Lão Pháp Sư Tịnh Không chủ giảng
Năm 1992 tại Đại Giác Liên Xã, Cựu Kim Sơn, Hoa Kỳ
Tâm Tịnh ghi, Hàn Anh kiểm giảo – Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Đề mục kinh này vô cùng rõ ràng, nội dung cũng rất đơn giản, trong sáng, thiết yếu. Trong bộ kinh này, đức Phật dạy chúng ta phương pháp để cái tâm được thanh tịnh. Trong pháp môn Tịnh Độ, chúng tađều biết đến đạo lý “tâm tịnh cõi nước tịnh”. Do đây biết rằng: đối với việc tu học Tịnh Độ tông, tâm thanh tịnh vô cùng trọng yếu.
Người phiên dịch bộ kinh này là ngài Thi Hộ, Ngài là người ngoại quốc đến Trung Quốc hoằng pháp vào thời Nam Bắc Triều.
Chánh kinh:
Phật Thế Tôn, nhất thời tại Xá Vệ quốc, Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên, dữ tỳ-kheo chúng câu.
(Một thời, đức Phật Thế Tôn ở tại nước Xá Vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, cây của Kỳ Đà, cùng các vị tỳ-kheo câu hội)
Đoạn kinh văn này phần đầu thiếu mất câu “như thị ngã văn” là vì kinh điển được phiên dịch trong giai đoạn sơ khởi chẳng tuân thủ thể lệ chánh quy, nhưng Lục Chủng Thành Tựu vẫn đầy đủ [như các kinh dịch trong các giai đoạn về sau]. Phật Thế Tôn là Chủ Thành Tựu, “nhất thời” là Thời Thành Tựu, “tại Xá Vệ quốc, Kỳ Thọ Cấp Cô Độc viên” là Xứ Thành Tựu, chỗ này rất quen thuộc đối với chúng ta, kinh Di Đà cũng được tuyên giảng tại đây. “Dữ tỳ-kheo chúng câu” là Chúng Thành Tựu. Sáu thứ này hoàn toànđầy đủ.
Đoạn thứ hai thuộc về phần Chánh Tông của kinh này. Luận về thể lệ phiên dịch kinh điển quen dùng, phàm đầu đề mục kinh nào có đề hai chữ “Phật Thuyết” thì chứng tỏ kinh ấy do chính đức Phật nói, chứ chẳng phải là người nào khác nói. Kinh này giống hệt như kinh Di Đà, không có ai khải thỉnh, đức Phậttự nói ra, kinh điển Vô Vấn Tự Thuyết (không ai hỏi mà tự nói) nhất định rất trọng yếu.
Trong nền giáo dục Phật giáo, nói thật ra, “tâm thanh tịnh” là một đề mục giáo dục tối trọng yếu. Chẳng cần biết tông nào, pháp môn nào, chỉ có phương pháp sai biệt, chứ mục tiêu tu học hoàn toàn nhất trí, tức là phải tu sao cho tâm thanh tịnh. Tịnh Độ Tông gọi tâm thanh tịnh là “nhất tâm bất loạn”, cũng như nhà Thiền gọi là “thiền định”, bên Giáo gọi là “chỉ quán”, còn như Mật giáo gọi là “tam mật tương ứng”.Toàn bộ những danh từ ấy chỉ là tên gọi khác nhau của tâm thanh tịnh mà thôi. Bởi thế, đối với việc giáo dục, dù chẳng ai khải thỉnh, Ngài cũng đặc biệt nêu ra để dạy dỗ.
Chánh kinh:
Phật cáo chư tỳ-kheo ngôn:
(Phật bảo các tỳ-kheo rằng)
Đây là Phật bảo cùng đại chúng xuất gia.
Chánh kinh:
Nhữ đẳng đế thính!
(Các ông lắng nghe)
“Đế thính” là nghe thật kỹ càng, nỗ lực lắng nghe.
Chánh kinh:
Nhược chư Thanh Văn tu tập chánh hạnh, dục đắc thanh tịnh tâm giả.
(Nếu các Thanh Văn tu tập chánh hạnh, muốn đạt được tâm thanh tịnh)
Trước hết, Ngài nêu lên đề mục giảng dạy. Chữ “chư Thanh Văn” chỉ các vị học pháp Tiểu Thừa; từ Sơ Quả cho đến Tứ Quả hoàn toàn bao gồm trong loại này.
“Tu tập chánh hạnh”: Chúng ta biết Chánh Hạnh của người tu Tiểu Thừa là Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm, trung tâm là Bát Chánh Đạo. Thật ra, Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo không phải chỉ dành riêng cho người học Tiểu Thừa, người học Đại Thừa cũng chẳng thể thoát ra ngoài được. Chúng ta thấy trong trước tác của Thiên Thai đại sư, Tứ Niệm Xứ được phân thành bốn giáo Tạng, Thông, Biệt, Viên để giảng. Tứ Niệm Xứ của Tạng Giáo đương nhiên là Tiểu Thừa; Thông Giáo, Biệt Giáo, Viên Giáo thuộc về Đại Thừa. Tiểu Thừa có Tứ Niệm Xứ; Đại Thừa cũng có Tứ Niệm Xứ. Tiểu Thừa có Bát Chánh Đạo, Đại Thừa có lúc nào không có Bát Chánh Đạo? Do đó biết là Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm chung cho hết thảy Phật pháp, chẳng riêng gì Đại Tiểu Thừa, Tông Môn, Giáo Hạ, Hiển, Mật thảy đều viên mãn đầy đủ. Nhìn từ góc độ này, lời Phật khai thị vừa sâu vừa rộng, nào phải chỉ hạn cuộc nơi Tiểu Thừa Thanh Văn; chúng ta phải đặc biệt chú ý điều này.
“Muốn đạt được tâm thanh tịnh” chính là trọng điểm của toàn bản kinh này, nghĩa là làm thế nào mới hòng đạt được tâm thanh tịnh? Chuyện này rất quan trọng đối với việc tu hành của chúng ta vậy.
Chánh kinh:
Đương đoạn ngũ pháp, tu tập thất pháp, nhi linh viên mãn.
(Nên dứt năm pháp, nên tu tập bảy pháp sao cho viên mãn)
Ở đây phải đặc biệt chú ý câu “sao cho viên mãn”. Nếu quả thật có thể tu tập đến mức viên mãn – nếu dùng Tứ Giáo để luận – thì cũng có thể đạt tới Viên Giáo, lại càng chẳng phải là pháp Thanh Văn thuần túy vậy. Phật dạy chúng ta phải đoạn năm pháp, năm pháp ấy là những pháp nào?
Chánh kinh:
Nhất tham dục; nhị sân khuể, tam hôn trầm thùy miên; tứ trạo hối, ngũ nghi. Thử ngũ cái chướng ưng đương trừ đoạn.
(Một là tham dục; hai là nóng giận; ba là hôn trầm say ngủ; bốn là lao chao, hối hận; năm là ngờ vực. Năm thứ cái chướng này phải nên trừ dứt)
“Cái” là che đậy. “Chướng” là chướng ngại. Nói cách khác, năm thứ trên che đậy cái tâm thanh tịnh của chúng ta, khiến tâm thanh tịnh chẳng thể hiện tiền, hoàn toàn bị chướng ngại, chứ nào phải chẳng có tâm thanh tịnh. Do vậy, nhất định phải trừ khử năm thứ này. Tiếp theo đây, chúng ta bàn về từng thứ.
Thứ nhất là tham dục. [Khi nói] Tham thì đại đa số là nói về thuận cảnh. Con người gặp lúc vừa lòngxứng ý, chẳng cần biết là hoàn cảnh tinh thần hay hoàn cảnh vật chất, cứ hễ cái gì thuận theo ý mình bèn khởi tâm tham ái. Dục là dục vọng; nhà Phật gọi là Ngũ Dục, thế gian gọi là Thất Tình. Thất TìnhNgũ Dục người đời có ai chẳng tham ái hay chăng? Bởi tham ái Thất Tình Ngũ Dục nên chẳng thể thoát khỏi luân hồi, học Phật cũng chẳng thể thành tựu, học Thiền cũng chẳng thể “đắc Định”, niệm Phật thì hãy khoan nói đến “nhất tâm bất loạn”, dù chỉ “công phu thành phiến” cũng vẫn chẳng thể thành công, học Giáo chẳng thể “khai ngộ”, nguyên nhân chỉ vì chẳng thể buông Ngũ Dục Thất Tình xuống được.
“Tánh Đức” là do bổn tánh hiển lộ. Bổn Tánh phát khởi tác dụng thì gọi là “Tánh Đức”. Bổn Tánh viên mãn, Tánh Đức cũng viên mãn. Tam Học nơi Tánh Đức là Giới, Định, Huệ. “Giới Học” có nghĩa là điều gì cũng phải gìn giữ. Bởi thế, chúng ta cần hiểu rõ: Nói riêng về Giới trong Tam Học Giới – Định – Huệ của Đại Thừa Phật pháp thì Giới tuyệt đối chẳng phải chỉ hạn cuộc trong Ngũ Giới, Bát Giới, Thập Giới, Tỳ Kheo Giới, Bồ Tát Giới! Giới Học viên mãn có nghĩa là hết thảy những lời đức Phật giáo huấn chúng ta đều là Giới Học, đều phải tuân thủ, nó cũng là từ Tánh Đức lưu lộ.
Nói cách khác, xử thế, đãi người, tiếp vật đúng lý đúng pháp. Nếu như còn có tham dục tức là chẳng đúng lý đúng pháp; vì vẫn còn có “tư tâm” thì Tánh Đức chẳng thể hiện tiền. Bởi thế, đức Phật dạy chúng ta phải đoạn trừ tham dục và tư tâm. Nói ra rất có đạo lý, nghe dễ dàng sao, nhưng đoạn trừ rất khó. Bởi lẽ, hễ còn chưa phá được Ngã Chấp thì khởi tâm động niệm, điều gì cũng là vì mình: tôi tham, tôi si, tôi mê. Muốn đoạn trừ dục vọng thì trước hết phải buông xuống, cơ sở để buông xuống là “khán phá” (thấy rỗng toang). Cứ hễ khán phá được thì sẽ tự nhiên buông xuống được.
Người học Phật có hai hạng nhất định có thành tựu:
a) Một là người thông minh phi thường, nhà Phật thường gọi là “thượng căn lợi trí”. Hạng người này vừa nghe Phật pháp, giác ngộ ngay lập tức. Sau đó bèn chân chánh y giáo phụng hành, hạng người như vậy nhất định có thể thành tựu.
b) Hạng người thứ hai là “thiện căn sâu dày”. Hạng người đối với những lời giáo huấn của Phật, Bồ Tátbèn nỗ lực vâng làm, họ chẳng cần biết đến lý luận, cứ
dựa theo lời chỉ dạy của Phật mà làm theo. Hạng người chân thật như thế có thể thành tựu.
Con người chân thật chẳng phải là đơn giản đâu nhé, xét về mặt vãng sanh, người thượng căn lợi tríchẳng theo kịp được họ. Vì sao người chân thật có được thành tựu như thế? Chúng tôi đọc Đại Kinh rồi mới hiểu rõ. Nguyên do là hạng người này trong đời quá khứ, đời đời tu tập, tích lũy vô lượng thiện căn, trong đời này nhân duyên thành thục, bèn đối với lời giáo hối của Phật, Bồ Tát chẳng hề so đo cứ y giáo phụng hành, cho nên được thành tựu. Hạng thượng căn lợi trí, trí huệ thông minh tuyệt đỉnh ta học theo chẳng được, nhưng học theo người chân thật chúng ta đều có thể học được.
Vì sao người chân thật nghe được, còn chúng ta nghe chẳng được? Chúng ta nghe những điều Phật dạy trong kinh thảy đều châm chước, cắt xén đi rất nhiều cho nên chẳng thể thành tựu. Mọi người hãy nên hoàn toàn y giáo phụng hành; điều này chúng ta phải nhớ kỹ, phải tích cực tu tập!
Bởi vậy mới nói chúng ta đời đời kiếp kiếp bị tham dục tàn hại khổ sở thê thảm phi thường. Nếu trong một đời này vẫn chẳng thể bỏ lìa nó thì chuyện cầu sanh Tịnh Độ trong tương lai của chúng ta nhất địnhgặp chướng ngại. Người nào muốn thành tựu thật sự thì đối với bất cứ pháp xuất thế hay pháp thế giannào cũng đều phải quyết định chẳng có tâm tham. “Thiểu dục tri túc”, bớt đi dục vọng, thường giữ cái tâm biết đủ. Người sống trong thế gian ăn được no, mặc được ấm, có được một căn nhà nhỏ để che mưa đụt nắng là đủ quá rồi. Phật pháp có vô lượng vô biên pháp môn, nhưng ta chỉ cần chọn lấy một pháp môn, trong hết thảy kinh điển ta chỉ cần học theo một bộ kinh điển, đó gọi là “thiểu dục”. Liên Trìđại sư về già, hoàn toàn buông bỏ các kinh điển, chỉ còn giữ lại mỗi kinh Di Đà, một câu Phật hiệu, các thứ khác đều chẳng cần đến nữa. Như vậy mới là hành thiểu dục tri túc rất viên mãn. Nếu đối với rất nhiều pháp môn, kinh điển, Đông cũng muốn học, Tây cũng toan học thì càng học càng khổ, lại cũng chẳng dễ gì thành công!
Tôi lại thưa cùng quý vị đồng tu để mọi người có tâm quyết định, tôi chứng minh cho mọi người thấy. Chúng ta thường nghe trong nhà Phật nói: “Một kinh thông suốt, hết thảy kinh thông suốt”. Câu nói này ngàn vạn phần đúng đắn, tuyệt đối chẳng hư giả, mãi đến năm nay tôi mới chứng nhập được cảnh giớinày. Trước kia, chẳng cần biết giảng kinh tại đâu, tự mình phải mang theo bộ kinh, trong đó có những câu mình ghi chú. Năm nay những kinh có những lời ghi chú đó tôi không cần dùng đến nữa. Bởi thế, quý vị mời tôi giảng kinh, cứ tùy tiện lấy một bản kinh nào trong Đại Tạng ra, tôi cũng đều có thể giảng giải cho mọi người, chẳng cần phải chuẩn bị trước. Điều này xác chứng lời cổ nhân nói “một kinh thông suốt, hết thảy kinh thông suốt” ngàn vạn phần xác đáng. Nếu muốn học thật nhiều kinh điển thì do vì quá phiền phức, quá hỗn tạp, chỉ e cả một đời này một kinh cũng chẳng thể thông, sao không tập trung tinh lực để thâm nhập một môn vậy? Cổ Thánh Tiên Hiền nói chẳng sai chút nào: “Chẳng nên tham dục”.
Thứ hai là “nóng giận”. Sân khuể là nói về nghịch cảnh, tức là những tình huống chẳng như ý. Việc đờicũng tốt, hoàn cảnh cũng tốt, nhưng gặp sự chẳng hoan hỷ, chẳng vừa ý, trong tâm bèn chẳng hứng thú. Sân khuể chẳng những chướng ngại Từ Nhẫn (từ bi, nhẫn nhục) trong tánh đức viên mãn mà còn là nghiệp nhân của đường địa ngục đấy. Tham dục là nghiệp nhân của ngạ quỷ đạo. Bỏ lìa được tham dục, thì những sự bố thí cúng dường, trì giới đại viên mãn trong bản tánh đều hiện tiền. Nếu chẳng thể bỏ được thì chẳng những Tánh Đức chẳng thể hiện tiền, mà còn phải đi làm ngạ quỷ trong ngạ quỷ đạonữa! Quả báo sai khác quá lớn, không những là cách biệt như trời với đất mà còn là không có cách nào để so sánh được. Đoạn trừ tham, sân thì Từ Bi, Nhẫn Nhục nơi Tánh Đức đại viên mãn sẽ tự nhiên lưu lộ hiện tiền, chẳng đến nỗi lại phải đọa trong Tam Đồ, lại phải đọa trong ác đạo.
Thứ ba là “thùy miên”. Thùy miên là biếng nhác. Ham ngủ thì tinh thần không lên nổi, ta thường nói là “ý thức hôn trầm”, tinh thần không thể phấn chấn, tác dụng của năm căn: mắt, tai, mũi, lưỡi và thân tự nhiên suy thoái, mắt chẳng thấy được xa, tai cũng chẳng nghe được xa, chướng ngại sự tinh tấn đại viên mãn nơi Tánh Đức. Chúng ta còn trong địa vị phàm phu, chẳng thể không ngủ được, giấc ngủ cũng quan trọng như ăn uống vậy. Ăn một bữa không no vẫn chẳng quan trọng lắm, nhưng nếu ngủ một giấc không ngon, tinh thần dã dượi, không cách nào làm việc được. Bởi thế, phải ngủ cho ngon, nhưng đừng có ngủ nhiều quá.
Làm thế nào để lìa bỏ ngủ nghỉ? Nói thật ra, người tu hành do công phu chưa đắc lực, chưa đạt tới pháp hỷ, bèn giải đãi, biếng nhác nên mắc phải chướng ngại này. Người đời thường nói: “Nhân phùng hỷ sự tinh thần sảng” (người gặp chuyện vui, tinh thần sảng khoái). Nếu gặp phải chuyện cao hứng, ngủ nghỉ đều quên tuốt, chẳng phải là chuyện không thể xảy ra. Chúng ta học Phật, niệm Phật tu hànhchẳng đạt được pháp hỷ, cảm thấy tu hành đau khổ quá, càng tu càng khổ sở, càng cảm thấy đau khổ, buồn phiền, sẽ nhất định phải đọa lạc. Vì sao lại có hiện tượng này? Tôi vừa mới nói đấy thôi: Chưa đạt được pháp hỷ! Nguyên nhân là dùng công phu chẳng đúng pháp, chẳng đắc lực, là do đạo lý này!
Lấy chuyện niệm Phật mà nói, công phu niệm Phật phải đắc lực, càng niệm càng hoan hỷ. Nếu như đang cảm thấy rất mệt mỏi, niệm mấy tiếng Phật hiệu, tinh thần bèn hăng hái lên, đó là vì có “nghĩa vị”.Nghĩa là nghĩa lý, Vị là pháp vị. Đạt được pháp vị, nghĩa lý chính là chất dinh dưỡng tối cao. Khi cúng Phật, ta thường chú nguyện “thiền duyệt vi thực” (thiền duyệt làm thức ăn). Thiền Duyệt là pháp hỷ đạt được trong Thiền Định, đây chính là phần dưỡng chất tốt nhất; tâm thanh tịnh lại là chất dinh dưỡng càng bổ hơn nữa. Đạt được chất dinh dưỡng này sẽ chẳng cần đến thứ gì khác nữa cả, tinh thần mọi người sung mãn, thể lực dồi dào.
Nói đúng ra, người học Phật phải học sao cho mỗi năm tinh thần một tốt hơn, mỗi năm một cường tránghơn. Học Phật như thế công phu vừa đắc lực vừa đúng pháp, mới đạt được lợi ích thù thắng nơi Phật pháp. Nếu chẳng đạt được lợi ích trước mắt nào, cứ mong tương lai sẽ đạt được quả báo tốt, thật khó khiến cho người khác tin tưởng được! Trong Phật pháp có nói đến hoa báo và quả báo. Những điều ta đạt được ngay trước mắt là hoa báo, những điều đạt được trong tương lai là quả báo. Hoa nở không tốt, làm sao kết quả tốt cho được? Học Phật phải cầu như lý như pháp, đấy chính là yêu cầu tối trọng yếu trước hết.
Bộ kinh này do đức Phật khi còn tại thế giảng cho những người xuất gia. Người xuất gia ngủ bốn giờ, nhằm lúc trung dạ. Ở Ấn Độ thời gian được chia thành ba thời ban ngày, ba thời ban đêm, một ngày ở Ấn Độ thời cổ là sáu thời. Trung dạ là từ mười giờ đêm đến hai giờ sáng, đó là thời gian để người xuất gia ngủ nghỉ, hai giờ sáng thức dậy tụng khóa sáng, một ngày chỉ ngủ bốn tiếng đồng hồ. Hiện tại, chúng ta nghiệp chướng nặng nề, người Tây Dương đề xướng ngủ tám tiếng. Ngủ hơn tám tiếng là chẳng như pháp! Nếu có thể giảm bớt một, hai tiếng, tôi cho rằng ngủ sáu tiếng là được lắm rồi. Một phần quang âm là một phần thọ mạng đấy nhé! Thế gian thường nói: “Một tấc quang âm, một tấc vàng”.Quang âm trọng yếu như thế đó, cho nên phải gìn giữ quang âm quý báu, nỗ lực tu hành.
Thứ tư là trạo hối (lao chao, hối hận): Nói đến Trạo và Hối là nói đến hai sự việc. Trạo là như ta thường nói “trạo cử”, tức là tâm chẳng yên, trong tâm vọmg tưởng quá nhiều, giống như cái guồng kéo nước, bảy cái gầu này đi lên thì tám cái gầu kia đi xuống. Hai hiện tượng này là hai chướng ngại cho việc tọa thiền. Người niệm Phật chúng ta khi đả thất, lúc chỉ tịnh chướng ngại sẽ phát hiện: trong lúc chỉ tịnh, ngồi giữa đại chúng, tâm lý bảy lên tám xuống, liền bị buồn ngủ (hôn trầm). Trong tâm không trấn định được, vọng niệm tơi bời, đó là “trạo cử”. Hối là “hối quá”. Hối hận vốn là việc tốt; nếu về sau hối hậnnhững lầm lỗi trong quá khứ thì là chuyện tốt, nhưng nếu làm những việc tốt mà sau này cũng hối hậnthì chẳng còn tốt nữa rồi. Huống chi Phật dạy chúng ta chẳng nên “hậu hối” (về sau hối hận). Bởi lẽ, chúng ta muốn tiêu trừ tội nghiệp mà cứ mỗi lần nghĩ đến tội nghiệp đó, ý nghiệp lại tạo thêm tội nghiệpđó một lần nữa, làm sao tiêu sạch được nghiệp đây?
Phàm là những bạn đồng tu học Phật, bất luận là sơ học hay người tu hành đã lâu, hoàn toàn chẳng có gì khác ngoài việc cầu tiêu tội chướng nghiệp, tiêu tai khỏi nạn, vấn đề này xem ra rất nghiêm trọng. Nói chung là phải nghĩ tưởng: “Mình có rất nhiều nghiệp chướng, mình phải nghĩ cách tiêu trừ”. Nguyện vọng này rất tốt, nhưng thường làm sai (phương pháp chưa đúng), chẳng tiêu nghiệp chướng được! Có lúc áp dụng lầm, chẳng những nghiệp chướng không tiêu, có khi lại còn tăng thêm nghiệp chướng, nguyên nhân là vì “ngu si, mê hoặc”, chưa theo đúng chánh pháp. Thật ra, hết thảy kinh pháp đều là vì tiêu nghiệp chướng, nhưng nếu nghiệp chướng quá nặng thì tất cả hết thảy kinh pháp đều mất tác dụngchẳng thể tiêu trừ tội nghiệp, nhưng vẫn còn cách riêng để tiêu trừ được.
Trong quá khứ, dưới đời Càn Long có một vị pháp sư tên là Từ Vân Quán Đảnh, vị pháp sư này rất nổi danh trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Ngài để lại cho chúng ta rất nhiều thứ. Ngài từng nói: “Hết thảy tội nghiệp chẳng thể tiêu sạch được, tối hậu, chỉ có niệm A Di Đà Phật mới có thể thật sự tiêu tai”. Câu này Ngài viết trong sách Quán Kinh Trực Chỉ là sách chú giải kinh Quán Vô Lượng Thọ. Do đây, chúng ta mới thật sự thấy là một câu Phật hiệu công đức chẳng thể nghĩ bàn, nhưng người biết đạo ít quá. Mấy năm gần đây, tôi giảng kinh Vô Lượng Thọ, ngẫu nhiên cũng đọc cuốn Chú Giải của lão cư sĩHoàng Niệm Tổ, bản chú giải của cụ rất hay, là một bộ đại từ điển về kinh Vô Lượng Thọ, những lời giải thích trong đó có thể nói đều là những lời của các vị tổ sư đại đức Trung Hoa, ngoại quốc xưa nay. Trong tác phẩm ấy, cụ cũng trích dẫn lời các vị cao tăng đại đức thời Tùy, Đường, quan sát toàn bộ Phật giáo, cụ rút ra kết luận:
Trong một đời Phật Thích Ca Mâu Ni, đem so sánh hết thảy pháp Phật đã nói trong bốn mươi chín năm thì bộ kinh nào bậc nhất? Mọi người công nhận kinh Hoa Nghiêm bậc nhất. Lại nói nếu so sánh kinh Hoa Nghiêm và kinh Vô Lượng Thọ thì mọi người thừa nhận kinh Vô Lượng Thọ bậc nhất, kinh Vô Lượng Thọ vượt trỗi kinh Hoa Nghiêm. Vì sao kinh Vô Lượng Thọ là bậc nhất? Chỗ viên mãn tối hậucủa kinh Hoa Nghiêm là mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Nếu chẳng thể dẫn dắt quy hướng Cực Lạc, kinh Hoa Nghiêm sẽ chẳng viên mãn. Chỗ quy túc của kinh Hoa Nghiêm là như thế nên mới biết kinh Vô Lượng Thọ là bậc nhất.
Cổ nhân chỉ so sánh đến đó thôi, chứ nếu xét kỹ thêm, kinh Vô Lượng Thọ có bốn mươi tám phẩm, phẩm nào là bậc nhất? Đương nhiên phẩm thứ sáu là bậc nhất. Phẩm thứ sáu là bốn mươi tám nguyện, là căn bản để y cứ của Tịnh Tông, do chính đức A Di Đà Phật nói ra. Trong toàn bản kinh, phẩm này trọng yếu nhất. Trong bốn mươi tám nguyện, thì nguyện nào lại là nguyện bậc nhất? Đối với vấn đề này, cổ đức công khai thừa nhận nguyện thứ mười tám là bậc nhất. Nguyện thứ mười tám là “chấp trì danhhiệu”. Có so sánh như vậy mới hiểu ra bốn chữ A Di Đà Phật vốn là bậc nhất. Có vậy mới hiểu vì sao có kinh luận chẳng tiêu được tội nghiệp, diệt chẳng hết chướng ngại! Chỉ có một câu A Di Đà mới có thể tiêu, mới có thể diệt, đây cũng là điều chứng thực cho câu nói của ngài Từ Vân Quán Đảnh.
Nhất là trong thời đại Mạt Pháp này, con người tội chướng sâu nặng, chỉ có pháp môn Tịnh Độ mới có thể cứu được. Một câu A Di Đà Phật bao trùm vô lượng vô biên hết thảy pháp môn: Tông môn, Giáo hạ, Mật Tông thảy đều bao gồm trong ấy. Một câu Phật hiệu là pháp môn đại viên mãn, đại tổng trì; bởi thế, nó thật sự có hiệu quả. Người thọ trì chiếu theo pháp này, chết chặt một lòng, quyết định chẳng hoài nghi, chẳng xen tạp, chẳng gián đoạn, dụng công đắc lực thì ba tháng sẽ có thể thấy hiệu quả. Hiệu quảgì vậy? Nói theo cách bây giờ là “thể chất biến đổi”, lời
lẽ, hành vi, cử chỉ, thân thể, diện mạo thảy đều cải biến, nhanh thì ba tháng, chậm thì nửa năm ắt sẽ kiến hiệu.
Bởi thế mới nói là có thể giảm thiểu ngủ nghỉ. Cho rằng vì ngủ chẳng đủ nên thân thể không khỏe, chẳng phải là chuyện cường điệu quá ư? Nếu thật sự vì ngủ chẳng đủ mà thân thể cảm thấy không khỏe thì hãy mau đi khám bác sĩ, để xem có phải là sức khỏe có vấn đề hay chăng? Kinh dạy: “Hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh”. Con người vì sao già? Chính là vì ai nấy sợ già, lại còn ngày ngày nghĩ đến cái già, ngày ngày sợ bệnh nên lại nghĩ đến bệnh; bèn thật sự đổ bệnh. Sao chẳng nghĩ đến mạnh khỏe? Chẳng nghĩ đến cõi lòng thanh tịnh? Tổ sư đại đức có rất nhiều vị ngủ rất ít nhưng tinh thần rất sung mãn. Theo như kinh nói chư Phật, Bồ Tát, chư thiên đều chẳng cần ngủ, nhưng tinh thần rất sung mãn. Chúng ta chẳng thể học theo các Ngài không ngủ, nhưng đừng có quá tham ngủ, chúng ta phải thay đổi cái quan niệm đó, bởi lẽ “hết thảy pháp đều sanh từ tâm tưởng”.
Thứ năm là Nghi: Nghi là ngờ vực. Mối ngờ vực lớn nhất là hoài nghi lời Phật, Bồ Tát răn dạy, chẳng thể tin tưởng sâu xa, chẳng thể tin quyết định, nghi hoặc có thể gây chướng ngại cho trí huệ.
Tổng kết những điều vừa nói trên, đức Phật nói năm thứ chướng ngại:
a) Thứ nhất, tham dục chướng ngại sự bố thí, trì giới đại viên mãn của tự tánh. Do có tâm tham dục, nhất định chẳng có tâm bố thí; có ba độc Tham – Sân – Si, tâm địa chẳng thanh tịnh. Tâm chẳng thể thanh tịnh thì còn nói gì đến trì giới nữa đây?
b) Thứ hai, Sân Khuể chướng ngại từ bi, nhẫn nhục đại viên mãn nơi tự tánh.
c) Thứ ba, ngủ nghê chướng ngại tinh tấn đại viên mãn nơi tự tánh.
d) Thứ tư, Trạo Hối chướng ngại thiền định đại viên mãn của tự tánh.
e) Thứ năm, Nghi chướng ngại trí huệ đại viên mãn của tự tánh.
Chúng ta muốn viên mãn sáu Ba La Mật, nhưng nếu chẳng trừ khử năm thứ chướng ngại này sẽ chẳng thể làm được. Bởi thế, Phật dạy: “Phải nên trừ đoạn”. Chúng ta tu hành cũng phải khởi đầu từ chỗ này. Ngoài ra, còn có bảy điều chúng ta phải tu tập.
Chánh kinh:
Hà đẳng thất pháp? Nhất trạch pháp giác chi, nhị niệm giác chi, tam tinh tấn giác chi, tứ hỷ giác chi, ngũ khinh an giác chi, lục định giác chi, thất xả giác chi. Như thị thất pháp ưng đương tu tập.
(Những gì là bảy pháp? Một là trạch pháp giác chi, hai là niệm giác chi, ba là tinh tấn giác chi, bốn là hỷ giác chi, năm là khinh an giác chi, sáu là định giác chi, bảy là xả giác chi. Hãy nên tu tập bảy pháp nhưthế)
“Tu” là tu học. “Tập” là thực tập, tức là trong sanh hoạt thường ngày phải thường tu tập. [Bảy pháp nói trên] chính là Thất Bồ Đề Phần trong Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm, còn gọi là Thất Giác Chi. Ở đây, [ý nghĩacủa bảy pháp ấy] chẳng giống như ý nghĩa thường được giảng trong ba mươi bảy đạo phẩm, nên ý nghĩa của chúng viên mãn, rộng lớn phi thường.
Thứ nhất là Trạch Pháp. Trạch là “tuyển trạch” (chọn lựa), Pháp là pháp môn. Chúng ta học [Phật, trước hết phải nhận biết mục tiêu học Phật. Nếu vì mục đích làm cho thân tâm mạnh khỏe, gia đình mỹ mãn thì phải chọn lựa pháp môn nào để đạt được mục đích ấy. Thế nhưng, đối với pháp môn lại cần phảichú ý, có chọn được chánh pháp thì mới hòng đạt được mục đích, nếu chọn nhằm tà pháp sẽ chẳng thể đạt được. Đặc biệt là trong thời kỳ Mạt Pháp, kinh Lăng Nghiêm nói rất kỹ; trong thời đại này của chúng ta: “Tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”. Người hiện tại học Phật, quá nửa nhằm mục đích phát tài, cầu bình an. Bởi thế, có rất nhiều pháp sư, đại đức thừa cơ dạy dỗ pháp môn phát tài, kết quả phát tài biến thành phá tài, chẳng hề phát tài. Đấy thật sự là điên đảo. Lời tục thường nói: “Phá tài tiêu tai”, thế nhưng nay tài đã phá sạch rồi mà tai nạn vẫn chẳng tiêu nổi! Bởi thế mới nói “chọn lựa pháp môn tà hay chánh phải đặc biệt chú ý”.
Người học Phật thông thường cầu công đức lợi ích cho chính mình, nhưng mục tiêu khác xa nhau: Người mong được sanh lên trời, chẳng nguyện hưởng phước báo nhân gian, muốn hưởng thọ phước trời thì phải chuyên tu pháp môn sanh thiên. Trời có hai mươi tám tầng, mỗi một tầng đều có phương pháp tu học riêng. Có người có tầm nhìn xa hơn, nghĩ rằng dù có sanh lên trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng đi nữa, vẫn là chẳng thể thoát khỏi luân hồi. Phước trời hưởng hết, lại phải luân hồi, lại phải đọa lạc. Bởi thế, muốn tìm được pháp môn thoát khỏi tam giới.
Phàm hết thảy kinh điển Đại Thừa đều là những pháp môn dạy chúng ta siêu thoát tam giới, liễu sanh thoát tử. Dù pháp môn quyết định bình đẳng, đều có thể đạt đến mục tiêu và hiệu quả giống như nhau; nhưng vì căn tánh của chúng ta chẳng tương đồng, nếu pháp môn chẳng đúng với căn tánh, chúng ta tu học sẽ gặp khó khăn, chẳng thể thấy thành tựu ngay trong một đời này được. Bởi thế, phải chọn lựa pháp môn. Ngay trong một đời này, mấu chốt để tu hành thành hay bại là chọn lựa pháp môn thích hợphay không! Nếu muốn cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ thì chọn lấy pháp môn Tịnh Độ. Trong hiện tại, mỗi một pháp môn đều có tà – chánh, đều có giả – thật (có pháp chỉ được lợi ích một phần, có pháp được lợi ích viên mãn). Đây là điều phải chú ý, phải hiểu những phương pháp ấy.
Thứ hai, Niệm chỉ lúc dụng công, phải hiểu được cách điều hòa thân tâm. Tình trạng thân tâm của mỗi cá nhân khác biệt. Nếu gặp được thầy giáo cao minh, khác nào thầy thuốc chẩn bệnh bệnh nhân, biết ngay phải dùng phương pháp nào để điều dưỡng thân tâm khiến cho chúng ta thật sự được mạnh khỏe, cường tráng thì mới có vốn liếng để tu học. Nếu chúng ta chẳng có một tấm thân khỏe mạnh, muốn niệm Phật một ngày một đêm bèn chẳng có tinh thần, tuy bàn chuyện tu hành nhưng làm chẳng nổi. Nói nghiêm túc, tu hành phải cậy vào lúc tuổi trẻ, người trẻ tuổi mới có thể lực, đó là cái vốn liếng thời gian, tuổi cao thể lực suy, so với người trẻ tuổi khác biệt nhiều lắm. Bởi thế, phải trân quý quang âm.
Truyền nhân của lão cư sĩ Hạ Liên Cư (người hội tập năm bản dịch kinh Vô Lượng Thọ) là lão cư sĩHoàng Niệm Tổ thường răn nhắc hàng hậu học: “Hiện tại, đồng tu chân chánh tu hành chuộng tinh, chứ không chuộng nhiều”. Nếu chúng ta muốn thật sự thành tựu, phải luôn nhớ kỹ lời nói đó.
Thứ ba, Tinh Tấn. Ở đây, tôi đặc biệt nhắc nhở các đồng tu phải hiểu rõ hai chữ này. Tinh là “tinh thuần”,thuần nhưng chẳng tạp, Tấn là “tấn bộ”, tiến chứ không lùi. Hết thảy người học Phật chúng ta, ngày ngày cầu tiến lên, nhưng mọi người chẳng thật sự tinh tấn mà là “tạp tấn” bởi lẽ học rất nhiều, rất tạp, cho nên gọi là “tạp tấn”. Vì thế, công phu chẳng đắc lực, quang âm bị lãng phí sạch sành sanh, thật đáng tiếc! Nào biết đạo lý đức Phật đã giảng cho chúng ta – hai chữ “tinh tấn” – chính là bí quyết để thành công. Chư vị đồng tu phải nhớ kỹ, dù là pháp xuất thế gian hay thế gian, muốn thành tựu đều phải chuyên tinh. Chúng tôi thấy những đại khoa học gia Tây Phương cũng suốt một đời chuyên chú đổ sức nơi một khoa, bởi thế họ có thể đột phá, có phát minh, có phát hiện. Nếu như họ học rất tạp, rất nhiều, nhất định sẽ chẳng có thành tựu rất cao. Những ai có thể thành tựu quyền uy một đời không ai là chẳng chuyên chú đổ sức vào một khoa mục cả.
Chúng ta tu học Phật pháp, kinh luận rất nhiều, sau khi chọn lựa nhất định rồi, thì phải biết thâm nhậpmột môn. Trong lịch sử Trung Quốc, những bậc đại sư có thành tựu như ngài Thanh Lương đại sư suốt đời chuyên hoằng dương kinh Hoa Nghiêm. Cả đời Ngài giảng kinh Hoa Nghiêm năm mươi lần. Trong quá khứ tôi giảng kinh Hoa Nghiêm, giảng cả mười mấy năm chỉ giảng được một nửa. Nếu căn cứ theotừng giờ mà nói, một bộ kinh Hoa Nghiêm tám mươi quyển phải giảng ba ngàn giờ. Nếu mỗi ngày giảng tám giờ thì một năm có thể giảng xong bộ kinh này. Giảng kinh như thế, thật sự mỗi ngày phải giảng tám tiếng. Giảng kinh ở tự viện phải theo lịch trình sau: trước giờ Ngọ giảng bốn tiếng, sau giờ Ngọ giảng bốn tiếng nữa, một năm xong một bộ, năm mươi năm được năm mươi bộ. Đại sư Thanh Lương rất thọ, sống hơn một trăm tuổi, nói chung là công đức “chuyên hoằng” vậy.
Học trò của Thanh Lương đại sư là đại sư Tông Mật, theo ngài Thanh Lương đại sư học kinh Hoa Nghiêm; nhưng Ngài nhận thấy bộ kinh này không khế hợp căn tánh mình, bèn đối trước Đại Tạng Kinhrút thử một cuốn, cầu Phật, Bồ Tát chỉ dẫn cho mình. Kết quả Ngài rút ra được cuốn kinh Viên Giác, thế là Ngài trọn đời dốc công phu nơi kinh Viên Giác, dùng kinh Hoa Nghiêm để phát huy kinh Viên Giác. Ngài viết năm bản chú giải kinh Viên Giác: Viên Giác Kinh Đại Sớ, Lược Sớ, Đại Sớ Chi Sao, Lược Sớ Chi Sao… (2). Đến nay là cả ngàn năm sau, hậu nhân hễ nói đến việc chú giải kinh Viên Giác đều dùng những bản chú giải của đại sư Tông Mật. Quyền uy chân chánh là do chuyên tinh (3), chỉ có như vậy mới có thể thành tựu.
Lại như đại sư Liên Trì về già chỉ có kinh Di Đà, một câu A Di Đà Phật, nhưng Ngài chỉ niệm bốn chữ, không niệm sáu chữ. Trong tập Trúc Song Tùy Bút có đoạn chép:
Có người hỏi đại sư Liên Trì:
– Ngài dạy người niệm Phật thì dạy niệm cách nào?
Ngài đáp:
– Tôi dạy người đó niệm “nam mô A Di Đà Phật”.
– Còn chính Ngài thì niệm như thế nào?
– Tự tôi niệm bốn chữ A Di Đà Phật.
Người kia hỏi Ngài nguyên nhân, Ngài nói:
– Người khác chưa chắc chú tâm trong một đời này cầu sanh Tịnh Độ, nên thêm chữ Nam Mô có phần khách khí. Nam Mô là tiếng Ấn Độ, dịch sang tiếng Tàu có nghĩa là Quy Y, Lễ Kính, là lời nói khách khí, nhưng tôi tự mình đã phát nguyện ngay trong một đời này quyết định vãng sanh, nên tất cả những lời lẽ khách khí chẳng cần phải dùng đến nữa.
Kinh Di Đà dạy “chấp trì danh hiệu”. “Danh hiệu” là bốn chữ, bởi thế, tôi mới hiểu đại sư Liên Trì càng già càng thêm tinh tấn. Bởi vậy, Ngài mới có thành tựu thù thắng như thế.
Thứ tư, Hỷ Giác Chi. Hỷ là pháp hỷ, là lợi ích tối sơ của học Phật. Nó là trạng thái mình nhất định cảm thấy khinh an, tự tại. Bình thường chúng ta vì phiền não rất nặng, cho nên rõ ràng là thân thể rất nặng nề, thế nhưng nếu công phu đắc lực thân thể bèn khinh an (nhẹ nhàng, yên ổn). Phiền não càng ít, trí huệ bèn tăng trưởng, thân thể cũng nhẹ nhàng, thong dong, đi đường chẳng ngại mệt, đặc biệt là leo cầu thang, bước nhanh hơn người khác.
Trong quá khứ, thầy Lý Bỉnh Nam lập giảng đường Từ Quang ở Đài Trung, nóng lạnh gì cũng đi dạo, dẫn môn đệ đi lên núi. Lúc đó, thầy Lý đã hơn bảy mươi tuổi, môn đệ mới hai mươi mấy, lúc leo núi, thầy Lý là người thứ nhất lên đến đỉnh, học trò theo sau thở phì phò, chẳng được như thầy, nguyên nhân là thầy Lý thân thể nhẹ nhàng. Lúc đó, thân thể tôi cũng rất nhẹ, nên vẫn theo kịp được thầy, đó là “khinh an, pháp hỷ”. Chỉ cần tu được Hỷ Giác Chi, nhất định sẽ đạt được cảnh giới này.
Thế nhưng, phải nhớ kỹ, đạt được cảnh giới đó chẳng được sanh tâm hoan hỷ, đừng sanh tâm ngạo mạn, cho là mình có chút công phu, rất là phi thường đấy nhé. Phải đặc biệt chú ý, phải chân chánh giácngộ, chớ có điên đảo, đừng vì đó mà sanh phiền não, kẻo lại bị đọa lạc. Bởi vậy, điều thứ tư Hỷ Giác Chi và điều thứ năm Khinh An Giác Chi kết hợp với nhau.
Thứ sáu, Định Giác Chi. Giác là giác ngộ. Đạo tràng này của chúng ta gọi là Đại Giác đạo tràng. Kết hợp cả bảy Giác Chi mới gọi là Đại Giác viên mãn. Mỗi
một pháp môn đều gọi là Giác Chi, là một bộ phận của giác ngộ. Định là mấu chốt của việc tu hành. Trong Tam Học Giới – Định – Huệ, mục đích của Giới Học là Định. Nhân Giới đắc Định, nhân Định khai Huệ. Huệ là mục đích, là yêu cầu chân chánh của chúng ta. Huệ từ Định sanh ra, vì thế bảo Định là mấu chốt tu hành.
Nếu muốn đắc Định thì phải “thủ pháp”, tức là tuân thủ quy củ của người thế gian. Người thủ pháp tâm bèn an định, quyết định chẳng phạm pháp, chẳng làm chuyện khiến tâm áy náy; còn kẻ chẳng giữ pháp, tâm chẳng an định, ngày ngày nghĩ đến chuyện xấu, làm cách nào để né tránh pháp luật, luật lệ, bởi thế thân tâm bất an. Tu học Phật pháp cũng chẳng ngoài nguyên lý này. Bởi thế mới nói học Phật nhất địnhphải tu Giới Học.
Thế nhưng, có rất nhiều người trì giới rất tốt, nhưng không đạt được Định. Truy tầm nguyên nhân, hóa ra trong Giới Học có lầm lỗi. Chẳng hạn như: Thấy người khác chẳng trì giới, bèn rất phiền não, trong tâm chẳng vui sướng. Thấy có người khác phá giới cũng rất phiền não, hoặc là tự cho mình tu trì giỏi hơn người khác nhiều lắm, nhân thế sanh khởi những tâm thị phi, nhân ngã, ngạo nghễ ngã mạn, nên chẳng đắc Định.
Nói về công phu tu Định, Lục Tổ đại sư đã giảng rất hay, bởi lẽ trong sự tu học của nhà Thiền, Thiền Định là mục tiêu tu hành chủ yếu. Lục Tổ răn dạy hàng hậu học: “Nếu ai thật tu đạo, chẳng thấy lỗi thế gian”. Trì giới như vậy mới hòng đắc Định; bởi lẽ chẳng thấy lỗi của người đời, toàn thấy lỗi của chính mình, thì người tu hành như thế mới đạt được công năng tu Định. Nếu cho rằng mình không có lầm lỗi gì, chuyện gì cũng như pháp, toàn là y giáo phụng hành, thấy hành vi cử chỉ nào của người khác cũng là lầm lỗi cả; con người như vậy làm sao đạt được công phu tu Định chân chánh cơ chứ? Tu giới luậtkiểu đó chỉ là phước báo trời người, còn nếu như nhân duyên trời người cũng chẳng tu cho tốt thì chỉ được phước báo trong ác đạo. Giống như những con vật nuôi ở nước Mỹ rất sung sướng, những con chó, mèo người ta nuôi thật là có phước báo, không điều nhỏ nhặt nào là chẳng được quan tâm đến, chết đi còn được xây mộ, thường đến cắm hoa trên mộ nữa đấy!
Ngoài ra, trong đường ngạ quỷ cũng có phước báo. Hãy coi những loài quỷ vương như sơn thần, thổ địa thần, tại Đài Loan có Ngũ Phủ Thiên Tuế, Vương Gia Công v.v… đều là những quỷ thần có phước báo. Được nhiều người đến tế lễ, cúng dường, van vái, đó chính là phước báo trong quỷ đạo. Bởi vậy, chúng ta phải biết tu Định như thế nào thì mới có thể đạt được Chánh Định.
Người niệm Phật đắc định là Niệm Phật Tam-muội, kinh Di Đà gọi là “nhất tâm bất loạn”. Chừng như Niệm Phật Tam-muội được các bậc cổ đức cùng thừa nhận là vua trong các tam-muội, nên nghe nói vậy, chẳng thể không sanh tâm ngờ vực. Đó là vì chúng ta tu pháp môn Tịnh Độ, phải hiểu đây là pháp môn bậc nhất trong thời kỳ Mạt Pháp, là pháp môn thù thắng khôn sánh. Chỉ cần nhất tâm niệm Phật, sẽ đắc Niệm Phật Tam-muội, đương nhiên là vua trong các tam-muội. Ngay trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn cũng tán thán A Di Đà Phật là “quang minh tôn quý nhất, vua của chư Phật”. Bởi vậy, Niệm Phật Tam-muội thật sự chẳng thể nghĩ bàn.
Phải làm thế nào để đắc Niệm Phật Tam-muội? Trong Niệm Phật Đường, vị hòa thượng chủ thất thường có một câu Khẩu Đầu Thiền: “Buông xuống vạn duyên, đề khởi chánh niệm”. “Chánh niệm” là một câu Phật hiệu. Nói cách khác, buông thân tâm, thế giới xuống, cái gì cũng chẳng nghĩ đến nữa. Nay là thời kỳ Mạt Pháp, đối với chúng ta chỉ có một câu A Di Đà Phật là trọng yếu nhất. Ngoài ra, chẳng cần đến cái gì khác nữa, hết thảy thị phi nhân ngã thế gian chẳng liên can gì đến ta. Hết thảy phân biệt, chấp trước, ưu lự, vướng mắc trong tâm đều buông xuống hết, tự nhiên đạt được Niệm Phật Tam-muội.
Thế nhưng nhất định phải tu học thì mới có thể đạt được đại tự tại, đại khinh an, đại pháp hỷ. Trừ Niệm Phật Tam-muội ra, các thứ thiền định tam-muội đều chẳng dễ gì đạt được. Chính Đàm Hư Đại Sư trong lần khai thị tại kỳ đả Phật thất ở Hương Cảng đã cho biết suốt cả đời Ngài, Ngài đã từng gặp những người học Thiền đắc định, nhưng bậc đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, Ngài chưa từng gặp một ai. Đạt được Thiền Định chẳng dễ dàng gì, chẳng hạn như khoanh chân ngồi nhìn vào vách nhập Định một tuần lễ, hai tuần lễ, thậm chí cả mấy tháng không xuất định, công phu tương đương như thế rất sâu, nhưng tương lai họ sẽ đi về đâu? Lão pháp sư nói sẽ thuộc về các cõi trời Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền thuộc Sắc Giới.
Trời Sắc Giới vẫn là trong tam giới, vẫn chẳng thoát khỏi lục đạo luân hồi. Trời Sơ Thiền là Sắc Giới, chẳng phải là Dục Giới. Ở phần trên, đức Phật đã giảng về “ngũ cái chướng”, đó cũng chính là Ngũ Dục(tài, sắc, danh, thực, thùy). Đối với Ngũ Dục chẳng động niệm mới có thể sanh về trời Sắc Giới. Nếu như có công phu Thiền Định, có thể ngồi thiền mấy tuần lễ, mấy tháng, nhưng vẫn còn có ý niệm Ngũ Dục chưa đoạn trừ sạch thì kết quả tương lai vẫn là trời Dục Giới, không lên được trời Sắc Giới. Bốn tầng trời phía trên Dục Giới đều đòi hỏi phải có công phu Thiền Định. Chỉ cậy vào Ngũ Giới, Thập Thiệnthì chỉ đến được trời Đao Lợi (tầng thứ hai của Dục Giới). Lên trên nữa là trời Dạ Ma, trời Đâu Suất, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại, bốn tầng trời này đều phải có công phu Thiền Định. Bởi thế mới nói, dù có Thiền Định, nhưng chưa đoạn trừ Ngũ Dục thì vẫn thuộc trong cảnh giới Ngũ Dục. Do đây biết rằng: muốn đắc Thiền Định có nhiều khó khăn như thế.
Chúng ta hãy lắng lòng suy nghĩ: mình có năng lực để tu được pháp môn Thiền Định hay không? Ngũ Dục bày ra trước mắt, mình có thật sự chẳng thể động tâm hay là không? Nếu làm chưa được, thì phải mau quay đầu niệm A Di Đà Phật. Phải hiểu rõ pháp môn Niệm Phật đới nghiệp vãng sanh là pháp mônmình thật sự có thể tu học được, có thể nương cậy được, là pháp môn có thể thật sự thành tựu ngay trong một đời này. Thời kỳ Mạt Pháp chọn lấy pháp môn Tịnh Độ là thích đáng nhất.
Về tam-muội thì có vô lượng tam-muội, tam-muội tức là Thiền Định. Đã nói có vô lượng tam-muội thì nhất định phải có vô lượng Thiền Định. Tu học quý tại thâm nhập một môn, chọn lựa lấy một môn để tinh tấn thì mới có thể thành tựu được.
Thứ bảy, Xả Giác Chi. Xả là buông bỏ, Pháp thế gian phải bỏ đã đành, mà pháp xuất thế gian cũng phải bỏ luôn. Bản thân chúng ta tu học đạt được cảnh giới nào cũng phải bỏ, đạt được những pháp hỷ, khinh an đều phải bỏ sạch hết. Nếu chẳng bỏ được, sẽ dễ dàng sanh khởi tham ái và chấp trước. Cũng giống như ta lên một tòa lầu cao, lên đến tầng thứ hai phải bỏ tầng thứ nhất, thì mới lên được tầng thứ ba. Lên mỗi một tầng lầu, phải bỏ tầng lầu trước đi thì mới có thể tiếp tục lên cao hơn. Xả có nghĩa như vậy đó. Nếu Đẳng Giác Bồ Tát chẳng bỏ được những cảnh giới Ngài đã chứng nhập sẽ chẳng thể viên mãnthành Phật. Bởi thế, đức Phật mới nói “xả đắc”, mỗi mỗi đều bỏ hết thì mới có thể “đắc”.
Chúng ta niệm Phật, niệm đến công phu thành phiến, sẽ quyết định vãng sanh. “Công phu thành phiến”là mức độ nông cạn nhất của Niệm Phật tam-muội. Nếu như chúng ta đem Niệm Phật tam-muội chia thành chín phẩm để luận thì hạ hạ phẩm Niệm Phật tam-muội nhất định vãng sanh. Công phu tăng thêm chút nữa thì bèn được vãng sanh tự tại, có thể liễu sanh tử, đó là điều nhà Phật gọi là “sanh tử tự tại”.
Tây Phương Cực Lạc thế giới có bốn cõi. Phàm Thánh Đồng Cư Độ là cõi thấp nhất trong bốn cõi của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Mỗi một cõi đều có chín phẩm, ba phẩm hạ đã vãng sanh tự tại, đấy cũng là điều mỗi cá nhân chúng ta đều có thể tu được. Nếu lại nghĩ lên cao hơn thì có Phương Tiện Độ, Thật Báo Độ, Thường Tịch Quang Độ. Nói thật ra, ba cõi này chúng ta chưa chắc có năng lực để sanh về. Dù cho ngay trong một đời chưa chắc có thể vãng sanh thành công trong ba cõi trên được, nhưng [sanh về] cõi Phàm Thánh Đồng Cư Độ, tuyệt đối chúng ta có năng lực thực hiện được.
Trước đây, thầy Lý ở Đài Trung từng dạy học trò: “Sanh tử tự tại tôi có thể làm được, các vị cũng có thể làm được”. Ngài tự thị hiện để thuyết pháp, chứng minh cho chúng ta thấy, chứng minh những lời Phật dạy chúng ta trong kinh câu nào cũng chân thật, tuyệt đối chẳng giả dối. Nhưng vấn đề là chính chúng ta có ‘buông xuống vạn duyên’ được hay không? Ai có thể bỏ được, người ấy sẽ làm được. Quyền làm được hay không làm được hoàn toàn nằm trong tay mình, chẳng phải trong tay ai khác hoặc trong tay Phật, Bồ Tát. Càng bỏ sạch được thì càng hay, càng bỏ sạch sẽ càng chuyên, càng tinh, cơ hội thành công càng lớn.
Đối với pháp môn tu học, sau khi chọn lựa xong rồi, tuyệt đối về sau chẳng hối hận. Chọn lựa pháp môn Niệm Phật là quyết định chọn một câu A Di Đà Phật, tuyệt đối chẳng cần đến pháp môn nào khác nữa. Giả sử có ai bảo quý vị: “Còn có một pháp môn hay hơn pháp môn này, thành tựu còn lớn lao hơn”. Ngay lúc đó, quý vị hạ quyết tâm bảo họ: “Tôi đã quyết định chọn pháp môn này, các pháp môn khác dù có hay hơn, tôi cũng chẳng màng”. Phải có tín tâm và quyết tâm như thế mới hòng quyết định thành công.
Thông thường khi mình nói đến “tu hành”, tức là sửa đổi những hành vi sai trái. Trong quá khứ chúng tachẳng chọn lựa, hiện tại chúng ta học cách chọn lựa, đó là “trạch pháp”. Tiến hơn nữa là theo đúng giáo pháp sửa đổi những cách nghĩ, cách nhìn, cách làm sai lầm, đó gọi là Tu. Từ rày về sau cứ chiếu theo những cách nghĩ, cách nhìn, cách làm chánh xác mà thực hành thì gọi là Hành. Đọc tụng kinh điển Đại Thừa là yêu cầu trọng yếu đối với người học sơ cơ; bởi lẽ chúng ta không biết những căn bệnh nơi thân mình, có đọc kinh Phật mới phát hiện những lầm lạc của bản thân, đó là khai ngộ, Có thể hiểu ra những chứng bệnh, những lầm lỗi nơi thân mình mới gọi là “chân khai ngộ”. Đó mới là Phật tử chân chánh. “Biết sai liền sửa”, “sửa” là sửa đổi hành vi cho đúng. Sau khi đã sửa đúng bèn gìn giữ chẳng tái phạmlầm lỗi nữa, đó gọi là “tu tập”. “Tu tập” và “tu trì” ý nghĩa hoàn toàn tương đồng. Trên đây là đức Phậtđem phương pháp tu tâm thanh tịnh dạy toàn bộ cho chúng ta.
Chánh kinh:
Chư tỳ-kheo! Sở ngôn thanh tịnh tâm giả đương tri tức thị tâm giải thoát tăng ngữ, huệ giải thoáttăng ngữ.
(Này các tỳ-kheo! Nên biết tâm thanh tịnh vừa nói đó chính là nói tâm giải thoát tăng trưởng, huệ giải thoát tăng trưởng).
Trong đoạn kinh này, đức Phật dạy chúng ta: Thế nào là “tâm thanh tịnh”? Hai câu này dùng những lời đơn giản nhất, thiển cận nhất để giải thích. “Thanh tịnh tâm’” tức là tâm được giải thoát. Tâm giải thoátthì huệ cũng sẽ giải thoát. Vậy thì cái tâm này giải thoát như thế nào? Giải thoát là cách nói hình dung, tỷ dụ. Chẳng hạn như một người bị dây rợ trói chặt, chẳng tự tại, chẳng tự do, giờ đây có ai tháo gỡcho, ngay lập tức bèn tự tại. Hiện thời tâm chúng ta chẳng tự tại, rất giống như người bị dây thừng trói chặt. Những dây thừng đó chính là vọng tưởng, phiền não, ưu lự, vướng mắc, trói buộc tâm ta chẳng được tự tại, mà Huệ chính là tác dụng của Tâm. Tâm chẳng tự tại, bèn chẳng có Huệ; tâm được tự tại, Huệ bèn hiện tiền.
Trong kinh Đại Thừa, đức Phật thường nói “ngũ trược ác thế”. Đích thực, trong xã hội hiện tại, có thể nói là trược ác đến mức cùng cực. Kinh Vô Lượng Thọ nói “kịch ác cực khổ” cũng là nói về tình cảnh của xã hội hiện tại. Trược là “ô nhiễm”. Nói thật ra, những điều tâm chúng ta tiếp xúc hiện tại là những thứ nhiễm trược nghiêm trọng nhất từ xưa đến nay. Tâm lý ô nhiễm, tinh thần ô nhiễm, tư tưởng ô nhiễm, kiến giải ô nhiễm, thậm chí thân thể, thức ăn cũng bị ô nhiễm. Thế giới này há còn lạc thú gì để nói nữa cơ chứ!
Hiện tại, ai cũng nói đến chuyện bảo vệ môi trường, nhưng nói đến môi trường là vĩnh viễn chẳng đạt được mục tiêu. Trong kinh đức Phật dạy: “Y báo chuyển theo chánh báo”. Hoàn cảnh là y báo, nhân tâmlà chánh báo. Nhân tâm chẳng thanh tịnh thì hoàn cảnh làm sao thanh tịnh được? Muốn cho hoàn cảnhthanh tịnh thì tâm phải cầu thanh tịnh trước đã! Nhưng tâm con người muốn đạt thanh tịnh thì phương pháp tối hiệu quả duy nhất là Phật pháp. Đích xác là Phật pháp có thể thanh tịnh thân tâm, khiến cho tâm chúng ta được giải thoát. Tâm thanh tịnh là tâm giải thoát, tâm thanh tịnh khởi tác dụng là trí huệchân thật.
Chánh kinh:
Do tham nhiễm ô, tâm bất thanh tịnh. Do vô minh nhiễm ô, huệ bất thanh tịnh.
(Do tham nhiễm ô, tâm chẳng thanh tịnh. Do vô minh nhiễm ô, huệ chẳng thanh tịnh)
Đoạn kinh văn này là “một lời phá rỗng toang”, nói toạc ra căn bệnh của chúng ta. Hiện tại, chúng ta nói đến bảo vệ môi trường, người thông minh nên biết bắt đầu từ đâu: Làm thế nào để những nhiễm ô tham nhiễm, vô minh trong cõi lòng bị trừ sạch? Muốn trừ khử những ô nhiễm đó, nhất định phải làm theo đúng những lời đức Phật đã dạy chúng ta ở phần trên: “Hãy nên đoạn trừ ngũ cái, hãy nên tu tập bảy pháp”, cụ thể vô cùng, câu nào cũng đều xác thực cả.
Chánh kinh:
Nhược chư tỳ-kheo đoạn trừ tham nhiễm, tức đắc tâm giải thoát; đoạn trừ vô minh tức đắc huệ giải thoát.
(Nếu các tỳ-kheo đoạn trừ tham nhiễm, tâm liền được giải thoát. Đoạn trừ vô minh, huệ liền được giải thoát).
Trong phần giảng về việc tu học bảy pháp ở trên, tôi đã giới thiệu, đề cao pháp môn Niệm Phật cùng các đồng tu, là vì niệm một câu Phật hiệu, không chỉ đoạn trừ năm thứ cái chướng, mà còn đồng thờiphá được vô minh. Lúc chuyên tâm niệm một câu Phật hiệu, năm thứ cái chướng đều chẳng hiện tiền, nhưng một câu Phật hiệu rành rành rẽ rẽ, minh minh bạch bạch, nên chẳng đọa vô minh. Bởi thế, danh hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn.
Chánh kinh:
Nhược chư tỳ-kheo ly tham nhiễm ô đắc tâm giải thoát giả, thị danh thân tác chứng.
(Nếu các tỳ-kheo lìa tham nhiễm ô, tâm được giải thoát thì gọi là “thân tác chứng”)
Thế nào là “thân tác chứng”? Thân tác chứng là mạnh khỏe, trường thọ, chẳng già, chẳng bệnh, chẳng cần phải uống thuốc, cũng chẳng phải tẩm bổ. Những thứ thuốc bổ, đồ bổ đó đều kèm theo nhiễm ô và tật bệnh. Chỉ có mỗi “thanh tịnh tâm” có dinh dưỡng cao nhất, có hiệu quả nhất. A Di Đà Phật là đồ bổ tốt nhất. Nếu có thể chân thành niệm Phật thì chính là ngày dùng đồ bổ. Trong mấy bài kệ ghi ở đầu cuốn Vô Lượng Thọ Kinh, lão cư sĩ Hạ Liên Cư có viết:
Phật thuyết nan tín chân nan tín,
Ức vạn trung nhân nhất nhị tri.
(Phật nói khó tin, thật khó tin,
Trong ức vạn người, một hai biết)
Đúng là chẳng sai một điểm nào! Pháp môn tốt đẹp như thế đó bày ra trước mặt mà không ai biết cả, thật là đáng tiếc! Hôm nay, tôi cũng trao cho quý vị đồ bổ, đồ dinh dưỡng tốt nhất là “thanh tịnh tâm”. Nếu như quý vị tâm thanh tịnh, thân thanh tịnh, thân tâm thanh tịnh làm sao còn suy lão, còn đổ bệnh được nữa? Bởi thế, tôi thường nói: “Pháp môn này là pháp môn không già, không bệnh, không chết”.Nói không chết tức là vì lúc vãng sanh, thấy A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, bèn theo chân Phật A Di Đà, tức là theo Ngài khi đang còn sống, chứ chẳng phải là chết rồi mới đi.
Năm trước ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, [tôi chứng kiến] chuyện vãng sanh của cư sĩ Châu Quảng Đại. Lần ấy tôi cũng đến Hoa Thịnh Đốn, gặp đúng lúc bèn trợ niệm cho ông ta. Những đồng tu tận mắt thấy ông ta vãng sanh bèn bảo tôi: “Châu cư sĩ mới niệm Phật ba ngày bèn được vãng sanh”. Bởi lẽ, trước đó ông ta không tin Phật, chỉ trước khi lâm chung ba ngày mới gặp được cư sĩ Cung Chấn Hoa khuyên niệm Phật. Lúc đó, ông ta nghe xong bèn tiếp nhận, kêu vợ và các con giúp ông ta niệm Phật cầu vãng sanh, chẳng cầu lành bệnh, đấy là thật sự giác ngộ. Ngoài ra, các đồng tu ở thủ đô cũng đến giúp ông ta niệm Phật. Niệm đến ngày thứ ba, thấy A Di Đà Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Châu cư sĩ nói Tam Thánh từ trên mây hạ xuống đón ông ta vãng sanh. Ông ta tỉnh táo, minh bạch ra đi. Bởi thế, mới nói vãng sanh là theo đi từ khi còn sống, chứ chẳng phải là chết rồi mới đi. Pháp môn bất tửnày gọi là “thân tác chứng”.
Chánh kinh:
Đoạn trừ vô minh, đắc huệ giải thoát giả, thị danh vô học.
(Đoạn trừ vô minh, huệ được giải thoát thì gọi là Vô Học).
Chữ “Vô Học” ở đây có nghĩa là chẳng còn gì để phải học tập nữa; trí huệ viên mãn, tốt nghiệp rồi, đây cũng là điều bên Giáo gọi là “đại khai viên giải”. Trong pháp Tiểu Thừa, bậc Vô Học Tiểu Thừa là A La Hán. Trong pháp Đại Thừa, bậc Vô Học là Pháp Vân Địa Bồ Tát. Thập Địa Bồ Tát gọi là Vô Học. Đây là nói về quả báo, tu nhân chứng quả.
Chánh kinh:
Vĩnh ly tham ái, liễu tri chân thật chánh tri.
(Vĩnh viễn lìa tham ái, hiểu rõ chánh tri chân thật).
Câu kinh này rất trọng yếu. “Chánh tri” là Phật tri, Phật kiến; kinh Pháp Hoa nói “nhập Phật tri kiến” thì tri kiến đó là chánh tri chánh kiến. Chúng ta phải biết rằng: Tham ái là căn nguyên chướng ngại chánh tri chánh kiến; lìa khỏi tham ái thì chánh tri chánh kiến bèn được hiện tiền.
Chánh kinh:
Hiện tiền thủ chứng tự quả, tận khổ biên tế.
(Hiện tiền chứng lấy tự quả, hết bờ mé khổ).
“Hiện tiền” là chẳng phải đợi đến đời sau, chứng quả ngay trong đời này, chứng được quả viên mãn. Đây chính là điều chúng tôi thường nói: “Phá một phần vô minh, chứng được một phần Pháp Thân”. “Khổ biên tế” là lục đạo luân hồi. “Tận khổ biên tế” là vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, chẳng còn lưu chuyểnsanh tử nữa, siêu thoát tam giới, thành Pháp Thân đại sĩ. Cuối cùng, đức Phật lại khuyến khích chúng ta:
Chánh kinh:
Chư tỳ-kheo! Như thị sở thuyết, nhữ đẳng ưng học.
(Này chư tỳ-kheo! Những điều vừa nói như thế, các ông hãy nên học).
“Như thị sở thuyết” là những điều đã giảng ở trên. Như lý như pháp, câu nào cũng đều chân thật chẳng dối, toàn thể Phật pháp là giảng về chân tướng của vũ trụ nhân sanh. “Vũ trụ” là hoàn cảnh sanh sống của chúng ta. “Nhân sanh” là chính mình. Hết thảy kinh điển đều nói về đạo lý chân tướng của hoàn cảnh và chính bản thân của chúng ta. “Các ông hãy nên học” là chúng ta phải học tập cho khéo vậy.
(1) Thanh Tịnh Tâm Kinh: Đây là kinh số 803, thuộc quyển 17 của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, phần Kinh Tập Bộ.
Ngài Thi Hộ (Danapala) không rõ năm sanh và năm mất, sang Trung Quốc dịch kinh vào đời Tống, vốn là người xứ Ưu Điền Na (Udyana), Bắc Ấn Độ. Năm 980 đời Bắc Tống, đại sư và Tam Tạng Thiên Tức Tai người xứ Ca Thấp Di La (Kashmir) đến Biện Kinh (nay thuộc huyện Khai Phong) trụ ở viện Dịch Kinhchùa Thái Bình Hưng Quốc, tận lực phiên dịch kinh điển. Ngài dịch được tất cả 115 bộ kinh, gồm 255 quyển. Trong đó đa phần là những kinh điển Mật Giáo như Nhất Thiết Như Lai Kim Cang Tam NghiệpTối Thượng Bí Mật Đại Giáo Vương. Có lẽ vì thế, tuy dịch phẩm của Ngài rất nhiều, nhưng tên tuổi của Ngài không được biết đến nhiều như các vị Cưu Ma La Thập, Nghĩa Tịnh, Huyền Trang…
(2) Đại Sớ là lối giải thích chi tiết, có thể dẫn dụng nhiều kinh khác nhau để minh họa, so sánh nhằm phát huy ý chỉ của bản kinh mình đang chú giải. Lược Sớ là lối giải thích kinh ít rườm rà, ít chi tiết hơn, chỉ chú trọng vào giải thích ý kinh là chính. Sớ là lời giải thích kinh văn, Sao là lời giải thích ý nghĩa lời Sớ.
(3) Ý nói: Do chuyên tinh nghiên cứu, ngài Tông Mật trở thành một tác gia có thẩm quyền nhất trong việc diễn giải kinh Viên Giác.
Discussion about this post