Xin xem Kinh văn, đoạn thứ bốn mươi mốt. Kinh văn chỉ có hai câu: “Mạn kỳ tiên sinh, bạn kỳ sở sự”. Đây là một số ví dụ nói về đại ác ở trong ác hạnh mà Thái Thượng nêu ra cho chúng ta.
“Tiên sinh” chính là ngày nay chúng ta gọi là thầy giáo. Ở trong chú giải này đều là dùng lời của cổ nhân nói. “Truyền đạo, thụ nghiệp, giải hoặc giả dã”. Nhà Phật thường nói, mạng sống chúng ta có được là từ cha mẹ, huệ mạng của chúng ta có được là từ thầy. Phật Bồ Tát là thầy của chúng ta. Mạng sống đem so sánh với huệ mạng thì huệ mạng phải quan trọng hơn mạng sống. Nếu như người có huệ mạng thì người này đời đời kiếp kiếp chắc chắn không đọa ba đường ác, không những không đọa ba đường ác, mà nhất định còn có thể vượt qua luân hồi, vượt qua mười pháp giới. Từ đó cho thấy, huệ mạng quan trọng hơn mạng sống.
Ân đức của Phật Bồ Tát cao hơn cha mẹ. Đạo lý này chúng ta nhất định phải biết. Nhưng mà hiện nay ở thế gian này, vị thầy có thể thật sự khiến chúng ta có được huệ mạng thì hầu như không nhìn thấy nữa. Đây cũng là sự thật. Nhà Phật thường nói: “ở trong cửa Phật không bỏ một ai”, nhưng tại sao chúng ta ngày nay phát tâm cầu pháp thân huệ mạng, Phật Bồ Tát không đến giúp chúng ta vậy? Chúng ta học Phật lâu như vậy rồi, đối với Kinh giáo cũng đã đọc lướt qua chút ít, chúng ta có thể khẳng định lời của Phật Bồ Tát là lời chân thật, chắc chắn không phải vọng ngữ, hay nói cách khác, chắc chắn các Ngài sẽ không bỏ chúng ta, vấn đề là tâm cầu đạo của chúng ta là thật hay là giả. Nếu như tâm cầu đạo của chúng ta không chân thành tha thiết thì Phật Bồ Tát sẽ không đến, vì đến cũng không có ý nghĩa gì. Nếu như chúng ta thật sự khẩn thiết, thật tâm cầu thì chắc chắn có cảm ứng. Từ đó cho thấy, chúng ta cầu pháp tu hành, ở trong đời này có thể thành tựu hay không, thành tựu sớm hay muộn đều chính mình tự quyết định, không phải người khác quyết định cho chúng ta. Bản thân chúng ta có tâm chân thành, có tâm thanh tịnh, cần mẫn y giáo phụng hành thì Phật Bồ Tát sẽ đến ngay. Các Ngài có phương tiện thiện xảo bất khả tư nghì đang gia trì chúng ta. Nếu như bạn có một mảy may không thành thật, không thật thà thì chắc chắn không có cảm ứng. Tâm của người ngày nay cảm đều là yêu ma quỷ quái. Tại sao lại có hiện tượng này vậy? Ở trong tâm có tham sân si mạn, ở trong tâm có tà tư tà kiến. Tà với tà cảm ứng với nhau, chân cảm ứng với chân, đây là đạo lý nhất định.
Hiện nay bản thân chúng ta không biết làm sao tu học. Cái tâm thành này không phát ra được, cha mẹ cũng không biết, thậm chí là hiện nay thầy cô cũng không biết. Đây là hiện tượng vô cùng đáng buồn. Khi tôi còn nhỏ, có lẽ là lúc 7 tuổi (ấn tượng này tôi nhớ rất rõ ràng), ngày đầu tiên đến trường tư thục (trường tư thục này ở trong một ngôi từ đường), tôi còn nhớ, phụ thân tôi dắt theo tôi, còn chuẩn bị lễ vật để đến cúng dường thầy. Bước vào từ đường, nhìn thấy thầy, trước tiên dâng lễ vật lên, phụ thân tôi ở phía trước, tôi ở phía sau, bên trong có một cái lễ đường, ngay chính giữa lễ đường có thờ một bài vị của Đại thành chí thánh tiên sư Khổng Lão Phu Tử. Chúng tôi hướng về bài vị của Khổng Lão Phu Tử hành lễ tam quỳ cửu khấu. Phụ thân tôi ở trước, tôi bái lạy theo phía sau. Sau khi bái lạy xong, mời thầy ngồi ngay chính giữa, phụ thân tôi ở phía trước, tôi ở phía sau, cũng là hành lễ tam quỳ cửu khấu với thầy. Tôi có ấn tượng rất sâu sắc. Phụ huynh đem con em gửi gắm cho thầy, mời thầy quản lý giáo dục nghiêm khắc. Nghi lễ long trọng như vậy, cha mẹ phải lạy thầy, nếu như thầy không quản lý giáo dục học trò nghiêm túc, các bạn thử nghĩ, làm sao xứng đáng với cha mẹ của người ta? Sự tôn trọng như vậy hiện nay không còn nữa, không có người hiểu được rồi.
Năm xưa, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam ở Đài Trung đã lập ra một lớp “Nghiên Cứu Nội Điển”, học trò có tám người, thầy có sáu người, tôi cũng là một trong số đó. Chủ nhiệm của lớp này là lão sư Lý. Ngày khai giảng hôm đó, lão sư Lý mời năm vị thầy chúng tôi ngồi lên (năm người chúng tôi đều là học trò của thầy). Thầy dắt học trò, thầy ở phía trước, tám học trò ở phía sau, đảnh lễ ba lạy với chúng tôi. Lão sư Lý nói: “Tôi đại biểu cho phụ huynh học sinh”. Có lẽ chúng tôi đời này chỉ có gặp được một lần, không gặp lần thứ hai nữa, không có việc này lần thứ hai nữa. Thầy làm đại biểu cho phụ huynh học sinh, dẫn đầu tám học sinh. Năm người chúng tôi ngồi ở trên, tiếp nhận thầy đảnh lễ ba lạy, nếu chúng tôi không nghiêm túc chỉ dạy những học sinh này, chúng tôi sẽ có lỗi với thầy. Người hiện nay đâu có hiểu đạo lý này! Không những chúng ta không nhìn thấy, ngay cả nghe cũng không nghe thấy. Cho nên vào thời xưa, thầy trò như cha con, thật sự còn thân hơn cha con; con cái của thầy với bản thân chúng tôi giống như anh em vậy, cả đời đều quan tâm lẫn nhau. Người làm thầy tuy rất vất vả, người có học đều rất bần hàn, nhưng mà họ vô cùng an ủi. Học trò được dạy tốt rồi, tương lai học trò có thể hơn người bình thường, đời con đời cháu họ đều sẽ có người quan tâm, họ không có nỗi lo lắng về sau.
Người thời xưa có đạo nghĩa, hiện nay thì không còn nữa. Hiện nay chúng ta thấy kết cấu xã hội, kết cấu giữa người với người đều là lợi hại; có lợi là bạn bè, là thân thuộc; khi không có lợi thì chính là oan gia, là đối đầu, bạn nói xem, đây là xã hội gì vậy? Từ những chỗ này chúng ta thật sự thể hội được tầm quan trọng của giáo dục Thánh Hiền. Mất đi giáo dục Thánh Hiền, đó đúng như lời Phu Tử nói, người so với cầm thú có khác gì đâu? Người cũng là động vật, so với động vật bình thường khác biệt ở chỗ nào vậy? Chính là người biết được đạo nghĩa, có thể biết được “đạo đức, nhân, nghĩa, lễ”, còn những động vật khác thì không biết. Người tại sao biết được “đạo đức, nhân, nghĩa, lễ” vậy? Do thầy dạy, cho nên đối với thầy sao có thể khinh mạn được?
“Mạn kỳ tiên sinh”. Nói lời thành thật, thầy đều là người có học, đều là người rõ lý, đối với những danh vọng lợi dưỡng này xem rất tầm thường, cũng không mong người cung kính. Sự cung kính của học trò đối với thầy là kính điều gì vậy? Là kính cái học của mình. Đạo lý này là ở chỗ này. Thầy dạy học trò, quan tâm đối với học trò thật sự là có khác nhau, đây là nguyên nhân gì vậy? Thầy quan sát học trò, thấy học trò này có một phần cung kính thì dạy một phần, có hai phần cung kính thì dạy hai phần. Nguyên nhân gì vậy? Quyết không phải mức độ cung kính đối với thầy nhiều hay ít, mà thầy quan sát thấy bạn có thể tiếp nhận được bao nhiêu. Ấn Tổ nói ở trong “Văn Sao”: “Một phần thành kính thì được một phần lợi ích”, nếu dạy bạn hai phần, dư một phần đó là nhiều quá, là lãng phí rồi. Bạn giống như cái dụng cụ, chỉ có lớn cỡ này, đem đổ đầy nước thì chỉ có thể đổ được cỡ này, nhiều hơn nữa là tràn hết rồi. Bạn có mười phần thành kính thì dung lượng này của bạn lớn rồi, đổ nhiều cho bạn một chút. Một phần thành kính, dụng cụ nhỏ, đành phải cho bạn chút xíu này, đạo lý là như vậy. Không phải thầy thích bạn, bạn cung kính họ, nịnh hót họ, họ sẽ dạy bạn, không phải vậy, mà là xem bạn có thể tiếp nhận được bao nhiêu. Bạn có mười phần thành kính, thầy dạy bạn chín phần là có lỗi với bạn. Bạn có một phần thành kính, dạy bạn hai phần là nhiều quá, bạn tiếp nhận không nổi, đạo lý chính là như vậy. Nếu như thầy ham muốn người ta cung kính họ, vậy họ là phàm phu, đâu phải là Thánh nhân. Cho nên, sự thành kính thật sự là thể hiện rõ cái tâm ham học, cái tâm ưa thích tiếp nhận, cái tâm y giáo phụng hành của chúng ta ở trong đây rồi, khi thầy giáo nhìn thấy, họ không thể không dạy bạn.
Trước đây, tôi có ba vị thầy. Vào thời đó, đời sống của tôi vô cùng thanh bần, nói lời thành thật, một xu cúng dường cũng không có. Tôi học với thầy Phương. Thầy Phương đặc biệt trích ra thời gian để dạy tôi, tôi không có đóng một xu học phí nào. Ba năm theo học với Đại Sư Chương Gia, tôi cũng không có một xu cúng dường Đại Sư Chương Gia. Điều này thầy biết, thầy hiểu rõ hoàn cảnh của tôi. Có khi thời gian nói chuyện lâu rồi, qua 12 giờ, thầy còn giữ tôi lại dùng cơm. Mười năm theo học với thầy Lý, thầy Lý thường hay cúng dường tôi, quan tâm tôi, tôi chưa hề chăm sóc cho thầy. Học trò của thầy nhiều, thầy nhận cúng dường nhiều. Thầy cho tôi thức ăn và thường hay tặng áo quần cho tôi. Tôi chưa từng đóng một xu học phí nào đối với cả ba vị thầy, nhưng được thầy đặc biệt quan tâm, đó là nguyên nhân gì vậy? Chính là thái độ thành khẩn, thật sự muốn học. Chúng ta phải biết, ba vị thầy này đều là đại đức rất có danh vọng, học trò thì rất nhiều, rất nhiều, nhưng không có người nào được trọng đãi như thế này giống tôi. Không phải có người đã dạy tôi, không ai dạy tôi, là từ nhỏ tôi đã chịu khổ nạn quá nhiều, gặp phải kháng chiến, thời gian tám năm sống quá vất vả, hằng ngày phải lánh nạn, vì người Nhật Bản truy đuổi ở phía sau. Suốt tám năm kháng chiến, tôi đã đi bộ qua mười tỉnh ở Giang Nam. Tôi có ấn tượng vô cùng sâu sắc, tôi là người đi qua. Vào thời đó không có phương tiện giao thông, phương tiện giao thông tốt nhất chính là thuyền bè, gặp nơi có sông ngòi mới có thuyền, nơi không có sông ngòi thì đi bộ. Tôi đã chịu khổ nạn quá nhiều, quá nhiều rồi. Tôi không có cơ hội đến trường để học, cho nên tâm cầu học của tôi vô cùng tha thiết, khi gặp được cơ hội này thì nhất định không chịu bỏ qua. Đời sống của người hiện nay giàu có hơn quá nhiều, quá nhiều so với tôi thời đó rồi. Khi cuộc sống dễ sống thì tâm cầu học sẽ lạnh nhạt, học hay không học cũng được. Cho nên chúng tôi tôn sư trọng đạo, hầu như là phát xuất từ tự nhiên, phát xuất từ thiên tánh.
Trong tiểu chú có mấy câu rất hay. “Phụ mẫu sinh ngã chi thân, vưu tất tiên sinh thành ngã chi học”. Ý nghĩa hai chữ “vưu tất” này hay, ý nói là nhất định phải có thầy thành tựu pháp thân huệ mạng của ta.
“Cố kỳ tôn dữ thân quân tịnh trọng” (quân là đế vương trước đây). Nhân dân vào thời xưa, không ai mà không tôn trọng đế vương, tôn trọng người lãnh đạo quốc gia. Hiện nay bởi do loại bỏ giáo dục Thánh Hiền, cho nên tâm tôn kính đó đối với quân trưởng cũng không còn nữa. Thật đáng tiếc!
“Thiên nhân viên sư giáo tự, vạn vạn đa xuất hư văn”. Quyển sách này được viết vào cuối năm triều Thanh, đã chịu sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Nói thực ra, văn hóa phương Tây truyền vào Trung Quốc, đã đem truyền thống cổ xưa của Trung Quốc phá bỏ hết rồi, cho nên dân tộc quốc gia của chúng ta hơn 100 năm trở lại đây, khoảng gần 200 năm, phải chịu khổ đau mà bất kỳ một dân tộc quốc gia nào trên thế giới cũng không hề có. Chúng ta cũng không thể trách người khác, mà phải trách mình vô tri, trách mình mê tín, mê tín văn minh vật chất phương Tây, đem của báu của mình vứt bỏ mất rồi. Điểm này chúng ta vĩnh viễn không bằng Nhật Bản. Người Nhật Bản thông minh hơn chúng ta, họ biết truyền thống Trung Quốc có giá trị, cho nên họ vĩnh viễn bảo lưu. Khoa học kỹ thuật phương Tây họ cũng cần phải học, họ coi trọng như nhau, cho nên quốc gia nhỏ như vậy mà lại lớn mạnh như thế. Chúng ta là hoàn toàn quên mất cái của mình rồi, chỉ nhìn thấy cái của người khác hay. Cho rằng cái của mình quá cũ, quá xưa, không hợp thời đại, muốn vứt bỏ hoàn toàn. Tại sao người Nhật Bản không chịu bỏ? Đây là điều mà chúng ta không bằng Nhật Bản, đây là hiện tượng của cuối triều Thanh. Mời thầy dạy con em, tâm không đủ chân thành.
“Lận tài khuy lễ”, cúng dường đối với thầy vô cùng ít ỏi, lễ nghi không còn chân thành như xưa.
“Thậm hoặc ngôn từ bất tốn, lễ mạo phản thường, hữu tâm di lạc”, xem thường, không coi trọng thầy. Gia cảnh thầy thanh bần, phần lớn đời sống vô cùng thanh bần. Ở đây nói những người này tầm nhìn nông cạn, không có khác gì so với cầm thú. Nhưng mà người làm thầy thì tuyệt đối không thể vì phụ huynh học sinh đối đãi bạn không có lễ phép, coi khinh bạn thì bạn không chịu dạy nghiêm túc, vậy thì sai rồi, bạn không phải là một người có học. Bạn vẫn phải dạy nghiêm túc, làm tròn trách nhiệm bổn phận của bản thân bạn thì bạn là người có đạo đức, là người thật sự rõ lý. Nếu như ham muốn sự cúng dường của phụ huynh học sinh, cúng dường nhiều thì hết lòng dạy học sinh nhiều, cúng dường ít thì đối với học sinh cũng không thật hết lòng, vậy người thầy này không phải là thầy tốt, vị thầy này tương lai cũng phải gánh trách nhiệm nhân quả. Mỗi người có nhân quả của riêng họ. Vì thế chúng ta thật sự hiểu được đạo lý nhân quả báo ứng, chỉ cần làm tròn bổn phận của mình, đem bổn phận của mình làm cho tận thiện tận mĩ, toàn tâm toàn lực mà làm, quả báo tốt nhất định ở phía sau. Tích lũy công đức, người dạy học, ở trong việc dạy học mà tích lũy công đức.
Sáng hôm nay tôi nhận được tin tức, trưởng Lâm cũ của chúng ta vãng sanh rồi. Tướng lành vãng sanh tuy tôi chưa có nhìn thấy, nhưng tôi nghĩ chắc hẳn là rất tốt. Ông đã biết trước giờ đi từ rất sớm. Con trai ông kể với chúng tôi, trưởng Lâm cũ thường hay viết “mùng 7 tháng 8”, vừa đúng là tối hôm qua đã qua 12 giờ đêm chính là mồng 7 tháng 8. Đây là thời khắc ra đi, ông đã biết rất lâu rồi, điều này rất hiếm có. Tôi từ Hồng Kông trở về hôm kia, xuống phi cơ đến bệnh viện để thăm ông, thần trí ông rất tỉnh táo, tuy thể lực suy yếu, không thể nói chuyện, nhưng tình cảm biểu hiện ra có thể thấy được. Ông nắm tay tôi rất lâu, vẫn rất còn khí lực, rất hiếm có. Sự cống hiến của cả đời ông đối với Cư Sĩ Lâm, điều này mọi người đều biết. Đặc biệt là sự hộ pháp, hộ trì đối với Cư Sĩ Lâm trong mấy năm nay. Tuy ông đã ra đi, nhưng sức ảnh hưởng vô cùng sâu xa. Những năm gần đây, chúng tôi tuy không thường gặp nhau, cư sĩ Mộc Nguyên kể với tôi, ông đem toàn bộ số băng ghi hình giảng Kinh này của tôi về nhà, ông nằm ở trên giường bệnh, mỗi ngày nghe 8 giờ, đã nghe rất nhiều năm, không hề gián đoạn, cho nên đối với Phật pháp, ông có sự nhận thức rất sâu sắc; đối với việc vãng sanh, ông có tín tâm, ông có nguyện lực. Nếu không nghe Kinh thì ông niệm Phật, thời gian của ông không hề để trống. Trong mấy ngày bệnh nặng, đúng lúc tôi ở Hồng Kông, thời gian tuy không dài, tôi rời khỏi chỉ có năm ngày, các đồng tu gọi điện thoại nói, niệm Phật đường có quỷ thần nhập vào người một đồng học, nói đây là oan gia trái chủ của trưởng Lâm. Đây là việc không thể tránh khỏi. Oan gian trái chủ đến niệm Phật đường cầu mọi người siêu độ, không đến bệnh viện để quấy nhiễu ông. Đây chính là chỗ công phu đắc lực của bản thân ông. Nếu như ông không học Phật thì ông ra đi sẽ không được nhẹ nhàng như vậy, sẽ không tự tại như vậy, ông phải chịu rất nhiều đau khổ. Quỷ thần nhập vào người, các bạn đã quy y cho họ. Họ yêu cầu tụng “Kinh Vô Lượng Thọ”, tụng “Kinh Địa Tạng” để siêu độ cho họ. Đây không phải tụng cho trưởng Lâm, mà là tụng cho oan gia trái chủ của trưởng Lâm, quý vị phải biết điều này. Oan gia trái chủ không nhất định là học Phật, không nhất định là tin sâu như vậy đối với Phật pháp, nhưng mà họ biết là tụng Kinh có thể giúp họ giảm bớt đau khổ. Đây là sự thật, ở trong Kinh Phật nói rất rõ ràng. Cho nên họ ở trong ba đường ác, chúng ta tụng Kinh niệm Phật, niệm danh hiệu Bồ Tát hồi hướng cho họ, quả thật là sẽ giảm bớt đau khổ cho họ. Họ đến nơi đây để yêu cầu, đây là điều mà đồng học chúng ta nhất định không được nghi hoặc.
Oan gia trái chủ không phải đời này kết, mà đời đời kiếp kiếp đều có, nhiều vô kể, chỉ là có một số có cơ hội gặp được thì họ bèn đến để báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ, không gặp được thì đợi đến cơ duyên sau này. Cho nên quá khứ, đời nay đều đã từng kết những ân oán này với chúng sanh. Chúng ta thấy người bệnh lúc lâm chung, họ thường nhìn thấy người này, người kia và nói “họ đang ở đâu, họ đang ở đâu…”, có sự việc này. Giống nhưng tình hình của trưởng Lâm xem như là rất tốt rồi, vô cùng hiếm có rồi. Lúc ông sắp lâm chung vẫn không có những hiện tượng này. Oan gia trái chủ của ông biết ông là trưởng Lâm của Cư Sĩ Lâm. Cư Sĩ Lâm hiện nay đạo tràng hưng vượng đến như vậy, cho nên họ đến đạo tràng để yêu cầu quy y, yêu cầu siêu độ. Những linh quỷ này đều rất thông minh, chúng ta đương nhiên phải giúp đỡ họ. Ông đi rồi, đây là một tổn thất lớn của Cư Sĩ Lâm chúng ta. Cư sĩ Mộc Nguyên muốn đem sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, cần một người đến đảm đương, đương nhiên sẽ phải vất vả hơn nhiều so với trước đây. Các đồng học chúng ta phải cần mẫn nỗ lực tu hành, cầu mong Tam Bảo gia trì.
Cầu mong Tam Bảo gia trì, cách duy nhất có hiệu quả chính là chăm chỉ nỗ lực tu trì mới có thể đạt được cảm ứng. Đây là cách biết ân, báo ân của chúng ta. Thế gian vạn pháp đều là vô thường, cho nên nhất định phải thấy rõ, không nên phân biệt, không nên chấp trước. “Phàm cái gì có tướng thì đều là hư vọng”, “tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bèo bọt”, Phật dạy chúng ta quán như vậy. Chúng ta phải thường xuyên có cách nhìn này, có cách nghĩ này. Từ học tập đến sự chuyển biến miễn cưỡng, dần dần sẽ phát triển về tự nhiên thôi. Khế nhập vào tự nhiên, công phu liền đắc lực. Đại Sư Thiên Thai gọi là lục tức, quán hạnh, tức là chúng ta đã có thể khế nhập. Khế nhập quán hạnh chính là công phu đắc lực, trong Tông môn gọi là công phu quán chiếu, trong pháp môn niệm Phật gọi là công phu thành khối. Quán hạnh tức là công phu thành khối, cũng chính là không cần phải tác ý, nó rất tự nhiên, là cái cảnh giới này.
Chúng ta tuy cùng sinh hoạt chung với đại chúng xã hội, nhưng cách nghĩ, cách nhìn thật sự không giống nhau. Thật sự có thể buông xả thế duyên, học giáo, tu hành. Học giáo có thể tăng trưởng trí tuệ, tu hành nhất định sẽ phiền não nhẹ, vọng tưởng ít, tâm thanh tịnh, bình đẳng dần dần hiện tiền. Đây là cảnh giới tốt. Tự mình mỗi ngày phải soi lại, hàng ngày kiểm điểm xem phiền não có phải mỗi ngày một ít hơn không. Nếu như thật sự phiền não có thể mỗi ngày một ít hơn thì công phu này của bạn thật sự đắc lực rồi, cầu nguyện vãng sanh chắc chắn có phần nắm chắc, không những có phần nắm chắc mà hơn nữa bạn đến đi tự do, sinh tử tự tại. Nếu như chúng ta có thể kiểm điểm thấy được tháng sau có tiến bộ hơn tháng trước, thì chuyện vãng sanh này thật sự là đắc lực, là không có vấn đề rồi. Năm sau có tiến bộ hơn năm trước, có thể vãng sanh hay không vẫn là ẩn số, chưa chắc có phần nắm chắc. Tháng sau có tiến bộ hơn tháng trước là có phần nắm chắc rồi. Nếu như đến mức tuần sau với tuần trước đều khác nhau, đều có tiến triển, phiền não nhẹ, trí tuệ tăng, bạn quyết định có phần nắm chắc. Thế gian mọi thứ đều là giả, chỉ có việc này là thật. Trưởng Lâm ở trong xã hội Singapore có địa vị rất cao, ông có của cải, chúng ta đều thấy rất rõ ràng, mọi thứ đều không thể mang đi được, thật sự là “mọi thứ đều để lại, chỉ có nghiệp mang theo”. Cho nên, người thật sự hiểu rõ, người giác ngộ thì ở trong một đời ngắn ngủi này quyết định không tạo ác nghiệp, quyết định không kết oán với tất cả chúng sanh. Điều này là quan trọng hơn hết. Oan gia trái chủ nhất định phải hóa giải. Ta thiếu người thì ta phải hoan hỷ vui vẻ trả sạch sẽ, người khác thiếu ta thì ta không cần nữa, để tránh phiền phức. Ân phải báo, oán phải quên sạch sẽ. Không những chúng ta không sân hận oan gia trái chủ của chúng ta, mà chúng ta còn phải tu học, tụng Kinh niệm Phật để hồi hướng cho họ, nguyện họ cùng thành Phật đạo, hy vọng họ có thể giác ngộ sớm hơn, quay đầu sớm hơn. Biển khổ vô biên, quay đầu là bờ.
Lúc tuổi còn trẻ, do vô tri nên đã tạo rất nhiều ác nghiệp. Tuổi tác dần dần cao rồi, dần dần giác ngộ rồi, chỉ cần quay đầu đều kịp cả. Thế pháp và Phật pháp, bất luận nói từ trên lý hay nói từ trên sự, đều không luận quá khứ, chỉ luận hiện hành. Quá khứ đã làm việc sai trái do không có người chỉ dạy, bản thân chúng ta cũng chưa giác ngộ, cho nên theo tình thì có thể tha thứ. Chư Phật Bồ Tát, thiên địa quỷ thần cũng sẽ không so đo những chuyện này, chỉ xem hiện tại bạn như thế nào; hiện tại có thể quay đầu chính là người thiện, hiện tại có thể giác ngộ đều là người tốt, cho nên chúng ta phải học Phật. Ở trong mắt của Phật Bồ Tát, tất cả chúng sanh đều là Phật vị lai. Trong “Hoa Nghiêm”, “Viên Giác” nói: “Tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật”, nói càng xác đáng hơn so với cái “vị lai Phật” đó, từng câu đều là lời chân thật. Tuy vốn dĩ thành Phật, nhưng mà hiện nay ông Phật này mê hoặc rồi. Tuy mê ngộ không giống nhau, nhưng mà bản tánh là giống nhau, Phật tánh là giống nhau, trí tuệ đức năng vốn có trong Phật tánh là giống nhau, nhất định không có khác biệt. Cho nên chỗ khác biệt đích thực giữa Phật với chúng sanh chính là giác hay mê. Phật là người đã giác ngộ, người giác ngộ viên mãn, người giác ngộ rốt ráo. Phật Bồ Tát từ bi, giúp chúng ta giác ngộ. Đây là lời dạy chân thật của Phật Đà. Phật giúp đỡ chúng ta giác ngộ, bản thân chúng ta phải chịu giác ngộ thì sự tiến triển đó nhanh. Chúng ta không chịu giác ngộ, vậy là chậm rồi, không phải không có tiến triển, mà tiến triển chậm chạp.
Chúng ta chịu, chịu là gì? Chịu nghe lời, chịu đoạn phiền não, có thể khắc phục tập khí vọng tưởng của mình, có thể điều chỉnh tất cả sai lầm của mình, đây chính là chịu. Người thật sự chịu, ở trong Phật pháp nói đó là người thượng căn lợi trí. Người vẫn cần có người khuyên bảo, vẫn cần có người động viên, đây là người thuộc vào căn tánh bậc trung. Biết rõ mà vẫn phạm, tập khí phiền não sâu nặng, bản thân muốn đoạn cũng đoạn không nổi, không phải không muốn đoạn, không ngăn nổi cám dỗ, đoạn không nổi, đây là người hạ căn. Căn tánh không phải do trời sinh, không phải vĩnh viễn không thay đổi. Đại sư Thiện Đạo nói hay, tóm lại là do gặp duyên khác nhau. Chúng ta là người căn tánh hạ căn, nếu như gặp được duyên thù thắng, cái duyên này chính là nghe Kinh nghe pháp. Ở trong tất cả Kinh điển mà Thế Tôn đã nói trong 49 năm, lời này đã nói ngàn lần, vạn lần không dứt, nghe Kinh nghe pháp rất có đạo lý. Nếu bạn không nghe Kinh, không nghe pháp, bạn thử xem, bạn huân nhiễm cái gì? Sáu căn tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, huân nhiễm ngũ dục lục trần. Nghe Kinh nghe pháp là tiếp nhận sự huân nhiễm của Phật pháp. Phật pháp là sự huân nhiễm giác ngộ, thế pháp là sự huân nhiễm mê hoặc, là đạo lý như vậy. Cho nên thời gian nghe Kinh nghe pháp nhất định phải dài.
Phước báo người hiện nay chúng ta không bằng trước đây. Nguyên nhân đích thực là gì vậy? Người hiện nay thời gian nghe Kinh nghe pháp quá ít. Muốn làm việc tốt, nhưng không biết khởi đầu từ đâu, cũng không biết làm như thế nào. Nếu như thật sự hiểu được, thật sự hiểu rõ rồi, các bạn đồng học ở nơi đây đem sự lý này làm cho rõ ràng, làm cho sáng tỏ, cần nên phát tâm. Nếu như không có cơ hội, không có điều kiện, tự mình phải sáng tạo điều kiện. Sáng tạo điều kiện, nó dù nhỏ như vậy cũng không sao cả. Bạn có đạo tràng nhỏ, có am tranh nhỏ, ba người, năm người, tám người, mười người cùng nhau huân tu, mỗi ngày giảng Kinh tám giờ, mỗi ngày niệm Phật tám giờ, học theo Đại Sư Huệ Viễn, tu thật, làm thật, hoàn toàn xa lìa tất cả thế duyên, đây là đạo tràng thật, đây là bạn hiểu thật rồi, sáng tỏ thật rồi. Không phải xây đạo tràng lớn, khói hương nghi ngút, pháp hội rất nhiều, tạo nên một hình thức ồn náo này thì một chút công dụng cũng không có.
Chúng ta đọc trong thư tịch cổ, Đại Sư Viễn Công ở Lô Sơn xây một ngôi đạo tràng niệm Phật hàng đầu, lấy khe sông làm ra giới, lấy khe nhỏ làm ranh giới. Bước vào cái đạo tràng này thì vạn duyên buông xả, chỉ nhất tâm niệm Phật, không ra khỏi giới tuyến này, chân thật tu hành. Chúng ta đem sự việc này thật sự làm rõ ràng, thật sự làm minh bạch rồi thì phải buông xả tất cả. Không phải việc thật sự cần thiết phải biết đến thì tuyệt đối không dò hỏi, không phải nhân vật thật sự cần thiết phải tiếp xúc thì tốt nhất là bớt qua lại, vậy thì tâm của bạn mới thanh tịnh. Chúng ta phải làm việc lớn, việc gì là việc lớn? Việc lớn thoát khỏi luân hồi, việc lớn thoát khỏi mười pháp giới. Bạn biết quá nhiều chuyện, quen biết quá nhiều người, những người này sẽ đem bạn trói buộc rất chắc ở trong luân hồi, bạn không thể ra được. Tự mình nhất định phải biết, cho dù là việc lớn lợi ích chúng sanh, việc lớn hoằng dương Phật pháp, vẫn phải suy nghĩ bản thân có thể làm chủ được hay không. Nếu như bản thân đối với cảnh giới bên ngoài không thể làm chủ, vẫn còn bị cám dỗ, vẫn còn sanh vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì không được làm, hoằng pháp lợi sinh, trụ trì Phật pháp cũng không được làm. Tại sao vậy? Chúng ta đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc thành tựu rồi thì quay lại hãy làm. Hiện nay sợ làm những sự việc này, tự mình không thể làm chủ, đời này không thể vãng sanh, vậy là sai rồi! Cho nên, bản thân ở trong cảnh giới làm chủ được thì chúng ta mới được làm, bản thân không thể làm chủ thì không được. Danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần ở trước mắt thật sự không động tâm, không khởi ý nghĩ nữa thì được, bạn có thể vì Phật pháp, vì chúng sanh. Vẫn còn khởi tâm động niệm thì không được, điều đó rất nguy hiểm. Cho nên, Phật ở trong Kinh thường nói: “Bản thân chưa độ mà độ được người, đó là chuyện không thể!”. Bạn thử nghĩ ý nghĩa câu nói này của Phật. Quyết định bản thân có thể làm được rồi, không bị ngũ dục lục trần cám dỗ, không còn bị nó quấy nhiễu, ở trong cảnh giới thật sự không động tâm, không khởi niệm, không phân biệt, không chấp trước thì mới được. Thật sự thấy rõ toàn là đồ giả, đồ giả thì không bận tâm, nếu bạn có một mảy may cho là thật thì bạn là không được. Đây là điều chúng ta phải luôn nhớ kỹ. Thật là vô lượng kiếp đến nay, khó khăn lắm mới gặp được cái cơ duyên thù thắng này, không nên để lỡ qua trước mắt. Nếu như để lỡ qua trước mắt, bạn nói xem, đáng tiếc biết bao! Gặp được thì nhất định phải nắm lấy, trong một đời này nhất định phải thành tựu.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây. Hôm nay “Kinh Hoa Nghiêm”, chúng ta ngưng giảng một buổi. Chúng ta đi trợ niệm cho trưởng Lâm. Chúng ta chờ đợi tin tức báo cho chúng ta. Họ đang liên lạc với gia đình của ông. Duyên tiễn đưa lúc lâm chung, Đài Loan là tương đối thù thắng. Đài Loan hiện tại, bác sĩ, y tá ở bệnh viện thông thường là người học Phật rất nhiều, họ hiểu được đạo lý này, biết cách làm như thế nào, cho nên duyên này rất tốt. Thông thường họ đều biết trợ niệm cho chúng ta từ 8 tiếng cho đến 12 tiếng đồng hồ. Viện trưởng Hàn vãng sanh, ở trong bệnh viện chúng tôi trợ niệm cho bà 14 tiếng đồng hồ mới di động, cho nên duyên vô cùng thù thắng. Ở đây duyên tương đối kém hơn một chút, nhưng mà ông thì rất tốt, ông thật sự được vãng sanh, biết trước giờ đi. Chúng ta nghe xong thì rất yên tâm.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Discussion about this post