống qua, đó là người có trí tuệ chân thật. Người chân thật có thành tựu, chính mình phải có tâm nguyện này, quyết định nguyện cầu Phật Bồ Tát gia trì. Không có Phật lực gia trì, phàm phu chúng ta không làm được.
Ngày trước, vào thời kỳ tôi còn đang cầu học, thời kỳ vừa mới ra hoằng pháp, khó khăn trùng trùng.Cả đời tôi đều bị dày vò, thế nhưng tôi bằng lòng nhận chịu. Lão sư tôi nói với tôi, ngay đời này đều là Phật Bồ Tát an bài cho chúng ta, cho nên không luận hoàn cảnh thế nào, tôi đều vui vẻ tiếp nhận. Tôi ở trong đó tôi luyện chính mình, đem phiền não tập khí của chính mình mài bằng hết, vậy mới có thể được chút thành tựu, không qua được khảo nghiệm thì chắc chắn không thể thành tựu, chọn lấy hoàn cảnh tu học là then chốt thành bại của chúng ta ngay trong đời này. Tôi ngay trong một đời cũng gặp được rất nhiều người nhiệt tâm, muốn giúp đỡ tôi, nhưng tôi không tiếp nhận. Tôi chỉ tiếp nhận Hàn Quán Trưởng, chỉ một người chăm sóc. Người hiểu được đạo lý này không nhiều. Một người chăm sóc, tôi chỉ cảm ân, cảm tạ một người; tám người, mười người chăm sóc, tương lai tôi phải cảm ân tám người, mười người, vậy mệt chết. Đạo lý này phải hiểu. Có rất nhiều người có hoàn cảnh tốt hơn nhiều so với Quán Trưởng Hàn, tôi đều như như bất động. Người ta bố thí ân huệ, không dễ tiếp nhận, tương lai phải báo ân. Một nơi ở không tốt, lại đổi một nơi khác, lại ở không tốt, lại đổi một nơi khác nữa, vậy thì cả đời của bạn xong rồi, ai dám làm phiền bạn? Ở đất nước chúng ta vào thời xưa, người xuất gia là ở nhờ.Ở nhờ là việc của thầy tri khách. Thầy tri khách nhất định sẽ hỏi “bạn từ nơi đâu đến?”,“bạn ở nơi đây bao lâu?”,“ngày trước đã ở qua những nơi nào?”. Nếu như bạn ở mỗi một nơi trong thời gian rất ngắn, thầy tri khách trong lòng đều rất rõ ràng, con người của bạn không dễ ở, cho nên sẽ không lưu giữ bạn. Nếu bạn có thể ởmột nơi từba đến năm năm, thì bạn là một người không tệ, có thể ở chung với mọi người, người ta bằng lòng lưu giữ bạn. Từ ngay chỗ này liền có thể quán sát được là bạn có thể nhẫn nhục hay không, bạn có lòng nhẫn nại hay không. Bạn nghĩ xem, bạn có tâm nhẫn nại bao nhiêu thì bạn sẽ có thành tựu bấy nhiêu; bạn có sự nhẫn nhục bao lớn, bạn liền có bao nhiêu lớn định huệ. Ở chung với người mà không thể nhẫn, hoàn cảnh làm việc không thể nhẫn, thành tựu của người này chắc chắn có hạn. Trong câu Kinh văn này, không những ở “người”, “sự việc” phải có thể nhẫn, mà với “vật” cũng phải có thể nhẫn. Vật ở đây thông thường là chỉ động vật nhỏ, xem thấy những động vật nhỏ này, chúng ta có khởi ý niệm hay không? Trong đời quá khứ, ta cũng đã từng giống như chúng vậy, có khởi lên cái ý niệm này hay không? Ngay đời này nếu như không thể vãng sanh, đời sau kiếp sau cơ hội giống như chúng sẽ rất nhiều. Nếu như cái ý niệm này hiện tiền, đây gọi là thỉ giác, bạn bắt đầu giác ngộ. Bạn liền sẽ khích lệ chính mình, sẽ cảnh giác chính mình, không dám giải đãi.
Chúng ta đời đời kiếp kiếp đã làm qua kiến, làm qua muỗi, cũng đã làm qua ruồi, bất cứ thân gì đều đã nhận qua, nhưng đềuquên mất rồi. Chúng ta cũng đã từng đọa qua địa ngục, cũng đã từng làm qua ngạ quỷ, cũng đã từng làm qua Thiên vương, một tràng mộng mà còn tiếp tục muốn làm những ác mộng này hay sao? Cho nên, đối với tất cả động vật, chúng ta phải có tâm từ bi, phải thương yêu chúng, phải chăm sóc chúng, nghĩ đến ta không khác gì với chúng, chỉ là thân tướng khác nhau mà thôi, phương thức đời sống không giống mà thôi. Tàn nhẫn là tâm của ba đường ác, thân sau trong sáu cõi, trong tâm thường ôm lấy hung ác tàn nhẫn, chớp mắt một cái đi vào địa ngục, ngạ quỷ, muốn làm thân súc sanh cũng không dễ gì có được, chúng ta làm sao có thể không cảnh giác?
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây thôi. A Di Đà Phật.
Discussion about this post