Nguyên tác: Tây Quy Trực Chỉ
Chu An Sỹ – Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2016
Phương pháp hành trì
Mỗi buổi sáng sớm, súc miệng rửa mặt sạch sẽ rồi đốt hươngtrầm, cung kính chắp tay hướng về phương tây (nếu như trong nhà có thờ tượng Phật thì hướng về tượng Phật), đem hết tâm thành nghĩ tưởng đến việc vì báo đền bốn ơn nặng, cùng vì tất cả chúng sinh trong ba cõi pháp giới, cung kính đảnh lễ “Nam-mô Ta-bà Thế giới Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.” (ba lạy hoặc một lạy)
Nam-mô Thập Phương Tận Hư Không Giới Nhất Thiết Chư Phật. (một lạy)
Nam-mô Thập Phương Tận Hư Không Giới Nhất Thiết Tôn Pháp. (một lạy)
Nam-mô Thập Phương Tận Hư Không Giới Nhất Thiết Hiền Thánh Tăng. (một lạy)
Nam-mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A-di-đà Phật. (mười lạy hoặc bảy lạy)
Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát. (ba lạy hoặc một lạy)
Nam-mô Đại Thế Chí Bồ Tát. (ba lạy hoặc một lạy)
Nam-mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. (ba lạy hoặc một lạy)
Bốn lời nguyện lớn của hàng Bồ Tát
Chúng sinh vô biên, thệ nguyện độ khắp. (một lạy)
Phiền não vô tận, thệ nguyện dứt sạch. (một lạy)
Pháp môn vô lượng, thệ nguyện tu học. (một lạy)
Phật đạo vô thượng, thệ nguyện thành tựu. (một lạy)
Lễ bái như trên xong thì tụng kinh A-di-đà, hoặc tụng kinh, trì chú theo thông lệ bình thường mỗi ngày. Việc trì tụng không chú trọng nhiều hay ít, chỉ cần hết lòng chú tâm khi trì tụng.
Trì tụng xong, niệm hồi hướng về việc vãng sinh Tịnh độ.
Nếu trong nghi thức trên có lược bớt đi phần nào thì ngay sau đó có thể chuyển sang một lòng niệm Phật.
Nghi thức niệm Phật, từ khởi đầu đến kết thúc
[Mở đầu tụng bài Tán Phật:]
A-di-đà Phật thân kim sắc,
Tướng hảo quang minh vô đẳng luân.
Bạch hào uyển chuyển ngũ tu di,
Cám mục trừng thanh tứ đại hải.
Quang trung hóa Phật vô số ức,
Hóa Bồ Tát chúng diệc vô biên.
Tứ thập bát nguyện độ chúng sinh,
Cửu phẩm hàm linh đăng bỉ ngạn.
Tạm dịch:
Phật A-di-đà thân vàng chói sáng,
Tướng quang minh tốt đẹp chẳng ai bằng.
Mày trắng ẩn hiện Tu-di năm núi,
Mắt xanh trong lặng bốn biển mênh mông.
Giữa hào quang hóa hiện vô số Phật,
Cùng vô biên chúng Bồ Tát vây quanh.
Bốn mươi tám nguyện độ khắp chúng sinh,
Chín phẩm vãng sinh, cùng lên bờ giác.
Nam-mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A-di-đà Phật.
Sau đó tùy ý trì niệm hoặc hồng danh sáu chữ (Nam-mô A-di-đà Phật) hoặc hồng danh bốn chữ (A-di-đà Phật), hoặc mấy trăm biến, hoặc mấy ngàn biến, đều tùy sức mỗi người.
Niệm Phật xong thì niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Đại Thế Chí.
Tiếp theo tụng qua một lần bài hồi hướng, hồi hướng về việc vãng sinh Tây phương Cực Lạc.
Nếu thời khóa niệm Phật mỗi ngày lên đến nhiều ngàn biến, nhiều vạn biến, thì nên phân chia thành nhiều lần, mỗi lần trì niệm xong đều tụng bài hồi hướng.
Về bài hồi hướng, có bài đầy đủ tường tận, có bài giản lược ngắn gọn. Tường tận đầy đủ thì theo bài văn do Đại sư Vân Thê soạn, giản lược ngắn gọn thì theo bài văn do Sám chủ Từ Vân soạn. Hoặc giản lược hơn nữa thì dùng bài kệ 16 câu trong kinh (có ghi ở phần sau), mỗi người có thể tùy sức mà chọn lựa.
Pháp môn trì tụng mười niệm
Mỗi buổi sáng sớm, súc miệng rửa mặt sạch sẽ rồi đốt hương trầm. Nếu trong điều kiện không có hương hoa thì nên hướng tâm quán tưởng vô số hương hoa, đều dâng lên cúng dường Tam bảo. Sau đó chắp tay cung kính hướng về phương tây, chí tâm đảnh lễ:
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (một lạy)
Nam-mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A-di-đà Phật. (ba lạy)
Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát. (một lạy)
Nam-mô Đại Thế Chí Bồ Tát. (một lạy)
Nam-mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. (một lạy)
Vẫn chắp tay quay mặt về phương tây, chí tâm niệm thánh hiệu sáu chữ: Nam-mô A-di-đà Phật. Thong thả niệm liên tục cho đến lúc phải dừng lại lấy hơi thì tính là một niệm. Cứ như thế, niệm được mười hơi là mười niệm, mỗi người tùy theo hơi thở dài ngắn mà niệm, không hạn định số Phật hiệu trong mỗi hơi.
Khi niệm phải lưu ý âm thanh không quá cao, không quá thấp, không quá nhanh, không quá chậm, luôn giữ ở mức vừa phải, mười hơi liên tục như thế có thể khiến cho tâm không còn tán loạn. Lấy sự tinh cầnchuyên niệm như thế làm công phu, bởi phương pháp trì tụng mười niệm này chính là dựa vào hơi thởđể kiểm soát tâm ý.
Sau khi hoàn tất một thời khóa mười niệm thì tụng đọc bài kệ hồi hướng [gồm 4 đoạn,] 16 câu như sau đây:
Ngã kim xưng niệm A-di-đà,
Chân thật công đức Phật danh hiệu.
Duy nguyện từ bi ai nhiếp thụ,
Chứng tri sám hối cập sở nguyện.
Ngã tích sở tạo chư ác nghiệp,
Giai do vô thủy tham sân si,
Tùng thân ngữ ý chi sở sinh,
Nhất thiết ngã kim giai sám hối.
Nguyện ngã lâm dục mạng chung thời,
Tận trừ nhất thiết chư chướng ngại.
Diện kiến ngã Phật A-di-đà,
Tức đắc vãng sinh An Lạc sát.
Ngã kí vãng sinh bỉ quốc dĩ,
Hiện tiền thành tựu thử đại nguyện.
Phổ nguyện trầm nịch chư chúng sinh,
Tốc vãng Vô Lượng Quang Phật sát.
Tạm dịch
Nay con niệm Phật A-di-đà,
Là thánh hiệu công đức chân thật,
Nguyện Phật từ bi thương tiếp nhận,
Chứng minh con sám hối, phát nguyện.
Xưa nay con từng tạo nghiệp ác,
Đều do muôn kiếp tham, sân, si…
Phát sinh ra thân, miệng và ý,
Hết thảy nay con xin sám hối.
Nguyện cho khi con sắp qua đời,
Bao nhiêu chướng ngại đều dứt hết.
Mắt nhìn thấy Phật A-di-đà,
Liền được vãng sinh về Cực Lạc.
Khi vãng sinh về cõi Phật rồi,
Liền được thành tựu nguyện lớn này.
Hết thảy chúng sinh đang khổ não,
Nguyện sớm được về nơi Cực Lạc.
Pháp môn báo ơn
Người tu Tịnh độ, tĩnh tâm quán xét trong suốt một đời mình thì người mình chịu ơn sâu nặng nhất không ai hơn cha mẹ. Từ lúc mang thai ta suốt mười tháng ròng, cho đến ba năm chăm sóc bú mớm, rồi nuôi nấng dạy dỗ cho đến lớn khôn… Ân đức lớn lao ấy, làm sao có thể báo đáp cho hết được?
Lại suy xét rằng, ta từ vô số kiếp đến nay, đã trải qua vô số lần sinh ra. Như vậy thì những ân đức của cha mẹ trong mỗi đời mà ta chưa báo đáp hết cũng là không thể kể hết.
Những bậc cha mẹ của ta trong vô số đời trước như thế, ngày nay ắt không khỏi có những người đang ở trong địa ngục, chịu hình phạt thiêu đốt, nung nấu, cắt xẻ thân thể. Lại cũng không khỏi có những người đang ở trong cảnh giới ngạ quỷ, chịu cảnh đói khát bị lửa thiêu thân. Lại cũng không khỏi có những người đang ở trong cảnh giới súc sinh, chịu cảnh khổ phải chở nặng, kéo cày… Nếu chúng takhông tin có những điều này, thì chẳng khác nào gà mẹ đã bị giết mà gà con vẫn không tin điều đó. Nếu chúng ta không nghĩ cách cứu độ cho cha mẹ đời trước như thế, thì chẳng khác nào gà con đứng nhìn mẹ bị giết mà không biết làm gì để cứu.
Nói đến đây ắt không khỏi phải rơi lệ bi thương, gieo mình xuống đất, xin phát tâm Bồ-đề thay cho cha mẹ đời này cũng như nhiều đời trước, cùng hết thảy các bậc sư trưởng, quyến thuộc mà ta đã thọ ân, chí tâm xưng niệm thánh hiệu A-di-đà tùy duyên cảnh, không kể số lần nhiều ít. Trong mỗi một niệm như thế, trước là nguyện giải trừ tám mươi ức kiếp tội nặng trong sinh tử cho những người mà ta hướng đến, sau là nguyện khi bản thân ta được vãng sinh Tịnh độ rồi, sẽ quay trở lại cõi Ta-bà này mà nỗ lực hết sức độ thoát cho họ.
Nếu như có những người ruột thịt chí thân vừa mới qua đời, cũng hướng tâm hồi hướng cho họ [được vãng sinh Tịnh độ].
Pháp môn trợ duyên
Người tu Tịnh độ, mỗi buổi sáng sớm nên quán tưởng trong khắp cõi Diêm-phù-đề này, lại suy đến trong cả đại thiên thế giới, số lượng trâu, dê, lợn, chó, cho đến các loài cầm thú, cá, rùa… bị mang ra giết hại thật không thể tính đếm nổi. Những con vật bị giết hại ấy, nếu gom thân xác lại ắt chất chồng hơn cả núi cao, máu huyết ắt nhuộm đỏ cả dòng sông đang chảy…
Hết thảy những loài vật ấy, chỉ do đời trước tạo nhiều nghiệp ác, không hề biết đến Tây phương Cực Lạc, nên phải chịu nỗi khổ trong chốn luân hồi. Ta nên thay chúng phát tâm Bồ-đề, chí tâm xưng niệmthánh hiệu A-di-đà tùy duyên cảnh, không kể số lần nhiều ít. Trong mỗi một niệm như thế, trước là nguyện giải trừ tám mươi ức kiếp tội nặng trong sinh tử cho chúng, sau là nguyện khi bản thân ta được vãng sinh Tịnh độ rồi, sẽ quay trở lại cõi Ta-bà này mà nỗ lực hết sức độ thoát chúng.
Tiếp theo quán tưởng trong khắp cõi Diêm-phù-đề này, lại suy đến trong cả đại thiên thế giới, hết thảy loài ngạ quỷ đều đang chịu sự đói khát bức bách, cổ họng bốc lửa, xương cốt cử động khua vang thành tiếng, phải chịu đựng sự khổ não khôn lường.
Lại quán tưởng trong tất cả các địa ngục nóng, địa ngục lạnh, địa ngục lớn, địa ngục nhỏ, vô số chúng sinh đang chịu sự trừng phạt chặt, chém, thiêu đốt, xay giã… trong mỗi một ngày đêm phải chết đi sống lại đến hàng vạn lần, chịu đựng sự khổ não khôn lường.
Tất cả những chúng sinh ấy, chỉ vì đời trước rộng làm các nghiệp ác, không tin có Tây phương Cực Lạc, nên phải chịu khổ não trong chốn luân hồi. Ta nên thay họ phát tâm Bồ-đề, chí tâm xưng niệm thánh hiệu A-di-đà [tùy duyên cảnh, không kể số lần nhiều ít]. Trong mỗi một niệm như thế, trước là nguyện giải trừ tám mươi ức kiếp tội nặng trong sinh tử cho họ, sau là nguyện khi bản thân ta đã được vãng sinh Tịnh độ rồi, sẽ quay trở lại cõi Ta-bà này mà nỗ lực hết sức để độ thoát họ.
Lại nữa, người tu Tịnh độ trong mỗi một ngày, tùy theo khả năng, hoàn cảnh, nếu có làm được bất kỳ việc thiện nào, chẳng hạn như bố thí cho người nghèo, cúng dường trai tăng, tạo vẽ hình tượng Phật, hay mua vật mạng phóng sinh… dù được đôi chút phước đức nhỏ nhoi cũng đều thay cho tất cả chúng sinh đang chịu khổ não trong mười phương mà hồi hướng, cầu cho tất cả đều được sinh về thế giới Cực Lạc.
Discussion about this post