Quan trọng của việc Thính Pháp – nghe băng giảng:
Trong duyên khởi thành lập Tịnh Tông Học Hội, Hòa thượng Tịnh Không có nhấn mạnh “giải – hành” phải tương ưng. Ý nói chúng ta khi tu hành trước tiên cần phải cầu “giải” để ngõ hầu có thể nắm vững lý luận và phương pháp tu tập.
Một khi đạo lý đã hiểu rõ thì sự “hành” trì của chúng ta mới có được thành tựu như mong muốn. Giải được sâu thì tín tâm mới kiên cố. Tín tâm kiên cố thì nguyện mới thiết tha. Không giải mà hành thì sao tránh khỏi sự lầm lạc và “mê tín”.
Trong băng giảng Thanh Tịnh Phước Đức, đại sư Thanh Lương dạy: “Có giải không hành tăng trưởng tà kiến. Có hành không giải tăng trưởng vô minh.” Phật Pháp chú trọng giải hành tương ưng như chim hai cánh không thể thiếu một.
Niệm Phật là hành môn; thời gian niệm Phật lâu rồi nếu không hiểu đạo lý của Phật nói, không hiểu lý luận, phương pháp và cảnh giới của sự tu học, niệm lâu rồi cũng sẽ giải đãi, cũng sẽ lười biếng. Cho nên giải là giúp đỡ cho hành, hành là giúp đỡ cho giải.
Khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, trong Tăng đoàn có 1250 vị đại đệ tử, toàn là những bậc thượng thủ luôn theo bên mình đức Phật.
Trong suốt 49 năm đức Phật giáo hóa chúng sanh, các vị đệ tử vẫn hàng ngày nghe đức Phật giảng kinh thuyết Pháp mỗi ngày 2 thời (1 thời của Ấn Độ = 4 giờ đồng hồ).
Quý liên hữu hãy nghĩ xem, các vị đệ tử Phật mà còn phải hàng ngày nghe Pháp không gián đoạn, huống hồ là hạng phàm phu sát đất như chúng ta lẽ nào không cần nghe Pháp chăng?
Lại nữa trong các buổi thuyết giảng, Hòa thượng Tịnh Không đã nhiều lần nhắc nhở chúng sanh thời mạt pháp căn tánh hạ liệt (thấp đến tận cùng).
Vì lẽ đó trong công khóa tu tập hàng ngày, nên thêm phần nghe Pháp nhằm giúp chúng ta có khả năng buông xả tập khí, phiền não, phân biệt và chấp chước sâu nặng; thì công phu niệm Phật mới được đắc lực.
Người xưa tâm tánh của họ rất đơn thuần, nên đối với lời lẽ trong Kinh Phật và lời dạy bảo của tổ sư đại đức, họ có thể hoàn toàn tin tưởng; “buông xả vạn duyên” mà “lão thật niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ”.
Người thời nay có quá nhiều phiền não nghiệp chướng, cho nên nếu không nghe Pháp thì quả thật rất khó mà thực hiện việc “buông xả vạn duyên”, (ý nói buông xả từ trong tâm, không phải chỉ cạn cợt từ trên sự tướng).
Vạn duyên nếu không thể buông xuống, thì bốn chữ “lão thật niệm Phật” chúng ta tuyệt đối không có phần.
Mục đích chính của việc nghe Pháp là nhằm giúp chúng ta nắm vững lý luận và phương pháp tu tập. Sau khi đã hiểu rõ thì chúng ta tập áp dụng những đạo lý này vào ngay trong cuộc sống hàng ngày của chính mình – đây mới thực sự là người tu hành chân chánh. Phật Pháp là bất ly sanh hoạt.
Phật Pháp chú trọng ở chỗ “thọ dụng” (“thọ” = tiếp nhận, “dụng” = sử dụng). Nếu chúng ta nghe Pháp xong nhưng lại không thể thực hiện trong cuộc sống thì tức là chúng ta chưa hiểu rõ lý lẽ.
Đối với lời dạy trong Kinh của Phật chúng ta không thể tiếp nhận và hành trì, tức là không có thọ dụng vậy. Nếu như đối với Pháp của Phật dạy chúng ta không có được thọ dụng, thì e rằng đời này khó mà tự mình giải quyết vấn đề sanh tử, khó mà vãng sanh Tịnh Độ.
Khi thính Pháp, chúng ta nên dụng công ra sao?
- Vấn đề “chuyên nhất” là tối quan trọng đối với những bậc căn tánh Trung-Hạ. Sự thành tựu của một cá nhân dù là pháp thế gian hay xuất thế gian đều chẳng có ngoại lệ, thầy dạy rất quan trọng! Một vị thầy là một con đường, hai vị thầy là hai con đường, ba vị thầy là ngã ba đường thì chúng ta sẽ dễ bị lẫn lộn, rối loạn. Vì thế chúng ta nên chọn cho mình một vị MINH sư (không nên chọn danh sư) mà chuyên tâm học tập với vị thầy này thì mới mong có thành tựu trong một đời này. Quý vị liên hữu đã đến với Tịnh Tông Học Hội thì chúng con xin giới thiệu với quý vị Lão Hòa Thượng Tịnh Không, người góp phần đáng kể trong việc hoằng dương Tịnh Độ thời hiện đại.
- Trong lúc thính Pháp, quan trọng là chúng ta để ý tiếp thu và ghi nhận những phương pháp hành trì trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ như khi Hòa Thượng dạy chúng ta là phải “thời thời khắc khắc kiểm soát thân tâm”, khi ý niệm vừa khởi là liền phải nhận biết nó là thiện niệm hay ác niệm (dùng lời dạy của Phật làm tiêu chuẩn thiện ác. Ví dụ như một người mới bắt đầu học Phật thì nên dùng ngũ giới, thập thiện làm tiêu chuẩn thiện ác. Tuyệt đối không thể dùng sự hiểu biết của mình để làm tiêu chuẩn).
- Chúng ta không nên quá bận tâm khi có nhiều từ ngữ Phật học chúng ta nghe xa lạ hoặc không hiểu. Chỉ cần chúng ta kiên trì để tâm lắng nghe, và nghe nhiều thì từ từ chúng ta sẽ hiểu.
- Đối với mỗi một đề tài băng giảng, chúng ta nên nghe nhiều lần, nghe đi nghe lại cho tới khi nắm rõ nội dung rồi hãy nghe sang đề tài khác.
- Khi thính Pháp cũng giống lúc đi học, chúng ta nên nghe theo trình tự, thứ lớp từ thấp lên cao. Dưới đây chúng con xin phương tiện tạm chia ra làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn liệt kê danh sách Pháp theo thứ tự từ thấp lên cao để quý vị dễ tham cứu
Discussion about this post