Phương pháp tu hành niệm Phật quan trọng:
“Một tháng dành ra ít nhất một ngày một đêm tu tinh tấn…Nên dùng máy niệm Phật để niệm theo. Phương pháp này tốt với người bận rộn”
Chúng ta xem tiếp, “Thập nhật thập dạ, nãi chí nhất nhật nhất dạ, bất đoạn tuyệt giả. Thọ chung giai đắc vãng sanh kỳ quốc”(mười ngày mười đêm, thậm chí một ngày một đêm không gián đoạn. Lúc mạng hết đều được vãng sanh nước ấy(Cực Lạc)). Không cần phải quá nhiều thời gian, chỉ cần mười ngày mười đêm. Như vậy là sao? Tinh tấn tu một kỳ Phật thất, nhưng đây không phải là Phật thất. Phật thất là bảy ngày, nhưng đây là mười ngày. Mười ngày là viên mãn. Trong kinh Hoa Nghiêm dùng số 10 tượng trưng cho sự viên mãn. “Nãi chí nhất nhật nhất dạ”(cho đến một ngày một đêm). Nếu công việc trong gia đình rất bận không có thời gian, thì một tháng dùng một ngày một đêm không ngừng niệm danh hiệu Phật. Như vậy một năm cũng niệm được mười hai ngày.
Nên nhớ dùng phương pháp này, nếu có thời gian thì cùng với các đồng tham đạo hữu tu tập ba ngày ba đêm, không nên vượt quá (3 ngày). Vì sao? Căn tánh của người thời nay không bằng người xưa. Chúng ta nghiệp chướng rất nặng, oan thân trái chủ lại rất nhiều. Nếu ta tinh tấn như vậy khiến họ nôn nóng, lo lắng. Vì họ muốn đến phá hoại chúng ta, đến làm phiền ta. Họ muốn báo thù vì chúng ta với họ có thâm thù đại hận. Oán hận của họ chưa hoá giải, mà chúng ta đã muốn đi. Ta không tinh tấn niệm Phật cũng không sao, chúng ta như vậy là làm giả, không phải thật. Ta đi không được, họ cũng không để ý. Nhưng họ luôn đợi chúng ta để báo thù. Nếu lần này chúng ta làm thật, thật sự muốn đi, thì món nợ đó phải tính. Đây chính là tại sao oan thân trái chủ tìm đến. Khi oan thân trái chủ tìm đến, chúng ta sẽ phiền phức. Dù ở trong niệm Phật đường cũng gặp chướng ngại, không thể niệm tiếp.
Không chỉ không niệm tiếp được, mà chúng ta làm ảnh hưởng người khác. Cho nên, chủ trương của tôi niệm Phật dù tinh tấn cũng không nên vượt qua ba ngày. Trước đây ở Đài Trung thầy Lý cũng tổ chức tu hai lần Phật thất tinh tấn. Bảy ngày đều xảy ra việc, cho nên về sau không dám tu Phật thất nữa. Ông nói với tôi, tinh tấn Phật thất không thể tu tuỳ tiện. Xảy ra vấn đề là gì? Người đó trở thành si dại, trở thành bệnh thần kinh. Khi đến đây họ là một người bình thường, bây giờ sau bảy ngày niệm Phật, không còn cách nào khác phải đưa đến bệnh viện tâm thần. Quý vị nghĩ xem chẳng phải là có lỗi với người ta sao?
Thầy Lý được xem là người tu hành chân chánh, có kinh nghiệm. Nhưng trong lần Phật thất đó vị ấy đã xảy ra vấn đề, các đồng tu ở đó phải dùng thời gian mười tháng mới giúp vị ta hồi phục bình thường, nên về sau không dám tu Phật thất nữa. Chư vị đồng học nếu thật sự muốn y giáo phụng hành, thì tu ba ngày ba đêm là được. Nhưng tốt nhất là từ đâu? Từ một ngày một đêm bắt đầu, như vậy sẽ không có gì xảy ra. Niệm một câu Phật hiệu suốt 24 tiếng đồng hồ không gián đoạn. Nên dùng máy gì? Dùng máy niệm Phật, chúng ta niệm theo máy niệm Phật. Danh hiệu Phật nệm không hề gián đoạn, không hoài nghi, không tạp niệm. Điều này là quan trọng nhất, vì chúng ta vừa xen tạp niệm thì công phu niệm Phật sẽ bị phá hoại. Cho nên một ngày một đêm, vẫn phải cần có người hộ trì, có người hộ qua. Nhất định không nghe điện thoại, không để bị hoàn cảnh bên ngoài quấy nhiễu. Tu một ngày một đêm, nhờ duyên và công đức của một ngày một đêm này, đến khi sắp lúc lâm chung sẽ có người đến giúp ta trợ niệm, nếu chúng ta có căn duyên này. Giống như tu một ngày một đêm này, một tháng tu một lần hai lần. Hai lần là được, nữa tháng một lần. Phương pháp này rất tốt.
Phương pháp này là đối với những người nào? Những người thường ngày công việc bận rộn, không có thời gian niệm Phật. Không nên tập trung quá nhiều người, càng ít càng tốt. Lúc đó thầy Lý nói với tôi: người cùng nhau tham gia niệm Phật thì tốt nhất không quá 10 người. Thật sự tâm đầu ý hợp, nhất tâm cầu vãng sanh. Tôi cảm thấy một tháng được một lần hoặc nữa tháng một lần. Có một niệm Phật đường thanh tịnh, giống như bế quan vậy, có người hộ quan. Thời gian chỉ một ngày một đêm. Ăn uống đơn giản, có người lo hết. Nếu muốn tu, ăn no quá cũng không được. Ăn no dễ bị hôn trầm sẽ ngủ gục. Nhưng đói cũng không được, khi đói trong tâm sinh ra hoang mang. Tốt nhất là không đói không no. Nếu đói thì sao? Thì ăn vài miếng mì gói, ăn một ít bánh bao, uống chút nước. Càng đơn giản càng tốt.
Quan trọng nhất là một ngày một đêm đó, không để bất cứ tạp niệm nào xen vào, như vậy mới là công phu thật. Có tạp niệm là không được. Khi mới học khẳng định có tạp niệm, tạp niệm khởi lên không nên nghĩ đến nó. Nên nói đây là vọng niệm mới khởi lên, thì niệm thứ hai trở về với danh hiệu Phật, như vậy là tốt. Vọng niệm này là tập khí phiền não từ vô lượng kiếp đến nay, nên rất khó đoạn. Nếu có công phu niệm Phật thật sự, như một ngày niệm ba vạn năm vạn Phật hiệu, niệm Phật theo số lượng đã định, niệm từ ba đến năm năm. Trong một tiếng đồng hồ, còn có một hai vọng niệm khởi lên. Cho ta thấy vọng niệm này khó đoạn biết bao, vì thế một ngày một đêm không làm sao tránh khỏi vọng niệm trổi dậy.
Vọng niệm khởi đừng để ý đến nó, đem tất cả tinh thần ý niệm tập trung vào trong câu niệm Phật, cầu Phật gia trì. Vọng niệm càng ít thì biết mình có tiến bộ, nghiệp chướng giảm dần. Vọng niệm càng nhiều thì nghiệp chướng càng nhiều, phiền não sâu nặng. “Thọ chung tức đắc vãng sanh kỳ quốc”(Lúc mạng hết liền được vãng sanh nước ấy), khi sắp lâm chung công phu niệm Phật rất đắc lực, vì bình thường luôn luyện tập.
Trích từ Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa – tập 324
Do Hòa thượng Tịnh Không giảng
Nam Mô A Mi Đà Phật
Discussion about this post