Phật giáo truyền tới Trung Quốc là do hai vị đại đức Ma Đằng và Trúc Pháp Lan đến Trung Quốc. Thuở ấy, Hán Minh Đế bái họ làm thầy; do vậy, họ biến thành quốc sư. Họ vốn đều là khất thực, đều ngủ dưới cội cây, nay làm thầy hoàng thượng; tại Trung Quốc, nếu thầy của hoàng thượng ra ngoài khất thực, đến ngủ dưới cội cây, người ta sẽ chửi bới hoàng đế chết mất! Ngươi làm hoàng đế kiểu gì? Làm sao có thể khiến cho thầy nhà ngươi sống như vậy được! Do vậy, sau khi đến Trung Quốc, họ đành bỏ truyền thống xưa ấy, quý vị thấy: Hằng thuận chúng sanh, tùy thuận tập quán của dân Trung Quốc. Hoàng thượng cũng ban cho họ cung điện, dựng chùa (tự), “tự” là gì? Quý vị phải biết: Tự (寺) là cơ cấu làm việc của chính phủ, là một cấp hành chánh trực thuộc hoàng đế cai quản, đó là Tự. Quý vị tới thăm Cố Cung. Trong Cố Cung có rất nhiều tấm biển, như Hồng Lô Tự, Thái Thường Tự, đấy đều là các đơn vị cấp dưới của hoàng đế, do hoàng đế trực tiếp quản trị, gọi là Cửu Tự. Trưởng quan của chín tự gọi là Khanh, Tam Công Cửu Khanh; Tam Công [1] là cố vấn của hoàng thượng, địa vị rất cao, Cửu Khanh là thủ trưởng đơn vị ở dưới họ một cấp. Đơn vị dưới Tể Tướng một cấp là Bộ. Thủ trưởng của Bộ gọi là Thượng Thư. Thượng Thư là Bộ Trưởng. Thị Lang là Thứ Trưởng. Do vậy, cơ cấu dưới hoàng thượng một cấp sẽ cao hơn Tể Tướng một bậc. Cấp dưới của Tể Tướng gọi là Thượng Thư, còn họ (những người đứng đầu cửu tự) gọi là Khanh, tức Tam Công Cửu Khanh. Cơ cấu làm việc của Phật giáo cũng gọi là Tự, do hoàng thượng trực tiếp nắm giữ. Do vậy, Trung Quốc vào thời ấy trở thành có hai bộ giáo dục: Bộ giáo dục dưới quyền Tể Tướng là bộ Lễ, sắp theo thứ tự thuận, bộ Lễ đứng đầu, đây là [quy chế] do tổ tiên Trung Quốc truyền lại. Bất luận là gia đình hay quốc gia, đều xếp giáo dục lên đầu. “Kiến quốc, quân dân, giáo học vi tiên” (xây dựng đất nước, cai trị nhân dân, giáo dục làm đầu). Quý vị thành lập một chính quyền, “quân” là người lãnh đạo, lãnh đạo nhân dân, coi điều gì là bậc nhất? Giáo dục bậc nhất. Vì thế, bộ Lễ là bộ thứ nhất. Khi Tể Tướng có việc chẳng thể coi sóc chính sự, Thượng Thư bộ Lễ sẽ thay mặt, quý vị thấy địa vị của ông ta rất cao! Nhìn vào chế độ thời cổ của Trung Quốc, bất luận là gia đình hay quốc gia, đều xếp giáo dục vào bậc nhất; nói cách khác, hết thảy đều nhằm phục vụ giáo dục. Do vậy, quốc gia mấy ngàn năm ổn định, đạo lý ở chỗ này!
Dạy những gì? Giáo dục vun bồi căn bản, giáo dục cơ sở trong ba năm đầu. Trẻ nhỏ từ lúc sanh ra cho đến ba tuổi là giáo dục vun bồi căn bản, do mẹ dạy. Vai trò người thầy đầu tiên của đứa trẻ do mẹ nó đảm nhận, dạy gì? Nay tôi nói với mọi người: Đấy chính là Đệ Tử Quy. Đệ Tử Quy chẳng phải là dạy trẻ nhỏ đọc, mà là cha mẹ [làm gương] cho con thấy. Trẻ nhỏ vừa sanh ra, mở mắt ra nó có thể thấy, tai nó có thể nghe, nó đã đang học tập. Quý vị thấy từ lúc sanh ra cho đến ba tuổi, nó học một ngàn ngày. Trong một ngàn ngày ấy, trong sự giáo dục trước đây, điều được hết sức coi trọng là hết thảy những thứ phản diện chẳng để cho trẻ nhỏ thấy, nghe, hay tiếp xúc, hết thảy những gì nó được tiếp xúc đều là chính diện. Cha mẹ trước mặt con luôn lịch sự, từ tốn. Do vậy, cổ ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Tam tuế khán bát thập”, [ý nói] ba tuổi vun bồi căn bản, tám mươi tuổi sẽ chẳng biến đổi. Sự giáo dục này nhằm vun bồi cội sâu rễ vững. Sách Đại Học có câu: “Cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm”, bồi dưỡng lúc nào? Bồi dưỡng trong ba năm một ngàn ngày ấy, vun bồi cội rễ thật tốt! Sau này, nó đi học, thầy giáo là sự tiếp tục của gia giáo, kéo dài gia giáo. Thầy giáo phải nêu gương cho học trò thấy, thầy thay thế bậc trưởng thượng trong gia đình. Bậc trưởng thượng làm như thế, thầy cũng làm như thế, lòng tin của trẻ đã được đặt vững rồi. Vì thế, trước kia, giáo dục của Trung Quốc thành công như thế đó!
Kiểu giáo dục ấy đến khi nào chẳng còn nữa? Sau khi Dân Quốc thành lập, quan niệm giáo dục ấy còn được kéo dài hai mươi năm, sau năm Dân Quốc thứ hai mươi (1931) bèn chẳng còn nữa! Nó bị triệt để tiêu diệt sau thời chiến tranh Trung Nhật, sau tám năm kháng chiến, hoàn toàn chẳng còn nữa. Do vậy, tôi thường nói: Chúng ta và Nhật Bản đánh nhau tám năm, người bị tử thương, tổn thất sanh mạng, tài sản là chuyện nhỏ, bé nhỏ không đáng kể; tổn thất lớn nhất gia đình truyền thống và nền gia giáo truyền thống bị mất đi, tổn thất quá lớn. Đối với sự tổn thất này, nếu chúng ta không có tâm cảnh giác cao độ để khôi phục ngay lập tức, dân tộc sẽ bị diệt vong. Trong bốn nền văn minh cổ [2] trên thế giới, ba nền văn minh khác không có điều này (gia đình truyền thống và nền gia giáo truyền thống), chỉ riêng Trung Quốc có. Nếu Trung Quốc vứt bỏ truyền thống này, cổ văn minh của Trung Quốc sẽ tiêu mất! Tôi tin rằng chưa đầy ba mươi năm, Trung Quốc sẽ chẳng còn gì hết! Nền giáo dục ấy bị mất đi là chuyện đáng buồn nhất của nhân loại trên toàn thế giới, không riêng gì Trung Quốc bị tổn thất mà cả thế giới đều bị tổn thất. Thập niên 70, ông Thang Ân Tỷ (Arnold J. Toynbee) thường nói, ông này là một nhà sử học người Anh, ông ta nói: “Giải quyết vấn đề xã hội trong thế kỷ hai mươi mốt, chỉ có học thuyết Khổng Mạnh của Trung Quốc và Đại Thừa Phật pháp”. [Điều này do] người khác nói, chẳng phải do tôi nói, nói thật sự có lý. Ngày nay, chúng ta khôi phục nền giáo dục của đức Phật bằng cách nào? Phật giáo là giáo dục, chẳng phải là tôn giáo. Làm thế nào để khôi phục truyền thống giáo dục Nho gia và Đạo gia Trung Quốc? Truyền thống Trung Quốc chắc chắn chẳng tách lìa Nho, Thích, Đạo. Nho, Thích, Đạo trên hình thức thì có, trên thực tế đã chẳng còn nhìn thấy nữa! Người học Nho cũng học Đạo và Phật, người học Phật cũng học Nho và học Đạo, môn nào cũng đều thông, thứ gì cũng đều hiểu. Đây là một nhận thức căn bản đối với văn hóa truyền thống mà chúng ta phải hiểu rõ, phải minh bạch.
Hiện thời, muốn khôi phục, chẳng cần phải dựng chùa miếu, đó là [cách làm] trong thời đại đế vương trước kia, không cần tạo dựng hình thức ấy. Hiện thời, những chùa miếu ấy là cổ tích, là nơi để vãn cảnh du lịch, có đặc tính hấp dẫn lịch sử, chuyện ấy tốt lắm, nhưng chẳng thể dạy học. Cần xây dựng trong hiện thời là trường học. Trước kia, tôi thường gặp cụ Triệu Phác Sơ [3], hầu như hàng năm tôi đều về thăm cụ. Tôi đề nghị với cụ, hiện tại giao thông thuận tiện, truyền thông phát triển, Phật giáo Trung Quốc là mười tông phái, mười tông phái đều khôi phục, mỗi tông phái thành lập một đạo tràng, giống như viện đại học tại ngoại quốc, tìm một cuộc đất thuận lợi để xây dựng, thành lập viện đại học, chia thành hai bộ phận: Một bộ phận là Giải môn, bộ phân kia là Hành môn. Về danh xưng, lão cư sĩ Hạ Liên Cư đã từng đề nghị, đề nghị ấy hết sức hay! Bộ phận tu hành gọi là Học Hội, chúng ta là Tịnh Độ Tông thì Tịnh Tông Học Hội là bộ phận tu hành, còn bộ phận nghiên cứu lý luận và kinh điển được gọi là Tịnh Tông Học Viện. Đối với Thiên Thai Tông thì là Thiên Thai Học Hội và Thiên Thai Học Viện. Đấy là danh xưng được hiện đại hóa, mọi người vừa nhìn vào liền liễu giải, đó là đúng. Hoa Nghiêm Học Viện, Hoa Nghiêm Học Hội, danh xưng ấy khiến cho người ta chẳng mê hoặc tí nào. Đấy là một đề nghị hết sức hay! Nếu chúng ta thật sự hiểu, thật sự làm, có như vậy thì mới có thể phục hưng văn hóa truyền thống Trung Quốc, tối thiểu Trung Quốc sẽ có một ngàn năm hưng thịnh xuất hiện, ngàn năm thịnh vượng và ổn định lâu dài. Trung Quốc hưng thịnh, nhất định sẽ hướng dẫn thế giới tiến đến hòa bình, yên định, quý vị nói xem chuyện này có vĩ đại lắm hay không? Rất có ý nghĩa! [..]
[1] Tam Công là ba chức quan phù tá tối cao của nhà vua, được thiết lập từ đời Châu, gồm Thái Sư, Thái Phó, Thái Bảo. Đến đời Hán, Tam Công là Thừa Tướng (về sau đổi thành Đại Tư Đồ), Thái Úy, Ngự Sử Đại Phu (về sau đổi thành Đại Tư Không). Nhà Hậu Hán gọi Thái Úy, Tư Đồ, Tư Không là Tam Công. Đến đời Tống Huy Tông, lại đổi Tam Công thành Thái Sư, Thái Phó, Thái Bảo. Về sau, với sự hình thành lục bộ và vai trò ngày càng lớn của Tể Tướng, Tam Công chỉ còn là chức quan danh dự tặng cho các vị cố vấn cao cấp.
[2] Bốn nền văn minh cổ nổi tiếng nhất và sớm nhất trên thế giới là Cổ Ai Cập, văn minh lưu vực Lưỡng Hà (Mesopotamia), Cổ Ấn Độ và Cổ Trung Quốc. Đây là khái niệm do Lương Khải Siêu đưa ra trong bài xã luận Nhị Thập Thế Kỷ Thái Bình Dương Ca. Nếu theo quan điểm Tây Phương thì văn minh cổ không chỉ gồm bốn quốc gia này mà còn phải kể văn minh Babylon, văn minh Cổ Hy La (Hy Lạp – La Mã), văn minh của thổ dân châu Mỹ v.v…
[3] Triệu Phác Sơ (1907-2000) là một nhân vật đặc biệt của Trung Quốc, ông là một nhà hoạt động xã hội, lãnh tụ tôn giáo, thi nhân, chuyên gia thư pháp, đồng thời là một cư sĩ Phật giáo hữu danh. Ông quê ở huyện Thái Hồ, tỉnh An Huy, từng đảm nhiệm chức vụ Hội Trưởng Hội Phật Giáo Trung Quốc, kiêm chủ tịch hội nhà văn Trung Quốc, Hội Trưởng Danh Dự của hội Hồng Thập Tự Trung Quốc.
Discussion about this post