Sở dĩ Đệ Tử Quy nói riêng, học vấn của Thánh Hiền nói chung còn có thể lưu truyền được, không phải vì do được in ấn, sao chép nhiều, mà chính là do có người làm ra được, thực hiện được và có được cuộc sống hạnh phúc mĩ mãn, gia đình an vui, nội tâm ngày một an định. Điều đó khiến cho mọi người xung quanh ái mộ họ và mong muốn xây dựng được cuộc sống an vui như họ, chính vì thế mới phát tâm học tập Đệ Tử Quy.
Trong gia đình, để giáo dục con cái, cách tốt nhất vẫn là “Thân giáo”, vì vậy, các bậc cha mẹ nếu như có thể làm ra được một hình mẫu tốt để con cái nhìn vào thì việc dạy dỗ con cái sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Khổng Lão Phu Tử nói “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ” (Học mà thực hành được, có phải vui lắm sao?). Cho nên, chúng ta nếu như có thể nỗ lực mỗi ngày thực hiện được từng câu trong Đệ Tử Quy, thì mỗi ngày chúng ta sẽ đều có được niềm vui, đi đâu cũng khiến cho mọi người yêu quý.
I. HỌC TẬP VÀ THỰC HÀNH ĐỐI VỚI TRẺ NHỎ
Đối với các bạn nhỏ, cần có Thầy cô giáo hướng dẫn để từng bước thâm nhập, hiểu rõ kinh văn của Đệ Tử Quy và cách áp dụng theo từng tuần. Đồng thời để có trẻ nhỏ áp dụng được thì quan trọng cần phải có sự phối hợp của các bậc cha mẹ.
Việc triển khai này có ghi rõ trong giáo trình giảng dạy Đệ Tử Quy. Các Thầy Cô lưu ý khi dạy dỗ cần để ý đến tính cách và “ngộ tính” của trẻ, phối hợp với cha mẹ để giúp trẻ ngày càng tiến bộ. Về việc thực hành:
- Đối với học sinh mới học lần đầu, sử dụng bảng đánh giá thực hành Đệ Tử Quy theo giáo trình.
- Đối với học sinh đã học lần thứ hai trở đi, có thể dùng bản đánh giá theo tuần (chia thành 8 phần)
II. HỌC TẬP VÀ THỰC HÀNH ĐỆ TỬ QUY VỚI NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH
Đối với người lớn, việc học tập và thực hành học tập Đệ Tử Quy cũng cần có thứ tự.
1. Đọc thuộc kinh văn Đệ Tử Quy
Cần phải thường xuyên đọc tụng kinh văn cho đến khi thuộc lòng. Việc đọc thuộc kinh văn sẽ giúp cho chúng ta thường xuyên có sự phản tỉnh trong cuộc sống mỗi ngày. Chỉ cần nỗ lực sáng đọc 1 lần trước khi đi làm, tối đọc 1 lần sau khi đi làm về trước khi ăn cơm, mỗi lần chỉ 5-10 phút, liên tục như vậy một thời gian sẽ thuộc được.
2. Mỗi ngày đều nghe giảng giải
Để có thể thực hành áp dụng được trong cuộc sống hàng ngày, cần phải hiểu rõ được ý tứ trong câu kinh văn, cách triển khai như thế nào. Vì thế, mỗi ngày cần phải dành cho mình thời khoá nghe giảng, ít nhất được 1-2 giờ. Nội dung bài giảng chính là 40 tập giảng giải Đệ Tử Quy của Thầy Thái Lễ Húc.
Nếu quá bận rộn, có thể nghe trong lúc nấu ăn, làm việc nhà (hoặc các công việc không dùng đến trí óc); hoặc nghe sau khi hết giờ làm việc. Tuy nhiên, cần phải nhớ là “Tâm vô nhị dụng” – tâm không thể một lúc để vào hai việc, do đó, cần cố gắng sắp xếp thời gian nghe giảng lúc đang không dụng tâm vào suy nghĩ công việc, nếu đang làm việc mà cần dụng tâm thì cần tập trung thời gian làm việc, làm tròn bổn phận của mình.
Phương pháp nghe giảng: Phương pháp nghe giảng tuân theo quy tắc “Một môn thâm nhập, trường thời huân tu”, nếu có thể, mỗi một tập giảng của Thầy Thái Lễ Húc, nghe đi nghe lại được 8 – 10 lần rồi mới chuyển qua bài mới. Nếu có tham gia các nhóm học tập chia sẻ Đệ Tử Quy hàng tuần, thông thường mỗi tuần đều cùng nhau học tập 1 tập, thì trong tuần đó, chỉ lắng nghe và tư duy về bài giảng đó mà thôi.
Phương pháp dụng tâm khi nghe giảng: Khi nghe giảng, chỉ cần chú tâm vào bài giảng mà không cần suy nghĩ gì khác, cũng không cần phải nghĩ ta phải làm gì, không cần phải quá chấp trước vào câu từ trong bài giảng, đừng để ý vào hay dở của giọng người đọc, chỉ cần nghe và cảm nhận những lời giảng. Huân tập lâu dần sẽ cảm ngộ được ý tứ của lời giảng.
Người xưa thường nói: Ba ngày không đọc sách, mặt mũi nhìn khó coi. Còn chúng ta, nếu chỉ cần một ngày không nghe giảng không gián đoạn, không huân tập những điều tốt đẹp vào trong tâm thì những vọng tưởng, những hạt giống xấu lại có cơ hội nảy mầm. Cho nên người học cần cố gắng nỗ lực mỗi ngày đều nghe giảng, đó chính là mỗi ngày thân cận được thiện tri thức vậy, giống như Khổng Lão Phu Tử nói: “Hiếu học cận hồ trí”.
3. Thực hành và áp dụng vào cuộc sống
Việc học tập Đệ Tử Quy hay đạo đức văn hoá truyền thống đều cần phải trải qua ba bước “Nghe – Tư duy – Sửa đổi”. Sau khi mỗi ngày chúng ta nghe giảng rồi, lúc tĩnh tâm, chúng ta thường tư duy quán sát trong đời sống hàng ngày xem những điều Thầy giảng, mình đã làm được mấy phần? Nếu áp dụng vào đời sống của mình thì cần phải làm như thế nào, cứ như thế mà tư duy. Tư duy nhiều rồi sẽ có chỗ ngộ, nếu vẫn không hiểu, thì có thể như Đệ Tử Quy nói: “Tâm có nghi, thì chép lại, học hỏi người, mong chính xác”. Cần nên kết bạn với những người có cùng chí hướng, để thảo luận và làm rõ những điểm chưa hiểu, giúp mình dễ dàng áp dụng hơn trong cuộc sống. Đó chính là như Khổng Lão Phu Tử nói “Lực hành cận hồ nhân“. Sau khi đã thông hiểu, thì sẽ đến bước Sửa đổi, thay đổi bản thân, sửa cũ đổi mới, hoàn thiện mình. Bước này cần phải có dũng khí, cần phải nỗ lực, như là “Lột da” vậy, cần phải thấy tâm xấu hổ vì người đi trước ta đã làm được mà ta nay còn chưa làm được, ta phải nỗ lực, nhất định ta làm được. Đó chính là “Tri sỉ cận hồ dũng” mà Khổng Lão Phu Tử nói đến trong Luận Ngữ.
Sử dụng Đệ Tử Quy Công Quá Cách.
Người học tập Đệ Tử Quy cẩn thận thì nên dùng Công Quá Cách. Công là những gì làm được, Quá là những gì còn lỗi chưa làm được, Đệ Tử Quy Công Quá Cách chính là sổ ghi chép lại những điều làm được và chưa được theo Đệ Tử Quy.
Về cơ bản, Đệ Tử Quy có thể chia ra 113 đầu việc để bản thân mình soi xét. Để thuận tiện trong việc đọc thuộc, cũng như soi xét bản thân, những người đi trước đã soạn sẵn cho chúng ta một bản Công Quá Cách (tải về tại trung tâm tài liệu), sử dụng hàng tuần.
Có thể sau giờ làm việc, hoặc sau khi ăn cơm tối, dành ra 10 – 15 phút soi lại từng câu trong Công Quá Cách, xem câu nào ta làm được thì tích dấu “v” vào, câu nào chưa làm được thì tích dấu “x” vào, câu nào mà vẫn còn lưỡng lự chưa biết có làm được hay không thì gạch ngang hoặc để trống.
Sáng hôm sau, có thể trước khi đi làm, soi lại một lần xem những điều mình còn chưa làm được, để ý đến những câu kinh văn đó, nếu có cơ hội làm thì phải làm ngay, có thể trước mắt là làm hơi hình thức, chưa chuyển hoá được nội tâm ngay, nhưng lâu ngày làm nhiều sẽ từ ngoài mà nội hoá vào trong tâm. Còn như câu nào chưa hiểu rõ, có thể đem ra để hỏi các bạn đồng học đi trước để hiểu rõ hơn, hoặc lại nghe giảng lại cho kỹ lời giảng của Thầy Thái Lễ Húc về câu này.
Nếu nghiêm túc sử dụng công quá cách, thì chúng ta sẽ có được công phu “Đức ngày tăng, lỗi ngày giảm”.
Việc thực hành Đệ Tử Quy không chú trọng vào việc thực hành một lúc quá nhiều, mà quan trọng nhất là “học được một câu, làm được một câu”, làm cho thật tốt, thành thật với chính bản thân mình là quan trọng nhất.
Kính chúc các vị đồng học nếm được pháp vị của việc thực hành Đệ Tử Quy, “học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ?”
Discussion about this post